Đối với giáo lý Cơ Đốc Giáo, chúng ta học không phải chỉ để biết, nhưng học để tạo dựng niềm tin đích thực. Cơ Đốc Giáo là “đạo đức tin” (Rô-ma 10:8). Mở đầu niềm tin của người Cơ Đốc là “tin” Chúa Jêsus để được sự cứu rỗi.

Người Cơ Đốc phải hành xử đức tin đúng theo niềm tin đã được tạo dựng dựa vào Kinh Thánh, Lời Chúa.Trong Tân Ước có đến 150 lần nói về “đức tin”, trong các bản tiếng Anh, danh từ là “faith” và động từ là “believe” (người có “đức tin” danh từ là “believer”). Đức Phật Thích Ca chưa bao giờ nói với đệ tử “hãy tin ta”. Đức Khổng Tử hay Lão Tử cũng không bao giờ kêu gọi môn đệ “hãy tin ta”. Nhưng Chúa Jêsus đã phán với nhân thế : “hãy tin Đức Chúa Trời, cũng hãy tin ta nữa” (Giăng 14:1). Con cái Chúa chúng ta cần nắm vững đức tin và đối tượng đức tin của Cơ Đốc nhân. Nếu có đức tin vào một đối tượng sai lầm, đức tin đó không giúp cho ta có một cảm nhận xâu thẳm của sự bình an trong cuộc sống hiện tại, một niềm hy vọng về tương lai trên bước đường hành xử nó. Hay nói cách khác đức tin vào một đối tượng sai lầm là đức tin vô dụng. Đức tin ta giống như cái móc của toa xe lửa. Nếu móc nó vào đầu máy xe lửa, toa xe lửa sẽ chuyển động. Nếu đối tượng của đức tin ta là chân lý, chúng ta sẽ hưởng được sự linh nghiệm của Lời Chúa phán : “các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32).

Kinh Thánh định nghĩa đức tin như sau : “đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1).

Con người có 6 giác quan mà Phật Giáo xem như cửa ngõ của tâm linh, để đưa những điều ham muốn vào con người (lục nhập) ấy là : thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và cảm giác. Nếu con người không có 6 giác quan trên thì không sao hiểu được những vật chung quanh mình. Làm sao người thiếu thính giác - điếc làm sao cảm được tiếng gió reo, tiếng chim hót, tiếng tơ đồng! ; người thiếu thị giác - mắt mù làm sao cảm được cảnh đẹp thiên nhiên, đàn bướm trắng bay lượn chung quanh những hoa trong ánh nắng thủy tinh! ; người thiếu khứu giác thì làm sao cảm được hương thơm của hoa quý, của cốm và hồng trong ngày tết! ; người mất vị giác thì làm sao cảm được vị ngon của những món ăn ngon. Ngồi trước những món ăn “cao lương, mỹ vị” nếu “mùi” hay “vị” mà không cảm được, chẳng gì nản hơn. Ngũ giác nhờ cảm xúc chấp nhận điều này, từ chối điều khác khiến ta vui thỏa với “mùi” này, khó chịu với “vị” kia.

Nhưng trong Cơ Đốc Giáo, những điều “thuộc linh” thì chỉ có “đức tin” là cửa ngõ của tâm linh, mới hiểu thấu được vấn đề thuộc linh, đưa ta hòa nhập vào những điều thuộc linh là điều mà lục giác không thể nhận ra. Ngay cả tiếp nhận vui thỏa những điều thuộc linh cũng không phải bởi cảm xúc dẫn đến ý đó, mà bởi “đức tin”.

Trong Cơ Đốc Giáo,  con cái Chúa chúng ta tin Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, chịu chết đền tội cho chúng ta trong chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời. Chúng ta được cứu bởi “đức tin” chân thật, Kinh Thánh cho biết :

-“ Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời”  (Ê-phê-sô 2:8).

-Các chúa ơi, tôi phải làm chi cho được cứu rỗi? Hai người trả lời rằng: Hãy tin Đức Chúa Jêsus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Hai người truyền đạo Đức Chúa Trời cho người, và cho những kẻ ở nhà người nữa.” (Người đề lao hỏi Phao-lô và Si-la) (Công-vụ các Sứ-đồ 16:30-32).

-“Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin (bằng đức tin chân thật) Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Chúa Jêsus phán với Ni-cô-đem (người Pha-ra-si)) (Giăng 3:16).

Phải tin bằng đức tin chân thật, rằng Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15) thì mới “được sự sống đời đời”, mới được cứu rỗi.

Nếu “tin” không có đức tin chân thật, chỉ tin rằng Chúa Jêsus là Đấng có Quyền Năng Chữa Bệnh, cứu mình ra khỏi một căn bệnh ngặt nghèo, thì không được cứu rỗi.

Nếu “tin” không có đức tin chân thật, chỉ tin rằng Chúa Jêsus là Đấng Ban phước để mua may bán đắt, làm ăn phát tài, thì không được cứu rỗi.

Nếu “tin” không có đức tin chân thật, chỉ tin rằng Chúa Jêsus là Đấng Phù Hộ để tai qua nạn khỏi, thì không được cứu rỗi.

Sự “cứu rỗi” là sự cứu ra khỏi cơn thạnh nộ, đoán phạt của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là tội nhân, đã tin nhận Đức Chúa Jêsus và đã có “đức tin chân thật” ;

-“Ai tin (đức tin chân thật) Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36).

-“Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Đức Chúa Jêsus Christ” (Rô-ma 8:1).

Đức tin của chúng ta cần đến sự hiểu biết, tin cậy và vâng lời.

-Hiểu biết. Chúng ta không thể đặt niềm tin vào điều chúng ta không biết. Người tin phải hiểu biết về Đức Chúa Jêsus qua sự dậy dỗ của Mục Sư, để biết mình có tội và là tội nhân đối với Đức Chúa Trời, “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).

Người tin phải hiểu biết Chúa Jêsus là con Đức Chúa Trời đã chết đền tội cho chúng ta, “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

-Tin cậy. Sau khi hiểu biết về Chúa Jêsus, chúng ta phải tin cậy với cảm xúc chân thật về điều chúng ta hiểu biết Lời Chúa trong Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con” (Châm-ngôn 3:5). Khi nghe về Chúa Jêsus và chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời thì trong lòng có cảm xúc chân thật : “Chúng nghe bấy nhiêu lời, trong lòng cảm động” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:37).

-Vâng lời. Tin cậy cũng chưa đủ. Vì tin cậy với cảm xúc không thể từ bỏ “đường xưa lối cũ”, những lề thói cố hữu, đối tượng cũ đã có, như “có tiền mua tiên cũng được, phải kiếm tiền bằng đủ mọi cách, kể cả tham lam gian lận - thờ thần tượng vô hình Ma-môn”. Vì vậy người đã tin cậy với cảm xúc còn phải vận dụng ý chí quyết định vâng lời, hành xử theo đúng đức tin, từ đó chúng ta mới có đức tin chân thât, và “tin bởi trong lòng (đức tin chân thật) mà được sự công bình” (Rô-ma 10:10), để khi đi làm chứng, rao giảng Tin Lành mới cảm động được người nghe nên : “bởi miệng làm chứng mà (chúng ta) được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:10).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Sau khi học Lời Chúa qua Thánh Kinh trong các buổi học của nhóm nhỏ, cùng các bài giảng luận và nếu có thể đọc thêm tài liệu viết của quý mục sư, chúng ta dựng được niềm tin đứng đắn, đức tin chân thật. Đó là chúng ta đã học đạo xong. Tiếp đến trên bước đường theo Chúa, chúng ta phải sống đạo theo đức tin chân thật tức là sống bởi đức tin, “vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin” (Rô-ma 1:17), nên : “tin bởi trong lòng (đức tin chân thật)… bởi miệng làm chứng mà (chúng ta) được sự cứu rỗi” (Rô-ma 10:10) nhờ ân điển hay hồng ân của Đức Chúa Trời - “Được cứu bởi đức tin”.