Lời Kinh Thánh dậy : “Các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21).

Chữ “ganh gổ” bản tiếng Anh là “envies”, có thể dịch là ghen ghét, đố kị. Đố kị mang ý nghĩa là ganh gổ, tìm cách triệt hạ phe phái khác ghen ghét, ganh gổ. Tiếng Việt ta hay khi ghép ganh và ghét thành ganh ghét.

Ở Việt Nam, nền Đệ Nhất Cộng Hòa cáo chung sau cuộc đảo chính  của Tướng Dương Văn Minh, nền Đệ Nhị Cộng Hòa ra đời, với một số phe phái. Các phe phái đều gờm nhau trong tinh thần “ganh gổ”. Tướng Minh đảo chính lật đổ chính quyền của Tổng Thống Diệm, Tướng Kỳ đảo chính lật đổ chính quyền của Tướng Minh, Tướng Thiệu đã hất cẳng Tướng Kỳ qua một cuộc bầu cử. Chỉnh lý hàng ngũ kiểu “ganh gổ” với lòng vị kỷ đã làm cho Việt Nam Cộng Hòa suy yếu đi nhanh chóng. Các ông tướng “ganh gổ” nhau đạt được mục đích gì ? Việt Nam Cộng Hòa đã hoàn toàn bại trận vì cái “ganh gổ” của mấy ông này, biết bao con dân Việt đã chết trên biển cả, biết bao người bỏ mạng nơi rừng hoang vu từ Việt Nam đến Thái Lan, và phe phái của các vị Tướng “vị kỷ” cũng đã phải bỏ chạy ra hải ngoại một cách nhục nhã, trơ trẽn.

Đời đã vậy, đạo cũng chẳng hơn gì. Vào thế kỷ thứ 18, tại Đế Quốc Anh, con cái Chúa Tin Lành dân Anh Quốc sống tại Ái Nhĩ Lan cùng với con cái Chúa Tin Lành bản xứ bị phe Thiên Chúa Giáo tại đây lấn lướt ngày một rõ ràng. Sau nhiều lần thảo luận, những con cái Chúa  Tin Lành quyết định phải có “Thánh Chiến” dưới danh nghĩa “theo Ý Chúa”, gây chiến với Thiên Chúa Giáo. Họ cầu cứu sự giúp đỡ của Anh Quốc. Chiến tranh đã xẩy ra, quân lính Anh chủ động đánh bại lực lượng Thiên Chúa Giáo. Phải chăng những con cái Chúa Tin Lành này đã hành xử theo “Ý Chúa” dùng bạo lực để giải quyết vấn đề ? Trong niềm tin của một con cái Chúa cao niên tôi không tin như vậy, vì Chúa không cho phép người theo Ngài dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, như lời Kinh Thánh có ghi : “Bấy giờ, Si-môn Phi-e-rơ có một thanh gươm, bèn rút ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt tai bên hữu. Đầy tớ đó tên là Man-chu. Nhưng Đức Chúa Jêsus phán cùng Phi-e-rơ rằng: Hãy nạp gươm ngươi vào vỏ; ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?” (Giăng 18:11). Phải chăng cả hai thế lực đã mang tinh thần “ganh gổ” để dành quyền ưu thế ? 

Đa số người thế tục thường như vậy, theo Chúa lâu, mới theo Chúa hay chưa theo Chúa chắc cũng chẳng khác nhau mấy. Hễ có chuyện đụng chạm tới “quyền lợi” về vật chất, tinh thần hay “hơn kém” trong lãnh vực tâm linh là bắt đầu có “ganh gổ”, “đố kị” hay “kèn cựa” lẫn nhau.

Tín hữu Tin Lành thường nói đến yêu thương, hiệp một nhiều nhất. Hiệp một để cùng nhau đem Tin Lành đến với trần thế tội lỗi, cho những người đang bị hư mất, phát triển Hội Thánh Chúa mình đang cùng thờ phượng Chúa. Nói đến hiệp một ai cũng nói được, nhưng có một số con cái Chúa đôi khi mạnh miệng phê phán Hội Thánh Chúa khác “nhát nhúa, cầu an” trước một biến cố xung đột tôn giáo nào đó với cả tấm lòng “ganh gổ”, đôi lúc còn muốn đối tượng biến đi, để Hội Thánh Chúa mình tranh đấu hầu thật sự phát triển Đạo Chúa theo “Ý Chúa”. Những lời phê phán cùng hành động của những con cái Chúa loại này đã không nói và làm theo “Ý Chúa” như họ tưởng. Lại có một vài trường hợp con cái Chúa của Hội Thánh này dè bỉu Hội Thánh Chúa khác trong tấm lòng “ganh gổ”. Tội quá. Sự hiệp một của con cái Chúa đã biến mất trong tâm của những con người này.

Trong Kinh Thánh, thời Cựu Ước, có ghi chuyện chàng thanh niên Đa-vít giết dũng tướng Gô-li-át.

Vua Sau-lơ phải đương đầu với dũng tướng Gô-li-át trong hàng ngũ quân Phi-li-tin. Vua cúi đầu hổ nhục nghe lời thách thức cao mạn của Gô-li-át mà không tìm ra một ai trong cả nước có thể đánh hạ dũng tướng.

Đa-vít, một chàng chăn chiên thề quyết giết Gô-li-át, rửa nhục cho dân tộc, đánh đuổi quân ngoại xâm. Vua Sau-lơ mừng rỡ, “lấy áo chiến mình mặc cho Đa-vít, đội cái mão đồng lên đầu người, và mặc áo giáp cho người. Đa-vít đeo gươm của Sau-lơ ở trên áo chiến” (I Sa-mu-en 17:38-39). Vua Sau-lơ yêu Đa-vít, võ trang cho Đa-vít với chính vũ khí của mình. Thương nhau, giúp nhau, bổ khuyết cho nhau chỉ vì có chung một mục đích : thắng Gô-li-át, chiến thắng quân Phi-li-tin, giải cứu dân tộc.

Đa-vít đã thắng dũng tướng Gô-li-át không bằng vũ khí của Sau-lơ, nhưng bằng sở trường của chàng cùng với thần quyền của Đức Chúa Trời. Chàng “trở về cùng đạo binh, thì những người nữ của các thành Y-sơ-ra-ên đi ra đón Sau-lơ, hát múa, đánh trống cơm, gõ nhịp, và reo tiếng vui mừng. Những người múa đối đáp nhau rằng: Sau-lơ giết hàng ngàn, Còn Đa-vít giết hàng vạn! Sau-lơ lấy làm giận lắm, và các lời nầy không đẹp lòng người. Người nói: Người ta cho Đa-vít hàng vạn, còn ta hàng ngàn; chỉ còn thiếu cho nó ngôi nước mà thôi! Kể từ ngày ấy, Sau-lơ thường ngó Đa-vít cách giận” (I Sa-mu-ên 18:6-9) và tìm cách giết Đa-vít.

Từ xưa đến nay, khi quan dân đã nhất trí đánh đuổi được ngoại xâm, hoặc lật đổ được một chế độ nào đó trong nước rồi, việc kế tiếp là chỉnh lý, thanh lọc hàng ngũ cũng bởi lòng “ganh gổ, ganh tị” mà ra.

Trong Kinh Thánh, thời Tân Ước, Thánh Phao-lô cho biết trong các sứ đồ : “Thật có một đôi người vì lòng ganh tị và cãi lẫy mà rao truyền Đấng Christ, nhưng cũng có kẻ lấy ý tốt mà rao truyền. Những người nầy làm bởi lòng yêu mến, biết rằng: tôi được lập lên để binh vực đạo Tin Lành. Còn những người kia, vì ý phe đãng xui giục, có lòng rao truyền Đấng Christ cách không ngay thật, tưởng thêm khổ não cho sự xiềng xích tôi. Song có hề gì! Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đang mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa” (Phi-líp 1:15-18). Thánh Phao-lô không làm nghề giảng đạo, không làm nghề mục sư, nên ông không lâm vào cảnh “hàng tôm nguýt hàng cá”. Hễ không cùng một hệ phái, không cùng một suy tư trong niềm tin, hoặc một bên không được “nổi tiếng” mà bên kia bị “chìm lỉm” thì sẽ có “ganh gỗ” và “tranh cãi” xẩy ra, như viêc “ganh gỗ” và “tranh cãi” giữa một vị Mục Sư phái Báp Tít, có thêm ân tứ viết sách bồi linh, và một vài vị Mục phái khác, như người soạn thảo bài này đã đề cập trong Bài 207 Coi như chết về tranh đấu. Điều này chắc chắn không làm đẹp lòng Chúa, nhất là sự tranh cãi đó do chính một vài Mục Sư có trách nhiệm dẫn dắt Hội Thánh Chúa chủ động gây ra. Tôi tin rằng sự việc không tốt lành này đã được giải tỏa để những tác động xấu đến Tin Lành được giới hạn tại đó.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đang làm chung một việc, phục vụ công việc nhà Chúa, theo nghĩa giới hạn của nó hay chúng ta đang làm chung một việc có mục đích cao đẹp, hướng thượng? Bất cứ trong lãnh vực nào, hễ làm chung một việc theo nghĩa giới hạn thường có “ganh gổ, ganh tị”. Chỉ khi nào làm chung một việc bởi cùng mục đích cao đẹp, hướng thượng, khi ấy chúng ta mới kết hợp, yêu thương, hỗ trợ nhau thực sự.

Con cái Chúa chúng ta chỉ có thể chết về “ganh gổ” khi nhận thấy mục đích công việc mình làm trong nhà Chúa cũng nhận ra đó chính là mục đích anh em mình đang làm công việc trong nhà Chúa. Chung một mục đích cao đẹp, hướng thượng, thấy ai hơn mình chẳng ganh, lại mừng vì mục đích có cơ mau đạt được.

Con cái Chúa phải coi như chết về ganh gổ”, nhưng chúng ta có thể ganh đua để cùng nhau tiến đến mục đích một cách tốt đẹp nhất. Nào, chúng ta cùng “nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14). Cố gắng chạy bằng người và người khác chạy bằng mình để cùng tới mục đích.

Cũng nên nhắc nhở nhau rằng “ganh gổ” là một tội lỗi, một việc làm của xác thịt như Lời Kinh Thánh dậy : “Các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21) và hậu quả của nó là : “không được hưởng nước Đức Chúa Trời”.

Vài lời tâm tình

Được biết một số Hội Thánh người Việt tại Hoa Kỳ đã đóng cửa vĩnh viễn và một vài Mục Sư người Việt tại Úc đã từ nhiệm chức vụ mục sư của mình trong khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Xin Chúa ban phước cho quý anh chị con cái Chúa của những Hội Thánh vấn đề. Cũng mong rằng quý anh chị con cái Chúa đó có thể sớm tìm ra nơi thờ phượng mới.