Kẻ đào thoát


 

Fugitive

 

 

 

 

 


Một đôi khi trong đời thỉnh thoảng chúng ta đã gặp phải những trường hợp lạ lùng không thể nào giải thích nổi. Ta cho rằng đó là chuyện hi hữu, tình cờ, hoặc ngẫu nhiên. Nhưng nếu ta bảo rằng tất cả mọi sự trên đời nầy đều có sự sắp đặt của bàn tay một đấng thiêng liêng vô hình... thì điều ấy cũng có thể xảy ra. Mời các bạn hãy đọc câu chuyện sau đây và xét thử nó nằm trong trường hợp nào?

 

TỬ NGỤC MÔN là một nhà tù vĩ đại và nổi tiếng nhất Đông Âu. Nó nằm về cực bắc nước Hà Lan, thuộc tỉnh Lã Mông cách lãnh thổ Bắc Hải một trăm cây số. Người ta đồn rằng Tử Ngục Môn trước kia là tu viện của một giòng nữ tu kín được xây cất vào thế kỷ thứ 12. Sau đó vì nhận thấy cái lạnh trường kỳ của miền Bắc có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của những nữ tu, chính quyền đã quyết định dời tu viện về một nơi ấm áp hơn, biến nơi đây thành một cơ sở hành pháp giam giữ những phạm nhân mang trọng tội đại hình trên toàn cõi quốc gia.


Mà thật vậy, từ xa mới thoạt nhìn người ta cứ ngỡ rằng Tử Ngục Môn là một tu viện với những bức tường cao sừng sững, vây bọc chung quanh những dãy nhà được kiến trúc theo lối cổ xưa, với một tháp chuông cao vút ở trung tâm, không khí êm đềm thanh thịnh.


Nhưng đến gần hơn người ta mới thấy tháp chuông ấy thực sự là một tháp canh, lúc nào cũng túc trực một người lính gác, súng cầm tay, lạnh lùng đưa mắt bao quát hết chung quanh và sẵn sàng báo động nếu có điều chi  khác lạ. Chẳng những thế trên bốn góc cửa những bức tường cao lởm chởm chông nhọn ấy, còn có bốn chòi canh lúc nào cũng hiện diện bốn người lính được trang bị súng trường lưỡi lê và sẵn sàng nhả đạn nếu phát hiện có kẻ đào thoát. Ngoài ra còn có một tiểu đội tuần tiễu ngày đêm kiểm soát bên trong lẫn bên ngoài, bất chấp thời tiết, bão gió, mưa lạnh tuyết rơi.


Bởi thế những tù nhân nào đã được gởi đến thọ án nơi đây đều tuyệt nhiên không thể nào vượt ngục được và dứt khoát không có ngày về. Họ là những kẻ bị kết án chung thân khổ sai, và những người mang trọng tội tử hình đợi ngày hành quyết. Họ đến đây để gởi gấm nốt quãng đời còn lại của họ bằng những chuỗi ngày dài lê thê khổ ải, để trả lại cái món nợ đời nghiệp chướng mà họ đã vay mượn trong quá khứ, để đền tội. Họ là một tập thể gồm ba ngàn người được tuyển chọn trên khắp các nhà tù lớn của quốc gia. Họ là tổng hợp của nhiều khuôn mặt cũng như thành phần tội lỗi của xã hội, đến đây từ khắp các nẻo đường với xiềng xích gông cùm mang nặng trên vai. Mỗi khuôn mặt là một cuộc đời, một tâm tình, một quá khứ khốc liệt chẳng ai giống ai. Nổi bật nhất là khuôn mặt của Điền Sơn, một tướng cướp lừng danh ở miền Nam nước Hà Lan.

 

Điền Sơn là người có tầm vóc to lớn, sức mạnh hơn người và một khuôn mặt rất dữ tợn. Hắn thọ án tại Tử Ngục Môn đã được hai chục năm và là người duy nhất bị phạt đến ba cái án chung thân khổ sai. Trong quá khứ hắn là một tên đầu lĩnh khét tiếng đã từng chỉ huy gần một trăm bộ hạ cướp bóc và gieo rắc kinh hoàng cho giới quyền quí giàu sang khắp nơi trong nước. Năm 1809, trong một vụ đánh cướp bảo tàng viện ở thủ đô hắn đã bị sa lưới pháp luật và bị toà thượng thẩm Nam Hà Lan kết án chung thân khổ sai. Trên đường giải giao về Tử Ngục Môn hắn đã dùng sức mạnh bẻ xiềng, đánh trọng thương bốn người lính phòng vệ và trốn thoát. Nhưng vận số hắn đã đến hồi xui xẻo nên hai ngày sau hắn bị bắt trở lại và bị xử chồng thêm một án chung thân khổ sai nữa. Lần nầy người ta phải bỏ hắn vào một cái cũi sắt để giải giao về Tử Ngục Môn. Nơi đây sau hai năm thọ án, trong một cãi vã tranh dành ảnh hưởng trong tù hắn đã đập chết một can phạm khác và lại bị bỏ vào cũi sắt đưa về toà thượng thẩm ở thủ đô để xét xử. Luật pháp chỉ có thể kết tội ngộ sát cho một phạm nhân đang thọ hình vì kẻ đang bị giam cầm không thể nào có vũ khí giết người trong tay. Bởi thế lần nầy hắn bị xử thêm một cái án chung thân khổ sai nữa, lần thứ ba.


Kể từ ngày bị cái án chung thân thứ ba, tánh tình Điền Sơn trở nên lầm lì ít nói và dễ hiếu động hơn. Hắn cho rằng cuộc đời mình đến đây kể như bế mạc, có gìn giữ cho lắm thì kết cuộc cũng rũ cái nắm xương tàn trong Tử Ngục Môn lạnh lẽo nầy mà thôi. Do đó hắn xem thường kỷ luật nhà tù, thường hay dở trò hung hăng đánh đập mọi người bất kể già trẻ lớn bé. Trong suốt gần hai mươi năm trời hắn đã là một nỗi khổ tâm chung cho những người đồng cảnh ngộ và cũng là một mối quan ngại lớn cho ban giám thị ở Tử Ngục Môn, người ta phải ngày đêm theo dõi và canh phòng hắn.

Một hôm tình cờ Điền Sơn đọc được một quyển sách do một người bạn tù cho mượn. Đó là một quyển Thánh Kinh nhỏ của một phái đoàn truyền giáo đem vào Tử Ngục Môn phân phát cho tù nhân trước đó vài năm. Đây là quyển sách nói về cuộc đời của Chúa Cứu Thế và chính trong quyển sách ấy một câu nói đã làm thay đổi hẳn cuộc đời của Điền Sơn: “ Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ”(1). Có một cái gì trong câu nói ấy đã làm cho cõi lòng Điền Sơn dường như ấm lại và tin tưởng ở ngày mai để bước tới trong cuộc sống tối tăm của ngục tù nầy. Giờ đây hắn đã thấy rõ ràng rằng: luật pháp chỉ có thể trừng trị tội lỗi chứ không có khả năng xoá bỏ tội lỗi và đưa con người đến chổ Chân Thiện Mỹ được, chỉ có Chúa Jesus mới hy vọng làm được điều nầy thôi. Hắn tự hỏi “Jesus ơi ông là ai? Ông chỉ là con của một người thợ mộc nghèo nàn ở Na-Xa-Rét, Ông không có tiền bạc, quân đội và thế lực trong tay. Thế mà sự ra đời của Ông đã làm đảo lộn thế giới, nhân loại đã lấy ngày sinh của Ông làm cái mốc thời gian tính niên lịch chung cho toàn cầu. Rồi biết bao nhiêu công trình vĩ đại được người ta dựng lên để tưởng niệm Ông, biết bao nhiêu triệu con người kể cả bậc vĩ nhân quyền uy, vua Chúa đều phải quỳ gối, cúi đầu trước hình ảnh của Ông?. Chắc chắn rằng phải có một điều gì thật xác tín trong niềm tin của nhân loại mà Điền Sơn chưa hiểu thấu đó thôi.

Thế rồi từ đó hắn chuyên tâm học hỏi về những lời lẽ của Kinh Thánh, là loại sách mà từ lâu hắn đã cho là sự “bài tiết” của lòng mê tín. Lạ lùng thay, tầm hồn của Điền Sơn bỗng dưng như có một chất liệu ngọt ngào từ những lời lẽ ấy thấm vào. Hắn chợt thấy rằng đã từ lâu, mình chỉ là một chiếc bóng cô đơn lầm lũi đi trong những cơn lốc của cuộc đời mà hành trang chỉ là hận thù bạc ác tham lam.


Giờ đây hắn đã có Jesus là bạn, một người bạn thật sẵn sàng chia xẻ và gánh vác tội lỗi cũng như khổ đau cho hắn. Một niềm vui mới lạ và một hạnh phúc tuyệt vời tràn ập đến khiến Điền Sơn chơi vơi, ngây ngất, hắn quyết tâm làm theo lời Chúa dạy. Mà những điều phải làm ấy hắn nhận thấy cũng chẳng khó khăn chi. Chỉ việc luôn hướng lòng về Chúa, đừng gian dối, thương yêu và tha thứ cho tất cả mọi người, vui vẻ và khiêm tốn trong đời sống hằng ngày. Giản dị thế thôi.


Như một phép nhiệm mầu, chỉ một thời gian ngắn thôi bỗng chốc Điền Sơn đã lột xác thành một con người hoàn toàn khác. Từ một kẻ tánh tình hung bạo hiếu thắng, hắn trở nên hiền từ vui vẻ, khuôn mặt dữ tợn đanh ác trước kia đã đổi thành những nét nhân hậu, điềm đạm. Gặp ai Điền Sơn cũng ân cần chào hỏi, giúp đỡ vả hắn sẳn sàng xin tha thứ những lỗi lầm đã có trong suốt hai chục năm qua.


Toàn thể tù phạm ở Tử Ngục Môn đều nhận thấy hiện tượng ấy. Ban đầu họ cứ tưởng rằng Điền Sơn tính giở cái trò gì nữa đây, nhưng sau đó tất cả đều thấy sự thay đổi này là điều xuất phát thành thật từ trong tâm hồn của một con người biết ăn năn hối cải. Do đó tất cả đều mừng rở và thấy lòng nhẹ nhỗm vì từ nay không còn lo sợ cái bản tánh ngang tàng hiếu thắng của Điền Sơn nữa. Và cũng từ giờ phút đó tất cả đều trở thành bạn của Điền Sơn, họ không còn khinh bỉ và xa lánh hắn. Họ thường gặp gỡ và chuyện trò cùng hắn, thân mật như quen biết từ thuở nào. Trong những cuộc gặp gỡ ấy, Điền Sơn đem những điều hiểu biết về Chúa Jesus giảng giải cùng mọi người.


Không hiểu vì hắn đã được Đức Thánh Linh soi sáng hay vì ở trong con người của hắn còn âm hưởng của cái oai danh dũng lược trong quá khứ, mà trong khi hắn giảng giải mọi người chịu khó nghe lắm. Một số không ít những phần tử xấu trong tù đã nghe theo lời của Điền Sơn trở thành những con người tốt đẹp hơn. Không khí của Tử Ngục Môn không còn hỗn loạn và đầy dẫy tranh chấp, hận thù như ngày xưa nữa. Điền Sơn bây giờ đã trở thành một khuôn mẫu đức độ để mọi người mến chuộng thương yêu.


Nhưng than ơi! Lòng tin Chúa của Điền Sơn thì ào ạt như sóng vỡ thác tuôn mà ý niệm sâu xa của Cơ Đốc thì hắn chập chững như một đứa bé học vỡ lòng. Vì trình độ hắn thấp và hắn thiếu một người thuần đạo hướng dẫn về tinh thần. Hắn tâm niệm rằng khi đã trở thành một con người tốt và hoàn toàn tin Chúa thì hắn có quyền cầu nguyện và ước vọng nơi Chúa bất cứ điều gì. Hắn cho rằng Tử Ngục Môn không còn là đất dung thân của một con người tốt như hắn nữa. Hắn phải ra ngoài đời. Bởi chính ngoài đời hắn mới có dịp làm sáng danh Chúa hơn, hắn sẽ đem sự hiểu biết về đức tin cũng như sức khỏe còn lại để phục vụ cho nhân quân xã hội, hầu chuộc lại lỗi lầm của hắn trong quá khứ. Hắn cầu nguyện xin Chúa giúp hắn vượt ngục được. Điền Sơn cũng thừa biết rằng đối với Tử Ngục Môn nầy thì vượt ngục gần như là một danh từ xa lạ mà toàn thể phạm nhân không dám nghĩ đến. Suốt một thế kỷ qua, sự canh phòng cẩn mật cùng với phương châm sắt máu của giám thị trại giam nối tiếp qua nhiều thế hệ là: sẳn sàng bắn bỏ nếu bắt gặp một tù nhân nào đến gần bờ tường năm thước, đã khiến cho hầu hết những kẻ có mưu toan đào thoát đều phải chùng bước nản lòng.

Thế nhưng hôm nay đối với Điền Sơn thì khác. Hắn tin rằng quyền năng của Chúa Jesus là vô hạn, và kẻ nào biết hướng lòng về Chúa, thật tâm cầu nguyện những ước vọng đừng đi ngược lại căn bản đạo đức của con người thì sẽ được thỏa nguyện, vì Kinh Thánh có nói rằng “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời”(2). Do đó, một mặt hắn luôn luôn trau dồi đạo đức một cách thật tâm, một mặt hắn luôn ngày đêm cầu nguyện cùng Chúa Jesus giúp cho hắn có cơ may trốn thoát, và dịp may ấy đã đến.

Vào một buổi sáng mùa đông thật lạnh, cái lạnh kinh khủng và bất thường hơn mọi năm. Tuyết rơi lả tả trắng xoá cả một bầu trời, tuyết phủ dầy đặc trên những lối đi, trên những mái nhà dài vốn đã trường kỳ lạnh lẽo của Tử Ngục Môn. Bổng một hồi còi dài vang dội đánh thức tất cả mọi người còn đang ngái ngủ, lệnh tập họp bất thường. Ba ngàn phạm nhân chung thân khổ sai từ những dãy trại khác nhau kéo về nơi sân chính ở trung tâm trại giam để nhận chỉ thị. Mục đích của buổi tập họp bất thường nầy, vị giám thị trưởng tuyên bố năm nay trời trở lạnh đột ngột số than dự trữ dùng cho hệ thống sưởi ấm của trại giam không đủ theo nhu cầu cần thiết. Bởi thế trại giam cần tuyển chọn một trăm tù nhân để đến khu rừng Lệ Môn cách đây mười dậm chặt củi lấy thêm hơi đốt.


Vừa nghe đến đây mọi người nhốn nháo cả lên, ai cũng đưa tay lên tình nguyện công tác nầy vì đó là một dịp hiếm có được ra ngoài để thở chút không khí tự do và nhìn ngắm xem xã hội đổi mới thế nào sau nhiều năm bị giam giử. Nhưng việc nầy đâu có dễ dàng tình nguyện được, đây là một công việc hết sức tế nhị và nguy hiểm cho trại giam. Và thành phần được tuyển chọn phải là những kẻ có sức khỏe tốt và một hạnh kiểm xét ra biết phục thiện và ăn năn hối cải nhất sau nầy.


May mắn thay Điền Sơn là người được tuyển chọn đầu tiên trong số một trăm phạm nhân ấy, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Một lần nữa Điền Sơn lại thầm cảm tạ ơn Chúa đã đáp ứng lời cầu nguyện và giúp hắn có cơ hội vượt ngục.


Vào giữa trưa hôm ấy, trong khi một trăm tù nhân khổ sai đang chặt củi tại rừng Lệ Môn dưới sự canh phòng chặt chẽ của hơn hai chục lính phòng vệ, thì bất ngờ một trận bão tuyết thổi ập đến. Cây cối ngã nghiêng, oằn oai dưới sức gió gào thét kinh hồn, những hạt tuyết phũ phàng đập mạnh vào da thịt con người như những vết dao bén nhọn đớn đau. Tất cả mọi người đều co rúm lại lấy tay che mặt lảo đảo ngửa nghiêng. Trong cơn hổn loạn bão tố đó, thừa lúc lính phòng vệ bất cẩn, Điền Sơn phóng mình về phía khu rừng trước mặt biến dạng mất tiêu. Hắn đã đào thoát được.


Sau hai ngày đêm chống chọi với thời tiết lạnh buốt giông bão và đói khát, tưởng chừng như phải gục ngã nửa đường, Điền Sơn đã vượt qua được khu rừng Lê Môn và gặp một nông trại trồng nho. Chủ nông trại là một người đàn ông hào hiệp. Sau khi nghe Điền Sơn trình bày tất cả mọi sự, cảm động vì nỗi đau của một con người bị khổ sai suốt hai chục năm qua giờ đây đã thật sự muốn làm lại cuộc đời, ông ta khẳng khái vui vẻ giúp Điền Sơn. Đích thân người chủ nông trại nầy cỡi ngựa ra phố mua về cho Điền Sơn một đầu tóc giả thật đẹp, để che giấm mái tóc lởm chởm bị cạo trọc của một tù nhân. Ông còn tặng cho hắn một bộ quần áo thật đẹp và sang, cùng một số tiền nhỏ làm lộ phí cho cuộc hành trình đào thoát. Lúc tiễn đưa ông còn dặn dò, khuyên nhủ khiến Điền Sơn cảm kích vô cùng.


Giờ phút nầy hắn không còn là một Điền Sơn của ngày xưa nữa. Mái tóc đẹp màu nâu phủ xuống gần ngang vai, bộ quần áo sang trọng thẳng nếp, nếp mặt điềm đạm và một tấm lòng hướng thiện ăn năn đã biến đổi hắn thành một con người hoàn toàn khác lạ. Với cái phong cách của một người đàn ông khả kính đó, Điền Sơn thong thả bằng những bước chân đầy tự tin tiến về thị trấn An Bình là nơi mỗi ngày có một chuyến xe ngựa chạy về thành phố Lã Mông, ngang qua biên giới của lãnh thổ Bắc Hải và cũng là nơi mà Điền Sơn muốn vượt qua để tránh sự tầm nã của quốc gia Hà Lan.


Người đánh xe ngựa là một lão già khoảng sáu mươi tuổi cúi đầu kính cẩn chào Điền Sơn và trịnh trọng mở cửa mời hắn bước lên. Khung cảnh ấm ấp và kín đáo trong xe làm cho Điền Sơn an tâm hơn, hắn thoải mái dựa lưng vào nệm xe êm ái và tránh nhìn ra khung cửa kính để khỏi bị cặp mắt dòm ngó của mọi người. Rồi trong khi hắn thả hồn về một giấc mơ tuyệt đẹp của bên kia bên giới Hà Lan với một cuộc sống ý nghĩa mà hắn đã hiểu rõ giá trị đích thực của nó, thì bỗng có một luồng hơi lạnh buốt từ ngoài thổi vào và của xe mở bật ra. Hắn thấy lão đánh xe đang cúi đầu kính cẩn chào một người khách nữa. Người khách mới nầy có thân hình bề thế, mái tóc bạc gần phân nữa, trên mình phủ một chiếc áo choàng rộng thùng thình màu đen và trên tay cầm quyển Thánh Kinh lớn, nét mặt nghiêm trang hiền hậu nhưng đôi mắt thật tinh anh sau cặp kính cận. Mới nhìn người nầy có lẽ ai ai cũng biết rằng đó là tu sĩ. Người đánh xe trịnh trọng nói: “Kính mời tu sĩ lên xe, chúng ta khởi hành ngay bây giờ”.


Vị tu sĩ cám ơn người đánh xe, rồi khó khăn bước lên cửa xe chật hẹp bởi cái thân người to lớn của mình và ông ta ngồi ở ghế trước mặt Điền Sơn, khẻ mỉm cười thân thiện chào. Chiếc xe từ từ chuyển bánh, bốn con ngựa cất tiếng hí vang gõ đều nhịp vó trên con đường phủ đầy tuyết trắng. Người đánh xe ngồi trên mui vừa ra roi quất ngựa vừa cất tiếng hát nghêu ngao, ngoài khung cửa kính phong cảnh thị trận An Bình lùi dần về phía sau chỉ còn lại những hạt tuyết bay lả tả bám nhẹ và rơi rớt trên khung xe. Điền Sơn thở phào nhẹ nhõm, một lần nữa hắn thầm cảm ơn Chúa đã giúp cho cuộc hành trình thông suốt và ít ra còn cho hắn thêm một người bạn đồng hành là vị “tôi tớ khả kính của Jesus”.

 

Chỉ còn bốn mươi dặm nữa thì đến biên giới, trong khung cảnh ấm ấp chật hẹp trên một chiếc xe đường trường giữa trời đông tuyết lạnh khiến cho những người đồng hành dễ đến gần nhau, chẳng mấy chốc hai người dường như trở thành quen biết đã lâu, chuyện trò cởi mở. Câu chuyện ban đầu chỉ lòng vòng với những đề tài về thời tiết nắng mưa và sau đó thì những mẫu tâm tình nho nhỏ. Vui vẻ chất phát vốn là bản tánh của những người tu sĩ, trong câu chuyện vị tu sĩ cho biết ông tu ở Thánh Kinh Thần Học Viện cách đây gần năm trăm dậm, hiện tại ông phải về thành Hải Long để chủ trì cho việc xây cất một ngôi nhà thờ mới nơi ấy. Suốt cuộc đời ông chỉ biết phụng sự cho Chúa và hiến thân cho nhân loại, ông mong muốn Tin Lành của Chúa được truyền bá khắp nơi nơi.


Còn Điền Sơn thì đôi mắt rực sáng mỗi lần nghe vị tu sĩ nhắc đến tên của Chúa Jesus, hắn nghe lòng mình dạt dào những niềm tin mới lạ. Kể từ ngày tin Chúa đến nay, đây là lần đầu tiên hắn tiếp xúc được với một tu sĩ, hắn tưởng chừng như những lời nói ngọt ngào của vị tu sĩ chính là những lời của Chúa Jesus. Hắn tin rằng tất cả đều do sự sắp đặt nhiệm mầu mà chỉ có Đấng Chirst mới làm được mà thôi, ôi cám ơn Chúa vô vàn… Và trong một phút giây không kềm hãm được lòng mình, hắn hỏi vị tu sĩ:


- Thưa ngài, ngài có tin rằng sự gặp gỡ của chúng ta ngày hôm nay là do ý muốn của Chúa không?

 - Có chứ, có chứ- nhân loại là con cái của Ngài, mọi sự sắp đặt cũng như chương trình của đời sống chúng ta đều do bàn tay nhiệm mầu của Chúa Jesus quyết định.

 

- Thưa ngài, đã từ lâu tôi cũng nghĩ thế. Tôi tin nơi phép lạ của Chúa, phục tùng bởi quyền năng của Chúa nhưng lòng tôi không được sáng tỏ lắm vì thiếu tiếp xúc với một vị hướng dẫn tinh thần cỡ như ngài. Xin kể cho ngài nghe câu chuyện của đời tôi và hãy cho tôi một vài ý niệm mới để làm phương châm sau này.


Thế rồi Điền Sơn bộc lộ chân thành hết cả quãng đời đã qua cho vị tu sĩ biết. Hắn miên man kể lại cái quá khứ oanh liệt của mình, từ lúc còn là một tướng cướp nổi danh ở miền nam nước Hà Lan cách đây hai mươi năm cho đến lúc bị bắt đưa về Tử Ngục Môn với ba cái án chung thân khổ sai. Việc tình cờ đọc quyển Kinh Thánh, sự giác ngộ trở thành con người biết làm theo lời Chúa, cho đến giai đoạn cầu nguyện xin Chúa cho hắn vượt ngục được. Cuối cùng hắn kết luận rằng sau bao nhiêu năm trời miệt mài giữa vị nhận và vị lợi, giữa cái sống và cái chết, giờ đây hắn tin rằng mình đã thực sự trưởng thành bằng tên tuổi của chính Jesus.


Còn vị tu sĩ nghe Điền Sơn kể xong thì ông chấp tay trước ngực vẻ mặt xúc động ông thốt lên:

 

Ô, xin cám ơn Chúa Jesus đã cho con gặp người nầy nơi đầy.
Nói xong ông rời ghế của mình qua ngồi kế bên Điền Sơn, hơi ấm từ người vị tu sĩ toát ra khiến Điền Sơn nghe lòng ấm áp dạt dào. Hắn hỏi vị tu sĩ:


Thưa ngài, thế còn ngài. Động lực nào đã thúc đẩy ngài tin và hiến dâng cả cuộc đời cho Chúa, xin cho tôi học hỏi thêm, chẳng hạn như phép nhiệm mầu mà ngài đã gặp?

 

Tôi tin Chúa đã lâu nhưng tôi mới vừa lần đầu thấy sự mầu nhiệm của đức tin trên chuyến xe này thôi.

 

Lý thú quá nhỉ, xin ngài kể tiếp.

 

Trước khi trở thành tu sĩ tôi là một người làm việc tại cơ quan hành pháp ở thủ đô Hà Lan, chức vụ thanh tra và chuyên nghiệp “săn bắt cướp”. Một hôm tôi nhận được một công văn khẩn cấp báo tin một tên tù chung thân khổ sai rất nguy hiểm đã đào thoát tại Tử Ngục Môn. Được biết tên tù khổ sai nầy trong thời gian sau cùng có vẻ sùng đạo và tin Chúa lắm. Do đó tôi quyết định cải trang thành một tu sĩ để mong đánh lừa và tầm nã hắn. Trước khi thi hành công tác nầy tôi cũng đã cầu nguyện cùng Chúa Jesus xin cho tôi hoàn thành nhiệm vụ, vì nếu không thì sự đào thoát của tên nầy sẽ là một mối nguy hại không lường trước cho xã hội được. Có lẽ Chúa đã thông cảm lời nguyện cầu của tôi nên đã khiến xui cho tôi đi cùng một chuyến xe với tên tù vượt ngục ấy. Ban đầu tôi không nhận ra hắn vì hắn cải trang khéo quá, nhưng sau đó có lẽ Chúa khiến xui cho nên hắn đã tự bộc lộ hết tung tích đời mình. Tên tù vượt ngục ấy tên là Điền Sơn, hiện tại hắn đang ngồi bên tôi.

 

Vị tu sĩ kể đến đây thì bật cười lên ha hả, Điền Sơn quay lại nhìn và còn đang hoang mang chưa biết ông ta đùa hay thật. Thì nhanh như chớp vị tu sĩ đã choàng cánh tay phải của mình qua vai hắn, rồi rằng một động tác nhanh lẹ của một người chuyên nghề”săn bắt cướp” ông ta kéo ngược khuỷu tay Điền Sơn về phía sau, cùng lúc ấy tay trái ông ta bật chiếc còng bằng thép sáng ngời ra khoá cánh tay hắn xuống thanh sắt của khung xe. Trong lúc Điền Sơn còn đang bối rối thì ông đã trở về ngồi lại ghế đối diện của mình với Điền Sơn. Rồi từ từ cởi bỏ hết y phục của vị tu sĩ, ông hiện nguyên hình là một thanh tra với tầm vóc oai vệ cương nghị lẫn động tác nhanh nhẹn trong nghề săn bắt. Đó là thanh tra Đỗ Bình.

 Điền Sơn cảm thấy bầu trời trước mặt mình dường như sụp đổ, niềm hy vọng, lý tưởng đẹp của cuộc đời vừa chớm nở vươn lên thì bất ngờ bị đốn ngã bởi những vết dao oan nghiệt phũ phàng của định mệnh, khiến cho Điền Sơn rơi vào trạng thái chới với hỗn mang. Thế rồi trong một phút giây không kềm chế được, con người hung bạo của Điền Sơn ngày xưa bỗng dưng sống lại. Hắn thét lên một tiếng kinh hoàng, lột cái đầu tóc giả vứt xuống sàn xe rồi vận dụng sức lực mình toan bứt tan chiếc xiềng sắt nơi tay. Nhưng than ôi! Một lần nữa hắn lại thất bại rồi! Hơn hai mươi năm nhọc nhằn khổ sai lao lý giờ đây tuổi hắn đã về chiều, đâu còn nữa cái sức khỏe kinh hồn ngày xưa, có chăng chỉ còn lại những thất vọng buông xuôi. Trong cơn tuyệt vọng ấy hắn cúi gập người xuống úp mặt vào hai lòng bàn tay khẽ thốt lên “Chúa ôi, Chúa đã hại con rồi!” Nghe hắn than như thế thanh tra Đỗ Bình bỗng bật cười lên sằng sặc, ông hỏi:

 

Ông bạn vẫn còn tin rằng Chúa đã giúp ông bạn à?

 

Lòng tin Chúa Jesus của tôi vẫn không gì lay chuyển nổi, chẳng qua Jesus đã quá già rồi, gần hai ngàn tuổi. Mà người già thì vẫn hay quên trước quên sau, do đó Ngài đã đáp ứng cùng một lúc hai lời cầu nguyện, của ông và của tôi!

 

Nghe Điền Sơn trả lời như thế, thanh tra Đỗ Bình lại bật cười to lên, tiếng cười của ông tưởng chừng như có thể làm vở toang những khung kính xe, từng thớ thịt trên khuôn mặt phì nộn của viên thanh tra rung rung theo những âm thanh chát chúa ấy. Rồi bỗng nhiên tiếng cười ấy im bặt, Đỗ Bình đang nhìn xuống cái dáng ngồi của Điền Sơn. Ông thấy mái tóc lởm chởm bị cạo trọc của hắn loáng choáng những sợi bạc trắng biểu tượng của tuổi già xế bóng, đầu gục xuống, đôi vai run run, thân hình rũ rượi xót xa như đầu hàng trước số mệnh. Trong giây phút ấy lòng ông như chùng lại và tâm tư có chút gì đó ray rức bâng khuâng. Đỗ Bình tự hỏi: “Ta có khắc nghiệt lắm không đối với một người đang ăn năn hối cải như gã Điền Sơn này?”Ông cũng biết rằng đã từ lâu đối với ông: chẳng có trách nhiệm nào cao cả, chẳng có hy sinh nào tuyệt đối, chỉ có bổn phận là trên hết mà thôi. Đó là bổn phận của một con người thi hành luật pháp. Nhưng sau bao tháng năm quay cuồng trong cái guồng máy hành pháp mà điều luật sắt thép lúc nào cũng là phương châm hành động, Đỗ Bình cảm thấy dường như mình đã quên đi cái nhân bản của con người: Đó là tình thương và sự thứ tha. Giờ đây đứng trước một huống trạng nghiệt ngã của cuộc đời, ông phân vân không hiểu giữa trọng trách và lương tâm bên nào nặng hơn? Sau những đắn đo cân nhắc lẫn xâu xé ở nội tâm, cuối cùng tình người ở nơi ông đã thắng. Đỗ Bình mỉm cười thỏa mãn, nét mặt dịu lại mất hẳn cái vẻ đanh thép trước đây, ông nói thật hiền từ với Điền Sơn:

- Điền Sơn ơi, ông bạn đã lầm rồi! Chúa Jesus là người đã thiết lập nên luật pháp và chủ trương đường lối công bằng cho nhân loại. Thế thì không lý do nào Ngài lại đi hỗ trợ cho một hành động đào thoát đi ngược lại điều luật của quốc gia và có nguy cơ làm đảo lộn trật tự xã hội như vậy. Sự thành công của ông bạn chẳng qua đó là chuyện tình cờ may mắn mà thôi. Còn nếu như ông bạn vẫn khăng khăng với ý nghĩ là Jesus đã giúp cho ông đào thoát được, thì tôi cũng xin thưa với ông bạn rằng Jesus cũng có thể bắt ông bạn lại bất cứ lúc nào, chẳng hạn như lúc này. Bởi khi tôi nhận được lệnh tầm nã ông bạn, tôi cũng có cầu nguyện cùng Chúa Jesus giúp tôi hoàn thành công tác. Có điều, tôi biết chắc chắn là hiện tại ông bạn đã thật sự hối cải ăn năn và muốn làm lại cuộc đời. Giờ đây nhân danh tình người và sự cảm thông tôi xin trả tự do cho ông bạn. Sắp đến biên giới Bắc Hải rồi đó, chúc ông bạn gặp nhiều may mắn và hãy nhớ làm những gì đã hứa nguyện với Chúa Jesus, phải có một tâm hồn Cơ Đốc trước khi trở thành một con người Cơ Đốc.


Nói đến đây thanh tra Đỗ Bình ung dung tra chìa khoá mở chiếc xiềng nơi tay Điền Sơn. Cùng lúc ấy chiếc xe ngựa cũng từ từ dừng lại, tiếng vó ngựa đều đặn nhịp nhàng chậm lại rồi mất hẳn. Chỉ còn tiếng gió vi vút ngoài xe với những hạt tuyết rơi trắng xoá lả tả, nhạt nhoà. Niềm hy vọng vừa bị dập tắt thì bất ngờ sáng lại như một ánh chớp loè lên giữa đêm đen khiến Điền Sơn một lần nữa như rơi vào trong cơn mộng. Hắn lắp bắp như một đứa trẻ thơ:


Ngài ... ngài tha cho tôi thật à? Ngài không sợ mắc tội với pháp luật sao?


Nếu tôi hy sinh một chút quyền lợi nhỏ nhen và một vài lời khen thưởng mà có thể giúp cho ông bạn có được cơ hội làm lại cuộc đời, thì tôi nghĩ rằng cái giá đó không đắt lắm đâu. Cái giá đắt nhất chính là cái giá mà cách đây gần hai ngàn năm tại đồi Gô-Gô-Tha, Chúa Jesus đã bị đóng đinh xuyên qua hai lòng bàn tay và đã chết một cách đớn đau trên thập tự giá để cứu chuộc tội lỗi cho nhân loại, cho ông bạn và cho chính tôi. Ông bạn hiểu lời tôi chứ?

 

Điền Sơn cảm động gật đầu quỳ xuống sàn xe ôm hôn đôi bàn tay của thanh tra Đỗ Bình. Lúc hắn ngẩng đầu lên Đỗ Bình thấy trên khuôn mặt của người tù khổ sai ấy có đôi giòng lệ ăn năn đang chảy nhẹ, hắn nắm lấy tay ông lần cuối rồi lặng lẽ bước xuống xe.


Và khi bóng dáng buồn bã của Điền Sơn khuất dần cạnh những ngọn đồi tuyết trắng phía bên kia biên giới, lão đánh xe thản nhiên quất ngựa tiến về phía trước và tiếp tục hát nghêu ngao mà không mảy may hay biết chuyện gì đã xảy ra trên chuyến xe của mình.

 

 

Hồ Đắc Luật