Con người có sự sống ngay khi còn là cái bào thai trong lòng mẹ. Con người đang sống và suốt cả cuộc đời trên đất chúng ta “mưu sinh”, lo bảo vệ và duy trì cuộc sống của mình. Một tít tắc trước khi chết, con người vẫn sống. Như vậy, chỉ có cái chết mới làm con người hết sống. Khi hết sống thì đến lương y đại tài cũng chẳng thể “cải tử hoàn sinh”. Cha mẹ dẫu có thương đứa con hết sống bao nhiêu đi nữa cũng chẳng thể đem sự sống của mình chia sẻ cho con. Dẫu bậc đế vương muốn gì được nấy cũng vô phương kéo dài sự sống thêm một khoảng khắc.

Sự sống là gì nhỉ ? Nhà văn người Pháp đoạt giải Nobel văn học 1915 ông Roman Rolland đã viết : “Sự sống không phải là cái gì lý trí lạnh lẽo hay cái gì con mắt ta thấy được. Nhưng sự sống là cái gì chúng ta mơ tưởng”. Chưa có nhà khoa học nào giải nghĩa được sự sống. Người ta chỉ nhận biết sự sống, chứ chưa giải nghĩa được sự sống. Với nền khoa học tân tiến ngày nay, người ta có thể giải thích sự cấu tạo các vật thể, nhưng về sự sống thì bất khả thuyết minh.

Người ta có thể làm hạt giống nhân tạo đúng phẩm chất, hình thể và mầu sắc như một hạt giống. Đem phân tích và quan sát, chẳng có cách nào phân biệt hạt giống nào là hạt giống nhân tạo. Chỉ cần đem bỏ xuống đất vài ngày, hạt giống nào nẩy lên một cái mầm thì chắc chắn hạt giống đó không phải là hạt giống nhân tạo.

Trong một buổi triển lãm về điêu khắc, nhà điêu khắc đã mất ngủ ba ngày liền vì lời nói của nhà phê bình trứ danh khi ông ngắm pho tượng kiệt tác : Tiếc quá, chỉ còn thiếu một điều. Cuối cùng nhà điêu khắc tài ba xin gặp nhà phê bình để hỏi cho ra cái “thiếu một điều” của mình. Người nghệ sĩ ngẩn người khi nghe nhà phê bình trả lời : Chỉ còn thiếu sự sống thôi, thì thật trọn vẹn.

Sự sống làm sao tạo được ? Sự sống, ai cũng nhận thức được, nhưng không ai hiểu được. Đó là lẽ đương nhiên, vì sự sống không thuộc về trần giới, mà thuộc về linh giới. Sự sống không phát sinh từ vật chất, nhưng đến từ Thần Linh, tức từ Đức Chúa Trời Hằng Sống. Nên chỉ có Đức Chúa Trời mới đủ thẩm quyền giãi bầy cho chúng ta về sự sống.

Kinh Thánh cho chúng ta biết cội nguồn của sự sống, sự sống của con người có từ đâu. Sách Sáng-thế Ký cho chúng ta biết thể nào Đức Chúa Trời dựng nên loài người và ban cho loài người sự sống. Kinh Thánh ghi : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế ký 2:7). Sự sống là sự liên kết toàn bích giữa Đức Chúa Trời và con người.

Như vậy sự sống là sinh khí của Đức Chúa Trời. Sinh khí của Đức Chúa Trời truyền vào thân xác con người qua đường hô hấp – “lỗ mũi”. Vậy nên hết thở là hết sống. Con người còn thở là còn sống, là còn quan hệ đến Đức Chúa Trời hằng sống. Vì sự quan hệ đó mà mạng sống con người quý giá vô ngần.

Đến bệnh viện, chúng ta có thể nhìn thấy những người nằm hôn mê, bất động, hầu như vô tri giác, nếu không còn chút thoi thóp thở thì chúng ta có thể nghĩ ngay đó là cái xác chết. Dẫu vậy, chẳng ai dám chấm dứt cái “thoi thóp”, cái sống mỏng manh đó. Dẫu mỏng manh vẫn rất quý giá, một chút sống vẫn quan hệ đến Đức Chúa Trời hằng sống.

Sự sống quý giá như vậy mà sao vẫn có người “chán sống” dầu đang sống mạnh? Sự sống quý giá ngư vậy mà sao vẫn có người “không thiết sống”, dầu đang sống mà biết bao người thèm muốn, ao ước? Có cái gì trục trặc trong sự sống con người ?

Phải, sự sống của chúng ta không còn tinh ròng, nên sống không ra sống. Tại sao có tình trạng này? Khoa tâm lý học chỉ luận về thực trạng chớ không thể tìm ra căn nguyên, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết tại sao có tình trạng này. Sống với tình trạng “chán chết”, có nghĩa là “chết” trong sự sống.

Chúng ta gặp chữ “chết” đầu tiên trong Kinh Thánh nơi lời đoán ngữ của Đức Chúa Trời phán dặn tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va : “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng-thế ký 2:16-17). Sau đó, Ê-va đã bị ma quỷ cám dỗ ăn trái cây Đức Chúa Trời cấm. A-đam cũng ăn nữa. Ăn xong cả hai đều không “chết”, “chết” theo cách chúng ta hiểu là hết thở, là không “sống”. A-đam và Ê-va vẫn sống, sống theo cách chúng ta hiểu là vẫn thở, vẫn sinh hoạt bình thường.

Khi A-đam và Ê-va vừa ăn xong trái cây Đức Chúa Trời cấm không được ăn thì họ nhận biết ngay mình “lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” (Sáng-thế ký 3:7). Kể từ giờ phút đó, sự tương giao giữa Đức Chúa Trời và loài người bị cắt đứt, không còn nữa. Kinh Thánh chép : “Lối chiều, nghe tiếng Giê-hô-va Đức Chúa Trời đi ngang qua vườn, A-đam và vợ ẩn mình giữa bụi cây, để tránh mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Sáng-thế ký 3:8).Như vậy, khi Đức Chúa Trời phán “ngươi chắc chết” là nói về sự mất tương giao với Đức Chúa Trời Hằng Sống. Nhân loại đang sống, nhưng đối với Đức Chúa Trời Hằng Sống là đang chết, mất sự liên hệ với Ngài. Loài người từ đó đã “chết” trong hình thức sống.

Tai người điếc là cặp tai chết. Dẫu tai vẫn còn, âm thanh vẫn có, nhưng âm thanh không còn tương quan tác dụng tới tai, tai điếc là tai “chết”. Người mù tuy cặp mắt vẫn còn, mầu sắc ánh sáng vẫn có, nhưng mầu sắc và ánh sáng không còn tương quan tác dụng tới mắt. Mầu sắc, ánh sáng và mắt không còn liên lạc được với nhau như phải có. Mắt đã mù hay mắt đã “chết”.

Con người, một loài sinh linh hiện hữu, vốn có sự giao thông mật thiết với Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, Đấng Hằng Sống. Nhưng tội lỗi đã cắt đứt sự tương giao mật thiết đó. Đức Chúa Trời vẫn hằng hữu, con người vẫn hiện hữu. Nhưng giữa Đức Chúa Trời và con người đã mất sự tương giao như đang có. Con người đã “chết”. Con người tuy có lòng thờ Trời, khi gặp nguy biến,vô phương giải cứu thì cầu Trời. Trong công việc ở đời, đôi khi cũng chỉ biết “trăm sự nhờ Trời”. Tất cả lòng tin cậy hay tâm tư hướng về Trời không có nghĩa là tương giao, nối kết với Trời. Sự tương giao, nối kết giữa con người vốn Trời vốn có hai chiều, Đức Chúa Trời với con người và con người với Đức Chúa Trời. Hiện nay con người hướng thượng theo nghĩa thế thường, mơ tưởng một chiều lên Đức Chúa Trời với mong ước được Trời thương ngó lại, mà làm ăn được khấm khá, danh vọng, phú quý đời này. Thực sự, những vị này mong hưởng được ơn Trời hơn là mong được nối kết với Đức Chúa Trời. Sự không mong nối kết đó chứng tỏ có cái “chết” trong sự sống của con người thời đại này.

Biết bao người trong trần thế này đang sống, nhưng sự sống đã mất theo án lệnh của Đức Chúa Trời : “linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Những người thuộc thành phần này là những tử tội đang sống chờ chết, chờ ngày thọ hình nên không thực sống.

Dấu hiệu của sự không thực sống là chán nản, là cứ thản nhiên sống đạp lên tội lỗi để tìm đến những thứ hư không : tiền tài, danh vọng, sắc dục một cách bất chính. Nhiều buổi sáng chúng ta thức dậy, đứng trước khung cửa sổ nhìn ra chào đón một ngày mới trong tâm tình cảm tạ Chúa. Trời trong xanh với mầu hy vọng, ánh sáng ban mai thật dìu dịu tươi sáng. Ấy thế mà nếu chúng ta cứ sống trong thế giới tội lỗi chúng ta sẽ cảm thấy chán nản, không cảm thấy thiết tha với vẻ đẹp trong sáng chung quanh, với sự sống hiện hữu. Tâm hồn ta chùng xuống với lo âu, rồi sống với đề phòng. Dường như có cái gì chết chóc xâm chiếm hồn họ. Rồi thở dài, uể oải, sinh lực tuôn ra theo tiếng thở dài. Cái chán nản đang hủy hoại cái sống của ta.

Chán nản, lo sợ triền miên không phải chỉ là một tình trạng tâm lý mà còn là một triệu chứng bệnh hoạn tâm linh báo cho biết sự chết đang hoành hành, “chán chết”. Với tâm trạng này, nhà văn và cũng là nhà viết kịch nổi tiếng người Anh William Shakespeare (1564-1616) đã nói một câu để đời : To be or not to be, that is the question – Đời đáng sống hay không đáng sống, đó là vấn đề.

Bào thai trong lòng mẹ, sống thụ động. Lọt lòng mẹ vào đời sống với đời, sống sinh động một thời gian rồi chết.

Cựu tổng thống Reagan lìa đời trong sự thương tiếc và được vinh danh của nhân dân Hoa Kỳ. Cuộc đời Tổng Thống gần trăm tuổi biểu tượng bằng một gạch ngắn giữa 1911-2004. Cuộc sống của chúng ta quá ngắn, hầu hết hạn định trong trăm năm. Thi hào Nguyễn Công Trứ nhận định về đời người như sau : “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”.Có thể “nực cười” cách mỉa mai, nhưng cười trong cuộc đời không mấy dễ. Cười được phải biết ý nghĩa cuộc sống, phải biết sống với đời. Sống sao, ông Kabir (1440-1518), thi sĩ và cũng là triết gia Ấn Độ đã nói câu danh ngôn này : “Khi ta chào đời, mọi người chung quanh ta đều cười, riêng ta thì khóc. Sống sao, khi ta lìa đời, mọi người chung quanh đều khóc, riêng ta mỉm cười”. Quả là một nghệ thuật sống.