Tôn giáo đưa con người từ thế giới hữu hình vào thế giới vô hình, giúp con người tiếp xúc với thần linh. Trong thế giới thần linh, mọi sự kiện đều “huyền bí” vượt quá sự suy tưởng của con người.

Trong các tôn giáo thờ tà thần có những người được xem như thuộc về thần linh làm trung gian giữa tà thần với người dương thế. Dấu hiệu nào chứng tỏ người thuộc về loại thần này - Phù phép.

Kinh Thánh dạy : “các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21), trong đó phù phép là một tội lỗi, người phạm tội này không được hưởng nước Đức Chúa Trời, và nếu không ăn năn, vẫn thản nhiên phạm tội thì “sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:43), “bị quăng vào lửa địa ngục” ( Ma-thi-ơ 18:9).

Phù phép trong sách Galatians bản tiếng Anh là sorcery (Galatians 5:20) có nghĩa là yêu thuật, ma pháp, phù phép của phù thủy, tà thần. Phù phép là phương thức cầu xin tà thần chữa bệnh cho mình hay giáng họa lên người khác, hoặc đối phó với tà ma mà thịnh hành nhất là đuổi ma quỷ.

Trong thời gian niên thiếu sống tại quê nhà, tôi đã chứng kiến những trường hợp một ông thầy pháp thuộc đạo giáo nào không rõ “phù phép” chữa bệnh cho một ông hàng xóm nhà tôi ở Sài Gòn. Khoảng năm 1958, ông Năm, người hàng xóm nhà tôi, vì chứng tai biến mạch máu não (?), sau khi từ bệnh viện về, ông bị tê liệt chân tay không cử động được. Thời đó gia đình ông tin rằng ông bị ma ám. Trong tuyệt vọng, bà năm mời một thày pháp trừ ma đến để đuổi “ma gây bệnh” ra khỏi thân thể ông. Lúc làm lễ đuổi ma, tôi thấy ông thày pháp nói một thứ tiếng thật kỳ dị (phải chăng đây là tiếng lạ của tà thần?), mà ông gọi là “thần chú” trong tiếng trống, tiếng chiêng, và tiếng kèn cúng để phù phép. Mấy ngày đầu, hàng  xóm thấy lạ, đến xem rất đông. Nhưng số người này chỉ còn một hai người những ngày sau đó. Khoảng ba tuần lễ sau, ông Năm qua đời. Sự thất vọng của toàn thể gia đình ông Năm về việc phù phép bằng “thần chú” của ông thầy pháp bất tài nọ hiện rõ trên nét mặt mọi người đưa ông Năm đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau đó chẳng còn nghe gia đình ông Năm nhắc nhở gì đến chuyện ông thầy pháp niệm thần chú nữa. Việc này là một tội lỗi mà con cái Chúa chúng ta phải tránh xa nếu không hậu quả là “không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:21).

Sau đó tôi lại được chứng kiến một sự việc lạ, đó là “lên đồng” dựa trên sự thờ cúng một số thần nữ, mặt mày bôi son trát phấn. Người “lên đồng” là một bà ăn mặc như mấy diễn viên “hát bội”, đội loại mũ như của các quan ngày xưa. Sau một hồi múa may như đang diễn tuồng nói năng như một người điên loạn, bà kêu tên người mẹ của một em bé bệnh nhân bị “ma bắt hồn” lên. Lại với giọng diễn tuồng bà cho biết em bé đó đã bị ma bắt hai hồn sáu vía, chỉ còn một hồn và ba vía và bảo mẹ em hãy mặc cả với linh hồn ma về giá cả. Linh hồn ma người nữ đang ở trong bà. Mặc cả xong, linh hồn ma nói qua miệng bà “đồng bóng” rằng hồn vía của em bé bệnh nhân sẽ được trả. Chắc phù phép loại này đã trở về quá khứ, không bao giờ còn nữa. Loại “lên đồng” phù phép này cũng là một tội lỗi mà hậu quả cũng là “không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21).

Sau ngày theo Chúa, chưa học Kinh Thánh đủ để biết chuyện phù phép là điều xác thịt rất dễ nhầm lẫn phạm phải, và trong thời gian đó tôi tin rằng phù phép chỉ còn trong quá khứ. Khoảng năm 2004, nhân một chuyến đi Hoa Kỳ để chữa bệnh mất ngủ, chính bản thân tôi đã nhận sự chữa bệnh của một linh mục Ki-tô giáo người Việt, vị linh mục này đặt tay trên đầu tôi và cầu nguyện bằng thứ tiếng lạ, phải chăng để chứng tỏ ông là người thiêng liêng (đang phù phép?). Kết quả là bệnh mất ngủ của tôi chẳng cải thiện chút nào. Không linh nghiệm. Cho tới nay tôi cảm nhận tìm sự chữa bệnh theo lối này của một linh mục có lẽ là tội lỗi khi mình là con cái Chúa Tin Lành. Và từ sau đó tôi không bao giờ làm chuyện tương tự nữa.

Phù phép thì chẳng có công thức nào, quy luật nào để minh định trúng trật miễn “linh ứng” là được, là người nhận phép chấp nhận tin tưởng.

Phù phép có khi đơn giản như “vẽ bùa mà đeo”, có khi cũng cần tập luyện chút đỉnh để “bắt ấn”, biểu diễn đi bài “thần quyền”, hoặc lắc lư múa may kiểu “thần nhập”, phát âm một tràng “tiếng lạ” chẳng ai hiểu thì thế nào cũng có năng lực hấp dẫn được một số người “mê tín” quy phục.

Một vị mục sư người Việt đã nhận định một vài trường hợp trong Kinh Thánh về thích “phù phép”, và đó là “việc làm của xác thịt” đồng hạng với “thờ hình tượng” trong niềm tin kính, nhưng tôi tin rằng thêm vào đó hậu quả là mà hậu quả là “không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:21) . Người đang chia sẻ niềm tin cùng quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa không được thuyết phục với lối luận này, và xin phép được đi vào từng trường hợp một.

Kinh Thánh ghi lại chuyện quan tổng binh của vua Si-ry là Na-a-man, vị mục sư trên đã xem Na-a-man thích “phù phép” là điều tội lỗi. Na-a-man mắc bệnh phung, ông đến cùng tiên tri của Đức Chúa Trời là Ê-li-sê để xin người dùng quyền năng của Đức Chúa Trời chữa bệnh cho mình. Ê-li-sê sai đầy tớ ra nói cùng A-na-man : “Hãy đi tắm mình bảy lần dưới sông Giô-đanh, thịt ngươi tất sẽ trở nên lành, và ngươi sẽ được sạch. Nhưng Na-a-man nổi giận, vừa đi vừa nói rằng: Ta nghĩ rằng chính mình người sẽ đi ra đón ta, đứng gần đó mà cầu khẩn danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người, lấy tay đưa qua đưa lại trên chỗ bịnh và chữa lành kẻ phung” (II Các Vua 5:10-11). Vị mục sư luận rằng “lấy tay đưa qua đưa lại” là “phù phép”. Tôi tin rằng Na-a-man là quan tổng binh của vua Sy-ri không phải người Do Thái, trong cơn “huyết khí chi nộ” vì tiên tri Ê-li-sê lại chỉ cho ông cách khó khăn hơn Na-a-man nói “lấy tay đưa qua đưa lại” chẳng qua vì nghĩ đó cũng là một nghi lễ chữa bệnh của các vị tiên tri có thể làm, đó không phải là “phù phép” vì không thể có việc tội lỗi phù phép đến từ tiên tri của Đức Chúa Trời. Và khi Na-a-man biết ông chỉ còn một lựa chọn duy nhất đó là làm theo điều mà tiên tri Ê-li-sê đã chỉ dẫn cho ông. Na-a-man đã làm theo thì bệnh phung của Na-a-man được chữa lành “Những tôi tớ đến gần người, mà thưa rằng: Cha ơi, nếu tiên tri có truyền cho cha một việc khó, cha há chẳng làm sao? Phương chi rày người bảo cha rằng: "Hãy tắm, thì được sạch." Người bèn xuống sông Giô-đanh, và tắm mình bảy lần, theo như lời truyền của người Đức Chúa Trời. Người liền được sạch, và thịt người trở nên như trước, giống như thịt của một đứa con nít nhỏ” (II Các Vua 5:13-14). Tôi tin rằng không có chuyện “phù phép” trong phân đoạn Kinh Thánh này.

Trường hợp thứ hai mà vị mục sư nêu lên là thuật sĩ Si-môn thích “phù phép” (tôi tin rằng người dịch Kinh Thánh nhầm, vì bản tiếng Anh - magic arts - ảo thuật không phải là phù phép) trong sách Công-vụ các Sứ-đồ. Tại hội thánh đầu tiên, có người thuật sĩ tên Si-môn tin Chúa. Si-môn thấy các sứ đồ đặt tay lên ai thì người đó nhận được Đức Thánh Linh. Si-môn bèn đưa tiền cho các sứ đồ để xin được truyền phép đó “Bấy giờ trong thành đó có một người tên là Si-môn, làm nghề (bản tiếng Anh – formerly was practicing) phù phép (bản tiếng Anh - magic - ảo thuật, không phải là phù phép), tự khoe mình làm người danh tiếng, khiến cho dân Sa-ma-ri rất lấy làm lạ lùng. Hết thảy từ trẻ đến già đều nghe theo người, mà nói rằng: Chính người là quyền phép của Đức Chúa Trời, tức là quyền phép lớn như thường gọi vậy. Nhân đó chúng nghe theo người, vì đã lâu nay người lấy phù phép (bản tiếng Anh - magic arts - ảo thuật không phải là phù phép) giục họ thảy đều phải khen lạ. Nhưng khi chúng đã tin Phi-líp, là người rao giảng Tin Lành của nước Đức Chúa Trời và danh Đức Chúa Jêsus Christ cho mình, thì cả đàn ông, đàn bà đều chịu phép báp-tem. Chính Si-môn cũng tin, và khi đã chịu phép báp-tem, thì ở luôn với Phi-líp; người thấy những dấu lạ phép kỳ đã làm ra, thì lấy làm lạ lắm. Các sứ đồ vẫn ở tại thành Giê-ru-sa-lem, nghe tin xứ Sa-ma-ri đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời, bèn sai Phi-e-rơ và Giăng đến đó. Hai người tới nơi, cầu nguyện cho các môn đồ mới, để cho được nhận lấy Đức Thánh Linh. Vì Đức Thánh Linh chưa giáng xuống trên một ai trong bọn đó; họ chỉ nhân danh Đức Chúa Jêsus mà chịu phép báp-tem thôi. Phi-e-rơ và Giăng bèn đặt tay trên các môn đồ, thì đều được nhận lấy Đức Thánh Linh. Si-môn thấy bởi các sứ đồ đặt tay lên thì có ban Đức Thánh Linh xuống, bèn lấy bạc dâng cho, mà nói rằng: Cũng hãy cho tôi quyền phép ấy, để tôi đặt tay trên ai thì nấy được nhận lấy Đức Thánh Linh. Nhưng Phi-e-rơ trả lời rằng: Tiền bạc ngươi hãy hư mất với ngươi, vì ngươi tưởng lấy tiền bạc mua được sự ban cho của Đức Chúa Trời! Ngươi chẳng có phần hoặc số trong việc nầy; vì lòng ngươi chẳng ngay thẳng trước mặt Đức Chúa Trời. Vậy, hãy ăn năn điều ác mình, và cầu nguyện Chúa, hầu cho ý tưởng của lòng ngươi đó họa may được tha cho. Vì ta thấy ngươi đang ở trong mật đắng và trong xiềng tội ác. Si-môn trả lời rằng: Xin chính mình các ông hãy cầu nguyện Chúa cho tôi, hầu cho tôi chẳng mắc phải điều ông nói đó.” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:9-24). Thuật sĩ tên Si-môn chỉ là người (a man) biểu diễn ảo thuật (who was formerly practising magic) trong quá khứ trước khi ông tin Chúa, nên ông thích biểu diễn ảo thuật (magic art) chứ không phải “phù phép (sorcery - yêu thuật, ma pháp, phù phép của phù thủy, tà thần)”. Việc “Hết thảy từ trẻ đến già đều nghe theo người, mà nói rằng: Chính người là quyền phép của Đức Chúa Trời, tức là quyền phép lớn như thường gọi vậy” là sự nhận xét nhầm của dân chúng. Thuật sĩ Si-môn có thể đặc biệt chú tâm vào việc các sứ đồ đặt tay lên ai thì người đó nhận được Đức Thánh Linh, một việc ông thèm khát làm được và xin được truyền phép. Tôi tin rằng không có vấn đề “phù phép”, mà bản tiếng Việt có sự nhầm lẫn trong việc dịch thuật.

Vị mục sư còn cho rằng ngày nay Thiên Chúa Giáo và đa số các phái Tin Lành khác vẫn tin tưởng vào cái mầu nhiệm của “truyền chức” một hình thức “phù phép”. Người đang chia sẻ niềm tin cùng quý vị độc giả tin rằng vị mục sư đã luận về “truyền chức” trong đạo Chúa từ thời Tân Ước như là “phù phép của các tà giáo, một tội lỗi trong Cơ Đốc giáo.

Theo vị mục sư này, Kinh Thánh cho biết, Phi-e-rơ đã chuyền chức từ cho một số người để thi hành linh vụ, nhưng ngày nay theo Kinh Thánh dậy, việc thi hành linh vụ là bởi ân tứ Thánh Linh được ban cho. Mục sư hay linh mục là một ân tứ Thánh Linh như các ân tứ khác “Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin Lành (bản tiếng Anh : evangelists - truyền giáo sĩ), kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư (bản tiếng Anh : teachers - thầy giáo)” (Ê-phê-sô 4:11). Hội Thánh phong chức cho ai chỉ là nghi thức thừa nhận ân tứ “mục sư” mà người đó đã nhận lãnh từ nơi Chúa để làm công việc Chúa giao phó. Phao Lô làm sứ đồ chẳng ai “truyền chức” hết, “Phao-lô, làm sứ đồ, chẳng phải bởi loài người, cũng không nhờ một người nào, bèn là bởi Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 1:1). Việc làm của Phao-lô chứng tỏ ân tứ sứ đồ Phao-lô nhận được, “chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa” (I Cô-rinh-tô 9:2).

Tuy nhiên tôi tin rằng Hội Thánh phong chức cho ai chỉ là nghi thức thừa nhận ân tứ “mục sư” mà người đó đã nhận lãnh từ nơi Chúa để làm công việc Chúa giao phó dưới hình thức như của Thánh Phao Lô, hay dưới hình thức truyền chức của Thánh Phi-e-rơ cũng có trong Kinh Thánh và cả hai hình thức đều là phong chức, không phải là tội lỗi “phù phép”. Tôi xin phép tin rằng lối luận trên không đem lại sự hiệp một trong cộng đồng con cái Chúa Tin Lành.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta những con cái Chúa chân chính nhất định phải coi như chết về phù phép, tránh xa những nơi có phù phép, khôn ngoan từ chối lời mời của bè bạn dụ chúng ta đến những nơi đó.