Hầu hết các tôn giáo đều không chú ý đến tâm linh mà chỉ chú ý tới tâm tính. Cái thiên tính được coi như cao điểm của tâm tính. Người Việt ta, thuộc thế hệ 50 trở lên, quen thuộc với Khổng Giáo, Phật giáo nên lấy “tu tâm dưỡng tính” làm phương châm. Tôn giáo nào cũng có chương trình tu, phương cách tu  đồng hóa tâm linh với tâm tính.

Trong cuốn “Tu Tâm Dưỡng Tánh”, hòa thượng Thích Thiện Hoa đã luận như sau : “Người ta sửa cái xấu mà nuôi cái tốt, sửa cái trừ mà nuôi cái cộng. Tu có tính cách tiêu cực, dưỡng có tính cách tích cực. Một bên trừ cái xấu, một bên bồi bổ cái tốt. Mọi sự vật trong đời tương đối này đều có phần xấu và phần tốt. Đối với cái xấu, ta phải tu, đối với cái tốt ta phải dưỡng. Bài trừ những ảnh hưởng xấu chung quanh ta gọi là TU; bồi bổ cái mầm quý báu của cây bồ đề (ý tác giả muốn nói Phật tánh) mỗi ngày một lớn mạnh gọi là dưỡng”. Người Việt mình tuy không TU nhưng cũng đã có ý tưởng “Làm Lành Lánh Dữ”.

Vấn đề được nêu ra là tại sao chúng ta cảm nhận có điều xấu và điều tốt trong con người chúng ta. Tất cả sinh vật trong thế gian không có cảm nhận này. Phải chăng sự cảm nhận này nơi con người phát xuất từ tâm linh hay phần linh. Phần linh con người là phần thuộc về Đức Chúa Trời thánh khiết, yêu thương. Nên điều gì thuận với đức thánh khiết, yêu thương của Đức Chúa Trời thì được kể vào hàng “lành” “tốt”, điều gì trái với đức thánh khiết, yêu thương của Đức Chúa Trời thì phải liệt vào hạng “dữ” “xấu”. Lạ thật, điều dữ lại quá nhiều và điều lành lại quá ít. Qua ánh sáng Kinh Thánh, tình trạng này có vì con người đã phạm tội, chối bỏ Đức Chúa Trời. Điều dữ trong con người chúng ta đại để như sau : “Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót” (Rô-ma 1:29-31). Người đang chia sẻ niềm tin với quý vị chẳng hiểu nếu “tu” lâu năm thử lấy bút gạch xem “trừ” được mấy điều đại khái trên. Điều lành, điều tốt không nhiều, đại khái : “Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22). Người đang chia sẻ niềm tin với quý vị chẳng hiểu nếu “tu” lâu năm thử lấy bút trì mầu đỏ gạch dưới xem “cộng” được mấy điều đại khái trên. Điều xấu có năng lực mạnh mẽ, lôi kéo con người chúng ta bao nhiêu, thì điều tốt trong con người chúng ta lại hết sức yếu đuối chống đỡ để tồn tại. Thánh Phao-Lô, một người dầy công “tu” đã thú nhận : “Vì tôi không hiểu điều mình làm: tôi chẳng làm điều mình muốn, nhưng làm điều mình ghét. Song nếu tôi làm điều mình chẳng muốn, thì bởi đó nhận biết luật pháp là tốt lành. Bấy giờ chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng ấy là tội lỗi ở trong tôi. Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô-ma 7:15-19). Con người chúng ta như vậy, “tu” khác nào ra sức múc nước biển đổ đi để thay vào đó những gáo nước ngọt hầu cho nước biển “đỡ mặn”.

Có hai tu sĩ trẻ quyết chứng tỏ thành quả “tu” của mình bằng cách lập ước với nhau, khi nghĩ một điều xấu, nói một điều xấu, hay làm một điều xấu thì bỏ một viên đậu đen vào cái tô lớn. Khi nghĩ một điều tốt, nói một điều tốt, hay làm một điều tốt thì bỏ một viên đậu trắng vào. Sau đó, khi nghĩ một điều xấu, nói một điều xấu, hay làm một điều xấu nào đó, thay vì bỏ viên đâu đen vào, thì có thể lấy viên đậu trắng ra, nếu có đậu trắng trong tô. Sau ba tháng, hai tu sĩ đem tô đậu của mình ra để so sánh ai “tu” hơn ai. Hai vị tu sĩ nhìn hai tô đậu toàn đen và quyết định lặng lẽ nấu một nồi chè đậu đen đãi các bạn tu sĩ, may ra nhờ chút đường ngọt ngào và niềm vui với bạn tu mà quên đi nỗi băn khoăn về thành quả “tu” của mình.

Ấy vậy mà hầu hết chúng ta lại cho mình là tốt lành và ai nói mình xấu, dầu rất đúng chân tướng, mình vẫn cảm thấy “phật ý”, chứng tỏ cái tốt lành trong chúng ta vẫn là điểm căn bản của con người, vì chúng ta có phần linh phát xuất từ Đức Chúa Trời  thánh khiết và yêu thương trọn vẹn, hoàn toàn “tốt”.

Trong Cơ Đốc nhân chân chính, chữ “tu” phần linh không mang một ý nghĩa tâm linh nào. Người ta có thể “tu” sửa thân xác tại các viện thẩm mỹ để làm đẹp thêm, nhưng phần linh thì không có chỗ nào “tu” cả, dầu có chỗ được định danh là nhà tu, nơi tu hay tu viện.

Trong Cơ Đốc nhân chân chính không có “tu”, mà chỉ có “biến đổi”, không phải tự lực mình mà do quyền năng của Đức Chúa Trời.

Trong Cơ Đốc nhân chân chính không có chương trình “tu” mà chỉ có “tin”. Con cái Chúa chúng ta tin tất cả những gì Đức Chúa Trời đã bầy tỏ ý Ngài đối với nhân loại được ghi trong Kinh Thánh, và hưởng được quyền năng lời hằng sống của Đức Chúa Trời.

Lời Kinh Thánh dậy rằng : “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Cứu Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Quý vị chẳng cần “tu”, chỉ cần “tin” Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình thì “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).

Thưa quý vị đang tầm đạo,

Tâm tính chúng ta không thể do “tu” để bớt xấu thêm tốt vì kinh nghiệm cho thấy “cả đời làm lành, điều lành chưa đủ, một ngày làm ác, điều ác có dư”. Chúng ta chỉ cần “tin” và với quyền năng của Đức Chúa Trời thi thố ngay trên đời sống chúng ta như lời Kinh Thánh xác quyết : “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). “Người dựng nên mới” trong chúng ta trở nên “người thánh (được xưng công bình, hoàn toàn tốt trong Chúa tại thời điểm tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình) và rất yêu dấu của Ngài (Cô-lô-se 3:12).

Vài lời tâm tình

Nhân dịp mùa Giáng Sinh, xin gửi đến quý độc giả chưa phải là Cơ Đốc nhân, và quý anh chị con cái Chúa Tuyển Tâp Nhạc Giáng Sinh do hai nữ ca sĩ Celine Dion và Mariah Carey trình bầy. Xin bấm vào link sau đây để nghe:

https://www.youtube.com/watch?v=W66L9toVJPM

Nếu quý vị đọc bài này sau mùa Giáng Sinh, xin bấm vào link sau đây để nghe bài Thánh Ca "Wonderful Merciful Savior" – Cảm tạ Đấng Cứu Thế Diệu Kỳ do nữ ca sĩ Selah (cũng là một con cái Chúa ?) trình bầy:

https://www.youtube.com/watch?v=fK6sYVQCqhs