Nhà văn và cũng là nhà báo Cụ Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) nhận xét về người Việt chúng ta có cái đặc điểm “Gì cũng cười”. Cụ viết “An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười. Người ta khen cũng cười. người ta chê cũng cười. Hay cũng hì mà dở cũng hì, quấy cũng hì. Nhăn răng hì một tiếng mọi việc hết nghiêm trang”.

Có vị nha sĩ đồng ý với cụ Nguyễn Văn Vĩnh nên giới thiệu với đồng hương nghề nghiệp của mình là “chăm sóc nụ cười của quý vị” qua công việc chữa răng, trám răng, niền răng, trồng răng (implant), đánh bóng răng, để quý đồng hương “gì cũng cười”.

Chụp hình lưu niệm cái vui thì nhất định phải nhờ vào cái miệng cười. Cười không nổi để phải có cái cười vui giả tạo thì đành nói tiếng “Cheer” cho có thể nhếch mép răng hở như đang cười vậy.

Luận về cái cười theo thẩm mỹ, âm thanh, âm sắc, cường độ, giá trị thì thực phức tạp. Cười thẩm mỹ thì có nụ cười danh họa Mona Lisa của họa sĩ tài danh Leonardo De Vinci ở thế kỷ thứ 15 vẫn đứng hàng đầu. Về tiếng cười thì cứ nghe âm thanh mà đặt : Cười ha hả, cười khì khì, hềnh hệch, khanh khách, khúc khích hay sằng sặc. Người ta cũng theo hình thể miệng cười mà đặt : Cười mím chỉ, cười chum chím, cười nụ, cười nhoẻn, cười nửa miệng, cười toe toét. Chẳng những vật thôi, theo dáng điệu của người cười mà có : Cười lăn lộn, cười rũ, cười bò, cười ngặt nghẹo. Cái cười làm cho người ta khó chịu : Cười mỉa, cười gằn. Song cái cười khó hiểu nhất là cười duyên. Danh hề Văn Chung thì tự đặt cho mình ba loại cười với âm điệu và cường độ khác nhau, tuy cùng mẫu số chung “cười dê”. Về giá trị miệng cười “nhất tiếu thiên kim” thì chẳng biết thuộc về ai. Song năng lực cười đến “khuynh nước ngiêng thành” thì thi hào Lý Bạch đã dành cho mỹ nữ Dương Quý Phi của vua Đường Minh Hoàng ở Trung Hoa.

Danh hoa khuynh quốc lưỡng tương hoan

Thường đắc quân vương đới tiếu khan

Danh hoa nghiêng nước sánh đôi vui  Để xứng quân vương một nụ cười

Cười theo tâm lý học thì khá rắc rối. Theo bác sĩ chuyên khoa psychiatry người Đức ông Krestschmer  (1888 - 1964) thì tại dáng người. Người nở bề ngang hơn bề cao, mặt tròn trịa, bụng nở nang thì hay cười. Theo bác sĩ chuyên khoa psychiatry người Thụy Sĩ ông Carl Gustav Jung (1875 - 1961) thì người hướng ngoại hay cười. Theo bác sĩ chuyên khoa psychiatry người Úc ông Sheldon Goldenberg thì người nội tạng tốt hay cười. Chẳng biết vị nào đúng, nhưng có lẽ đó là những nhận xét vô thưởng vô phạt, nghĩ gì nói đó. Theo cụ Nguyễn Văn Vĩnh thì cứ người Việt Nam là hay cười, chẳng biết có đúng hay không. Song hầu hết các nhà tâm lý đều đồng ý những con người bình an, ngay thẳng thường ở trong trạng thái vui vẻ tự nhiên và có những nụ cười hồn nhiên. Cười với người là biểu hiện sự đồng cảm ở những trạng huống vui nhộn, hài hước.

Cái cười vui vẻ tự nhiên dễ gây thiện cảm, chiếm thiện cảm của người và giúp cho sức khỏe mình tốt như các vị y sĩ thường khuyên “Một nụ cười bằng mười viên thuốc bổ”. Cái cười này chắc chắn không phải là loại cười mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh viết : “Xét ra cái cười của ta nhiều khi vô tình độc ác, có cách láo xược khinh người, có câu chửi người ta, có nghĩa yên trí không phải nghe hết lời người ta mà đã gièm trước ý tưởng người ta, không phải nhìn kỹ việc người ta làm mà đã chê sẵn công cuộc người ta”, đến nỗi nghe tiếng “cười hì” mà “phát tức”.

Con người muốn có tâm hồn bình an, sống trong trạng thái vui vẻ hầu có thể cất tiếng cười làm vui đời vui mình.Con người thèm cười nhưng trong ngày mấy ai đã có được những giây phút đó. Muốn cười phải được người khác chọc cười và phải chọc đúng sở thích mới cười. Hoặc giả nhìn thấy những nét ngây thơ nói mấy lời vô tội ngộ nghĩnh của mấy cô cậu hon như “răng ông ít nhưng nếu ông ngoan mấy tháng nữa nó sẽ mọc thêm, đừng buồn” thì cười thật thoải mái. Vì cớ đó, các nhà tâm lý rất lưu tâm đến cười của người ta, cứ xem đa số thích cười về vấn đề gì thì có thể biết ngay tình trạng đạo đức xã hội lên xuống thể nào.

Trong tiềm thức, con người thèm có được những nụ cười hồn nhiên vì chỉ có cười mới cảm thấy đời vui sống với mình và với người. Ông  Nicolas Chamfort, một nhà văn người Pháp cho rằng : “Trong tất cả mọi ngày, ngày nào mà ta không cười là coi như ngày đó hỏng”. Triết gia và cũng là nhà đạo đức học người Pháp Jean de la Bruyère lại còn sợ không kịp cười thì đã chết nên khuyên mọi người : “Hãy cười trước khi được hạnh phúc, kẻo chết mà chưa kịp cười”. Các cụ có một câu nói rất thú vị và ý nghĩa : “Khi ta ra đời, mọi người chung quanh ta đều cười vui mừng vì mẹ tròn con vuông, chỉ riêng ta khóc. Sống thế nào để khi ta lìa đời, mọi người chung quanh ta đều khóc thương tiếc, riêng ta mỉm cười vì đã có cuộc sống bình an vui thỏa”, và người Việt ta còn ước mong cho người quá vãng được “ngậm cười nơi chín suối”. Con người thèm cười chân thành, tự nhiên. Không lạ gì chúng ta thích nhìn trẻ thơ cười, nụ cười hồn nhiên ngây thơ. Càng cao tuổi chúng ta vẫn có những lúc cười, nhưng thường cười để mà cười, những nụ cười thiếu hồn nhiên thỏa lòng. Cái cười của chúng ta phần nhiều là  cười nhạt, cười gượng, cười trừ, đôi khi là cười mát, cười khẩy, cười gằn và thỉnh thoảng là cười nham nhở.

Tại sao chúng ta đánh mất cái cười chân thành, hồn nhiên phát xuất từ tấm long bình an vui thỏa. Cuộc đời trên trần thế nào có bao lâu, mà sao chúng ta cứ phải sống những chuỗi ngày lo âu trong việc kiếm tiền bằng mọi giá, sầu não vắng tiếng cười nhân hậu nơi mình và nơi người. Tại sao phải ở trong tình trạng mua vui để tạo được vài tiếng cười thoải mái, tống xuất vài ưu phiền chất chứa trong tâm, tại sao chúng ta có đồng tâm trạng với thi hào Nguyễn Công Trứ, vừa vào đời đã cho ngay đời u ám :

Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe     Trần có vui sao chẳng cười khì

Rồi cả cuộc đời, ngẫm cho kỹ để có cảm nghĩ như nhà thơ Cao Bá Quát:

Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,    Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười.

Nực cười”, nhìn vào cuộc sống quay cuồng, nhiều lúc chúng ta cũng cảm thấy “làm chi những thói trẻ ranh nực cười” (Đoạn trường tân thanh - Kiều).

Như vậy, chẳng lẽ chúng ta đành sống trọn cuộc đời “ba vạn sáu ngàn ngày” với tâm tư “nực cười” thôi sao ? Câu trả lời chắc chắn là không. Trong muôn loài vạn vật nơi trần thế chỉ có con người là biết cười và muốn cười. Đời sống chúng ta không thể thiếu vắng nụ cười chân thành hồn nhiên.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Thi hào người Ý, ông Quintus Horatius Flaccus (tên tiếng Anh là Horace ) đã nói một câu rất lý thú : “Có gì cấm cản ta không cho ta vừa cười vừa nói chân lý”. Tuyệt diệu. Chỉ có chân lý mới làm cho lòng vui thỏa, nở nụ cười mãn nguyện, hồn nhiên. Chúng ta giãi bầy chân lý cho người chưa biết Chúa với cả miệng cười. Thật vậy, chỉ có chân lý mới khiến chúng ta an tâm, vui thỏa và mỉm cười, một nụ cười thật đẹp trong tâm hồn.

Chúa Jêsus phán : “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32). Cuộc đời chúng ta đã có những gì ràng buộc khiến chúng ta không thể cười chân thành hồn nhiên, cuộc đời chúng ta có cái gì thúc đẩy để chúng ta cười nhạt, cười mát, cười mỉa, cười gằn, cái cười khiến chúng ta không vui và làm người khác phiền lòng. Chúng ta thật cần “biết lẽ thật, chân lý”, cần có “chân lý” để năng quyền chân lý “buông tha” chúng ta và chúng ta cười chân thành hồn nhiên, cái cười vui cho mình và phước hạnh cho người.