“BÍCH CÂU KỲ NGỘ” !

 

 

 

Cũng như các phòng khám bệnh của các bác sĩ chuyên khoa khác, phòng khám bệnh chuyên khoa này nhỏ, đơn gỉản, sáng sủa, khang trang. Trong phòng đợi có một chiếc bàn và một quầy cạnh bàn với một cô thư ký người Úc thật nhanh nhẹn, lịch sự.  Phòng không có nhiều ghế, không như những chẩn y viện của các bệnh viện với thật nhiều ghế, nơi đây chỉ có chừng mươi cái ghế. Vì đã có một số bệnh nhân đến trước đang ngồi chờ, nên người thông ngôn và bệnh nhân người Việt không những phải ngồi gần mà còn lại phải ngồi đối diện nhau.

Bệnh nhân hôm nay là một người đàn ông không dám chắc bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chắn phải trên 40, gầy người, trắng trẻo, ăn vận chỉnh tề nhưng đơn giản. Anh khoanh tay, nhìn người thông ngôn chăm chăm. Để tránh ngượng, người thông ngôn cầm ngay một tờ tuần san và bắt đầu cắm cúi đọc. Trong bầu không khí yên lặng của phòng chuyên khoa thận, hai người ngồi đối nhau, một người nhìn, một người đọc báo. Khó ai đoán được thời gian chờ là bao lâu, có khi rất ngắn, có khi dài.

Và trong bầu không khí yên lặng chờ đợi đó, bệnh nhân bỗng nói:

-       Tôi xin được có vài ý kiến về cô.

Đến giai đọan này của tuổi đời, người thông ngôn biết mình đã tạo không biết bao nhiêu lỗi lầm, từ những ngày không tính ra được. Những lỗi lầm từ trong gia đình, từ nơi nhà thờ, nơi chỗ làm, nơi công cộng… Điều khổ là biết nhưng vẫn tiếp tục tạo lỗi lầm. Trong rất nhiều trường hợp, biết không, không đủ. Ta phải cần một điều gì bên trên cái biết để có thể ngưng lỗi lầm. Trong ngày hôm ấy, điều người thông ngôn cần bên trên cái biết vẫn chưa đến. Nên người thông ngôn đã mở miệng trả lời:

-       Dạ, xin ông cứ nói.

Vừa trả lời xong, người thông ngôn biết mình vừa tạo một lỗi lầm, nhưng đã quá muộn. Một lời đã nói, “tứ mã nan truy”. Thôi bây giờ phải ngồi đây, can đảm lên mà nhận những ý kiến của người, hoàn toàn không biết những ý kiến này là gì, xấu hay tốt. Bệnh nhân nắm ngay cơ hội, không chờ đến một phút:

-       Nếu nói là đẹp thì cô không bằng ai cả, nhưng nếu nói là xấu thì cô không có một  điểm gì chê được.

Tiếng cô thư ký người Úc cất lên, mời bệnh nhân vào gặp bác sĩ.

Qua cuộc đối thoại với bác sĩ, người thông ngôn được biết thêm ngoài nan đề về thận, bệnh nhân còn có một số nan đề khác, như bệnh tiểu đường, áp huyết… những bệnh ta thường thấy nơi người cao tuổi. Sau khi xong, bệnh nhân trả lệ phí và ra về. Giờ từ giã diễn ra trong im lặng cũng như lúc gặp gỡ.

Mỗi ngày, người thông ngôn trở về nhà bằng xe lửa, những chuyến xe  đ̣ầy cứng người trên những chặng đường quen thuộc. Dù đã tự dặn lòng chớ đem những việc thấy được ở bệnh viện về nhà, nỗi khó nhọc tại nhà và tại nhà thờ tưởng cũng đã quá đủ, nhưng rồi cũng không tránh được lỗi lầm này. Người thông ngôn nhớ lời nhận xét hôm nay và biết rằng mình chưa hiểu ý thì đã muộn. Hai chúng ta biết bao giờ sẽ gặp lại. Dù Pauline Hanson đã đưa ra một trường hợp gương mẫu, khi không hiểu điều gì thì nói “Please explain”, nhưng người xưa không gặp lại thì làm sao nhờ giải thích.

Mỗi cuộc gặp gỡ trong đời đều để lại một xúc cảm, hoặc nhẹ nhàng, bình an, vui tươi, thư thái, khoan khoái, sung sướng, vinh hạnh, thán phục, hoặc khó chịu, bực tức, hoang mang… Rất ít cuộc gặp gỡ nào chẳng để lại xúc cảm nào cả. Và càng ít hơn nữa là những cuộc gặp gỡ để lại những xúc cảm không hiểu nổi, không biết ta nên vui hay buồn, và vui hay buồn vì lý do gì.

Một trong những điều người thông ngôn ít bận tâm đến là diện mạo của mình, mặc dù  cũng như hàng triệu người trên thế giới, người thông ngôn thích nhìn  mỹ nhân,  từ những mỹ nhân gặp trên đường phố, mỹ nhân nơi bãi biển, đến những mỹ nhân trên màn ảnh, nhan sắc của những người làm tươi đẹp bầu không khí, làm tươi đẹp lòng người. Ngày đang buồn, gặp một mỹ nhân, thấy tỉnh hẳn người, nhưng nếu gặp Chung vô Diệm, ngày sẽ trở nên dài lê thê, đáng chán. Nhưng lần gặp gỡ nơi phòng khám thận hôm ấy đưa người thông ngôn đến một tình trạng mới.

Hôm nay, nhìn vào gương, nhìn vào gương mặt của người mình đang chải tóc, thông ngôn không biết phải nghĩ sao. “Mĩa chiều nét ngọc làn hoa, cá chìm mặt nước nhạn sa lưng trời” hay “Chung vô Diệm”?  A pin-up girl or a pin-down girl ? Mỹ nhân hay giả nhân ? A pretty little thing or an awful, ugly thing? “Không bằng ai cả” và “không một điểm nào chê được” điều nào là đúng? Làm sao gặp lại người xưa để nhờ giải thích. Bệnh nhân đã mang đi một bí mật mà thông ngôn muốn biết.

Lần gặp gỡ thứ hai xảy ra tại một phòng khám thai rất lớn với rất nhiều bệnh nhân ngồi đợi cùng chung với thân nhân. Người đặc biệt hôm nay không phải là bệnh nhân nhưng là chồng của người đang chờ khám thai. Tuy ngồi không gần lắm nhưng anh có vẻ chú ý nghe người thông ngôn nói chuyện với vợ anh, vì người thông ngôn thích nói chuyện với các nữ bệnh nhân. Anh cũng gầy nhỏ người, không cao không thấp, nhưng mang vẻ của người từng trải, có kinh nghiệm đời. Anh yên lặng lắng nghe một lúc rất lâu, và không như người trước, anh chẳng buồn xin phép, đặt ngay câu hỏi:

-       Cô là người Bắc 54 di cư từ Bắc vô Nam phải không?

Người thông ngôn trả lời ngay trong ngạc nhiên:

-       Dạ thưa không phải.

Anh hứ lên một tiếng rồi nói:

-       Cô còn chối nữa hả?

-       Dạ thưa tôi không có chối.

Sau tiếng hứ thứ nhì để bày tỏ nỗi bất mãn, anh cho biết vì sao anh đi đến nhận xét này:

-       Nghe giọng nói thì biết ngay là một người miền Bắc nhưng cố giả giọng nói của người miền Nam.

-       Dạ thưa tôi không có giả.

Anh nói trong nét nghiêm nghị, như lời phán quyết của thẩm phán trong một phiên tòa:

-       Có những người suốt đời chỉ chối quanh, không nhìn nhận sự thật.

Bao nhiêu năm trong nghề, người thông ngôn dám tuyên bố rằng mình không bao giờ giỡn với nam bệnh nhân, dù một câu nói đùa thật nhẹ cũng không. Nhưng buổi chiều hôm ấy là một buổi chiều đặc biệt, vượt cả thời gian và không gian, vượt qua biên giới người thông ngôn đã tự đặt cho mình, và người thông ngôn đã làm một chuyện mình chưa bao giờ làm. Vì không biết tên nhau nên thông ngôn phải nói:

-       Anh ấy ơi! Nếu như anh ngồi ở chợ gieo quẻ xem bói, mà anh gieo quẻ cái kiểu này thì từ sáng tới chiều lấy gì nuôi vợ nuôi con?

Sau câu nói này, thật sự người thông ngôn không dám nhìn người chồng của bệnh nhân mình, người thông ngôn không dám đối diện với sự thật, không biết anh phản ứng thế nào, thôi thà không biết thì hơn. May mắn làm sao, bác sĩ gọi tên của vợ anh để vào khám. Thế là hai người không có dịp gặp nhau nữa. Cuộc gặp gỡ “bên cầu” phải gián đoạn và đôi bên đều không thỏa lòng, mang những uất ức chưa được giải tỏa. Nhưng đường đời muôn lối rẽ, anh đã rẽ ngõ nào và biết đến bao giờ mới được gặp lại nhau.

Sao lạ thế! Một lần nữa, như giấc chiêm bao, người thông ngôn gặp một người đàn ông cũng  đi với vợ mình lúc khám thai, cũng là một người gầy gầy, be bé, xinh xinh, cũng nghiêm nghị và cũng đưa ra những nhận xét kinh hoàng. Đang khi chờ lấy cái hẹn trở lại tái khám thai, đang lúc ba người đứng thật gần nhau, người chồng bỗng nói:

-       Cô có cháu nội rồi phải không?

Người thông ngôn quá đỗi ngậm ngùi:

-       Dạ thưa không có.

Anh tỏ vẻ ngạc nhiên:

-       Vậy con của cô lập gia đình trễ lắm à?

Người thông ngôn quá đỗi ngậm ngùi:

-       17 tuổi mà lập gia đình cái nỗi gì.

Anh xác định ngay nan đề của thông ngôn:

-       Vậy thì cô là người lập gia đình rất trễ.

-       24 tuổi lập gia đình mà trễ cái nỗi gì.

Sau khi hai vợ chồng nhận xong cái hẹn và ra về, người thông ngôn vẫn còn ôm “nỗi buồn gác trọ”, dù lòng đã dặn lòng chớ mang chuyện của bệnh viện về nhà, mà sao cứ dại hoài. Bây giờ, những lúc nhìn mình trong gương, không những không biết phải nghĩ thế nào về sắc diện mà còn mang thêm một thắc mắc khác. How old do you think I am? How old do I look to you? Do I look like a grand mother to you? Nếu chỉ mới 45 tuổi mà đã bị nhận xét như vậy, người thông ngôn bùi ngùi nghĩ đến khi mình thực sự bước vào tuổi hạc, không biết diện mạo sẽ ra sao và người khác sẽ có cảm nghĩ gì. Nhưng thôi, không nghĩ đến chuyện ngày mai vì chuyện ấy quá tầm tay.

Hai mươi hai năm đã trôi qua thật nhanh, nhưng kỷ niệm vẫn thỉnh thoảng trở về và xúc cảm vẫn như xưa: “Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương.”

Tháng 9 năm 2017, mùa đông đang dần qua và xuân đang trở về trên đất Úc. Cây cỏ đang trổ màu xanh biếc đẹp tuyệt vời và ngàn hoa thắm tươi đang khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời. Hoa như đang cười cợt, trêu ghẹo ai đang không biết vị trí của mình trong vườn hoa nhan sắc.

Nên chiều nay thấy hoa cười, chợt nhớ ba người.

 

Đoàn Thu Cúc