Phản ứng là một luật thiên nhiên trong vũ trụ và trong con người. Trong con người, phản ứng về thể xác mạnh nhất, rồi đến phản ứng tâm hồn và yếu nhất là phản ứng tâm linh.

Phản ứng trong mỗi người lại rất khác nhau, chẳng những khác nhau theo thể chất con người, mà còn khác nhau theo hoàn cảnh và môi trường.

Phản ứng cũng biểu lộ tư cách, sự hiểu biết và sự khôn ngoan.

Một người nói xấu ta, phản ứng của ta thế nào ? Ta nổi giận vì tự ái hay bình tĩnh suy xét duyên cớ khiến người nói xấu ta ? Chúng ta  suy xét duyên cớ khiến người nói xấu ta ? Chúng ta đối phó theo ý chí hay theo cảm xúc. Đối phó theo ý chí là khôn ngoan. Sự khôn ngoan đòi hỏi sự suy xét và cả sự cảm thông.

Chúng ta có thể “khôn ngoan theo mắt” mình (Châm ngôn 26:5) nhưng chắc gì đã khôn ngoan. Có nhiều tình huống như bị nói xấu, chúng ta phải lắng nghe phản ứng của những người chung quanh về mình. Người xưa cho rằng : “Người hiểu biết chê ta là thầy ta”. Ngày nay không còn quan niệm này nữa, chẳng hiểu người chê ta có phải là “người hiểu biết” thật hay giả, thì làm sao có thể có “thầy ta”. Chê khen chỉ còn là phản ứng có khi đúng, có khi sai. Nhưng khi chúng ta nhận định và phản ứng đúng thì như lời Kinh Thánh ghi : “Người khôn ngoan quở trách lỗ tai hay nghe, Khác nào một cái vòng vàng, một đồ trang sức bằng vàng ròng vậy” (Châm-ngôn 25:12). Làm việc gì với ý chí kiên cường và sự suy xét kỹ lưỡng mà có người khen, người chê là kể như việc đó có giá trị nào đó rồi. Vậy thế nào là khôn ngoan ?

Thi sĩ Trần Tế Xương bàn về Dại Khôn như sau :

Thế sự đua nhau nói dại khôn,     Biết ai là dại biết ai khôn?

Khôn nghề cờ bạc là khôn dại      Dại chốn văn chương ấy dại khôn

Mấy kẻ nên khôn đều có dại         Làm người có dại mới nên khôn

Cái khôn ai cũng khôn là thế        Mới biết trần gian kẻ dại khôn.

Thật sự khó phê phán “biết ai dại, biết ai khôn”. Khôn ngoan như Lão Tử vẫn bị học giả Lâm Ngữ Đường chê là dại. Vị học giả này viết trong cuốn “Importance de la vie” có câu “Lao Tsen est un sacré idiot” (Lão Tử là người hiền ngu). Ông cho Lão Tử ngu dại vì không biết hưởng thụ cuộc đời. Không biết có sách nào nói về cái ngu của vị học giả họ Lâm khi chê Lão Tử ngu không ?

Chúng ta đôi khi bị người khác sỉ vả là ngu là dại. Trong một vài trường hợp chúng ta âm thầm tự thấy mình ngu, mình dại thật. Nhưng thường chúng ta cho mình là khôn, và hài lòng hoặc thêm một bước nữa là hãnh diện với cái khôn của mình, dầu là thứ khôn vặt. Nhà thông thái J. Michel vẫn dè dặt về cái khôn của mình. Ông nói : “Khôn ngoan chính là biết  nghi ngờ sự khôn ngoan của mình”. Kinh Thánh nhắc nhở con cái Chúa chúng ta : “Chớ cho mình là khôn ngoan” (Rô-ma 12:16).

Chúng ta chẳng ai có đủ sự hiểu biết và khôn ngoan ở đời. Cái khôn của con người gom lại chắc chỉ đủ chứa trong một cái túi - “túi khôn” của nhân loại. Sự hiểu biết ngày nay chúng ta có do sự đóng góp hiểu biết của nhân loại trải qua các đời. Sự khôn ngoan của người giúp chúng ta không ít trong cuộc sống ở đời.

Con người thường nghĩ mình khôn ngoan chớ. Nhưng khôn ngoan thế nào thì khó xác định quá. Kinh Thánh có nói đến mấy loại khôn ngoan. Thánh Gia-cơ dạy rằng : “Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra. Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình” (Gia-cơ 3:13-17).

Trong phân đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy có hai loại khôn ngoan :

a. Khôn ngoan “thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ”.

Khôn ngoan “thuộc về đấỉ” là khôn ngoan tìm lợi cho mình mà thôi, không kể đến lợi hại của người khác. Kinh Thánh dậy rằng : “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

Khôn ngoan “về xác thịt” là khôn ngoan tìm sự thỏa mãn dục vọng mình, là người “lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi” (Phi-líp 3:19).

Khôn ngoan “về ma quỉ” là “khôn khéo về sự làm dữ” (Rô-ma 1:30). Hậu quả của sự khôn ngoan này là “có những điều ghen tương tranh cạnh…có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác” (Gia-cơ 3:16). Trong gia đình và ngoài xã hội đang lộn lạo và đầy dẫy tội ác chỉ vì có quá nhiều người có sự khôn ngoan “thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ”.

b. Khôn ngoan từ thiên thượng - “khôn ngoan từ trên mà xuống”.

Sự khôn ngoan từ thiên thượng được Kinh Thánh đề cập tới như sau : “Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình” (Gia-cơ 3:17).

Biểu lộ khôn ngoan này là “trước hết là thanh sạch”. “Thanh sạch” trong căn bản bởi sự tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình để được Đức Chúa Trời tha hết mọi tội lỗi, và trở nên “thanh sạch”, được Đức Chúa Trời “chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh “thanh sạch” không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 1:4). Rồi biết được “Ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3). Nên người khôn ngoan phải biết lánh xa tội lỗi, đến mức độ “Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22).

Kế đến là “hòa thuận”, là “ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy” (Ê-phê-sô 4:32). Nhân từ và tha thứ là phương cách xử sự của người khôn ngoan.

Tiếp theo là “tiết độ”, là kiềm chế, là tự chế ngự sao cho chừng mực, không để dục vọng xui khiến, không để ngoại cảnh chi phối. Người khôn ngoan ý chí vững vàng, “chẳng để sự gì bắt phục được tôi” (I Cô-rinh-tô 6:12).

 Cuối cùng là “nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình”. “Khôn ngoan” là gấm “nhu mì” là hoa. “Đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành” ra từ khôn ngoan và nhân từ. Và bởi lòng chân thật thì chẳng thể “có sự hai lòng và giả hình”.

Nào chúng ta cùng nhau nhận định mình có khôn ngoan, và không ngoan loại nào.

Đi xin việc, có những việc đòi hỏi kinh nghiệm, có những việc không đòi hỏi kinh nghiệm. Có những người nghèo lại giầu kinh nghiệm, có những người giầu lại thiếu kinh nghiệm. Kinh nghiệm trong lãnh vực nào cũng đều khiến cho ta có chút tự tin nhưng chớ nên để nó khiến ta làm “thầy đời”.

Kinh nghiệm của người đời đã đóng góp phần lớn vào cuộc sống của chúng ta. Kinh nghiệm của người đời đôi khi được đúc kết thành quy luật để chúng ta tuân theo. Người Việt ta có một số kinh nghiệm đã thành ca dao, tục ngữ.

Khi chưa có đài khí tượng, kinh nghiệm cho biết: “Mây xanh thì nắng, Mây trắng thì mưa”, “Mống dài trời lụt, Mống cụt trời mưa”, “Kiến cánh vỡ tổ bay ra, Bão táp mưa sa gần tới”, “Kiến tha trứng lên cao, Thế nào cũng có mưa rào thật to” v. v.

Chẳng cần học về khoa tâm lý, kinh nghiệm tình trường cho ta hay “Yêu nhau, yêu cả đường đi Ghét nhau, ghét cả tông ti, họ hàng”, “Chửa quen đi lại cho quen Tuy rằng đóng cửa mà then không cài”, “Dao vàng cắt ruột máu rơi Ruột đau chẳng mấy bằng lời em than”, “Chốn ước mơ lất lơ mà hỏng Nơi tình cờ lại đóng nhân duyên”, v.v. Tất cả những kinh ngiệm trên, về khí tượng cũng như tình trường, ngày nay hầu hết chẳng còn được nói đến nữa.

Chúng ta có những kinh nghiệm riêng, và mỗi kinh nghiệm chúng ta đều phải trả giá. Cái giá phải trả đó là lỗi lầm. Nathan Gilkarov định nghĩa “kinh nghiệm” như sau : “Experience is just what old fools call their mistakes” - Kinh nghiệm chỉ là những ngu dại đã qua được định danh là lỗi lầm. Muốn đỡ trả giá, chúng ta phải học kinh nghiệm nơi người khác. Và tôi tin rằng người khác cũng cần kinh nghiệm của mình. Đối với chúng ta, điều quan trọng là phải nhận định kinh nghiệm mình có ở lãnh vực nào.

Trong bộ sách bồi linh của một mục sư mà tôi kính mến, cụ kể lại một câu chuyện học thêm một kinh nghiệm khác với kinh nghiệm của mình trong cùng một sự việc.

Nhớ lại thời xa xưa, khi còn ở Đà Lạt, bạn tôi là một tay lái xe mô tô phân khối lớn thành thạo đã gặp tai nạn gần bỏ mạng chỉ vì người bà con lớn tuổi được ông chở đi du ngoạn thác Prenn. Người bà con lớn tuổi ngồi sau xe là dân chài lưới. Khi đổ dốc xuống đèo, quẹo phải cả người lẫn xe đều nghiêng hẳn về phía phải. Nhưng kinh nghiệm của người đi ghe, khi ghe nghiêng về phía phải, thì người phải nghiêng về phía trái để giữ thăng bằng. Người bà con khi thấy xe ngiêng về phía tay phải, vội vàng theo “kinh nghiệm” của mình nghiêng hẳn về phía trái, và cái xe mất thăng bằng hất hai người xuống đường, cả hai bị thương nặng. Sau tai nạn, người bà con chuyên chài lưới có thêm kinh nghiệm được chở trên xe hai bánh.

Nhận định về kinh nghiệm khôn ngoan mình có thuộc lãnh vực nào để sử dụng đúng chỗ và giúp ích cho người như lời Kinh Thánh dậy :  “Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành”.

Vài lời thăm hỏi

Người đang chia sẻ niềm tin với quý độc giả và quý anh chị con cái Chúa xin có lời thăm hỏi chân thành đến quý vị và quý anh chị trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Nguyện xin Chúa ban thêm sức cho quý vị và quý anh chị, để chúng ta vượt qua được nghịch cảnh trong Ý Ngài.