Sau khi A-đam và Ê-va, tổ phụ của loài người phạm tội thì sự “thù oán” trong tâm trí phát xuất ngay trong gia đình đầu tiên của nhân loại. Sự “thù oán” này đã khiến cho Ca-in giết ngay em mình là A-bên, “Vả, cách ít lâu, Ca-in dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. A-bên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem A-bên và nhận lễ vật của người; nhưng chẳng đoái đến Ca-in và cũng chẳng nhận lễ vật của người; cho nên Ca-in giận lắm mà gằm nét mặt. Đức Giê-hô-va phán hỏi Ca-in rằng: Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó. Ca-in thuật lại cùng A-bên là em mình. Vả, khi hai người đang ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên là em mình, và giết đi.” (Sáng-thế ký 4:3-8). Sau đó thế gian càng hướng hạ, sự “thù oán” (bản Anh ngữ enmities - ác cảm, thù hận, thù nghịch, thù oán, căm hờn) trong xã hội ngày một nhiều. Chỉ cần một vài lời nói, một vài hành động không đúng cách cũng đủ gây thù, chuốc oán.

Thù oán” trong gia đình, có khi giữa vợ chồng, giữa anh em ruột thịt, giữa bà con thân thiết. Hẳn những người thuộc thế hệ sinh trước năm 1945, chưa quên chuyện vợ ông thợ giầy ở Sài Gòn đã lập mưu với một người thợ giết chồng chỉ vì hận chồng. Và tại Úc Đại Lợi, khoảng bảy năm về trước, trong đại gia đình họ Lin, người em rể đã giết vợ chồng người anh, đứa cháu trai vì oán hận gia đình anh chị mình không giúp đỡ ông trong chuyện buôn bán.

Thù oán” ngoài xã hội thì không sao nói hết. Khi đại dịch Covid-19 xẩy ra, một số người Á Châu nhất là người Trung Hoa trên thế giới đã bị đối xử một cách đầy ác cảm, và oán hận.

Thù oán” giữa hai quốc gia trên thế giới con người cũng chẳng ít. Cũng sau khi đại dịch Covid-19 hơi lắng xuống, chính phủ Úc đưa ra nghị quyết tại cơ quan Y Tế Thế Giới WHO điều tra sự phát xuất của Coronavirus (vi-rút Vũ Hán) ở Trung Hoa, với thiện ý là muốn tìm ra nguyên nhân, cách phòng ngừa một đại dịch tương tự xẩy ra trên toàn thế giới trong tương lai. Nhưng Trung Quốc phản ứng một cách giận dữ căm thù, kết án chính phủ Úc đã có ý định xấu xa, theo đuôi Hoa Kỳ để định bắt Trung Quốc chịu trách nhiệm về tổn thất của thế giới do tai họa của đại dịch Covid-19 gây ra. Và để “trả đũa”, chính phủ Trung Quốc ra lệnh không nhập cảng thịt bò, lúa mạch của Úc vì Úc bán tống tháo vào thị trường Trung Hoa với giá rẻ (một chuyện dựng đứng vô căn cứ), cùng khuyến cáo dân chúng tẩy chay chuyện du lịch qua Úc, khuyến cáo sinh viên không sang du học tại Úc vì sự căm ghét người Trung Hoa (một chuyện cũng lại dựng đứng, phóng đại của kẻ tiểu nhân).

Thù oán” cũng hoạt động mạnh mẽ trong lãnh vực tôn giáo, giữa các tôn giáo khác nhau, và ngay cả giữa các phái của một tôn giáo.

Có trên 120 “thánh chiến” mang bản chất “căm hờn, thù oán” đã xẩy ra trong lịch sử đạo giáo của nhân loại chỉ vì khác biệt Đấng mà tôn giáo thờ phượng và cách thờ phượng. Thánh chiến Thập tự chinh là một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo, được kêu gọi bởi Giáo hoàng và tiến hành bởi các vị vua và quý tộc Âu Châu là những người tình nguyện cầm lấy cây thập giá với mục tiêu chính là phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo với vùng Đất Thánh thoát khỏi Hồi Giáo. Mời quý vị độc giả cùng quý anh chị con cái Chúa đọc một vài chi tiết chính của những cuộc thánh chiến sau phần kết của bài này.

Thời nay, chúng ta vẫn phải nghe đến thánh chiến của các nhóm Hồi giáo tại vùng Trung Đông, thánh chiến giữa Hồi Giáo và Phật Giáo tại Miến Điện. Lịch sử Cơ Đốc đã ghi lại những trang sử đen về các cuộc chiến tranh trong căm hờn giữa những người tự xưng mình là con cái của Đức Chúa Trời Yêu Thương.

Cùng là người theo Chúa cả, cũng có “thù oán”. Giữa dòng dõi loài người tội lỗi, Đức Chúa Trời đã cho một người, ông Áp-ra-ham, và dòng dõi người làm tuyển dân của Đức Chúa Trời, dân Do Thái hay Y-sơ-ra-ên. Qua dân Do Thái, Đức Chúa Trời bầy tỏ cho loài người biết về Ngài cùng chương trình cứu rỗi loài người của Ngài.

Đức Chúa Jêsus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã đến thế gian qua dân tộc Do Thái để làm Cứu Chúa cho cả nhân loại. Từ đó đến nay, Cơ Đốc nhân chân chính là tuyển dân của Đức Chúa Trời, “Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời” (Ê-phê-sô 1:3). Tuyển dân của Đức Chúa Trời ngày nay gồm cả dân Do Thái và mọi sắc dân trên thế giới, miễn là ai nấy phải tin nhận Đức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình để được “Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12) như nhau.

Tuy vậy người Do Thái vẫn coi mình đặc biệt hơn và thường có ác cảm, đôi khi còn có vẻ “thù nghịch” với người không phải là dân Do Thái dầu cùng tin kính Đức Chúa Trời. Thánh Phao-lô phải nhắc nhở : “Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức thường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra” (Ê-phê-sô 2:14-15).

Thù oán” nhau vẫn xẩy ra trong cộng đồng những tôn giáo cùng thờ phượng Đức Chúa Trời hơn 20 thế kỷ qua. Ngay trong thời Chúa Jêsus, Chúa Jêsus đã bị chính dân Do Thái, dân tộc Ngài “thù oán”. Chỉ cần Chúa Jêsus không giữ ngày Sa-bát cũng đủ khiến những người giữ ngày Sa-bát trở nên “kẻ thù nghịch cùng Ngài” (Lu-ca 13:17). Trước khi tin Chúa, Phao-lô cũng đã từng “đầy lòng sốt sắng vì Đức Chúa Trời” mà “thù oán” Cơ Đốc nhân đến thâm gan tím ruột tìm hết cách diệt trừ : “Tôi là người Giu-đa, sanh tại thành Tạt-sơ, trong sứ Si-li-si, nhưng nuôi tại đây, trong thành nầy, học nơi chân Ga-ma-li-ên, đúng theo trong luật pháp của tổ phụ chúng ta. Vốn tôi đầy lòng sốt sắng vì Đức Chúa Trời, cũng như các ngươi hôm nay vậy. Tôi từng bắt bớ phe nầy cho đến chết, bất kỳ đàn ông đàn bà, đều xiềng lại và bỏ tù: về điều đó, thầy cả thượng phẩm cùng cả hội đồng trưởng lão đều làm chứng cho tôi; vì bởi những người đó mà tôi nhận được các thơ gởi cho anh em thành Đa-mách, là nơi tôi toan đi, đặng bắt trói những người ở đó dẫn về thành Giê-ru-sa-lem để xử phạt.” (Công-vụ các Sứ Đồ 22:3-5).

Chúa Jêsus đã biết tình trạng xác thịt này trong Cơ Đốc nhân, nên Ngài đã ban điều răn trọng yếu  cho mọi Cơ Đốc nhân : “Các ngươi hãy yêu nhau, cũng như ta đã yêu các ngươi” (Giăng 15:12).

Cơ Đốc giáo hiện nay có rất nhiều giáo phái bởi những bất đồng trong sự giải nghĩa Kinh Thánh, điều này đã tạo ra bất đồng trong tín lý, giáo nghi. Những cái bất đồng trong niềm tin cùng một Chúa, cùng một Kinh Thánh dễ làm cho tính “xác thịt” của một số vị lãnh đạo các Hội Thánh Chúa trước đây dẫn vào những cuộc chiến ngầm, mang tính chất “thù oán”. Nhưng nhờ ơn Chúa, ngày nay chuyện này hầu như không còn mặc dầu vẫn có con cái Chúa của phái Tin Lành Jehova Witness - Hội Chứng Giê-hô-va không thể hội nhập vào cộng đồng con cái Chúa khác. Ngày nay, thường thì con cái Chúa rất ít khi thảo luận về Kinh Thánh, vì rất ít Hội Thánh Chúa có nhóm nhỏ hầu cùng nhau học Kinh Thánh. Nhưng đôi khi chúng ta vẫn tình cờ thấy  “lục đục” giữa những con cái Chúa cùng một Hội Thánh không cùng một nhận định về một tín lý nào đó trong Kinh Thánh tại giờ học Kinh Thánh. Trong niềm tin của một con cái Chúa cao niên, tôi tin rằng chúng ta hãy thành tâm đọc Kinh Thánh, cùng chỉ cho nhau phân đoạn Kinh Thánh nào, lời dạy dỗ nào làm chứng cho điều mình tin trong tấm lòng mềm mại, hơn là tiếp tục thảo luận với nhau về những nhận định dị biệt trắng đen, vì thảo luận thêm chỉ gây “lục đục, hiềm khích” giữa con cái Chúa chúng ta, dễ phát sinh hành động “cắn nuốt nhau” (Ga-la-ti 5:15).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chân chính phải chết về “thù oán”. Và nếu chúng ta nhận biết ai tin sai, suy tưởng lầm, thì chúng ta “hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại” (Ga-la-ti 6:1). Chẳng hạn như đối với tín lý “Tội lỗi của con cái Chúa và sự cứu rỗi”, tôi tin rằng nếu suy gẫm kỹ hai phân đoạn Kinh Thánh mà người chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị con cái Chúa đã đọc nhiều lần Ma-thi-ơ 18 Sự cao trọng thật-Các gương xấu (từ câu 7 đến câu 9), Mác 9 Sự cao trọng thật-Các gương xấu (từ câu 43 đến câu 49) trước khi viết bài 170 Tội lỗi của con cái Chúa và sự cứu rỗi. Và tôi tin rằng đó là điều mà tôi được phép làm.

Viết điều trên, lòng cá nhân tôi thấy có một nỗi buồn, khắc khoải. Từ ngày trở về với đại gia đình con cái Chúa tại Hội Thánh Kingsgrove, tôi ước mong và hy vọng sẽ có ngày tôi được gặp lại tất cả quý anh chị trong cõi đời đời. Nhưng thực tế ra sao, tôi cũng không dám nghĩ tiếp nữa vì tội lỗi không có sự ăn năn chân thật trong chúng ta vẫn có, mặc dầu ít, mà theo Lời Chúa Jsus phán dậy thì sẽ “sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:43) hay “bị quăng vào lửa địa ngục” ( Ma-thi-ơ 18:9). Tội quá. Chỉ biết để cho lòng băn khoăn khắc khoải.

Mời đọc hai Kinh Thánh

Ma-thi-ơ 18 Sự cao trọng thật-Các gương xấu

7 Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội! 8 Nếu tay hay là chân ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, hãy chặt và ném nó cho xa ngươi đi; vì thà ngươi què chân hay là cụt tay mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ cả hai tay hay là hai chân mà bị quăng vào lửa đời đời. 9 Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, thì hãy móc mà ném cho xa ngươi đi; vì thà ngươi một mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục.

Mác 9 Sự cao trọng thật-Các gương xấu

43 Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt. 44 Đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt. 45 Lại nếu chân ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng què chân mà vào sự sống, còn hơn đủ hai chân mà bị quăng vào địa ngục. 46 Đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt. 47 Còn nếu mắt ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy móc nó đi; thà rằng chỉ một mắt mà vào nước Đức Chúa Trời, còn hơn đủ hai mắt mà bị quăng vào địa ngục, 48 đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt. 49 Vì mỗi người sẽ bị muối bằng lửa.

Một số chi tiết trong Lịch sử các cuộc Thánh Chiến giữa Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo

Thánh chiến Thập tự chinh là một loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo, được kêu gọi bởi Giáo hoàng và tiến hành bởi các vị vua và quý tộc là những người tình nguyện cầm lấy cây thập giá với mục tiêu chính là phục hồi sự kiểm soát của Kitô giáo với vùng Đất Thánh thoát khỏi Hồi Giáo.

Quân thập tự đến từ khắp Tây Âu, và đã có một loạt các chiến dịch không liên tục giữa năm 1095 và 1291. Các chiến dịch tương tự ở Tây Ban Nha và Đông Âu tiếp tục vào thế kỷ XV. Các cuộc Thập Tự Chinh được chiến đấu chủ yếu giữa người Giáo hội Công giáo Rôma chống lại người Hồi giáo và các tín hữu Kitô giáo theo Chính Thống giáo Đông phương trong Byzantium, với các chiến dịch nhỏ hơn tiến hành chống lại người Slav ngoại giáo, Balts ngoại giáo, Mông Cổ, và người Kitô giáo ngoại đạo. Chính Thống giáo Đông phương cũng tham gia chiến đấu chống lại lực lượng Hồi giáo trong một số cuộc Thập Tự Chinh. Thập tự chinh được thề và đã được cấp một ơn toàn xá bởi Đức Giáo hoàng.

Thập tự chinh Thứ nhất (1095 - 1099) là cuộc Thập tự chinh đầu tiên, được phát động vào năm 1095 bởi Giáo hoàng Urban II với mục đích chiếm lại những vùng đất đã mất, trong đó có Đất Thánh Jerusalem, từ những người Hồi giáo, đem lại tự do cho người Cơ đốc giáo Đông Âu thoát khỏi sự thống trị của Hồi giáo. Khởi đầu tại Hội đồng Clermont từ một lời kêu gọi tới tầng lớp hiệp sĩ Pháp đem quân đi viện trợ Đế quốc Byzantine, nơi mà Hoàng đế vừa mất một phần lớn lãnh địa vùng Tiểu Á vào tay nhà Seljuk, cuộc thập tự chinh này đã nhanh chóng trở thành một cuộc nhập cư và xâm chiếm lãnh thổ quy mô lớn ra ngoài Châu Âu. Cuộc hành quân bao gồm phần lớn các binh sĩ Frank và được biết đến với tên gọi Cuộc viễn chinh của các Lãnh Chúa (tiếng AnhPrinces' Crusade), đã thành công không những trong việc chiếm đoạt lại Tiểu Á mà còn cả sự chinh phục vùng Đất Thánh vào tháng 7 năm 1099, nơi mà đã rơi vào tay người Hồi giáo từ những năm thuộc thế kỷ thứ 7, và thành lập nên Vương quốc Jerusalem. Sự kiện này trở thành một dấu mốc quan trọng trong sự mở rộng quyền lực của phương Tây và cũng là cuộc thập tự chinh duy nhất chiếm được Jerusalem.

Cuộc Thập Tự chinh lần thứ ba (1190-1192) còn được gọi là Cuộc thập tự chinh của các nhà vua, là nỗ lực của người châu Âu nhằm chiếm lại Đất Thánh vốn đã rơi vào tay quân Hồi giáo của Saladin.

Sau khi cuộc Thập Tự chinh thứ hai thất bại, vương triều Zengid của người Thổ kiểm soát lãnh thổ Syria và xung đột với triều đại Fatimid tại Ai Cập, với kết cục là lực lượng Ai Cập và Syria thống nhất dưới tay Saladin, được dùng để chinh phạt các tiểu quốc Thiên chúa giáo trong vùng và tái chiếm Jerusalem năm 1187. Với lòng nhiệt thành tôn giáo, Henry II của Anh và Philip II của Pháp chấm dứt tranh chấp, và lãnh đạo một cuộc Thập tự chinh mới (dù Henry chết năm 1189, nhưng con trai ông là Richard I Sư tử tâm nắm quyền lãnh đạo cánh quân Anh tiếp tục cuộc viễn chinh). Hoàng đế Đế quốc La Mã thần thánh Fredrick Barbarossa lúc này đã già cả, nhưng vẫn hưởng ứng lời kêu gọi thánh chiến, đưa một cánh quân lớn vượt qua Anatolia, nhưng không may bị chết đuối trước khi quân của ông tới được Đất thánh. Rất nhiều chiến sĩ của ông nản chí và trở về nhà.

Sau khi giành được một số thắng lợi ban đầu, các thủ lĩnh quân Thiên chúa giáo bắt đầu tranh giành chiến lợi phẩm với nhau. Bực dọc với Richard, người kế nhiệm Hoàng đế Frederick là Leopold V của Áo và Philip rời bỏ Đất thánh vào tháng 8 1191. Ngày 2 tháng 9 1192, Richard và Saladin thỏa thuận một hòa ước, theo đó Jerusalem tiếp tục nằm trong tay người Hồi giáo, nhưng khách hành hương Thiên chúa giáo được quyền viếng thăm thành phố. Richard rời Đất Thánh ngày 9 tháng 10. Thất bại trong việc tái chiếm Jerusalem là nguyên nhân người Thiên chúa giáo kêu gọi tổ chức cuộc Thập tự chinh thứ tư chỉ sáu năm sau.

Cuộc Thập tự chinh lần thứ IX, đôi khi còn được tính gộp vào cuộc Thập tự chinh lần thứ tám, Thường được coi là chiến dịch lớn cuối cùng thời trung cổ đến vùng Đất Thánh. Nó xảy ra trong 1271-1272.

Louis IX của Pháp đã không chiếm Tunis trong cuộc Thập tự chinh lần thứ tám, Hoàng tử Edward của Anh đã đi bằng đường thủy đến Acre để bắt đầu cuộc Thập tự chinh lần thứ IX. Cuộc Thập tự chinh lần thứ IX thất bại phần lớn là do sức mạnh tinh thần của thập tự quân đã gần như "cạn kiệt" và vì sức mạnh ngày càng tăng lên của Baybars I và Mamluk ở Ai Cập. Nó cũng báo hiệu trước sự sụp đổ sắp xảy ra của các pháo thập tự chinh cuối cùng còn lại dọc theo bờ biển Địa Trung Hải.