Một số nạn nhân sống sót sau Holocaust đã viết lại câu chuyện đời họ trong những ngày đau khổ lịch sử ấy, trong số ấy có hai tác giả trình bày hai quan niệm rất khác nhau.

Tác phẩm NIGHT của Elie Wiesel trình bày số phận của những người Do Thái sống cùng làng với ông, bị tước bỏ tất cả tài sản, đuổi vào sống trong trại tập trung, một phần ba trong số này đã chết. Chính mắt ông chứng kiến cảnh mẹ, cô em gái nhỏ và toàn thể gia đình bị lùa vào phòng hơi ngạt. Ông nhìn thấy trẻ sơ sinh bị đâm, trẻ con bị treo cổ, tù nhân đàn ông vì yếu sức bị người khác giết chỉ để lấy một miếng bánh mì. Ông đã viết rằng sẽ không bao giờ quên làn khói thiêu thi thể người bốc lên trên bầu trời xanh, sẽ không bao giờ quên những năm dài mong thấy tình người nhưng chẳng thấy. Mọi giấc mơ trên đời đã biến đi theo tro bụi và đã giết chết linh hồn cũng như giết chết hình ảnh Đức Chúa Trời trong tâm ông. Là một Laxarơ được sống lại nhưng ông tiếp tục chết hàng ngày trong mối căm hận với câu hỏi Đức Chúa Trời ở đâu, Đức Chúa Trời ở đâu trong cảnh khổ của con người.

Tác phẩm THE HIDING PLACE của Corrie ten Boom trình bày câu chuyện đời cô, tuy không phải là người Do Thái, nhưng giúp người Do Thái trốn trong nhà cô để cứu mạng họ. Rồi cô bị bắt và bị đưa vào trại tập trung. Nơi đây, cô chứng kiến cái chết thảm của nhiều tù nhân trong số đó có em gái của cô. Có những lúc cô đã nổi giận cùng Đức Chúa Trời khi thấy Ngài không can thiệp cho những người trong thảm cảnh. Tuy nhiên, tác phẩm của cô trình bày sứ điệp của hy vọng và chiến thắng, những phép lạ nhiệm mầu của Chúa trong trại tù, những lần học Kinh Thánh và cầu nguyện chung với các tù nhân và lòng tin của hai chị em cô nơi Đức Chúa Trời là Đấng đã chăm sóc và bảo vệ. Qua tác phẩm của cô, người ta thấy được ánh sáng rạng ngời của Đức Chúa Trời nơi cuối đường hầm và lòng tin mãnh liệt của tác giả rằng thiện sẽ thắng ác.