NƯỚC MẮT NGOẠI TÔI

 

 

 

 

 

 

-    Dạ thưa Ngoại con về.

-    Trời tối rồi con, để ông đưa con ra đầu ngõ.

 

Ngoại vói tay lấy cây gậy gỗ mun đen bóng. Cái dáng gầy khom khom của Ngoại trong bộ bà ba vải trắng tinh, cái đầu sói láng cón, chỉ còn lại một vành tóc bạc mỏng sau gáy ấy luôn làm tôi liên tưởng đến các ông tiên trong các chuyện cổ tích thần thoại.

 

Ngoại chống gậy đưa tôi đi ra đầu ngõ. Ngõ hẻm vào nhà Ngoại là một ngõ cụt, lót gạch xi-măng. Từ nhà ra đến đường cái đón taxi chỉ cách độ mười lăm, hai mươi thước. Nhưng mỗi khi trời sụp tối là Ngoại phải đưa chúng tôi ra tận đầu ngõ cho được. Có lẽ Ngoại nghĩ phường trộm đạo sợ ông già bảy mươi có cây gậy chắc nịch hơn các cô cháu gái nhỏ mười lăm, mười sáu của Ngoại.

 

Ra đến đầu ngõ, Ngoại đưa cây gậy ra chận một chiếc xe taxi vừa chạy tới. Xe đậu lại, trước khi để chúng tôi lên xe Ngoại từ từ tiến ra trước đầu xe nghiêng đầu nhìn bảng số xe, miệng đọc to như để thuộc lòng:

-    DMX 246... DMX 246... DMX 246.

 

Đọc xong Ngoại bước lại gần anh tài xế, kéo xệ cặp kiếng lão xuống, trợn ngược cặp mắt nhìn chòng chọc vào mặt anh ta qua khoảng trống trên vành kiếng như để nhớ mặt, như để dò xét xem có dấu vết gì tà gian trong đôi mắt, trên gương mặt ấy không:

-    Cháu ngoại đó nghe chú, chở nó về nhà cẩn thận nghe chú.

 

Anh tài xế chỉ biết lắc đầu ngao ngán; nếu thật ra anh ta có tà ý gì đi nữa chắc cũng phải bỏ vì biết mình không qua mặt nổi ông già gân này.

 

Thế là chấm dứt một buổi thăm hằng tuần như thường lệ. Tuần nào cũng vậy, dầu bận thế nào ba má và chúng tôi cũng phải đi thăm ông bà Ngoại một lần. Có khi tiện thì một vài đứa chúng tôi đi thăm riêng. Nhà Ngoại ở gần chợ Thái Bình cách nhà tôi không xa, đi bộ cũng tới, nhưng những khi trời sụp tối thì Ngoại bắt về taxi, chỉ tốn có sáu đồng thôi. Lần nào xuống chơi thì cũng được Ngoại tẩm đầy bánh trái, còn bà Ngoại thì dúi tiền vào túi nên đứa nào cũng thích đi thăm Ngoại cả.

 

Ông Ngoại là một đông-y-sĩ nổi danh, làm việc cho tiệm thuốc bắc lớn của dì Ba ở đường Trần Hưng Đạo. Bảy mươi tuổi cũng phải còn đi bắt mạch hốt thuốc cho bệnh nhân để kiếm tiền nuôi gia đình. Ngoại làm việc mỗi ngày từ 11 giờ sáng đến tối 7, 8 giờ mới về tới nhà. Chỉ trừ Chúa Nhựt là Ngoại nghỉ làm đi nhà thờ. Thường thì muốn đến thăm Ngoại phải đến vào buổi tối. Làm sao tôi quên được những cuộc thăm tràn đầy tình thương với những tràng cười như pháo nổ ấy. Ngoại thường hay nhắc lại những chuyện ngày xửa ngày xưa hồi Ngoại và má còn ở Cần Thơ. Nhất là Ngoại hay chọc bà Ngoại để chúng tôi cười chơi. Câu chuyện “Bà Ngoại đánh ghen” là một trong những chuyện được hoan nghênh nồng hậu.

-    Tụi bây biết hông? Bà Ngoại mày hồi đó là “Hoa Hậu nữ”!

 

Ông Ngoại dùng chữ “Hoa Hậu Nữ”, làm như hồi đó bà Ngoại có đi thi sắc đẹp vậy. Nhưng chữ “Hoa Hậu Nữ” ấy thật ra không sai vì trong lòng Ngoại, bà Ngoại lúc nào cũng là “Miss Universe”. Chả bù cái lần đầu tiên mới gặp nhau ấy, bà Ngoại là congais nhà quan, học trường dòng của mấy bà “Sơ” Tây, còn ông Ngoại là một y sĩ trẻ mới ra làm việc, nàng con gái ấy bước vào tiệm thuốc nhờ xem mạch, nàng mặc chiếc áo dài tơ màu ngà, mái tóc dài đen bóng chảy dài qua eo và nhất là đôi mắt nàng, đôi mắt nâu to ngơ ngác như của một loài nai ấy có mãnh lực vô hình cuốn hút linh hồn Ngoại vào một cơn sóng lòng dồn dập chơi vơi... Thường thì Ngoại bắt mạch cho người ta chỉ cần năm phút là Ngoại đã biết rõ bệnh tình. Bắt mạch cho nàng đã mười, rồi mười lăm phút mà Ngoại cũng chưa biết trời đất gì. Vì Ngoại có nghe được mạch của nàng đâu. Tai chỉ nghe toàn nhịp mạch của chính mình giựt toán loạn như trâu điên xổng chuồng và tiếng tim mình đập thùng thùng như trống ngũ-liên trong lồng ngực!

 

-    Tao nghi hồi đó bả không có bệnh gì hết, bả làm bộ lại kiếm tao chứ gì.

-    Thôi đi cái ông này, đừng có láo nghe, người ta đau gần chết bắt mạch không ra. Vậy mà ngộ, sao tui về uống thuốc ông qua loa mà cũng hết bệnh.

-    Tui biết mà, nội dòm tui không bà cũng đủ hết bệnh rồi, cần gì uống thuốc.

-    Cái mốc xì!

 

Thật ra bà Ngoại và má đều nổi tiếng là người đẹp Cần Thơ trong cái thuở “vàng son oanh liệt” ấy của mình. Bà Ngoại tuổi ngoài sáu mươi vẫn còn mắt tỏ, da trắng, dáng người cao mảnh khảnh trông còn vẻ trâm anh đài các ra phết.

-    Tụi bây biết hông? Coi vậy chứ bả ghen dữ lắm. Bả làm nước mắm cay bỏ ớt thì cũng bằng người ta mà nước mắm của bả cay hơn ai hết thảy, ngộ vậy chớ!

 

Rồi mắt Ngoại mơ màng, lim dim, miệng cười chúm chím, như người đang sống trong kỷ niệm, nhìn vào ánh mắt ấy, nụ cười ấy, người ta không khỏi thầm nghĩ “cái ông già bảy mươi này cũng còn si tình bà già đậm lắm!” Rồi câu chuyện “bà Ngoại đánh ghen” bắt đầu:

-    Tụi bây biết hông? Hồi đó còn ở Cần Thơ một bữa có gánh xiếc của mấy ông bán thuốc dạo đậu trước nhà. Tao thấy người ta bu đông tao cũng chen lấn vô coi. Thì trong đám đó mà, người này trườn lên vai người kia để coi. Có cô nào hổng biết, Cổ đứng sau lưng tao, trườn qua vai tao để ngó, mà tao đâu có biết gì đâu.

 

Bà Ngoại ngồi gác chân chữ Ngũ bên bộ đi-văng kế bên nín không nổi phải lên tiếng:

-    Ông đừng có dóc nghe! Ông nói ông không biết gì hả? Tui ở trong nhà bước ra thấy con nhỏ đó trẻ khô, nó thiếu điều cỡi trên lưng ông mà ông nói ông không biết. Ông đứng im thinh thít cho nó cỡi lưng. Chắc nó vợ bé ông chứ không ai hết! Ông là già dịch mà!

 

Ông Ngoại cười hề hề:

-    Rồi tụi bây biết bả làm sao hông? Bả chạy vô nhà,... lấy cái chổi lông gà!... chạy ra quất túi bụi lên lưng người ta. Cô đang coi tưởng đâu bị trời đánh, tự nhiên khi không bị bà nào vác chổi đánh, cô vừa la làng vừa chạy. Bà Ngoại mày nhất định không bỏ cuộc vác chổi rượt theo, rượt chạy cũng hết mấy vòng chợ đó bây...

 

Chúng tôi ôm bụng cười như nắc nẻ. Bà Ngoại vừa mắc cỡ vừa tức, gạt ngang:

-    Thôi ông im đi, ông là ông già dịch tôi biết mà!

 

Có lẽ tới ngày bà Ngoại chết cũng vẫn không tin là ông Ngoại “ngây thơ, vô tội”.

 

Ông Ngoại tin Chúa hồi còn ở Cần Thơ, là “Trái đầu mùa” của Hội Thánh thuở thập niên thứ hai mươi ba mươi ấy. Nhờ vào đức tin và đời sống của Ngoại, bà con bạn bè hàng trăm người tin Chúa. Nhưng quả đúng như lời tục ngữ “tiên tri không bao giờ được chấp nhận trong chính quê hương mình”. Ngoại dắt đem hàng trăm người vô đạo nhưng không thể hướng dẫn được tấm lòng của chính con cháu mình trong nhà. Đời sống Ngoại luôn gương mẫu. Con cháu yêu kính Ngoại nhưng họ không thể có được niềm tin sâu sắc của Ngoại. Có lẽ đó là một nỗi đau lòng lớn mà suốt đời Ngoại không thể nói ra. Tuy nhiên, về vấn đề thờ phượng Ngoại rất nghiêm nhặt. Sáng Chúa Nhựt nào Ngoại cũng làm một màn “bố ráp” bắt tất cả phải đi nhà thờ, dù muốn dù không. Nếu không đi là không yên thân với Ngoại. Ngoại luôn tới trước giờ nhóm ít nhất là nửa tiếng đồng hồ. Luôn trong chiếc áo dài gấm đen, quấn vải trắng, đầu đội nón cối trắng, chân đi giày tây đen. Trước giờ nhóm Ngoại leo lên bục gỗ cao, gần tòa giảng, tay cầm cây gậy, đứng dạo mắt khắp một vòng nhà thờ, miệng đếm lầm thầm, xem có đủ mặt hết con cháu trong nhà thờ không. Nhưng khổ nỗi, Ngoại có biết đâu chúng chỉ ngồi chường mặt cho Ngoại đếm. Một khi Ngoại đã ngồi yên nơi, cúi đầu xuống cầu nguyện là chúng nó chạy mỗi đứa một ngả. Đứa thì đi cặp bè với du đãng, đứa thì đi hẹn hò trai gái, đứa thì đi nhảy nhót, làm toàn những chuyện mà đầu óc thánh hiền của Ngoại tưởng tượng không nổi.

 

Ngoại tiếp tục làm việc tuần sáu ngày để nuôi bà Ngoại và gia đình cậu hai, ở chung nhà cho đến khi Ngoại tám mươi tuổi. Rồi một cơn bạo bệnh khiến Ngoại phải vào nhà thương Cơ Đốc để giải phẫu. Cuộc giải phẫu thành công nhưng Ngoại cần tịnh dưỡng ít lâu.

 

Rồi một buổi sáng khi những tia nắng sớm bắt đầu chiếu qua cửa sổ của phòng bệnh viện. Ngoại ngồi dậy trên giường, đưa mắt nhìn theo những tia nắng nhảy tung tăng bên ngoài ấy và bắt đầu một cuộc độc thoại với bà Ngoại mà một mình mình đóng hai vai:

-    Bà ơi, tui về nhà rồi nè bà.

-    Ông về rồi đó hả ông, về hồi nào vậy ông, ông khoẻ hông ông?

-    Tui mới về bữa nay hà bà. Tui nhớ nhà quá bà ơi. Cảm ơn Chúa cho mổ tốt. Bà ơi, tui khoẻ rồi. Bà ở nhà làm cái gì, bà nhớ tui hông bà?

-    Mốc xì! Cái ông này già dịch, già rồi mà còn nhớ với nhung cái nỗi gì.

Ông Ngoại cười hề hề mắt lim dim:

-    Bà nói vậy chớ tui biết bà nhớ tui thấy mồ.

 

Sau vài lần xin phép bác sĩ về nhà không được vì Ngoại còn yếu. Một hôm Ngoại lẳng lặng thu xếp hết đồ đạc mình vào túi nhỏ, rồi chờ cho không có ai chung quanh, Ngoại xách gói, rón rén leo xuống lầu kiếm đường về nhà. Các cô y tá thấy chạy theo bắt lại. Hôm sau, dòm quanh quất không thấy ai Ngoại lại làm như cũ. Sau vài cuộc rượt bắt sôi nổi trong nhà thương, bác sĩ đành bỏ cuộc phải cho Ngoại về nhà. Sau cơn giải phẫu ấy Ngoại yếu hẳn đi và bắt đầu nói “lẫn” hoặc làm những điều lẩm cẩm như lấy kem trắng đánh giày đi đánh răng:

-    Con à con, cái hiệu kem này làm không tốt, ông trét nhiều gấp hai, gấp ba mà đánh hoài sao nó cũng không nổi bọt con ơi!

 

Ngoại trở thành một đề tài cho con cháu cười no bụng mỗi ngày.

Má sợ Ngoại lẫn rồi đi làm việc bốc thuốc lầm cho bệnh nhân uống có ngày mang họa nên khuyên Ngoại nên nghỉ việc.

 

Ngay cái hôm Ngoại nghỉ việc ở nhà, cậu Hai ân cần kéo ghế lại gần Ngoại ôn tồn nói:

-    Con nói cho Ba nghe, Ba hiểu giùm cho con. Con Hai, con gái lớn của con nó đến tuổi lấy chồng rồi. Con phải lo bề gia thất cho nó được chỗ xứng đáng, mà muốn có chỗ xứng đáng mình phải có nhà cửa khang trang để tiếp rước người ta. Hai chục năm nay rồi mình ở cái nhà này hồi dọn lên từ Cần Thơ tới nay, phòng khách thì một mình Ba chiếm, Ba ăn, Ba ngủ luôn trong phòng khách, chỗ đâu mà con tiếp khách. Con nói thật con dùng cái phòng khách này để sửa sang trang hoàng hết lại coi cho nó tân thời đẹp đẽ ra, như vậy nhà mình cũng được giá hơn Ba ạ. Từ lâu nay vợ con nó lo hầu hạ cơm nước cho Ba Má, bây giờ con nghĩ đã đến lúc Ba về ở với cô Út nó để nó lo phụng dưỡng cho Ba, như vậy mới công bình Ba ạ. Không phải con muốn đuổi Ba đâu, nhưng cái gì cũng có lý lẽ, Ba có hai đứa con thì đến tuổi già mỗi đứa nuôi một người. Ba ở với cô Út nó, còn Má thì có thể ở đây với tụi con trong buồng phía sau này cũng được, chứ gánh nặng nào cũng một mình con mang hết sao?

 

Ngoại ngồi im lẳng lặng không trả lời một tiếng. Rồi một lúc sau, dường như thực tại bắt đầu thấm vào cân não Ngoại, Ngoại lắp bắp:

-    Ba... Ba ở với con Út... còn... còn... Má con ở với con hả con?...

-    Dạ đúng, như vậy mới công bình đó Ba. Để ngày mai con sắp xếp đồ đạc đưa Ba lên tận nhà cô Út nó cho. Trên đó có nhiều cháu ngoại vui lắm Ba à.

 

Một bức màn xám như chợt kéo qua trên gương mặt Ngoại. Ngoại không phản đối, cũng không than phiền một tiếng nào nhưng từ giờ phút ấy Ngoại trở thành một người khác. Biết thân mình, sáng hôm sau Ngoại lo thu xếp ít đồ đạc để về ở với má tôi.

 

 

Quang Anh Châu