Lời Kinh Thánh dậy : “Các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21).

Chữ “cãi lẩy” bản tiếng Anh New American Standard Bible là disputes, có thể dịch là tranh cãi để bảo vệ ý mình tới cùng không cần biết đúng hay sai.

Con người có bộ óc biết suy nghĩ, đoán định nên có nhiều ý kiến và ý kiến của mình lúc nào cũng đúng…với mình. Sự bất đồng ý kiến thường đưa đến “cãi lẩy”, “tranh cãi” tới cùng hơn là thảo luận. Thảo luận là để hiểu thấu vấn đề tìm ra ý kiến cao minh, chính xác để giúp mình thăng tiến, hành động đúng đắn, phải lẽ.

Suy nghĩ chín chắn là hình thức thảo luận với chính mình. Nhận xét ý kiến của mình, thử nghĩ có lý do nào để có thể bác bỏ ý kiến đó hay không hầu tránh tình trạng “yên trí” là đủ, là đúng rồi. Tự đối thoại, tự nghị luận giúp mình tránh được những lỗi lầm đáng tiếc.

Cãi lẩy” không phải là thảo luận, nghị luận hay biện luận. “Cãi lẩy” là có ngay tinh thần bất mãn về người có ý kiến ngược với mình. “Cãi lẩy” để giữ ý kiến mình, đuối lý vẫn cãi, “cãi chầy cãi cối”, cãi bướng, cãi liều. Càng cãi càng bất mãn, đuối lý đổ quạu, nổi nóng, hận thù và đôi khi xử dụng cái miệng không lại, đành xử dụng chân tay để “lý của kẻ mạnh bao giờ cũng phải”.

Người ưa “cãi lẩy” thường là người có mặc cảm thua kém, thuộc thành phần “không biết nhưng vẫn không nghe”, và không muốn người ta biết cái “không biết” của mình nên cái gì cũng có thể “cãi lẩy”, chỉ cốt tỏ ra tôi cũng biết đây. Đó là cách bầy tỏ tự ái quá đáng, dị hợm. “Cãi lẩy” lại thường tìm cách hạ nhục đối phương, đề cao cá nhân mình hơn là tìm hiểu vấn đề.

Có những sự việc xẩy ra trong trần thế mà người đời chỉ biết lắc đầu xa lánh. Hai người thuộc gốc Yugoslavia ngày xưa, một già, một trẻ, ngồi trong spa tại hồ bơi Ryde, cãi vã về thể chế hiện nay tại Serbia. Mỗi lúc một to tiếng, và khi cả hai cùng đứng dậy, như định dùng vũ lực, nhân viên giữ an ninh của hồ bơi phải chạy lại can thiệp. Ông già quen biết tôi đã cố giải thích cho tôi trong sự tức tối. Đại gia đình ông đã bị sát hại bởi quân đội Serbia, mà người thanh niên gốc Serbia cho là quân đội Serbia làm chuyện chẳng sai trái. Ông còn nói may mà ông không có khí giới, nếu không thì thanh niên nọ khó sống. Những người chung quanh chỉ biết lắc đầu.

Trong thế giới tôn giáo cũng có chuyện cãi lẩy. Truyền hình tại Pháp đã thuật lại một hai lần, thanh niên thuộc hai phái Hồi Giáo khác nhau sau khi cãi vã về niềm tin gay gắt đến nỗi cuối cùng đã ẩu đả.

Hồi xa xưa khi người Việt đến Úc tị nạn, một số đã xin tin nhận Chúa tại một trại, chờ để làm thủ tục định cư và được một mục sư người Úc bảo trợ. Sau khi được xuất trại, sống trong cộng đồng, những con cái Chúa đã đến Hội Thánh Chúa do vị mục sư người Úc quản nhiệm để thờ phượng Chúa. Một vị mục sư (giả?) người Việt nhận trách nhiệm dịch. Có một Chúa Nhật, sau phần nhận tiền dâng và tất lễ, hai vị mục sư vào phòng nhận số tiền dâng. Vô tình, một con cái Chúa người Việt đã nghe được hai vị mục sư cãi vã về vấn đề chia tiền dâng trong đó vị mục sư người Việt đã văng tục vì phần chia cho mình quá ít. Anh con cái Chúa người Việt này sau đó không đi thờ phượng Chúa tại Hội Thánh trên nữa. Câu chuyện lọt ra ngoài đời. Người vô tín cùng miệng thế gian sẽ nói gì về Hội Thánh Chúa và người chăn chiên Chúa đây ? Hội Thánh Chúa làm sao đón nhận được nhiều người đang đi tìm niềm tin đây ?

Vài tuần trước đây, tháng 10 năm 2020, có hai nhóm tín đồ Cơ Đốc mà tôi tin rằng không học, đọc Kinh Thánh, tại Hoa Kỳ đã cãi nhau kịch liệt về việc Tổng Thống Trump đứng trước cửa một nhà thờ với cuốn Thánh Kinh để tuyên bố điều gì đó là đúng đắn hay sai trái, và cuối cùng đã đi đến ẩu đả. Tôi tin rằng con cái Chúa chân chính chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm, người đời dèm chê, người đi tìm niềm tin bối rối. Hội Thánh Chúa chắc khó phát triển với những vị tín đồ sống theo bản tính “xác thịt loại này, và tín đồ loại này có còn là Cơ Đốc nhân chân chính không, vì đã phạm tội làm Hội Thánh Chúa suy yếu.

Thánh Phao-lô biết có những con cái Chúa tại Hội Thánh Cô-rinh-tô ở thế kỷ thứ nhất đã sống theo bản tính “xác thịt”. Ông đã viết thư cho họ và khuyến cáo họ về tình trạng “xác thịt” của những người Cơ Đốc này như sau “Tôi còn e rằng trong các anh em có những điều rầy rà, ghen ghét, nóng giận, bất hòa (eris)” (II Cô-rinh-tô 12:20). Hậu quả là Hội Thánh Chúa khó phát triển, và những con cái Chúa đó không còn là Cơ Đốc nhân chân chính và “không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:21).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa chúng ta thảo luận, nghị luận, biện luận. Chúng ta phải coi như chết về “cãi lẩy”. “Cãi lẩy” là tỏ ra thiếu sự “nhịn nhục”, thiếu lòng “yêu thương” với tha nhân, anh chị em trong Chúa không đồng ý kiến với mình. “Cãi lẩy” thường có thắng, có thua. Người thích “cãi lẩy” lúc thắng thì tự kiêu, đắc chí. Thua thì bực bội, thù hằn, cố “bầy keo khác”, chứ chẳng thể phục thiện. Tôi tin rằng khi nghị luận với quý anh chị em con cái Chúa khác, chúng ta nên cố gắng tránh việc đi đến tình trạng nghị luận căng thẳng rồi cãi lẩy, ta đúng ta sai, hãy dừng tại thời điểm gần như bế tắc.

Chúng ta cần nhậy cảm để cân nhắc nhanh, im lặng, để có dịp suy gẫm kỹ Lời Chúa và chờ “khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Và biết đâu có thể “giúp ích lợi cho chính bản thân mình” vì ta có thể đã hiểu sai lời Chúa. Không cãi lẩy” với người chưa phải là Cơ Đốc nhân sẽ khiến người đang đi tìm niềm tin cảm nhận được sự hiền hòa của con cái Chúa. Không “cãi lẩy” với anh chị em trong Chúa sẽ giữ được sự an bình, hiệp một của Hội Thánh Chúa. Và con cái Chúa chúng ta nên tâm niệm “cãi lẩy” là tội lỗi, không thể làm đẹp Lòng Chúa, mà còn không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:21).

Vài lời tâm tình

Chứng kiến hai cậu thanh niên với khuôn mặt hiền hậu, trong sáng một hát một huýt sáo bài Thánh Ca Amazing Grace, ngồi giữa là một em bé tàng tật, lòng tôi, ông già gần 78 tuổi, thật xúc động để cho nước mắt tuôn chẩy. Chỉ biết cám ơn Chúa đã cho tôi thấy cái đẹp của tình yêu dành cho những mảnh đời đau khổ, không may mắn.