Chuyện thần tiên chỉ dành các cháu nhỏ. Tiên ông, tiên bà, tiên cậu, tiên cô nhởn nhơ vui thú dạo quanh vườn đào, tiêu khiển bằng những trò chơi thanh nhã. Hai chàng Lưu Nguyễn lạc vào đào nguyên lâu cũng chán cái cảnh thần tiên.

Chuyện khốn khó là chuyện dưới nhân gian. Không biết có nhà văn Việt nào nổi tiếng nhờ viết về các cảnh đẹp thơ mộng như Huế với những chiếc thuyền trên sông Hương,với tiếng hò Huế ru hồn người trong ánh trăng mờ. Thế mà nhà văn Nhã Ca lại nổi tiếng với Giải Khăn Sô cho Huế. Huế trong cơn lửa đạn tết Mậu Thân với cảnh khổ của người dân giữa hai lằn đạn, với mạng con người giữa sống và chết trong gang tấc, với sức chịu đựng phi thường của con người bám víu sự sống.

Trong thời chiến cũng như thời bình, chẳng có nhà văn nào viết về anh “lính kiểng” ngồi quán cà phê trong giờ làm việc với quần á thẳng nếp, điếu thuốc trên tay. Nhưng những người lính đầy gian lao khổ cực, quần áo xác xơ với khẩu súng trên tay trong nghĩa vụ luôn được nhà văn đưa vào tác phẩm của mình.

Một nhà báo Việt Nam, ông Đỗ Ngọc Yến qua đời năm 2007 tại Hoa Kỳ. Hầu hết các báo chí Việt Ngữ đã dành nhiều trang để nói về sự thành công của ông với tờ báo Người Việt. Nhắc đến cuộc đời của nhà báo thành công như ông là nhắc đến sự “chịu đựng” phi thường của nhà báo.

Trong Kinh Thánh cũng đã ghi lại biết bao gương hy sinh chịu đựng trên bước đường theo Chúa, phục vụ công việc nhà Chúa của các sứ đồ, nhất là sứ đồ Phao-lô, sứ đồ Phi-e-rơ và sứ đồ Giăng lúc theo Chúa Jêsus trên bước đường hành đạo của Ngài cũng như sau khi Ngài trở về Trời. Người đang chia sẻ niềm tin cùng quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa đọc được trong Kinh Thánh, các sứ đồ đã “chịu đựng” khổ hạnh, tù đầy, roi vọt, và cuối cùng đã về nước Chúa qua những đau đớn như bị đóng đinh trên thập tự dựng ngược, bị xử trảm, bị hành hạ và chết trong ngục tù. Các sứ đồ không màng đến chuyện  “hưởng” những thứ vật chất đời này, không tìm sự “an thân” trước chuyện bắt bớ của cầm quyền, bằng cách vâng phục, tôn trọng nhà cầm quyền ngay cả khi nhà cầm quyền nói và làm những điều đi ngược lại lời Chúa dậy. Cùng một tâm tình trên, biết bao nhà truyền giáo ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20 đã chịu đựng cực khổ, thiếu thốn, ngay cả bằng lòng chịu chết đến các vùng xa xôi ở Phi Châu, Úc Châu, Á Châu, Châu Mỹ Latin để đem đạo Chúa đến với những người thổ dân.

Mỗi con người trong trần thế đều có khả năng chịu đựng nhiều hay ít. Cái khả năng chịu đựng do thể xác và cả ý chí nữa. Người khỏe mạnh chịu đựng giỏi hơn người yếu sức. Nhưng người yếu sức mà mạnh ý chí lại chịu đựng giỏi hơn người mạnh sức mà ý chí yếu. Người nhà giầu chịu đựng thua người nhà nghèo, “Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày  đổ ruột” là vậy.

Chịu đựng cũng rắc rối lắm. Có người chịu đựng được trong lãnh vực này, lại khó chịu đựng trong lãnh vực khác. Có người chịu đựng được đói, nhưng lại không chịu được đau. Có người chịu được lạnh nhưng lại không chịu được nóng. Có người chịu đựng được náo nhiệt, có người chịu đưng được cô đơn. Những chàng trai võ sĩ đạo Samurai của Nhật Bản có chung một điều tâm niệm “Người kiên cường không sợ cô đơn”. Trong cơn đau, có người chịu đựng bằng tiếng rên, bàn dân thiên hạ nghe thấy dễ phê phán sự chịu đựng của mình. Nhưng có người chịu đựng bằng ngậm miệng để bàn dân thiên hạ khỏi lưu tâm đến sự chịu đựng của mình mà lên tiếng xì xào.

Trong nhờ đục chịu” là chịu đựng cách tiêu cực, nhưng “trong rửa mặt đục rửa chân” là chịu đựng cách tích cực.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đối với những người theo Chúa, tôi tin rằng để trở nên con cái Chúa chân chính, chắc chắn chúng ta cũng đã, đang và sẽ phải chịu đựng một số thử thách khó khăn, thử thách vứt bỏ tội lỗi, thử thách làm việc lành, và thử thách đem người chưa biết Chúa về đầu phục về Ngài.

Vứt bỏ tội lỗi đôi khi sẽ làm ta không còn có những cái lợi nhãn tiền do tội lỗi ta đem đến đều đặn như tham lam gian lận tiền an sinh xã hội. Những ý tưởng ma quỷ trong con người cũ của chúng ta muốn   chúng ta giữ cái lợi bất chính do Ma Môn đưa đến. Nhưng với Lời Chúa Jêsus dậy : “Chẳng ai được làm tôi hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không có thể làm tôi Đức Chúa Trời lại làm tôi Ma-môn nữa” (Ma-thi-ơ 6:24) và lời Kinh Thánh dậy : “Kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham (Bản tiếng Anh – love yêu thích) tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn” (I Ti-mô-thê 6:9-10), con cái Chúa chúng ta “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi” (Hê-bơ-rơ 13:5) và phải dứt khoát vứt bỏ loại tội lỗi này. Trong tấm lòng ăn năn chân thật để vứt bỏ loại tội lỗi này, nó buộc con cái Chúa phải “chịu đựng” kiên cường lâu dài, can đảm vứt cái lợi bất chính, chấp nhận một vài hậu quả của những việc mình đã làm sai trái nếu có. Đừng nghĩ lòng vòng để tránh sự ăn năn chân thật. Con cái Chúa chúng ta ai cũng ước mong một cuộc sống bình an, và khi qua đời mà Chúa đã dành sẵn cho con cái chân chính của Ngài. Đừng ăn năn giả hình, đừng cố ý tiếp tục phạm tội mình đã nhận biết. Sự ăn năn chân thật của con cái Chúa phạm tội sẽ đưa con cái Chúa trở lại địa vị “người Thánh” và có sự cứu rỗi trọn vẹn.

Thánh Phao-lô đã quả quyết về giá trị của tình yêu thương trong Kinh Thánh như sau : “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi.” (I Cô-rinh-tô 13:3).

Trong những việc làm lành của Trái Thánh Linh, “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ”, lòng yêu thương là điều quan trọng nhất. Alexander Duff nói : Chúng ta có thể cho mà không yêu, nhưng chúng ta không thể yêu mà không cho.

Nhưng tình yêu của con người dành cho tha nhân thường nằm trong vòng vị kỷ. Khi đối tượng nằm bên trong vòng đó, tình yêu dễ làm lòng người bồi hồi xúc động, và hành động nói lên tình cảm đó được làm ngay. Nhưng khi đối tượng nằm bên ngoài, dầu có ở trong ranh giới vị tha, dẫu được lương tâm thôi thúc, dầu người đời van xin, tốc độ tình yêu vẫn không hơn rùa bò. Biết bao mảnh đời vẫn triền miên trong đau khổ, vì sao nhỉ? Tôi chỉ biết nghĩ vì những khổ đau hay cực nhọc để kiếm sống, vì lòng vị kỷ đè nặng trong tâm hồn, tình yêu của con người đã bị khô cằn, lòng người trở nên trai đá, mặc dầu tình yêu đâu đó vẫn ở trong tim. Rất nhiều người vẫn khoanh tay ca ngợi tình yêu bằng những câu nói, vần thơ thật nhẹ nhàng trong sáng, những giọt nước mắt chạy dài trên má, nhưng đó hình như chỉ là một loại thuốc ru ngủ lương tâm mình, trong khi chẳng thấy được bao nhiêu hành động để lương tâm thấy “ngôn hành nhất quán".

Với tâm tình theo Chúa, tâm tình hướng thượng, con cái Chúa chúng ta phải chịu đựng chia sẻ phần ăn thức uống của mình cho tha nhân, những người nghèo khó, đem chân tình chia sẻ với người cần sự giúp đỡ những gì Chúa đã ban phát cho chúng ta. Chuyện này đôi khi khó,  nhưng cho phép tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể chịu đựng để làm trọn.

Phải chịu đựng đó, nhưng con cái Chúa chúng ta “làm việc lành” không phải để được cứu nhưng để chứng tỏ mình là con cái Chúa, theo ý muốn Chúa phải “làm việc lành”. Lời Chúa Jêsus phán : “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Như vậy con cái Chúa chúng ta đừng bao giờ nghĩ “làm việc lành” để được cứu, nhưng “làm việc lành” như là “ăn ở một cách xứng đáng với chức phận mà Chúa đã gọi anh em” (Ê-phê-sô 4:1), là chức phận “Ngài (đã) ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12), là “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31), chớ không phải vì sự cứu rỗi mà làm.

Trong cuộc chiến, thất bại, thất thế, người lính chờ chết hay chờ giặc bắt. Chịu đựng tiêu cực đấy.

Trong cuộc chiến, thất bại, thất thế, người lính “giỏi” vẫn chiến đấu tới cùng. Đó là sự chịu đựng tích cực. Trong cuộc chiến thuộc linh, Thánh Phao-lô khuyên Ti-mô-thê hãy chịu đựng cách tích cực : “Hãy cùng ta chịu khổ như một người lính giỏi của Đức Chúa Jêsus Christ” (II Ti-mô-thê 2:3). Thánh Phao-lô chịu đựng tích cực vì biết chắc sự chịu đựng của mình đem ích lợi chẳng những cho mình, mà còn cho nhiều người khác. Thánh phao lô hãnh diện về sự chịu đựng của mình như sau : “Vì Tin Lành đó mà ta chịu khổ, rất đỗi bị trói như người phạm tội; nhưng đạo của Đức Chúa Trời không hề bị trói đâu. Vậy nên, ta vì cớ những người được chọn mà chịu hết mọi sự, hầu cho họ cũng được sự cứu trong Đức Chúa Jêsus Christ, với sự vinh hiển đời đời.” (II Ti-mô-thê 2:9-10).

Cuộc sống trong gia đình, ngoài xã hội, và đời sống tâm linh bắt buộc chúng ta phải chịu đựng nhiều lắm, và chúng ta cần một số đức tính mà tôi xin trình bầy trong những bài tới.