Tôi nhớ thủa xa xưa, hồi trận chiến Điện Biên Phủ đang xẩy ra khốc liệt, có hai bài ca thường văng vẳng trên radio Hà Nội, “Ai về Sông Tương” buồn xâu thẳm và “Dư Âm” tâm sự triềm miên quyến luyến của những cặp thanh niên đang thương yêu nhau. Trong bài ca “Dư Âm” có câu “Hẹn em từ muôn kiếp trước”, có những mẩu chuyện tình dang dở, hai người đành hứa “Hẹn nhau kiếp sau”, và vấn đề luân hồi chuyển kiếp xuất hiện trong tâm người Việt  khá thường xuyên. Có một câu chuyện vô thưởng vô phạt mang tư tưởng “kiếp trước, kiếp này” như sau. Có chàng vợ con đùm đề vẫn lén lút lang chạ với một phụ nữ khác. Vợ bắt gặp, chàng ôn tồn giải thích lý do :

-Em yêu, kiếp trước anh mắc nợ người ta, kiếp này anh mới gặp và phải trả nợ kiếp trước. Lâu lâu anh mới “trả” một lần, em thông cảm đừng buồn nhé. Chị vợ chẳng biết nói sao, thẫn thờ, suy nghĩ rồi nhỏ nhẹ nói với chồng :

-Anh yêu, kiếp trước hình như em cũng mắc nợ mấy người sao ấy, chưa kịp trả, hèn chi mà mấy người đó cứ theo em “đòi” hoài. Có lẽ em cũng phải “trả” mới xong. Chúng ta chấp nhận sự kiện này chăng ?

Luân hồi chuyển kiếp là giáo lý giúp người ta yên tâm. Theo giáo sư Phật học – Đại đức  Shravasti Dhammikã viết trong cuốn Good Question Good Answer, dịch giả Phạm Kim Khánh, đã luận về các kiếp người qua sự “tái sinh”.

Có nhiều cảnh giới khác nhau mà ta có thể tái sinh vào. Vài người tái sinh vào cảnh trời, người khác vào địa ngục, vài người khác tái sinh  vào cảnh giới ngạ quỷ v.v. Cảnh trời không phải là nơi chốn mà là trạng thái sinh tồn, chúng sinh trong đó có cơ thể vật chất tế nhị và tâm thường kinh nghiệm hạnh phúc thoải mái dễ chịu. Trong vài tôn giáo, người ta cố gắng tái sinh vào cảnh trời, lầm nghĩ rằng trạng thái ấy là vĩnh cửu trường tồn. Nhưng không phải vậy. Cũng như tất cả pháp hữu vi (tức các hiện tượng cần phải có gì khác tạo điều kiện mới hiện hữu), cảnh giới chư thiên cũng là vô thường, và khi tuổi thọ chấm dứt, cũng có thể tái sinh trở lại làm người. Địa ngục cũng vậy, không phải là nơi chốn mà là một trạng thái sinh tồn trong đó có cơ thể vật chất tế nhị và tâm thường kinh nghiệm lo âu, đau khổ, buồn phiền. Cảnh ngạ quỷ cũng là một trạng thái sinh tồn trong đó chúng sinh có cơ sở vật chất tế nhị và tâm lúc nào cũng bị lòng khao khát ham muốn và bất mãn khuấy động.

Như vậy, chúng sinh ở cảnh trời thường kinh nghiệm hạnh phúc, chúng sinh ở cảnh địa ngục hay cảnh ngạ quỷ thường kinh nghiệm đau khổ, còn chúng sinh ở cảnh người thường kinh nghiệm cả hai lẫn lộn. Điều khác biệt chính giữa cảnh người và cảnh giới khác nằm trong mức độ tế nhị của thân và phẩm chất của loại kinh nghiệm.

Lạ thật. “Kiếp” nào cũng sống với “trạng thái” và “kinh nghiệm” trong một giai đoạn thì còn lo chi. Cứ sống cho mình, thản nhiên phạm tội nếu chẳng ai biết, chui qua lỗ hổng của luật pháp, sống giầu có phè phỡn, rồi cũng chỉ sống với “trạng thái” và “kinh nghiệm” trong một giai đoạn thì quá rẻ, rồi cũng tái sinh làm người. Tái sinh làm người, vị giáo sư Đại đức này lại luận rất đặc biệt :

Khi ta chết, cái tâm và tất cả những khuynh hướng ưa thích, khả năng và tâm tính đã được tạo duyên và khai triển trong đời sống, tự cấu hợp lại trong buồng trứng sẵn sàng thụ thai…Hãy nghĩ tới làn sóng điện của máy thâu thanh. Làn sóng được phát ra từ đài phát thanh không phải là tiếng nói và âm nhạc, mà là năng lực ở nhiều tần số khác nhau, di chuyển trong không gian và được máy thu thanh thu vào và phát ra dưới hình thức tiếng nói và âm nhạc. Với tâm cũng vậy, lúc tâm chung, năng lực tinh thần lìa xác chết, di chuyển trong không gian, được buồng trứng sẵn sàng thụ thai hút vào. Khi bào thai sinh nở, năng lực ấy tập trung vào não và từ đó về sau “phát ra” dưới hình thức một cá thể mới”.

Lạ quá. Phiền một nỗi, nhỡ người trưởng thượng trong gia đình chết lại gặp ngay con cháu “sẵn sàng thụ thai hút vào” thì tính sao đây! Có ai thấy con mình có vài điểm giống ông nội, dám tin ông nội “lúc lâm chung, năng lực tinh thần lìa xác chết, di chuyển trong không gian, được buồng trứng sẵn sang thụ thai hút vào”, và khi sinh ra còn “mang dấu ấn tâm linh”. Chúng ta dám tin như vậy không ? Chẳng lẽ hiểu theo cách theo câu ca dao “thời mới của tân nhân loại” “sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Hoặc giả chúng ta tin người chết sau 49 ngày đi đầu thai chuyển kiếp, thì chuyện người Việt ta “thờ cúng” ông bà tổ tiên cho đến năm đời có ý nghĩa gì đây !!

Giáo lý, tư tưởng luân hồi chuyển kiếp giúp con người an tâm, không lo đời sống ngắn ngủi và tạm bợ trên trần để chuẩn bị  cho đời sống sau khi “qua đời”, bước vào cõi vĩnh cửu sắc sắc không không hay bị hình phạt.

Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời khẳng định : “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Đức Chúa Trời phán xét theo một định luật : “Ai tin Con (tin nhận Đức Chúa Jêsus là Cứu Chúa) thì được sự sống đời đời (được cứu rỗi); ai không chịu tin Con (từ chối Đức Chúa Jêsus là Cứu Chúa của mình), thì chẳng thấy sự sống đâu (không được cứu rỗi), nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó (bị đoán phạt).” (Giăng 3:36). Không hề có luân hồi chuyển kiếp.

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Chúng ta ai cũng phải qua đời, từ giã trần thế này để bước vào đời sau với phước hay họa đời đời. Chúng tôi những con cái Chúa đã được cứu rỗi bởi sự tin nhận  Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình đã được cứu rỗi, được sống trong tình yêu thương của Ngài, cùng tấm lòng ấm áp của anh chị em trong Chúa dành cho nhau, làm sao chúng tôi yên tâm khi thấy quý vị chưa tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình để được cứu rỗi. Vì cớ đó, người đang chia sẻ niềm tin cùng quý vị cố gắng giãi bầy “chân lý” để quý vị nhận định rõ ràng tình trạng chỉ có một đời sống trên trần thế và khi qua đời, quý vị được được hưởng phúc hạnh nơi “nhà Cha” (Giăng 14:2) hay đời đời chịu cực khổ nơi “hồ lửa” (Khải-huyền 20:15). Với tất cả chân tình của một con cái Chúa, ước mong quý vị quyết định ngay, để chúng ta có thể cùng được hưởng ơn cứu rỗi.

Giới thiệu thơ của thi sĩ Tường Lưu

Một con cái Chúa ở Hoa Kỳ

Cuối

Cuối con đường ta đi, không đường nữa,

Mà sẽ là đã đến đích hành trình !

Cuối ngọn dốc ta leo, không dốc nữa,

Mà sẽ là đỉnh chót với quang vinh !

         Cuối đêm tối mông lung, không đêm nữa,

         Mà sẽ là rực rỡ ánh trời soi !

         Cuối mùa đông lạnh lùng, không đông nữa,

         Mà sẽ là ấm áp của xuân tươi !

Cuối tuyệt vọng, không còn buồn chán nữa,

Mà sẽ là niềm hy vọng tuyệt vời !

Cuối giờ phút lìa đời, không chết nữa,

Mà sẽ là …. Vào sự sống đời đời !