Đức Chúa Trời là ai - Hầu hết các tôn giáo đều mô tả Đức Chúa Trời là một người. Chuyện cổ Việt Nam ta mô tả Đức Chúa Trời là Ngọc Hoàng Thượng Đế luôn luôn mặc sắc phục đại triều có thêu rồng vàng, ngự trên ngai có trạm rồng. Chung quanh Ngọc Hoàng có các thần Nhà Trời túc trực để Ngọc Hoàng sai khiến. Cõi Trời có chín tầng mây, và Ngọc Hoàng ở tầng cao nhất. Theo tục lệ người Việt ta, ngày 23 tháng chạp, thần Táo Quân lên chầu Ngọc Hoàng để tâu chuyện trần gian.

Kinh Thánh đã mô tả Đức Chúa Trời là Đấng qua các thần tính của Ngài. Ngài tự giới thiệu mình với Mô-se khi Mô-se hỏi “Tên Ngài là chi? thì tôi nói với họ làm sao? Đức Chúa Trời phán rằng: Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu - I AM WHO I AM” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:13-14).

Ngài tự biết Ngài là ai, Ngài tự xác định Ngài là ai. Bởi sự tự xác định này, Ngài hoàn toàn tự do điều khiển vũ trụ, muôn vật mà Ngài đã tạo dựng. Con người là vật thọ tạo, con người có sự tự do, nhưng sự tự do của con người còn tùy thuộc vào Đấng dựng nên mình, “Nhưng Chúa đã một ý nhất định, ai làm cho Ngài đổi được? Điều gì lòng Ngài muốn, ắt Ngài làm cho thành” (Gióp 13:23), “Ý chỉ Đức Chúa Trời, là ý định sẵn bởi sự kén chọn tự do của Ngài” (Rô-ma 9:11), “Ý định Ngài là chắc chắn không thay đổi” (Hê-bơ-rơ 6:17).

Ngài cũng có cảm xúc (emotion), “Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng.” (Sáng-thế ký 6:5-6), “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian” (Giăng 3:16), “Đức Giê-hô-va có lòng thương xót” (Thi-thiên 103:8). Ngài cảm thông, “Ta đã thấy rõ ràng sự cực khổ của dân… ta biết được nỗi đau đớn của nó” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:7), và nổi giận với kẻ ác, “Đức Chúa Trời hằng ngày nổi giận cùng kẻ ác” (Thi-thiên 7:11).

Ý chỉ Ngài bày tỏ trong ý muốn (will), “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn (will) tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2), “Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn (will) của Đấng (Ngôi 1 Đức Chúa Trời - Đức Chúa Cha) sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Ma-thi-ơ 7:10).

Ngài là Đấng Hằng Sống có Sự Sống bất biến – Chúng ta đang sống, nhưng hiểu rõ thế nào là “sống” thì thật khó. Sống - ai cũng nhận thức rằng mình đang sống. Đó là lẽ đương nhiên, vì sự sống không thuộc về trần giới mà thuộc về linh giới. Sống không phát sinh từ vật chất, nhưng phát sinh tự thần linh do Đấng Hằng Sống đã ban cho tổ phụ loài người. Sự sống là một trong những sự mầu nhiệm bất biến. Nhưng vì sự phạm tội bất tuân lời Đức Chúa Trời phán dạy của tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va, nên sự sống của loài người không còn vĩnh cửu mà có sự chết “Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” (Sáng-thế ký 2:16).

Kinh Thánh cho biết những người lãnh đạo, anh hùng của dân sự Đức Chúa Trời Hằng Sống nhắc về Ngài như sau. Giô-suê nói cùng dân sự rằng : “Nhờ điều này các ngươi sẽ biết rằng Đức Chúa Trời hằng sống ngự giữa các ngươi” (Giô-suê 3:10). Chàng trai trẻ Đa-vít cảm nhận những lời dũng tướng Gô-li-át xúc phạm đến dân Y-sơ-ra-ên là xúc phạm “Đức Chúa Trời Hằng Sống” (I Sa-mu-ên 17:36). Ngài chẳng những là “Đức Chúa Trời Hằng Sống”, mà còn là “ nguồn sự sống ở nơi Chúa” (Thi-thiên 36:9).

Phi-e-rơ xưng tụng Chúa Jêsus : “Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống” (Ma-thi-ơ 16:16), như vậy Đức Chúa Trời là Đấng Hằng Sống có sự sống và là nguồn của sự sống. Điều quan trọng nhất của những điều Đức Chúa Trời có ý muốn ban cho nhân loại vẫn là sự sống. Chúa Jesus phán : “Vì như Cha có sự sống trong mình, thì Cha cũng đã ban cho Con có sự sống trong mình vậy” (Giăng 5:26). Một câu Kinh Thánh mà hầu hết con cái Chúa đã được nghe nhiều lần qua các bài giảng của quý Mục Sư, và một số con cái Chúa đã thuộc nằm lòng : “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). “sự sống đời đời” là “sự sống” của “Đức Chúa Trời Hằng Sống”. Chúa Jêsus phán : “Còn ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống và được sự sống dư dật” (Giăng 10:10). Con cái Chúa chân chính được tái sinh có “sự sống” này trong “người dựng nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17), vì “hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người” (I Giăng 3:9).

Ngài là Đấng Tự Hữu- Câu hỏi mà chúng ta có thể bị chất vấn : Đức Chúa Trời tạo dựng vũ trụ, loài người và muôn vật, thế thì ai tạo dựng Đức Chúa Trời ? Người Việt còn có câu vè hay hát đố :

Tiếng đồn anh hay chữ, em xin thử một lời

Thủa khai sinh lập địa, ông Trời được ai sanh

Tất nhiên chúng ta không thể trả lời theo kiểu lý luận theo kiểu người đời. Vì con người không thể lấy nguyên tắc của vật thọ tạo để suy luận Đấng Tạo Hóa theo cùng một nguyên tắc. Chúng ta phải tin lời Đức Chúa Trời tự chứng : “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:14). Lời Ngài tự chứng không chỉ có nghĩa là Ngài đã có, Ngài hiện có, và Ngài sẽ có mãi mãi, nhưng còn mang ý nghĩa Ngài hoàn toàn độc lập với tất cả mọi vật trong vũ trụ và thế giới loài người. Ngài có danh xưng là Giê-hô-va có nghĩa là “ĐỨC CHÚA TRỜI TỰ HỮU” (The self-existent God). Sự hiện hữu của con người phải tùy thuộc vào thức ăn, nước uống và không khí. Nhưng Đức Chúa Trời tự “TỰ HỮU”, Ngài không tùy thuộc vào bất cứ điều gì. Thế thì con cái Chúa phái nam có trả lời câu vè hay hát đố trên như sau :

Anh đây không hay chữ       Mà cũng không “đáp thử” nửa lời

Anh tin chắc chắn em ơi      “Chúa Trời Tự Hữu” là lời Kinh Thánh

Đấng tạo muôn vật muôn dân Đấng sinh tất cả chẳng cần ai sinh.

Ngài là Đấng Bất Biến - Tất cả mọi vật và sinh vật không bao giờ giữ được trạng thái y nguyên, thường thay đổi tốt hơn hay xấu hơn. Nhưng Đức Chúa Trời không hề thay đổi. “Trời đất sẽ bị hư hoại, song Chúa hằng còn; Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống; Chúa sẽ đổi trời đất như cái áo, và nó bị biến thay; Song Chúa không hề biến cải, Các năm Chúa không hề cùng” (Thi-thiên 102:26-27). Kinh Thánh xác quyết “Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, Cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư? Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?” (Dân-số ký 23:19). Như vậy chúng ta hiểu sao về những câu Kinh Thánh : “Đức Giê-hô-va … tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng” (Sáng-thế ký 6:5-6), “Ta hối hận vì đã lập Sau-lơ làm vua” (I Sa-mu-ên 15:11), Ý Ngài thay đổi? Chắc chắn không phải vậy, thật ra những câu trên chỉ nhấn mạnh đến sự buồn rầu của Ngài chứ không phải Ý Ngài thay đổi, “Nếu chúng ta không thành tín,.. Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được.” (II Ti-mô-thê 2:13). Trong Ngài không có sự thay đổi nào cả.

Ngài là Đấng Vô Hạn - Chúng ta có thân thể tạo vật nên chúng ta bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Nhưng Đức Chúa Trời là Đấng Vô Hạn, Ngài không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Ngài là Đấng đời đời, không có bắt đầu, không có kết thúc. Áp-ra-ham xưng tụng Ngài là “Đức Chúa Trời Hằng-Hữu (Eternal God)” (Sáng-thế ký 21:33). Tác giả Thi-thiên 90, ông Mô-se, ca ngợi Đức Chúa Trời : “Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời” (Thi-thiên 90:2). Chúng ta chỉ biết Ngài khi Ngài dựng nên vũ trụ và loài người, “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:24). Vua Sô-lô-môn nói về sự vĩ đại của Đức Chúa Trời, “Chớ thì ai có sức xây cất cho Chúa một cái đền; vì trời và đến đỗi trời của các từng trời còn chẳng chứa Ngài được thay!” (II Sử-ký 2:6). Như vậy, thời gian và không gian đều do Chúa dựng nên, tất nhiên Ngài không lệ thuộc vào thời gian và không gian. Thời gian và không gian đều có giới hạn. Chúa là Đấng Vô Hạn.

Đức Chúa Trời có Một - Mô-se nói với dân sự rằng : “Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai” (Phục-truyền luật-lệ ký 6:4). Chính Đức Chúa Trời xác nhận : “Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác” (Ê-sai 44:6). Trong sách Sáng-thế ký có ghi : “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta (Sáng-thế ký 1:26). Hai chữ “chúng ta” không có nghĩa là nhiều Đức Chúa Trời, nhưng là một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi (Trinity). Khi chúng ta nói về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, chúng ta vẫn về một Đức Chúa Trời. Tôi xin chia sẻ niềm tin về Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong những bài kế tiếp khác.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Ngoài Đức Chúa Trời được Kinh Thánh mô tả, tất cả “đức chúa trời” khác đều là được loài người đặt ra, mạo nhận. Ngoại trừ vì một lý do nào đó của lịch sử, phong tục của một quốc gia người ta có ghi lại một vài vị thần thánh để đoàn kết dân tộc dầu ít ai thật lòng tin và chúng ta chẳng cần quan tâm tới, chúng ta phải coi tất cả các ông “đức chúa trời” còn lại của thế gian là tạo thần hoặc tà thần. Hiểu biết về Đức Chúa Trời phải là cao điểm trong sự hiểu biết của chúng ta. Chẳng lẽ chúng ta để Chúa trách như Ngài đã trách dân sự Ngài : “Bò biết chủ mình, lừa biết máng của chủ; song Y-sơ-ra-ên chẳng hiểu biết (về Đức Chúa Trời), dân ta chẳng suy nghĩ (để hiểu biết về Đức Chúa Trời mình)” (Ê-sai 1:3). Chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta phải hiểu biết về Ngài, vì Ngài là “Cha chúng tôi (chúng ta) ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:9).

Giới thiệu Thánh Ca

Mời quý độc giả và quý anh chị con cái Chúa thưởng thức một bản Thánh Ca sau đây :

Tựa đề tiếng Anh : You Raise Me Up, Piano re-arrangement by Abby (10 years old little girl). 

https://www.youtube.com/watch?v=AGWFrTH2f5U&list=RDsDdHWU-0-h0&index=7