Tiểu thuyết gia Anh Quốc ông Charles Dickins đã công nhận câu chuyện về người cha nhân ái đối với cậu con trai hoang đàng mà Chúa đã dạy môn đồ, được ghi trong Lu-ca 15:11-32 là câu chuyện cảm động hơn hết.

Chánh khách Hoa Kỳ ông Daniel Webter tuyên bố đoạn sách nói về lời dạy lẽ đạo hay nhất là bài giảng trên núi của Chúa Jêsus được ghi trong sách Ma-thi-ơ từ chương 5 đến chương 7.

Nhà cách mạng Ấn Độ ông Mahatma Ghandi đã ca tụng về bài giảng trên núi của Chúa Jesus và đoạn Kinh Thánh nói về tình yêu thương ghi trong thư I Cô-rinh-tô 13. Ông Ghandi tâm sự rằng mỗi lần tinh thần căng thẳng trong cuộc đấu tranh, ông thường đọc I Cô-rinh-tô 13. Ông Ghandi cũng thường khuyên các môn đệ nên làm như vậy.

Kinh Thánh là cuốn sách mà tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, Ông George Washington, đã chân trọng tuyên bố : “Không có Đức Chúa Trời và Kinh Thánh thì không thể cai quản đất nước cách đứng đắn được.

Nhà sử học Anh Quốc, ông John Richard Green tác giả cuốn sách Short History of English People (Lịch Sử Dân Tộc Anh) đã ghi nơi trang 450 : Không có cuộc thay đổi quốc gia nào vĩ đại hơn cuộc thay đổi ở Anh Quốc khoảng giữa triều đại Nữ Hoàng Elizabeth và lúc nghị viện nhóm họp. Anh Quốc đã trở thành một nước của một quyển sách và quyển sách ấy là Kinh Thánh.

Chính khách Anh Quốc lỗi lạc, ông William Ewart Gladstone đã nói : Kinh Thánh có mang dấu tích khởi nguyên đặc biệt, và Kinh Thánh cách xa tất cả các sách đối đầu, một trời một vực.

Rất nhiều lời ca tụng Kinh Thánh, coi Kinh Thánh là khuôn vàng thước ngọc của các danh nhân như Abraham Lincoln, Napoléon, Queen Victoria, Daniel Webster, Sir Issac Newton, Goeth v.v. đã được Henry H. Halley trưng dẫn trong cuốn Bible Hanbook trang 22 và 23.

Dầu Kinh Thánh được các danh nhân xác nhận là cuốn sách có giá trị ảnh hưởng trên đời sống của họ, chúng ta qua Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, chúng ta còn phải biết điều nào mà Kinh Thánh cho biết về những ơn phước, hướng dẫn, lời răn, cáo trách, và công việc mà Ba Ngôi Đức Chúa Trời muốn chúng ta thực hiện, để Ý Ngài làm thành trên đất.

A. Tái sinh chúng ta. Khi chúng ta nghe một Cơ Đốc nhân chia sẻ về sự cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời đối với chúng ta qua Đức Chúa Jêsus, người này nói những điều đó với chúng ta qua lời xác chứng của Kinh Thánh, với kinh nghiệm cứu rỗi mà người đó đã được hưởng. Chúng ta tin nhận vào lời Kinh Thánh và tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Chính Lời Chúa tái sinh chúng ta. Thánh Gia-cơ đã nói : “Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta được nên như trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên” (Gia-cơ 1:18). Thánh Phi-e-rơ đã về sự tái sinh của con cái Chúa như sau : “Anh em đã được lại sanh (tái sinh), chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống chẳng hư nát, là bởi lời hằng sống và bền vững của Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 1:23). Sự tái sinh của chúng ta đã được chỉ rõ bởi chính Đức Chúa Jêsus phán cùng Ni-cô-đem : “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh (tái sinh), thì không được vào nước Đức Chúa Trời” (Giăng 3:5).

B. Cáo trách tội lỗi chúng ta. Kinh Thánh chỉ cho chúng ta biết tội lỗi cách trung thực, “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16). Chính Đức Thánh Linh là “Thần Chân Lý”, lời Kinh Thánh “sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét” (Giăng 16:8). Khi người thế gian nghe con cái Chúa bầy tỏ về “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15), thì Thánh Linh làm cho người nghe suy nghĩ bất an về tội lỗi mình và mong ước làm sao tội mình được tha thứ, hy vọng về sự cứu rỗi. Khi đi làm chứng về Chúa, chúng ta hãy dùng lời Kinh giúp cho người nghe biết mình là người có tội và hình phạt Chúa dành cho người có tội.

Sau khi chúng ta nhờ lời Kinh Thánh và Thánh Linh mà được tái sinh, qua việc đọc Kinh Thánh và suy gẫm Lời Chúa. Và Lời Chúa bắt đầu tác động trong tâm linh chúng ta, làm chúng ta cảm nhận ra tội lỗi làm hư hỏng đời sống thuộc linh của chúng ta. Chúng ta nhờ Lời Chúa mà biết mình có những tội gì một cách chính xác và không chấp nhận, và khước từ những tội lỗi đó qua việc thành tâm xưng tội để được tha thứ. Nhưng nếu sau khi tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa mà không đọc Kinh Thánh, và cũng không được Mục Sư hay con cái Chúa đã chịu khó đọc và suy gẫm kỹ Kinh Thánh chỉ dẫn, thì chúng ta chỉ cảm nhận sơ sơ là có tội, nhưng không thể biết mình có tội lỗi nào. Làm sao có sự ăn năn chân thật trong tâm linh chúng ta ? Kết quả là chúng ta chỉ nói ăn năn theo thể thức tin nhận Chúa và cũng chấm dứt tại đó. Tội lỗi vẫn còn nguyên trong con người, như chưa hề tin nhận Chúa. Không một con cái Chúa thành tâm nào mà khi đọc Kinh Thánh đến những đoạn nói về làm lành, về giới luật, về tội lỗi mà lại không nhận ra mình có tội gì để ăn năn. Nhưng một số vẫn phạm tội vì họ chỉ thấy những cái lợi nhãn tiền bất chính của tội lỗi mà họ muốn thâu vào. Những vị này không thật sự ăn năn chỉ vì bỏ qua hoặc không chấp nhận lời cáo trách của Chúa Thánh Linh, chớ chẳng phải Kinh Thánh không “bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

C. Giữ đời sống thánh khiết. Sau khi chúng ta nhờ Lời Chúa được tái sinh, trở nên con cái Đức Chúa Trời, chúng ta đọc, học Kinh Thánh. Chúng ta cũng được nghe mục sư giảng luận Kinh Thánh. Chúng ta cũng được học Kinh Thánh trong giờ Cơ Đốc giáo dục, trường Chúa Nhật, nhóm nhỏ. Cậy ơn Chúa, sau một thời gian chú tâm vào việc học Kinh Thánh, Chúng ta hiểu được những ơn phước chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời, cũng như những trách nhiệm một con cái Chúa phải làm, vâng lời tích cực làm lành, nghiêm giữ giới luật, triệt để chết về tội lỗi, tìm dịp rao giảng Tin Lành đến người chưa có Chúa. Lời Kinh Thánh có năng lực giúp chúng ta sống và giữ được đời sống thánh khiết theo Ý Chúa. Tác giả Thi-thiên 119 cũng đã kinh nghiệm : “Tôi đã giấu (bản Anh Ngữ - I have treasured – Tôi đã quý trọng giữ) lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa” (Thi-thiên 119:11), như vậy nếu dịch chính xác sẽ là : “Tôi đã quý trọng giữ lời Chúa trong lòng tôi, Để tôi không phạm tội cùng Chúa”. Một số không ít con cái Chúa thiếu năng lực sống đời sống thánh khiết chỉ vì không có lời Chúa trong lòng, hoặc có Lời Chúa trong trí mà không có Lời Chúa trong lòng, nên bất tuân điều Chúa răn dạy.

E. Sử dụng ta nói ra Lời Ngài. Đối với những con cái Chúa chân chính, đã học và nhớ Lời Chúa, thì Lời Chúa trong lòng có năng lực khiến ta phải nói ra Lời Chúa, “ Lòng tôi đầy tràn những lời tốt; Tôi nói điều tôi vịnh cho vua (ca ngợi Đức Chúa Trời); Lưỡi tôi như ngòi viết của văn sĩ có tài (để an ủi, khích lệ người khác)” (Thi-thiên 45:1). Gặp ai, chúng ta cũng mạnh dạn nói : “Khá nói … rằng: Chúa Giê-hô-va có phán như vậy!” (Ê-xê-chi-ên 2:4). Chúng ta trở nên phát ngôn viên của Đức Chúa Trời, như lời Kinh Thánh : “Chúng tôi làm chức khâm sai của Đấng Christ, cũng như Đức Chúa Trời bởi chúng tôi mà khuyên bảo” (II Rô-rinh-tô 5:20). Lời Chúa trong chúng ta sẽ khiến chúng ta vững vàng “đi từ nơi nầy đến nơi khác, truyền giảng đạo Tin Lành” (Công-vụ các Sứ-đồ 8:4).

F. Sử dụng chúng ta trong công việc nhà Chúa. Lời Chúa trong lòng chúng ta “có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17). Lời Chúa có năng lực làm cho chúng ta là “người thuộc về Đức Chúa Trời”, làm cho chúng ta có khả năng và tư cách “để làm mọi việc lành”, là làm mọi việc theo ý Đức Chúa Trời để công việc Ngài trên đất được thành toàn.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cuốn Kinh Thánh chúng ta có trên tay. Mong rằng cuốn Kinh Thánh trong tay chúng ta tác động trong chúng ta khiến chúng ta trở nên những con cái Chúa trung tín, làm theo Lời Chúa để “Ý Chúa Được Nên ở Đất như Trời”.