Giáng Sinh Ngưng Bắn        

Jim Prince sốt ruột khi phải chờ đợi để tham gia trung đoàn North Staffordshire. Anh là một thanh niên 18 tuổi, cao lớn khoẻ mạnh, rất mộ môn bóng dài, coi chiến tranh như một môn thể thao khác không hơn không kém. Nhưng mới ngày đầu, trong chiến hào ở Ypres, Bỉ năm 1914, khi anh trao bánh mì cho một bạn lính, người này đứng lên để nhận, đầu vừa nhô lên khỏi bệ đất, một viên đạn của lính thiện xạ Đức giết chết anh ta tức khắc. Prince học được chiến tranh không phải là một môn thể thao mà là cuộc tàn sát.

Khoảng 250.000 lính Đồng Minh và Đức bị chết hoặc bị thương trong trận Ypres kéo dài một tháng, mùa thu năm đó. Một nhà quan sát đã viết: “Chưa bao giờ có đổ máu quá nhiều, trong một khu vực nhỏ bé như vậy”. Sau đó, đệ nhứt thế chiến chìm đắm trong bế tắc. Hai bên đối nghịch đều núp trong các chiến hào lạnh lẽo và lầy lội kéo dài từ eo biển đến biên giới Thụy Sĩ.

Ở Ypres đêm hôm trước lễ Giáng Sinh, trăng tròn. Mặt đất băng giá chói lọi trắng tinh. Graham Williams, 21 tuổi, thuộc lữ đoàn bộ binh Luân-đôn, nhìn qua bờ đất về hướng tuyến quân Đức. Bình thường vào giờ đó, trong khu vực chính của trận tuyến, khu tử địa, đầy những hình bóng lờ mờ chạy qua chạy lại. Một số đi thám thính, một số khác tìm kiếm người chết và bị thương. Đặc biệt những cánh đồng trồng củ cải, bằng phẳng và xấu xí của Flanders, chằng chịt kẽm gai, trở nên thành hoang vu, kỳ dị khi hỏa châu chiếu sáng. Đêm nay, tuy vậy, một sự yên lặng, huyền ảo lững lờ trong không khí trong như pha-lê, Williams nhớ lại: “Dường như một phép lạ sắp được diễn ra”. Về hướng đông trên chiến hào quân Đức, anh thấy có ánh sáng rất thấp, không thể lầm tưởng là một ngôi sao được. Williams rất đổi ngạc nhiên, sao không ai bắn vào đó. Anh thấy một ánh sáng khác và một ánh sáng khác nữa. Thình lình thật nhiều đèn chiếu sáng dọc theo chiến hào quân Đức kéo dài vô tận.

Williams gọi bạn bên cạnh “Chúa ôi, bọn Đức có cây giáng sinh”. Đoạn, từ chiến hào quân Đức không quá 50m, một giọng trầm phong phú bắt đầu hợp xướng “Stille Nacht, Heilige Nacht” (Đêm yên lặng, đêm thánh này...). Khi bản hát mừng giáng sinh chấm dứt, trung đoàn của Williams hoan hô và hát bài: “Giáng Sinh Đầu Tiên” và tiếp tục với bài: “Hỡi Môn Đồ Trung Tín”. Người Đức đáp lại cũng bản đó bằng tiếng La Tinh “Adeste Fidelis”. Hát đối đáp kéo dài một giờ, xen lẫn với tiếng “Qua đây thăm chúng tôi Tommy” và “Không, Jerry, các anh qua đây”. Nhưng không bên nào cử động.

Ở khu vực Jim Prince, một lính Đức đứng bên bờ đá hát “Đêm yên lặng” làm một mục tiêu rất tốt.  Trung đoàn của Prince đáp lại với bài “Mục tử lúc canh trường thức giữ chiên”. Đoạn cả một sự ngạc nhiên, một lính Đức bắt đầu đi về phía lính Anh, theo sau vài người Đức khác, không vũ khí, tay cho vào túi, như muốn đầu hàng.

Nhưng một lúc sau, lính Anh cũng bắt đầu leo ra khỏi chiến hào, Prince đi cùng với họ. Anh đứng lại cách một lính Đức 5m. Đây là một trong những kẻ thù mà anh muốn bắn. Anh lính Đức chỉ nói đơn giản “Tôi là người Sazon. Anh là người Anglo-Saxon. Tại sao chúng ta đánh nhau?”.

Nhiều năm sau, khi nhớ lại giây phút phi thường đó, Prince thú nhận: “Tôi vẫn chưa biết tại sao”.

Bấy giờ, hòa bình bao trùm khu tử địa. Trong một khu khác, lính Đức đi qua chiến hào trung đoàn Tô-cách-Lan với lời chúc: “Giáng Sinh hạnh phúc”, bị người Tô-cách-Lan bắn một loạt qua đầu. Họ thối lui và trở về chiến hào. Nhưng nơi khác, lính đôi bên gặp nhau, bắt tay, vui cười, xác nhận họ không có ác ý với nhau và cam kết kéo dài hưu chiến đến hết ngày hôm sau. Thiếu Tá Leslie Walkinton, nhớ lại đã nghe một binh sĩ 17 tuổi nói: “Tự nhiên xảy ra một cách mầu nhiệm, một tinh thần mãnh liệt hơn chiến tranh trong đêm đó”.

Rạng đông ngày lễ Giáng Sinh, trời lạnh, trong trẻo, lóng lánh và thái bình. Khu tử địa chẳng bao lâu tràn đầy hàng ngàn lính đôi bên, quàng tay nhau đi lại và chụp ảnh. Nhiều đội bóng ra sân, hầu hết là những trò chơi tượng trưng với lon thiết làm banh và mũ nón làm trụ thành. Một người Tô-cách-Lan được một trái banh thật, và cuộc chơi thật sự diễn ra, với kết quả Đức thắng Anh 3-2. Đặt căn bản trên tinh thần thể thao, một cầu thủ nói: “Nếu một người bị ngã, đối phương đỡ anh lên”.

“Tự nhiên xảy ra một cách mầu nhiệm, một tinh thần mãnh liệt hơn chiến tranh trong đêm đó”.

Vài người cắt nút áo choàng mình làm quà giáng sinh. Một sĩ quan Đức làm quà bằng cái nón sắt anh đang đội và một bộ quân phục đại lễ, được tặng lại một hộp thịt bò hảo hạng. Bác sĩ có khiếu chuyên môn đóng góp những gì có thể làm. Một lính Anh, trước làm nghề hớt tóc, cắt tóc cho mấy lính Đức ngoan ngoãn quỳ xuống đất. Một nhà ảo thuật chuyên nghiệp Đức làm khán giả say mê đến đổi người ta nghĩ rằng chính anh là Piper Hamelin. Lính Anh ra sau hậu tuyến Đức đến tận trại tù binh.

Albert Moren, một cụ già 86 tuổi, sống sót trong mặt trận đó nói: “Thật lạ lùng, có thể đi chơi quanh mà không bị ai bắn”. Cũng là một cơ hội tốt cho công việc mai táng. Trong khu tử địa thường thi thể bị bỏ hôi thối nhiều ngày vì nằm trong tầm đạn đối phương. Khi vị tư lịnh đơn vị Gordon Highlander VI cố ngăn cấm binh sĩ tràn ra ngoài bờ đất về phía quân Đức, tất cả mọi người kể cả ông sĩ quan tuyên úy không ai tuân lịnh. Quân đội đôi bên đào huyệt cạnh nhau. Vị sĩ quan tuyên úy, được một sinh viên thần học Đức trợ giúp, làm lễ mai táng.

Sáng ngày lễ Giáng Sinh, Jim Prince thức dậy trễ hơn thường lệ vì không có tiếng súng. Sau cùng khi vào khu tử địa tham gia cùng người khác, anh gặp một sinh viên trường đại học Leipzig cùng tuổi. Anh sinh viên này có một gói quà giáng sinh, hai người chia nhau kẹo, bánh và hộp thuốc xì-gà có con dấu trường đại học.

Prince bảo: “Quà của anh lính Đức là món duy nhứt tôi nhận được mùa giáng sinh năm đó”. Còn quà giáng sinh do Công Chúa gởi tặng binh sĩ Anh, đến ngày đầu năm nhiều đơn vị vẫn chưa nhận được.

Sự thân mật được giới hạn trong phạm vi lính Anh và lính Đức. Lính Pháp không chấp nhận một cách ôn hòa lý tưởng đó, vì đất nước họ bị xâm lăng. Sáng ngày lễ Giáng Sinh, ở một khu gần sông Aisne, khi lính Đức ra khỏi chiến hào với khẩu hiệu: “Hai ngày hưu chiến”, bị lính Pháp quét sạch. Nhưng tinh thần của ngày Giáng Sinh tác động một đại úy, nhạc sĩ Pháp khâm phục lòng dũng cảm của vị chỉ huy Đức đối diện, sáng tác một khúc nhạc đặc biệt tặng địch thủ. Vào buổi chiều ngày lễ Giáng Sinh, vị sĩ quan Đức đứng trên bờ đất không vũ khí, điều khiển một ban nhạc gồm kèn đồng, phong cầm và một vĩ cầm với tinh thần đáp lễ, xong, vị sĩ quan Đức cúi chào trong khi mọi ngưòi hoan hô.

Dĩ nhiên đôi bên nhìn nhận cuộc hưu chiến không được thượng cấp chấp thuận. Có sự hiểu ngầm được giữ kín. Vào buổi chiều, khi có tin một tướng Anh đến thăm tiểu đoàn, lính Anh và lính Đức nhảy vào chiến hào mình như trẻ con ngỗ nghịch. Lúc vị tướng đến, lính Anh trình diễn cảnh quân đội đang dàn trận: Lính gác nhìn qua lỗ châu mai, súng đại liên được thủ cẩn thận. Sau cuộc thanh tra ngắn, khi từ giã, ông thấy một lính Đức nhô lên khỏi bờ đất đến vai. Ông nói nhanh: “Hạ sĩ, một tên giặc, bắn nó”. Anh này trả lời: “Thưa vâng”. Chỉ mục tiêu và nháy mắt cho anh lính bên cạnh.  Anh lính bắn cách xa mục tiêu. Lính Đức không để ý. Ông tướng ra lịnh “Bắn nữa”. Lần này anh bắn gần hơn. Lính Đức vẫn không cử động. Viên thứ ba bay vèo cách anh vài phân, hiểu ý, anh hụp xuống, tay vỗ mạnh. Ông tướng có vẽ hài lòng và từ giã. Chẳng bao lâu, binh lính lại ra khỏi chiến hào.

Đến trời lặn, hầu như không có bắn nhau suốt mặt trận trong 24 giờ, và vì vậy, chim trở lại. Nhiều tháng không thấy một con nào trong bãi chiến trường, bây giờ chim se-sẻ khắp nơi.

Ban đầu, chỉ những vị chỉ huy Anh ở gần mặt trận biết cuộc hưu chiến. Thí dụ: 15km sau chiến tuyến ở bộ chỉ huy sư đoàn, sổ nhựt ký hành quân “ngày 25 tháng 12, hưu chiến không chính thức”.  Nhưng 30km phía sau, ở bộ tổng tư lịnh Anh, Sir John Prench đánh điện cho tổng trưởng quốc phòng Lord Kitchener “vô sự. Ngày Giáng Sinh yên tĩnh”. Khi biết được chuyện đã xảy ra, thượng cấp rất tức giận. Họ hốt hoảng vì toàn thể vi phạm kỷ luật quân đội. Họ cũng lo lắng binh sĩ sẽ hiểu kẻ thù không phải là những quái vật đâm chết trẻ con Bỉ và chém phanh ngực y tá Anh như tuyên truyền, nhưng chúng chỉ là những người thường như họ. Một lính Anh gốc ở Luân-đôn giúp một lính Đức đào huyệt chôn bạn đã viết thư về nhà: “Họ là những người lịch sự”. Một anh khác mô tả lính Đức như sau: “Mẫu người vui tươi và tử tế”.

Bộ chỉ huy cao cấp Anh ra lịnh nghiêm khắc, cấm đoán làm thân thêm nữa.  Kết quả, không còn hưu chiến nào xảy ra trong ba lễ Giáng Sinh sau trong thời gian chiến tranh. Sự căm thù do việc quân Đức đem ra xử dụng súng phun lửa và hơi độc vào năm 1915, đã giúp cấp chỉ huy điều khiển họ.

Cuộc hưu chiến năm 1914 có thể thật sự chấm dứt Đệ nhứt thế chiến không?  Albert Moren tin tưởng là có thể, ông nói: “Nếu ngưng bắn kéo dài thêm một tuần, thì rất khó gây lại cuộc chiến”. Như vậy, có thể tiết kiệm được gần chín triệu mạng người phải chết trước khi đình chiến.

Hưu chiến Giáng Sinh 1914 tiếp tục đến ngày đầu năm hay lâu hơn ở vài khu.  Một lính Đức đã viết thư về nhà: “Chúng tôi PHẢI có hưu chiến lâu như vậy.  Chúng tôi muốn xem những bức hình họ chụp như thế nào”.

Graham Williams nhớ đêm trước ngày đầu năm, anh gặp một lính Đức say rượu, đứng trước mặt anh, hai tay cầm hai chai rượu. Williams bảo anh trở về bên kia. Anh lính Đức từ chối. Williams tiếp: “Vậy, tôi bắt anh làm tù binh”.  Anh lính Đức mời anh uống rượu và nói: “Tôi không muốn làm tù binh, chỉ muốn làm bạn”. Nhờ một người bạn giúp, Williams khiêng kẻ thù say rượu về tuyến anh ấy.

Toàn thể thỏa thuận, khi một bên chấm dứt hưu chiến họ phải bắn “Pháo mừng” lên trời và cho đối phương đủ thì giờ để trở về chiến hào họ.  Trọng khu Jim Prince “Pháo mừng” bắn lên vào ngày 29 tháng 12, lính đôi bên chạy nhanh về chiến hào họ, khi nghe tiếng “Tommy, trở về”.  Chỉ vài phút sau, súng lại bắt đầu nổ dữ dội.  Chẳng bao lâu, Prince nhìn qua máy nhắm súng mình, thấy một lính Đức, một mục tiêu rất tốt cách 300m. Bóp cò, thấy người kia ngã, anh nghĩ đó có thể là anh sinh viên Leipzig người đã chia với anh gói quà Giáng Sinh.  Sau này anh kể: “Thật thà mà nói tôi không do dự. Đó là nhiệm vụ tôi bắn anh, và nhiệm vụ anh bắn tôi. Đó là chiến tranh”.

Vài tháng sau, Prince người mộ bóng dài, mất một chân, lễ Giáng Sinh kỳ diệu nhứt mà anh từng chứng kiến đã qua.  Và cho đến khi chết năm 1981, thọ 85 tuổi, mỗi khi nghe hát “Đêm yên lặng, đêm thánh…” Prince không sao ngăn được nước mắt tuôn ướt đến má.