GIÃ TỪ   Goodbye

 

                

 

 

Xe đã được hẹn đến lúc 10 giờ sáng và anh biết rằng xe rất đúng hẹn. Các dịch vụ chuyên chở khách tại Việt Nam ngày nay rất tiến bộ, đáng được tin tưởng vì đúng hẹn, đúng giờ, xe tốt, tài xế chuyên nghiệp, cẩn thận và giá phải chăng. Anh đã chọn xe bảy chỗ ngồi, một cho tài xế, những chỗ còn lại vừa đủ cho gia đình anh. Và khi xe đến, anh phải có quyết định cuối cùng, hoặc đi theo xe, hoặc không. Dù đã cho gia đình biết trước quyết định nhưng anh biết rằng đến giờ chót, họ cũng sẽ hỏi anh một lần nữa.

 

Gia đình đã chuẩn bị. Vợ và hai con trai anh vì chỉ đi và về trong một ngày nên không cần mang theo hành lý. Chỉ có đôi vợ chồng mới cưới phải bận rộn với hành lý. Chú rể chỉ có một vali nhỏ trong tay, còn cô dâu mang theo đủ số kí-lô Vietnam airlines cho phép. Đường Sài Gòn Cần Thơ với đường cao tốc hiện đại và với hai cây cầu mới Mỹ Thuận và Cần Thơ, thay thế cho hai bến phà ngày xưa, chỉ cần ba tiếng đồng hồ, không phải mất cả ngày như xưa là đến nơi. Đến Sài Gòn rồi, cả xe sẽ ăn trưa với nhau, rồi vợ và hai con trai anh sẽ phải theo xe trở về Cần Thơ. Chỉ có cô dâu theo chú rể  đi chuyến bay 8 giờ tối đêm nay và phải bay suốt đêm để sáng ngày mai được đến một chân trời mới gọi là Australia.

 

Cô dâu chú rể mang đúng thái độ của một đôi nhân tình sắp sửa cùng nhau bước vào lâu đài hạnh phúc. Niềm vui trên gương mặt, nụ cười trên môi, đôi mắt long lanh đầy sung sướng, đầy xúc cảm bày tỏ được hạnh phúc trong lòng. Những bước chân hân hoan đi đến gần xe, như muốn nhanh chân bước vào một thế giới mới nơi đó chỉ có tình yêu chờ đợi đôi tâm hồn xây tổ uyên ương trên vùng đất hạnh phúc. Xe vừa đến trước cửa. Và giờ quyết định của anh đã điểm.

 

Cô con gái bé nhỏ của anh ra đời trong trường hợp đặc biệt. Cô là kết quả của một đôi vợ chồng đang cố gắng kết hợp, hàn gắn những rạn nứt trong cuộc hôn nhân của họ. Sau khi đã có hai con trai, đương nhiên, vợ chồng anh ao ước có một cô con gái. Nhưng đây không phải là lý do chính cô con gái của anh ra đời. Vợ chồng anh gặp nhau, thương yêu nhau, lập gia đình với nhau không bởi mai mối, cũng không do áp lực của gia đình. Những mối tình lý tưởng, những người yêu nhau được cùng nhau xây tổ ấm là bức tranh mà những người yêu nhau đều tha thiết muốn có. Dù vợ chồng anh lập gia đình sau biến cố 1975 khi rất nhiều người trong miền Nam bị khốn đốn về chính trị và kinh tế, vợ chồng anh thoát khỏi cảnh này nhờ người anh cả của anh xuất đầu lộ diện là Cộng Sản nằm vùng. Nhờ “dựa hơi” người anh cả, anh không bị khó khăn về tài chánh, không bị tịch thu gia sản, không bị cải tạo, không bị đi kinh tế mới, không bị đi đào kinh thủy lợi... Dù không giàu có hơn ai, nhưng nhờ những đặc quyền này, anh sống thoải mái qua ngày. Anh vẫn phải làm việc cực nhọc để sinh sống, vợ anh là nội trợ như hàng ngàn người đàn bà khác, sau khi con trai đầu lòng ra đời, hai năm sau, con trai thứ nhì kế tiếp. Một gia đình với bốn miệng ăn sau năm 1975 chắc chắn là khó khăn cho gia chủ. Vì công việc, anh thường vắng nhà. Vì công việc, anh phải giao thiệp với nhiều giới. Vì công việc, anh hút thuốc, uống bia, vì những buổi nhậu nhẹt cũng là những lần chạy được áp phe, là những lần có thể mang được một số tiền lớn về cho gia đình.

 

Anh không hiểu được chính xác lý do nào vợ chồng anh dần dần xa cách, như đang là một con đường, bây giờ sau một khúc quanh, con đường rẽ làm hai lối lúc nào hai người cũng không biết. Vợ anh là người hiền lành, lặng lẽ nuôi con, là mẫu người nếu có buồn phiền anh, sẽ không lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Cảm nhận được vợ mình càng lúc càng ít nói hơn, anh cũng tìm hiểu, nhưng vì áp lực của cuộc sống, anh cũng đành để mặc.

 

Cho đến một lúc vợ chồng anh sống với nhau như hai người bạn trong nhà, tình yêu nồng nàn của buổi ban đầu đã không cánh mà bay mất. Anh tiếc cho những ngày vàng son tươi đẹp đã qua và vợ anh cũng cùng một tâm trạng. Rồi như một phép lạ xảy ra, vợ chồng anh muốn làm lành, muốn trở lại với những ngày mặn nồng như lúc mới cưới. Và một lần nữa vợ anh thụ thai. Vì cho đến lúc sanh, vợ chồng anh không biết em bé là trai hay gái nên khi được biết một em bé gái được ra đời, anh nghĩ đến hằng trăm tên cho bé gái, những tên thật đẹp, thật kêu, thật lịch sự, thật hay, thật mỹ miều, thật duyên dáng, thật dễ thương cho cô con gái bé nhỏ của anh. Và anh đã tìm được một cái tên xứng đáng.

 

Cho đến khi anh bước vào bệnh viện để đưa hai mẹ con về, anh gặp cô con gái bé nhỏ của anh lần đầu. Và anh thấy rằng tên mình đã chọn cho con chưa xứng đáng với nét đẹp của nó. Anh đã từng thấy nhiều bé gái Á Châu, bé nào cũng nhiều tóc đen, mắt đen, da vàng, mũi thấp. Nhưng cô con gái bé nhỏ của anh trông xinh xắn đặc biệt, khác hơn những bé Á Châu mà anh đã thấy. Anh không biết diễn tả như thế nào, nhưng gương mặt xinh xắn của nó đã đi vào lòng anh từ giây phút đầu gặp gỡ.

 

Cô con gái nhỏ của anh xinh xắn hơn người mà cũng ít khóc hơn người. Bé có vẻ ngoan hiền, yên lặng như mẹ nó. Anh không những đã được điều mình mơ ước mà còn hơn cả điều anh mơ ước nữa. Sự xuất hiện của bé mang lại cho gia đình anh một niềm vui, một hạnh phúc êm đềm đã vắng trong thời gian qua.

 

Nhưng điều anh không thích lại trở về. Một em bé gái có thể cứu vãn được hạnh phúc của một gia đình? Không một người con nào trong bất cứ gia đình nào có thể thi hành được công tác này, và cô con gái nhỏ bé, yêu kiều của anh cũng  không ngoài trường hợp ấy.

 

Những đêm nằm thao thức chờ nghe tiếng khóc của con, những buổi chiều sau giờ làm việc bế con ra trước đầu hẻm cho con nhìn người, nhìn cảnh vật. Hàng xóm biết anh lâu năm cũng phải nhận xét rằng anh không bế hai con trai ra đầu ngõ, nhưng cô con gái này đặc biệt lắm. Cô bé chỉ mới vài tuổi thôi nhưng cha con đã cùng nhau đi trên mọi nẻo đường của Cần Thơ, sông Cần Thơ êm đềm như một bài thơ, bến Ninh Kiều lộng gió, chợ Cần Thơ, chợ Nhà Lồng tấp nập và những chợ nhỏ của các vùng phụ cận. Những lần anh dẫn con qua những cây cầu khỉ, tức là những thân cây được bắt ngang qua những con rạch hoặc những dòng nước nhỏ, là kỷ niệm mà chính anh cũng không ngờ rằng khi lớn lên, cô con gái nhỏ của anh vẫn còn nhớ. Đến khi bé đến tuổi vào tiểu học, anh bế con đến trường và giờ tan học, bế con về. Ai có mặt tại trường cũng phải ngạc nhiên và chính anh cũng ngạc nhiên nữa. Một cô bé 5 tuổi, đi học được cha bế đến trường trong khi những đứa trẻ khác được cha mẹ dẫn đến trường? Tình yêu dào dạt trong anh được bày tỏ cho cô con gái nhỏ bé của anh và chỉ cho cô bé này mà thôi, những người khác trong gia đình không nhận được tình cảm đặc biệt này.

 

Ngày cô con gái bé nhỏ của anh bước lên trung học, ngày cô bé đến tuổi gọi là lớn khôn, những điều bí mật trong gia đình không thể là bí mật nữa. Mẹ ngủ chung với các con trong một căn phòng ngủ lớn, còn cha đêm đêm nằm phòng khách, trên một chiếc ghế salon. Và dần dần, cô con gái bé nhỏ của anh càng giống như mẹ nó, mang những nét thầm lặng, khép kín, ít nói, ít cười. Hai mẹ con nó rất gần gũi nhau, còn anh, vì việc giao thiệp mua bán, càng lúc càng vắng nhà. Những đêm khuya trở về nhà sau công việc, miệng anh còn nồng nực mùi bia rượu, nhưng trước khi ngả lưng trên ghế dài, anh vẫn cố gắng đến trước phòng, nhìn con gái anh đang say trong giấc ngủ. Gương mặt yêu kiều, diễm tuyệt của nó thật trầm lặng, thật bình an theo nhịp thở nhẹ nhàng. Anh sung sướng trong xúc cảm rằng những công khó của anh trong việc tìm miếng cơm, manh áo cho gia đình thật đáng công. Vợ hiền, con ngoan, anh còn mong ước gì hơn nữa.

 

Cô con gái nhỏ của anh học xuất sắc, cuối năm lúc nào cũng mang về bằng khen và phần thưởng. Con gái mà lại giỏi toán. Niềm sung sướng và hãnh diện của anh làm đầy phổi, mũi anh chắc đã nở gấp đôi, mắt anh long lanh đầy kiêu ngạo. Vì anh thường xuyên vắng nhà nên đến khi anh biết thì hai mẹ con nó đã dẫn nhau đi nhà thờ Tin Lành gần nhà đã một thời gian rồi. Anh không phản đối chuyện hai mẹ con nó theo một tôn giáo, vì theo anh nghĩ, tôn giáo nào cũng dạy người làm chuyện tốt thôi. Điều khác biệt duy nhất anh thấy được là có những đêm khuya anh trở về nhà, con gái anh còn thức khuya chong đèn học, vì năm thi Tú Tài đã đến, trước khi tắt đèn đi ngủ, cô con gái nhỏ của anh cúi đầu, nhắm mắt, lẩm nhẩm điều gì đó trong miệng, như đang nói chuyện với ai. Anh chẳng hiểu nó nói gì, nói chuyện với ai nhưng thái độ thành kính, trang trọng trên gương mặt nó trong lúc ấy khiến anh phải nể. Một đôi lần, bất ngờ anh nghe được chữ “ba” trong lúc con anh lẩm nhẩm, anh lại càng ngạc nhiên hơn. Con gái của anh nói gì về anh? Và nói cho ai?

 

Mỹ nhân của anh đậu Tú Tài với số điểm rất cao và được vào đại học Cần Thơ, ngành toán. Ngày đầu tiên con gái anh bước vào đại học, anh không bế con đến trường như lúc bé còn tiểu học. Anh cùng con đi vào trường đại học, mắt tuy mở to nhưng hầu như anh không thấy gì ngoài gương mặt yêu kiều, diễm tuyệt của nó, chân vẫn đi theo con vào trường nhưng dường như anh bước trên mây. Cảm giác lâng lâng, bàng hoàng, sung sướng này anh biết mình không diễn tả được. Vì hoàn cảnh gia đình, anh không học được đến nơi đến chốn. Và bây giờ con gái anh vào đại học, ngành toán. Ngành toán tại đại học Cần Thơ rất ít nữ sinh viên, đa số là nam. Anh sung sướng và hãnh diện đến nghẹn lời.

 

Bốn năm trôi qua như giấc mộng, người ta vẫn biết rằng thời gian qua mau, nhưng nó mau đến chừng nào, chính người trong cuộc cũng không ngờ. Con gái anh tốt nghiệp đại học và xin được vào dạy toán tại trường trung học gần nhà. Con gái anh dạy toán trung học đệ nhị cấp. Anh phải lập đi lập lại câu này “Con gái tôi là giáo sư toán trung học đệ nhị cấp” để tập mình quen với một sự kiện mới, một sự kiện ngoài tầm mơ ước của anh. Và đây cũng là lúc con gái anh càng ngoan đạo hơn và là lần đầu tiên nó mở miệng mời anh đi nhà thờ của nó. Và anh đã từ chối.

 

Hai mươi lăm năm cùng chung sống với con, anh đã quen rồi gương mặt dịu dàng, diễm tuyệt, mái tóc dài tha thướt như tơ trời, dáng người nho nhỏ, thon thon trong chiếc áo dài Việt Nam làm nổi bật bộ ngực căng đầy, chiếc eo thon của một trinh nữ. Anh vẫn biết rằng gái lớn lên thì phải lấy chồng, nhưng khi giờ phút ấy đến, anh như nửa tỉnh, nửa mê, không biết nên vui hay nên buồn, không biết nên cười hay nên khóc. Một người bà con của anh đang ở ngoại quốc giới thiệu một Việt kiều cho gia đình anh. Nếu gia đình anh chấp nhận, Việt kiều này sẽ chịu tất cả mọi chi phí, mọi thủ tục, bất cứ là gì. Người bà con này đã âm thầm gởi hình con gái anh cho Việt kiều này và anh chỉ biết được âm mưu này khi Việt kiều bay về Việt Nam xin gặp con gái anh. Tấm hình con gái anh mà Việt kiều nhận được đã gây ra cú “shock”.

 

Phải thành thật nói rằng có đến hai người bị “shock,” Việt kiều và anh. Và anh càng “shock” hơn nữa sau khi hai người gặp nhau trò chuyện, không biết thằng Việt kiều này nói gì với con gái anh mà nó bằng lòng. Thế giới an bình của anh trong phút chốc bị đảo lộn. Tên Việt kiều này nhờ người bà con đã đứng ra giới thiệu chúng nó, đến gặp vợ chồng anh xin hỏi cưới.

 

Tin con gái anh lấy chồng Việt kiều Úc bay ra khắp xóm. Bà con xa gần, láng giềng đều đến thăm hỏi, chúc mừng. Và dĩ nhiên, anh phải lập đi lập lại những câu trả lời anh không muốn nói đến. Chừng nào cưới? Chừng nào cô dâu đi Úc? Chú rể ở Úc đã bao lâu rồi? Chú rể làm nghề gì? Chủ quán cà phê à! Không, không, không. Nó đi bán cà phê cho người ta. Chú rể có nhà cửa ở Úc? Không, không, không. Nó còn ở với ba mẹ nó. Đêm đêm nằm suy nghĩ đến chuyện con gái anh dạy toán trung học đệ nhị cấp đi lấy chồng là thằng bán cà phê, anh không biết phải dùng chữ gì để diễn tả nỗi lòng của một người cha phải chứng kiến chuyện không nên có. Sông Cần Thơ có rửa được nỗi sầu? Bến Ninh Kiều có đủ lộng gió để thổi đi lòng đau thương, quặn thắt? Anh bằng lòng gả con vì chú rể là Việt kiều Úc và còn trẻ, không phải thuộc dạng tuổi ông nội cô dâu. Và rồi ngày cưới cũng đến. Con gái anh trong chiếc áo cưới màu trắng trinh nguyên như cuộc đời của nó, đứng bên cạnh chồng Việt kiều Úc, chồng cao, vợ thấp, chồng xấu, vợ đẹp, chồng bán cà phê, vợ dạy toán trung học đệ nhị cấp. Trong buổi tiệc tưng bừng với mọi chi phí đều do chú rể đảm trách, anh đứng lên, với tư cách là chủ tiệc, mời mọi người nâng ly chúc mừng đôi trai tài gái sắc. Thường trong tiệc cưới chú rể là người say, say men tình, say để quên chi phí phải trả, nhưng đêm nay, người say là anh. Những ly bia, ly rượu uống trong ngày con gái đi lấy chồng, anh đã nốc cạn để rượu bia làm cho người say không biết buồn và không biết khóc. Niềm vui duy nhất của anh trong đêm ấy là anh không phải trả một đồng nào và được nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của cô dâu, gương mặt đã yêu kiều diễm tuyệt lại càng thêm diễm tuyệt, yêu kiều. Những người con gái đẹp, đang trong niềm vui và hạnh phúc, họ càng đẹp hơn nữa.

 

Thủ tục giấy tờ để đi Úc phải mất chín tháng và trong khoảng thời gian này, chú rể bay sang Việt Nam nhiều lần. Lúc nào phải trở về Úc thì mỗi ngày gọi điện thoại ba lần. Anh không hỏi tổng số tiền điện thoại nó phải trả là bao nhiêu, nhưng anh an lòng biết rằng thằng bán cà phê này thương yêu con gái anh nhiều lắm.

 

Rồi việc gì đến phải đến. Chú rể bay về Cần Thơ rước cô dâu lên Sài Gòn để đi Úc. Việt Nam và Úc cách nhau bao xa, anh không biết và không muốn biết. Việt Nam và Úc cách nhau bao nhiêu đại dương, anh không biết và không muốn biết. Con gái anh đang dạy toán tại đây, nhưng sang Úc thì làm sao dạy toán bằng Anh ngữ được, vậy nó làm nghề gì để sống? Anh không biết và anh không muốn biết. Chú rể còn ở chung với cha mẹ, con gái anh về làm dâu gia đình ấy, họ có thương yêu, tử tế với nó không? Anh không biết mặc dù anh rất muốn biết. Nơi xứ lạ quê người, nếu con gái anh có hoạn nạn gì, làm sao nó trở về với gia đình? Nơi xứ lạ quê người, con gái anh có mau mau hòa nhập với hoàn cảnh mới không? Và rồi nó sẽ có con cái, ai sẽ giúp con gái anh trong gánh nặng nầy, anh thật sự không biết và cũng không muốn biết.

 

Xe dừng trước cửa. Cô dâu, chú rể chất hành lý trên xe. Vợ anh và hai con trai chuẩn bị bước lên xe và vợ anh hỏi anh lần cuối, đúng như anh đoán:

-       Sao? Ông có đi chung không?

-       Không.

 

Trời Cần Thơ vào tháng sáu thỉnh thoảng có những cơn mưa tầm tã, xối xả như trút nước, nhưng hôm nay, trời nắng chang chang, không một cụm mây. Vậy mà bước chân anh lảo đảo, như người đang đi trong mưa, như đang trong một cơn say. Con gái anh nói như muốn khóc:

-       Thưa ba con đi.

-       Ờ ! Con đi vui vẻ. Nhớ điện thoại cho ba.

 

Xe bắt đầu lăn bánh. Anh đứng nhìn theo cho đến khi xe khuất dạng. Khi xe đã khuất dạng rồi, anh từ từ, chậm bước vào nhà. Bỗng nhiên anh nhìn lên trời. Không biết đêm nay, máy bay đưa con gái anh đi Úc có bay ngang bầu trời Cần Thơ không? Chắc là không. Muốn đi Úc thì phải bay ra biển, bay ngược vào Cần Thơ đất liền làm gì?  Vậy mà anh vẫn nhìn trời. Ước gì chuyến bay của con gái anh bay ngang Cần Thơ, cho anh thấy chiếc máy bay chở người con yêu của anh về một vùng đất mới, cho anh thấy nó một lần cuối, dù không thấy người, chỉ thấy chiếc máy bay mà thôi. Anh không biết mình có nên bước vào ngôi nhà thờ gần nhà, nơi con gái anh đã sinh hoạt nhiều năm nay, dù không còn nó trong nhà thờ, nhưng hình ảnh nó trong nhà thờ và trong chính ngôi nhà của anh vẫn rõ hơn hình ảnh nó ngồi trên chiếc máy bay nào đó.

 

Trời không mưa nhưng mắt anh mờ. Nếu có ai nói với anh rằng người đàn ông không khóc, dù hoàn cảnh nào họ cũng không khóc, anh sẽ tin lời họ ngay. Nhưng trong giây phút này, anh phải chịu rằng nhận xét ấy không đúng.    

 

 

Đoàn Thu Cúc