CHO DÙ CÂY VẢ KHÔNG TRỔ HOA

 

 

 

Trận mưa tầm tã đã kéo dài ba ngày. Mưa liên tục, mưa như trút đổ, mưa không dứt. Nhìn màn mưa, lòng ông nặng trĩu như những hạt mưa đang trút xuống đất. Nếu còn trẻ, có lẽ ít nhất ông cũng rưng rưng nước mắt trước cơn mưa này. Nhưng ở vào tuổi 57, dễ gì một người đàn ông lại khóc.

Mưa không những là nước Chúa ban cho vạn vật, muôn loài mà mưa còn mang lại những ích lợi khác. Nước sông theo với cơn mưa sẽ cuồn cuộn dâng tràn, dòng sông mang theo tôm, cá… là miếng cơm manh áo, sự sống cho những người chài tôm, như ông. Hàng triệu con tôm sẽ được dòng sông Hunter River cuốn đi, hàng triệu con tôm sẽ đọng lại tại vịnh Fuller Cove trước khi dòng sông này đổ ra biển Tasman, rồi biển này đổ ra Thái Bình Dương. Vào một ngày như hôm nay, lẽ ra ông phải bận rộn lái chiếc tàu chài tôm theo dòng sông đang tràn nước, làm việc từ đêm khuya cho đến trước khi mặt trời quá chói chang. Và sau một ngày cực nhọc, bận rộn, ông sẽ trở về nhà, gác chân, nghỉ ngơi với nỗi vui của người nuôi sống chính mình và gia đình bằng bàn tay lao động chân chính.

Nhưng năm nay khác rồi. Chiếc tàu chài tôm trị giá một trăm ngàn đô la đang nằm ở bến. Bắt đầu từ tháng 9 năm vừa qua, chính quyền tiểu bang New South Wales cấm mọi hình thức đánh tôm, đánh cá tại vịnh Fuller Cove vì họ khám phá ra độc chất PFOS trong tôm và cá. Độc chất này hiện nay chưa đến tình trạng báo động cho những người tiêu thụ đồ biển mực trung bình, nhưng đối với những gia đình sống bằng nghề chài tôm, cá và tiêu thụ tôm cá nhiều hơn số trung bình, độc chất này lên đến con số đáng e ngại. Hai mươi bốn gia đình sống bằng nghề chài tôm và cá ngưng hoạt động lập tức và còn cùng nhau đồng ý không đánh tôm cá trên cả dòng sông Hunter River để gìn giữ danh tiếng tốt, đầy uy tín của sản phẩm đồ biển vùng Hunter River, niềm vui và hãnh diện của họ bao năm nay. Niềm mơ ước sẽ được hành nghề thêm một số năm nữa để dành dụm cho việc về hưu bây giờ phải tạm ngưng, và không biết đến bao giờ mới bắt đầu lại được.

Căn cứ quân sự không quân RAAF tại Williamtown, nằm về phía Bắc của Fullerton Cove, tuy chỉ cách nhau có ba cây số nhưng lại là nguồn của nan đề. Hơn 40 năm qua, căn cứ này đã dùng một chất bọt trắng chống cháy có độc chất PFOS và PFCs, là hai độc chất ảnh hưởng đến bướu cổ và hệ thống miễn nhiễm, có thể gây ung thư. Trong những lần tập luyện, họ đã xịt bọt trắng này và độc chất dĩ nhiên bám vào những vật chung quanh. Độc chất ngấm vào trong lòng đất, theo nước mà đọng lại tại hồ nhân tạo Lake Cochran, một chiếc hồ lớn gấp 30 lần hồ bơi của Thế Vận Hội Olympic. Không phải chỉ cơ quan không quân dùng bột chữa cháy mang độc chất nhưng các phi trường dân sự, các trạm chữa lửa tại khắp mọi nơi, thành phố lớn cũng như thôn quê đều dùng loại này.

Williamtown, thôn làng nhỏ bé với những nông trại nuôi bò và sản xuất sữa, những ngôi nhà bằng gỗ be bé, xinh xinh nằm trong một khuôn viên đất thật rộng, những cánh đồng cỏ xanh tươi, những hàng cây rợp bóng mát là môi trường thích hợp mang độc chất đi xa. Độc chất ngấm vào những vũng nước cạn, theo mùa mưa, nước tràn trề mang theo độc chất đi khắp mọi nơi, đến cả nguồn nước uống. Bộ Quốc Phòng và Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh của tiểu bang tranh đấu với nhau, đôi khi đồng ý, đôi khi phản đối nhau để xem ai chịu trách nhiệm và phương pháp giải quyết vấn đề. Bộ Quốc Phòng, dù tại quốc gia tự do hay cộng sản, thường là cơ quan bất khả xâm phạm, và tại nơi đây, ho ̣ chưa bao giờ lên tiếng nhận trách nhiệm.

Williamtown là nơi gia đình ông đã ở đến thế hệ thứ ba, từ đời cha, đến đời con, đến đời cháu. Ông yêu mến Úc Châu, xứ đất rộng người thưa, thanh bình, an lạc, phú cường nhưng trong tim và trong trí, quê hương là Williamtown nơi gia đình ông cùng chung sống trong một căn nhà gỗ, tuy đơn sơ nhưng nằm trên một mảnh đất khổng lồ. Quê hương là hồ nhân tạo Cochran, là vịnh Fullerton Cove, là dòng sông Hunter River trong lành, đầy yêu thương, đầy quyến rũ. Quê hương là xóm giềng hiền lành, thân thiện, sẵn sàng giúp nhau trong cơn khó khăn, hoạn nạn. Quê hương là những đêm khuya, cầm lái chiếc tàu chài tôm, sự sống của toàn gia đình, đón nhận làn gió lạnh của sông nước về đêm và để cảm nhận niềm hạnh phúc của người được sống trên mảnh đất ngọt ngào, khó nơi nào sánh được. Quê hương là những đêm trăng sáng, là những mùa đông gió lạnh thấu xương, là tiếng gió rít trên mặt nước trong đêm hè. Quê hương là những đêm đầy tôm trong lưới, nhưng quê hương cũng là những đêm thất bại. Trí ông không bao giờ nghĩ đến việc rời quê hương, thôn làng bé nhỏ, thanh bình này. Ông vẫn tin tưởng rằng suốt đời mình sẽ ở nơi đây, chôn thân nơi đây và con cháu sẽ tiếp nối sự nghiệp của ông bà, cha mẹ.

Cho đến khi căn cứ không quân phân phối nước suối trong chai cho những gia đình nằm trong vùng đất bị ảnh hưởng. Gia đình ông là một trong những gia đình nhận nước suối.

Một tháng, rồi hai tháng, rồi ba tháng… nửa năm trôi qua dài lê thê như nửa thế kỷ. Hàng ngày cứ ngồi nhà, không biết phải làm gì, chỉ đợi lệnh của chính quyền. Sau rất nhiều lần bàn bạc, thảo luận, ngày cũng như đêm, vợ chồng ông đi đến một quyết định. Năm nay ông chỉ mới 57 tuổi, những năm làm việc của ông còn rất dài và không biết đến bao giờ ông mới được phép hoạt động trở lại. Ông bà quyết định phải rời “quê hương”, rời Williamtown, nơi ông đã được sinh ra đời. Ngày hai vợ chồng lái xe lên phố lớn để nói chuyện với nhân viên địa ốc vẫn còn in trong trí ông như mới hôm qua.

Ông bà được mời vào một văn phòng khang trang, sáng sủa. Người tiếp chuyện với ông bà rất lịch sự và bặt thiệp:

-       Ông bà muốn bán nhà? Ông bà muốn dời đi nơi khác? Ông bà đã quyết định dời đi vùng nào chưa? Có cần chúng tôi tìm nhà cho ông bà ở nơi mới không?

-       Chưa! Chúng tôi còn phải xem bán nhà được bao nhiêu, rồi mới quyết định.

-       Xin cho biết địa chỉ của ông bà, miếng đất rộng bao nhiêu và nhà có mấy phòng?

Người chuyên môn mua bán nhà đổi ngay sắc mặt sau khi nghe địa chỉ. Trầm ngâm một lúc lâu trong khi ngón tay ông ta gõ trên bàn thật nhanh nhưng thật nhẹ, người ấy cố nói thật tự nhiên để giảm sự trầm trọng của ý nghĩa điều mình sắp nói:

-       Nhà của ông bà nằm trong vùng bị nhiễm độc, chắc ông bà đã biết rồi. Sẽ không ai muốn mua một căn nhà nằm trong vùng nhiễm độc cả. Nhà có giá hay không tùy theo có bao nhiêu người muốn mua. Vì sẽ không tìm được người muốn mua một căn nhà nằm trong vùng nhiễm độc nên trị giá nhà của ông bà là zero. Tôi rất tiếc phải nói là zero.

Trên đường về, hai vợ chồng đều im lặng.

Trận mưa tầm tã trong những ngày vừa qua khiến mềm đất. Từ xe bước vào nhà, dấu chân của ông in hằn trên đất mềm. Đất mềm như lòng ông mềm trước cơn sóng đời, dấu giày in trên đất như vết thương lòng không biết bao giờ sẽ được phai. Ông bỗng nghĩ đến những dấu chân của Chúa trên bờ biển Ga-li-lê, bài học cô giáo Trường Chúa Nhật dạy ông về Chúa Giê-xu, người khách lạ vùng đất Ga-li-lê, đã rời gia đình tại Ca-bê-na-um đến Ga-li-lê để bắt đầu chức vụ. Bốn môn đồ đầu tiên Ngài đã gọi, sau này trở thành bốn sứ đồ rường cột của Hội Thánh đầu tiên là bốn ngư phủ tại Ga-li-lê. Khi Người Khách Lạ Ga-li-lê trở thành nhân vật chính trong cuộc đời của ông, ông không bao giờ quên chi tiết về bốn sứ đồ này. Ông sung sướng được là một ngư phủ. Ngoài nghề thợ mộc là nghề nghiệp của Chúa, chắc chắn Ngài hiểu đời của các ngư phủ hơn ai hết, cuộc đời giãi nắng dầm sương, sống với bão tố, với hiểm nguy, làm việc thâu đêm suốt sáng để tìm miếng cơm manh áo cho bản thân và gia đình. Hai ngàn năm trước cũng như hai ngàn năm sau, dù thuyền bè sau này có máy móc và nhiều tối tân hơn, người rời bến để tiến ra sông, ra biển biết có trở về hay không. Những nguy hiểm không ngờ luôn chực chờ mỗi ngày.

Và nguy hiểm không phải là điểm duy nhất trong đời một ngư phủ. Không như nhiều nghề nghiệp khác, lợi tức mỗi ngày của ngư phủ không có gì chắc chắn, không có gì bảo đảm. Nhưng trong nghề cha truyền con nối đã ba đời, ông nhìn nhận bàn tay của Người Khách Ga-li-lê đã nắm tay ông trong mọi bước đường. Những lúc ông chài được hàng trăm ký tôm trong một ngày cũng như những lúc ra đi và trở về hầu như không có gì cả, sự hiện diện của Chúa trên sông biển, trong thuyền, trong gia đình và niềm vui đến từ sự nhận biết đó là niềm vui khó tả. Đúng vậy! Khi nào chài được nhiều tôm thì nụ cười tươi hơn, nói líu lo hơn, nhưng niềm vui sâu đậm trong tâm không tùy thuộc ngoại cảnh. Nhận biết Chúa là một nhận biết khôn ngoan nhất trên đời. Có Chúa là có điều quý nhất trên đời và đã gọi là NHẤT thì không gì có thể so sánh được. Ngài là nguồn sống của ông, là hiện tại, là tương lai bảo đảm, là ước mơ được trọn thành. Cảnh đời có thể đổi thay, lòng người có thể thay đổi, ngày có thể lúc nắng lúc mưa, đêm có thể an bình nhưng cũng có thể giông bão, tiền có thể lúc nhiều lúc không, nhưng Chúa của ông không bao giờ thay đổi. Niềm vui và hy vọng đặt nơi Ngài được bảo đảm chắc chắc như Ngài là Đấng đã phán rằng mọi vật đổi thay NHƯNG TA KHÔNG HỀ THAY ĐỔI.

Ngày mai là Chúa Nhật. Ông trân trọng xem lại bộ quần áo được dành sẵn cho việc đi nhà thờ. Mỗi ngày thánh của Chúa, ông hân hoan trong y phục chỉnh tề, bước vào nơi thờ phượng Chúa với lòng vui mừng, ngợi khen của người biết mình đã được tha thứ tội, là tặng phẩm vô giá lớn nhất trên đời. Việc ô nhiễm do lỗi lầm của con người không biết đến bao giờ mới được giải quyết, và không biết bao giờ ông mới được trở lại với chiếc thuyền chài. Ông có muốn dời gia đình đi nơi khác cũng không được. Nan đề ngoài tầm tay của ông. Nhưng việc ngày mai sẽ giải quyết theo việc ngày mai. Chúa sẽ giải quyết việc của ngày mai. Nhưng cho dù cây vả không trổ hoa, cho dù vườn nho không ra trái, cho dù Hunter River sẽ không mang lại lợi tức cho gia đình, cho dù việc ngày mai không giải quyết như ý, Chúa vẫn là Người Yêu Dấu của ông, và ông vẫn là Người Con Yêu của Chúa. Mối tình giữa Chúa và ông vẫn là mối tình bất diệt, không tùy thuộc ngoại cảnh. Ngày mai là Chúa Nhật, ông sẽ đến nhà thờ như bao nhiêu Chúa Nhật khác.

 

Đoàn Thu Cúc