Trước khi đọc loạt bài Giáo Lý Cơ Đốc Giáo này, một phần của Chân Lý, mời quý độc giả và quý anh chị con cái Chúa đọc qua Bài 78 Chân Lý Đích Thực với kết nối sau, cảm ơn quý vị :

https://www.tinlanhsydney.com.au/?do=news&act=detail&id=283

Trong hai tôn giáo, Công Giáo và Phật Giáo, các vị lãnh đạo thường sửa đổi giáo lý cho hợp thời, hợp với văn hóa hiện tại. Giáo lý Công Giáo cứ khoảng một thời gian khoảng 5 đến 10 năm lại sửa đổi một lần. Như để biện minh cho chuyện này văn phòng Mục Vụ Công Giáo cho dịch cuốn “Bài Ca Của Chim” do ông Anthony De Mello, người Ấn Độ viết, và ấn hành năm 1992. Trong cuốn sách này có chuyện “sửa kinh” như sau :

Một ngày kia, có một học giả đến gặp Đức Phật và nói :

- Thưa thầy, những điều thầy dậy không thấy ghi trong sách kinh. Đức Phật ôn tồn trả lời :

- Vậy thì ngươi hãy viết thêm vào.

Sau một tháng suy gẫm, nhà học giả này đến Đức Phật trình :

- Thưa thầy, cho phép con liều lĩnh thưa với thầy rằng : một vài điều thầy dậy mâu thuẫn với sách kinh. Đức Phật bảo :

- Vậy sách kinh đó cần phải sửa lại.

Vậy chân lý của một tôn giáo dẫn đến giáo lý là cái gì có thể thay đổi cho hợp thời, hợp với văn hóa đương thời sao ? Lạ thật.

Giáo lý Cơ Đốc Giáo không đặt căn bản trên sự suy tư của người nào, nhưng hoàn toàn đặt căn bản trên Kinh Thánh. Do sự suy gẫm Kinh Thánh - Chân Lý mà ra giáo lý. Bất cứ giáo lý nào không hiệp với Kinh Thánh, Cơ Đốc nhân không chấp nhận. Vì cớ Kinh Thánh không bao giờ thay đổi, nên giáo lý Cơ Đốc giáo không nay thêm, mai bớt cho hợp thời, cũng như không bỏ bớt khi không đúng như “lý tính khoa học” giải thích. Cũng vì suy gẫm Kinh Thánh có sự  khác biệt, nên Cơ Đốc giáo có nhiều giáo phái khác nhau, và giáo lý nghịch nhau. Điều này Cơ Đốc nhân chúng ta cần thận trọng trong việc học, đọc và suy gẫm Kinh Thánh, và đồng thời tránh tranh cãi khiêu khích với các Cơ Đốc nhân của các giáo phái khác, vì điều này chỉ chia rẽ, thù hằn, giận dữ giữa những người tin Chúa khiến những người chưa biết Chúa chê cười, nhạo báng đạo Chúa. Trong bài này, những dẫn chứng về sự nghịch nhau của một số giáo lý chỉ có chủ đích nêu lên sự suy gẫm của một con cái Chúa tại Hội Thánh Kingsgrove, và không hề mang ý định tranh cãi, khiêu khích các phái Tin Lành khác, hay những Cơ Đốc nhân khác.

Đơn cử đầu tiên là sự cứu rỗi trong Cơ Đốc giáo. Câu hỏi là Cơ Đốc nhân có mất sự cứu rỗi không ? Trong niềm tin của một con cái Chúa cao niên, tôi tin rằng điều này tùy thuộc vào ý niệm thế nào là Cơ Đốc nhân trong Kinh Thánh. Đầu tiên, chúng ta cần biết Chúa Jêsus đã phán cùng môn đồ, những Cơ Đốc nhân, của Ngài như vầy :

Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt (mất sự cứu rỗi)” (Mác 9:43).

Nếu con mắt ngươi làm cho ngươi sa vào tội lỗi, thì hãy móc mà ném cho xa ngươi đi; vì thà ngươi một mắt mà vào nơi hằng sống, còn hơn là đủ hai mắt mà bị quăng vào lửa địa ngục (mất sự cứu rỗi)” (Ma-thi-ơ 18:9).

Lời phán của Chúa cho biết rõ ràng rằng Cơ Đốc nhân phạm tội thì phải ăn năn, có nghĩa là đền tội, và cố gắng cậy ơn Chúa không trở lại đường lối cũ nữa, nếu không sẽ bị “sa xuống địa ngục, trong lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:43), “bị quăng vào lửa địa ngục” ( Ma-thi-ơ 18:9). Những người không “ăn năn” cứ cố ý tiếp tục cùng một tội, hoặc cố ý thản nhiên phạm tội khác là đã vứt bỏ đức tin, vứt bỏ sự trông cậy và vâng lời Chúa, và từ chối danh phận là Cơ Đốc nhân, vì sống nghịch với lời Chúa, mất sự cứu rỗi.

Thánh Phao-lô cũng đã nhắc nhở Cơ Đốc nhân như sau :

Lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá (hay Lời Chúa) của Đấng Christ.  Sự cuối cùng của họ là hư mất ( Bản Tiếng Anh là destruction có nghĩa là hủy hoại (mất sự cứu rỗi)); họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phi-líp 3:18-19).

Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh,  nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã (bản tiếng Anh là fallen away có nghĩa là xa ngã, cố ý phạm tội lỗi), thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường. Vả, một đám đất nhờ mưa đượm nhuần mà sanh cây cỏ có ích cho người cày cấy, thì đất đó hưởng phần phước lành của Đức Chúa Trời.  Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt (mất sự cứu rỗi) (bản tiếng Anh là being burned) (nơi địa ngục và mất sự cứu rỗi)” (Hê-bơ-rơ 6:4-8).

Cũng vậy, nếu những điều lành “lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:20-21) trong trái Thánh Linh, như lòng nhân từ biết thương xót tha nhân, không được Cơ Đốc nhân làm theo như lời Kinh Thánh dậy : “Hỡi anh em, nếu ai nói mình có đức tin, song không có việc làm, thì ích chi chăng? Đức tin đó cứu người ấy được chăng? Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no (có lời nói ra vẻ thương xót), nhưng không cho họ đồ cần dùng (nhưng không làm việc thương xót nhân từ) về phần xác, thì có ích gì chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.(người này không còn là Cơ Đốc nhân - mất sự cứu rỗi)” (Gia-cơ 2:14-17). Như vậy, nếu ai có “đức tin” trong Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, nhưng “không sanh ra việc làm” thì đức tin đó là đức tin chết “đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết”, và vì đức tin đã chết, Cơ Đốc nhân này không còn là Cơ Đốc nhân nữa, và sự cứu rỗi cho loại Cơ Đốc nhân với sự tin Chúa mà đức tin chết, sẽ bị mất.

Như vậy, Cơ Đốc nhân chân thật là Cơ Đốc nhân khi phạm tội phải ăn năn, có nghĩa là đền tội, và cố gắng cậy ơn Chúa không trở lại đường lối cũ nữa, là Cơ Đốc nhân sẽ làm lành với tấm lòng chấp nhận khó khăn nếu có để “ Ý Cha được nên, ở đất như trời” (Ma-thi-ơ 6:9). Đó là Cơ Đốc nhân có đức tin “sanh ra việc làm(Gia-cơ 2:17), và sự cứu rỗi sẽ không bao giờ mất. Còn Cơ Đốc nhân phạm tội lại không “ăn năn” cứ cố ý tiếp tục phạm cùng một tội, cố ý thản nhiên phạm tội khác, hoặc không làm điều lành là đã vứt bỏ đức tin, vứt bỏ sự trông cậy và vâng lời Chúa, và từ chối danh phận là Cơ Đốc nhân. Đó là Cơ Đốc nhân với đức tin không “không sanh ra việc làm(Gia-cơ 2:17), và sự cứu rỗi sẽ không còn nữa.

Tôi tin rằng đây là căn bản nói về sự cứu rỗi của giáo lý của Cơ Đốc Giáo, mà tôi đã được Thánh Kinh và quý mục sư tại Hội Thánh Kingsgrove hướng dẫn. Điều này cho biết sự cứu rỗi cho một Cơ Đốc nhân có thể mất.

Nhưng có một giáo lý về sự cứu rỗi nghịch với những điều tôi đã học được. Nơi đây cho phép tôi trình bầy giáo lý đó, với sự nhận định chân thành của mình. Có một cụ mục sư đã viết về ơn cứu rỗi như sau trong tập sách bồi linh của cụ về sự cứu rỗi nghịch hẳn với sự suy gẫm của tôi.

Trích dẫn đoạn 1. Tất cả chân lý trong lời Chúa Jêsus phán : “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:8-10). Người tin Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình được tái sinh, “là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ”. Hết trích dẫn đoạn 1.

Lời nhận định 1 - Người tin nhận Chúa được tái sanh, còn người tin Chúa phải có sự tin cậy và vâng lời sau khi học hỏi lời Chúa, để vâng lời làm lành, tránh giữ và đưa người về đầu phục Ngài mới là người thật sự tin Chúa, hay người có đức tin. - Cụ đã dựa trên “tin” có nghĩa là “tin nhận”. Hết lời nhận định 1.

Rồi sau đó cụ viết tiếp. Trích dẫn đoạn 2. Cơ Đốc nhân “trở nên con cái của Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12). Chẳng những vậy thôi, Cơ Đốc nhân còn được “ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa, Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài” (Ê-phê-sô 1:13-14). Hết trích dẫn đoạn 2.

Lời nhận định 2 - Trong Giăng 1:12, “những ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời”, sự cứu rỗi còn hay mất tùy thuộc vào ý tưởng và hành động của người tin nhận. Cơ Đốc nhân phạm tội biết ăn năn, có nghĩa là đền tội, và cố gắng cậy ơn Chúa không trở lại đường lối cũ nữa, thì sự cứu rỗi còn đó, còn không sự cứu rỗi sẽ mất đi vì từ chối danh phận Cơ Đốc nhân của mình, và lời trong (Ê-phê-sô 1:13-14) không còn là dẫn chứng cho việc Cơ Đốc nhân nào cũng được cứu rỗi. Không có chuyện tin Chúa với đức tin “sanh ra việc làm(Gia-cơ 2:17) hay tin Chúa với đức tin không “không sanh ra việc làm(Gia-cơ 2:17) ai cũng được cứu rỗi. Hết lời nhận định 2.

Cụ luận tiếp. Trích dẫn đoạn 3. Những Cơ Đốc nhân sống bê bối, không làm sáng danh Chúa và chúng ta suy luận như vậy sẽ mất sự cứu rỗi căn cứ vào hai chữ “hư mất” trong lời Kinh Thánh này : Lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá (hay Lời Chúa) của Đấng Christ.  Sự cuối cùng của họ là hư mất ( Bản Tiếng Anh là destruction có nghĩa là hủy hoại); họ lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi.” (Phi-líp 3:18-19). Chữ “hư mất” mà Phao-lô đề cập ở đây là “mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy” (I Cô-rinh-tô 3:15). Giả dụ - Cơ Đốc nhân phạm tội mất sự cứu rỗi thì bắt buộc Đức Chúa Trời phải dùng “quyền phép” làm cho Cơ Đốc nhân “trở nên” con cái ma quỷ.Cả Kinh Thánh tôi không tìm ra câu nào hàm ý nào hàm ý người được cứu rỗi, tái sinh lại mất sự cứu rỗi. Nhưng nếu có người “tin” rằng con cái Chúa có thể bị mất sự cứu rỗi nếu không có đời sống đạo hạnh như lời Chúa dạy. Quý vị có quyền “tin” như vậy. Nhưng đừng “sửa” Kinh Thánh cho hợp với niềm tin của mình. Ga-la-ti 5:19-21 như vầy : Các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời”. Phạm tội thì “không được hưởng nước Đức Chúa Trời” là “không hưởng được” những ơn phước của “nước Đức Chúa Trời”. Như người phạm tội bị giam ở Hoa Kỳ không hưởng được sự tự do trong một nước tự do nhất thế giới. Hết trích dẫn đoạn 3.

Lời nhận định 3 – Đức Chúa Trời không cần “bắt buộc Đức Chúa Trời phải dùng “quyền phép” làm cho Cơ Đốc nhân “trở nên” con cái ma quỉ” thì mới làm cho Cơ Đốc nhân đó mất sự cứu rỗi. Sự cứu rỗi se bị mất qua lời vì lời phán của Chúa trong hai phân đoạn Kinh Thánh Mác 9:43 và Ma-thi-ơ 18:9, cùng với lời dậy của Thánh Gia-cơ 2:14-17, lời dậy của Thánh Phao-lô trong Phi-líp 3:18-19 và Hê-bơ-rơ 6:4-8. Còn ví “Như người phạm tội bị giam ở Hoa Kỳ không hưởng được sự tự do trong một nước tự do nhất thế giới” thì xin thưa, người phạm tội ở Hoa Kỳ sẽ mất tự do tạm trong thời gian ngồi tù, mất tự do xuốt đời nếu bị tù chung thân, còn phạm tội quá nặng sẽ bị tội tử hình. Điều đáng được lưu ý hơn là những câu Kinh Thánh được dẫn chứng của cụ không hiệp với tiêu chuẩn “có sự cứu rỗi” như tôi đã trình bầy chi tiết ở trên nhất là hai chữ “hư mất” trong vài bản tiếng Anh  sách First Corinthians “destruction” và destruction có nghĩa là hủy hoại. Mong rằng cụ mục sư đừng dùng lối diễn tả có tính cách “đoạn ngôn diễu cợt” rằng những người theo Chúa không cùng một sự suy luận như cụ “Thì, ô-hô! Tất cả Cơ Đốc nhân đều có hy vọng “hư mất””. Như đã trình bầy ở trên, tôi tin chắc không ít con cái Chúa có được sự cứu rỗi. Hết trích dẫn đoạn 3.

Trong I Cô-rinh-tô 3:10-15 dưới đề mục “Chỉ Đấng Christ là nền Hội Thánh” : “Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Đức Chúa Trời; anh em là ruộng Đức Chúa Trời cày, nhà của Đức Chúa Trời xây. Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nên như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó. Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jêsus Christ. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.”, có một vài vị mục sư đã dậy Cơ Đốc nhân rằng người phạm tội chỉ “mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.”.

Nhưng sau khi đọc kỹ Kinh Thánh, tôi tin rằng đề mục “Chỉ Đấng Christ là nền Hội Thánh” cho biết “lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra” được hiểu là người xây Hội Thánh Chúa trên Nền Hội Thánh là Đấng Christ một cách trân trọng dùng hết công sức quý giá của mình như “vàng, bạc, bửu thạch” thì người “thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình.”. Còn người xây Hội Thánh Chúa thiếu sự chân quý, chỉ dùng công sức vừa phải, hoặc không có giá trị của mình như “gỗ, cỏ khô, rơm rạ”, thì “công việc họ bị thiêu hủy,… mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.”. Nếu dậy con cái Chúa rằng Cơ Đốc nhân phạm tội “sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.” sẽ là sự nhầm tai hại, và làm những Cơ Đốc nhân phạm tội mà không có sự ăn năn chân thật an tâm, không chịu sửa ăn năn, mà hậu quả dành cho họ là sự chết đời đời. Họ có thể là Cơ Đốc nhân đã được dậy dỗ bởi một mục sư có niềm tin trên, và không học Kinh Thánh kỹ vì nhiều lý do.

Một vài giáo hội khác như Chứng Nhân Giê-Hô-Va (Jehovah’s Witnesses) có Kinh Thánh, bản tiếng Anh cũng như bản tiếng Việt, khác với Kinh Thánh của Cơ Đốc Giáo. Họ đổi rất nhiều đoạn để phù hợp với niềm tin của họ. Giăng 1.1 “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” thì thành “Ngôi Lời là Thần” vì họ không tin Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời.

 Giáo Hội Công Giáo La Mã đổi Ma-thi-ơ 19:9 “Vả, ta phán cùng các ngươi, nếu ai để vợ mình không phải vì cớ ngoại tình, và cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm; và hễ ai cưới người bị để, thì phạm tội ngoại tình” thành “Tôi nói cho các ông biết : ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”. Việc “hôn nhân bất hợp pháp” do giáo hội đề ra, dầu cặp vợ chồng đã chịu “phép bí tích hôn phối” nơi nhà thờ vẫn có lý do chính đáng “tiêu hôn” để cưới vợ khác mà không “phạm tội ngoại tình”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Giáo lý Cơ Đốc Giáo phải hoàn toàn đặt căn bản trên Kinh Thánh. Bất cứ giáo lý nào không hiệp với Kinh Thánh, con cái Chúa chúng ta không chấp nhận. Con cái Chúa phải có tinh thần như con cái Chúa tại Bê-rê xưa kia, “sẵn lòng chịu lấy đạo (lời dậy giáo lý), ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng (có hiệp với Kinh Thánh chăng)” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:11). Học giáo lý với với nền tảng là Kinh Thánh không sửa đổi, chúng ta không sợ tin sai và chúng ta có lý do để “đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (I Ti-mô-thê 1:15).

Vài lời tâm tình

Được mục sư quản nhiệm cho biết một số anh chị con cái Chúa Tình Thương giúp đỡ một chị con cái Chúa khổ đau vì thân phận với tấm lòng ấm áp thương xót, lòng người viết bài này, một con cái Chúa cao tuổi, chỉ biết cảm tạ Chúa đã cho Hội Thánh Tình Thương những tấm lòng đáng kính trọng. Trong tâm tình nhiều cảm xúc, xin cám ơn quý anh chị có tấm lòng vàng.

Mời nghe nhạc Tin Lành

Đây là một bản nhạc Tin Lành dựa trên sách Giăng chương 8 “Người dàn bà tà dâm” đã được Chúa Jêsus cứu. Xin bấm vào nối kết sau để nghe.

Chuyện Người Đàn Bà 2000 Năm Trước - Thế Sơn