Nói đến thân phận, chúng ta liên tưởng ngay đến thành phần thấp kém trong xã hội.

Thân phận nghèo hèn thường được liên tưởng đầu tiên. Trong cách ghép chữ của tiếng Việt ta, nghèo đi liền với khổ là danh từ kép nghèo khổ. Cái nghèo là một nan đề cho một số không nhỏ quốc gia trên thế giới ngày nay.

Tại sao nghèo ? Có nhiều lý do. Vua Sa-lô-môn thấy cái nghèo là do sự biếng nhác và ngu muội, “-Ta có đi ngang qua gần ruộng kẻ biếng nhác, -Và gần vườn nho của kẻ ngu muội, -Thấy cây tật lê (cây gai) mọc khắp cùng, -Gai góc che khuất mặt đất, -Và tường đá của nó đã phá hư rồi -Ta nhìn xem, bèn để ý vào đó; -Ta thấy và nhận được sự dạy dỗ. -Ngủ một chút, chợp mắt một chút, -Khoanh tay ngủ một chút, -Thì sự nghèo của con sẽ đến như một kẻ đi rạo, -Và sự thiếu thốn của con áp tới như một kẻ cầm binh khí.” (Châm-ngôn 24:30-34).

Vua Sa-lô-môn còn thấy “ Ai ham sự vui chơi ắt sẽ nghèo khó” (Châm-ngôn 21:17), “Ai chối sự khuyên dạy sẽ bị nghèo khổ và sỉ nhục” (Châm-ngôn 13:18), “Vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo; Còn kẻ ham ngủ sẽ mặc rách rưới” (Châm-ngôn 23:21). Đúng là “Giầu đâu đến kẻ ngủ trưa Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày” (Ca dao).

Từ ngày sống xa quê hương, người đang chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị chỉ thấy một vài trường hợp buồn khổ vì thân phận nghèo khó túng thiếu do các ông chồng hay bà vợ nghiện thuốc phiện, rượu hay cờ bạc, hoặc nghiện hai, ba thứ gây ra.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Nếu chúng ta biết được một anh chị em trong Chúa nào đó đang mang nặng sự khổ sở vì túng thiếu như trên, hãy cố gắng gặp riêng người đó, han hỏi tâm sự. Nghe hết nỗi buồn khổ của người đó, cầu nguyện, khích lệ vị này gặp Mục Sư của Hội Thánh để nghe sự chỉ dậy qua Lời Chúa trong Kinh Thánh cùng sự chỉ dẫn phương cách thoát ra khỏi sự nghiện ngập này. Trong niềm tin của một con cái Chúa, tôi biết chỉ có sự giúp đỡ trong tình yêu thương và lòng thương sót mới tạo được điều kiện để đem những con người, lỡ xa vào sự nghiện ngập, buồn khổ vì thân phận hẩm hiu đến với vị Mục Sư để được sự chỉ dậy. Nơi đây những con người này sẽ có cơ hội bỏ được thói hư, tật xấu vì nhận rõ được rằng “Ai chối sự khuyên dạy sẽ bị nghèo khổ” (Châm-ngôn 13:18), làm khổ chính mình gia đình mình và không thể làm đẹp lòng Chúa. Người vô tín sẽ mỉa mai chê cười Đạo Chúa, rằng “có đạo gì mà còn tệ hơn những người thường”.

Trong thời kỳ chiến tranh tại quê nhà, chúng ta đã chứng kiến, với cảm xúc thương xót cho rất nhiều mảnh đời đã mang nặng sự buồn khổ vì thân phận của thường dân, gia đình có chồng chết có con chết, nhà cửa bị pháo kích hay đốt phá tan tành, gia đình nghèo khó. Chiến tranh tàn phá tất cả những gì mà thường dân đang có, và cái nghèo cái khổ lẽo đẽo theo sau. Mùa màng bị bỏ phế, cơ hội “làm ăn” biến mất hết, sự chết lởn vởn đâu đó. Nhưng từ ngày định cư tại Australia đến nay, người đang chia sẻ niềm tin cùng quý anh chị chỉ còn thấy một vài nơi tại Phi Châu và Trung Đông có chiến tranh ngắn hạn, nhưng những vùng đó đã được Liên Hiệp Quốc giúp đỡ rất chu đáo, nên sự khổ sở của dân chúng đã được giới hạn tối thiểu, không thể so sánh với sự thống khổ của dân Việt ta trong thời kỳ trước tháng tư năm 1975. Ngày nay con cái Chúa chúng ta vẫn còn phải chứng kiến không ít những gia đình tại quê nhà sống ở những vùng nghèo, nhà cửa lúi xùi, kiếm từ khoảng từ 10 đến 20 đô la một tháng.

Cái nguyên nhân gây nên nghèo là thiếu tình thương đồng loại. Trong thời Tân Ước, Chúa Jêsus đã nói một thí dụ bầy tỏ tình trạng này như sau : “Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn ở rất là sung sướng. Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ. Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người” (Lu-ca 16:19-21) để diễn tả cái cảnh “người ăn không hết” mà thiếu tình thương yêu, thiếu sự thương xót dành cho những “kẻ lần không ra” khổ sở vì nghèo khó.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Là con cái Chúa, giúp đỡ người nghèo khó là bổn phận, là bầy tỏ tình thương của Chúa ban cho mình, ngay cả đối với kẻ thù lúc xa cơ thất thế mà chúng ta còn phải “kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống” (Rô-ma 12:20), thì ít nhất chúng ta cũng phải giúp đỡ cách cụ thể những người nghèo khó tại quê nhà một phần nhỏ tài vật của chúng ta.

Sự nghèo khó của con cái Chúa chúng ta ở hải ngoại đến nỗi cơm không đủ ăn áo không đủ mặc hầu như không có. Nhưng vì một lý do nào đó như thiên tai, hỏa hoạn, chúng ta có thể chợt rơi vào tình trạng nghèo khổ. Nhưng tôi tin rằng các hội thiện nguyện, các con cái Chúa khác cùng chính phủ sẽ giúp đỡ chúng ta. Cái thân phận nghèo “tạm” nếu biết sống trong sự cầu nguyện với tấm lòng tin cậy và vâng lời, thì sự khổ sở sẽ vơi đi rất nhiều, đôi khi còn có thể “vui” trong cái “nghèo tạm”.

Lại có những cảnh trớ trêu, nhiều người giầu sang phú quý vẫn buồn khổ vì thân phận lo nghĩ cô đơn, thân phận ăn không ngồi rồi. Chủ hãng phim Kodak, ông vua làm diêm tại Thụy Sĩ, nhà văn nổi tiếng Hemingway và biết bao chủ ngân hàng, chủ xí nghiệp quá buồn khổ đã phải tự kết liễu đời mình. Nhà báo Henri Lacordaire đã nói : “Họ buồn khổ vì không còn cảm thấy thiếu thốn gì, nhưng chỉ lo nghĩ trong cô đơn”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong đời sống, chúng ta có thể gặp cảnh nghèo khổ, hoặc có một lúc nào đó, chúng ta cũng lo nghĩ trong cô đơn. Hãy tìm đến anh chị em trong Chúa hay người thân mà tâm sự, đừng giữ trong lòng cái buồn khổ vì nghèo khó, cái lo âu trong cô đơn. Rồi anh chị em trong Chúa sẻ người một tay giúp đỡ người gặp cảnh ngộ từ vật chất đến tinh thần và cầu nguyện xin Chúa ban thêm sức để người gặp cảnh ngộ có thể chịu đựng theo Ý Chúa trong sự tin cậy và vâng lời, với lòng tin như lời Kinh Thánh : “Người nào để trí mình nương dựa nơi Ngài, thì Ngài sẽ gìn giữ người trong sự bình yên trọn vẹn, vì người nhờ cậy Ngài.” (Ê-sai 26:3). Từ sự buồn khổ, lòng chúng ta sẽ bình an và “Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:7), nhờ đó con cái Chúa gặp cảnh ngộ có thể tiếp tục vững gót chân bước đi theo Chúa.