BÀN TAY      

 

 

 

 

 

 

 

Khi mái tóc thề vừa xỏa ngang lưng, khi mẹ vừa tròn hai mươi mốt tuổi, mẹ lên xe hoa về nhà chồng. Tuổi thanh xuân đẹp tuyệt vời lại được điểm trang bằng một mối tình trong trắng, ngây thơ với một sĩ quan của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa, cuộc hôn nhân của mẹ là điều mơ ước của bao nhiêu thiếu nữ trong làng.  Trong ngày cưới, trong khi nhiều cô dâu thích chải tóc cao để cài hoa cưới, tóc mẹ vẫn để xỏa ngang lưng vì ba con thích mái tóc dài tự nhiên của mẹ. Trong ngày cưới, ba mẹ không nắm tay nhau, và sau ngày cưới cũng lại chẳng nắm tay nhau vì ngàn nỗi thẹn thùng. Những đêm xuân dài vô tận trong hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới là kỷ niệm muôn đời, làm tươi đẹp thêm cho một cuộc đời đã tươi đẹp.

 

Ba con rất ít khi được phép về thăm gia đình vì cuộc chiến giữa miền Nam và miền Bắc càng lúc càng khốc liệt. Chiếc lượt đồi mồi ba tặng mẹ trong những ngày quen nhau được mẹ cài trên tóc để nhớ ba trong lúc vắng nhà. Rồi mẹ sinh con trai đầu lòng và hơn một năm sau, một con trai nữa ra đời. Hạnh phúc của ba mẹ như những nhánh sông dài dường như không dứt của non sông nước Việt đẹp muôn màu. 

 

Không ai biết được ngày mai, mẹ hiểu rõ điều đó và dù biết rằng “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, mẹ vẫn nghĩ rằng những điều này chỉ áp dụng cho người khác.

 

Giòng sông dài hạnh phúc của mẹ bị cắt đứt ngang khi tin ba con tử trận trong cuộc chiến Hạ Lào năm 1972-1973 bay về, lúc ấy hai con, đứa thì hai tuổi còn đứa chỉ vừa bốn tháng. Mẹ bế hai con đến bệnh viện nhận xác ba và may lắm xác ba còn nguyên vẹn, vì có những quân nhân không còn xác để mang về. Con đưa những ngón tay nho nhỏ sờ trên mặt ba và nói với mẹ rằng “Ba ngủ.” Chiếc lượt đồi mồi của ba tặng mẹ, hôm ấy mẹ cài trên tóc trong lần gặp ba lần cuối, đã trở thành kỷ vật. Người anh hùng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa được gọi là cố Đại Úy.

 

Dù sự mất mác của ba mẹ con chúng ta rất lớn nhưng mẹ phải nhận rằng Chính Quyền Cộng Hòa cung cấp để đền bù cho sự mất mác này rất nhiều. Mẹ được trao cho 180.000 đồng, tiền Cộng Hòa lúc bấy giờ, trị giá hơn mười lượng vàng, một số tiền khổng lồ đến độ mẹ không ngờ. Ngoài ra, mẹ còn nhận được một số tiền hàng tháng gọi là tiền trợ cấp cho cô nhi, quả phụ, mẹ  gởi vào chương trình tiết kiệm của Ngân Khố Quốc Gia, chờ đến khi các con 18 tuổi sẽ lấy ra để các con lập nghiệp. Mẹ chỉ trích ra một phần rất nhỏ trong số tiền tử của ba để may một chiếc áo dài màu xanh nước biển, màu ba con ưa thích. Chiếc áo dài xanh này thành kỷ vật thứ hai. Sau khi đã chôn cất ba xong rồi, mẹ kính cẩn trao cho ông bà nội mười lượng vàng và xin phép cha mẹ chồng được bế hai con về quê ngoại. Cuộc chia tay diễn ra trong nước mắt. Ngày mẹ rời ông bà ngoại để đi lấy chồng cũng diễn ra trong nước mắt, bây giờ ngày trở về quê ngoại cũng diễn ra trong nước mắt. Bài học quan trọng nhất của cuộc đời đến với mẹ năm vừa tròn 24 tuổi khi mẹ hiểu rõ rằng ngày mai không nằm trong  bàn tay của mẹ.

 

Từ 1973 đến 1975, ba mẹ con chúng ta sống trong bình an, êm ấm gần bên gia đình ngoại. Bạn bè xa gần thấy cảnh mẹ góa con côi đã hùn hạp tiền giúp mẹ, họ chơi một phần hụi rất lớn và mua một lô đất gần nhà ngoại cho ba mẹ con chúng ta. Mẹ con chúng ta sống trong một căn nhà đơn sơ, nhỏ bé trong lô đất ấy, gần bên ông bà ngoại. Sự mất mác lớn nhất trong cuộc đời mẹ trong hai năm ấy là ba con, người tình muôn thuở, người chồng, người cha, hình ảnh không ai thay thế được. Ba mẹ con chúng ta vẫn có cơm ăn, áo mặc và tình thương tràn trề của gia đình. Những tưởng đời sẽ tiếp tục như những nhánh sông dài, mang mẹ con chúng ta đi vào tương lai bên cạnh nhau nơi quê ngoại. Nhưng không! Vào năm mẹ 26 tuổi và hai con, đứa thì 4 tuổi, đứa thì hơn 2 tuổi, biến cố quan trọng thứ nhì trong cuộc đời chúng ta xảy ra.

 

Cho đến bây giờ mẹ vẫn không biết trong hàng triệu người tại Việt Nam, bao nhiêu người biết cuộc chiến Việt Nam sắp chấm dứt. Mẹ chỉ biết rằng khoảng tháng 3 năm 75, Cộng Sản tấn công miền Trung thật dữ dội. Cảnh máu đổ thịt rơi làm sao diễn tả được. Người ta phải chạy tỵ nạn đến những tỉnh chưa bị tấn công, biển người tràn ngập, thành phố hỗn loạn, dân chúng bất an.  Vào những ngày cuối của tháng 4.1975 những cảnh hỗn loạn xảy ra mẹ chưa từng chứng kiến trong đời, những quân nhân miền Nam chạy toán loạn, có những người cởi bỏ quân phục trước khi tìm về với gia đình. Mẹ có nghe nói có những người tổ chức ra đi nhưng không rõ họ đi đâu, đa số chỉ chạy về những tỉnh còn bình an, hoặc họ chạy về Sài Gòn, hoặc trở về quê nội hay quê ngoại. Nếu ba còn sống, là một quân nhân, chắc ba sẽ hiểu tình hình, nhưng mẹ không đoán được những ngày cuối của Việt Nam đang đến. Hai năm vừa qua, mẹ chỉ biết nuôi con và phụ giúp ông bà ngoại trong việc gia đình. Dù vậy,  đến cuối tháng 4.1975 trong khi hàng ngàn người chạy loạn, rời khỏi thủ đô của miền nam, mẹ nhớ đến số tiền xương máu của ba mẹ dành dụm cho hai con chờ đến tuổi lớn khôn, mẹ mướn người đưa vào Sài Gòn, mong lấy kịp số tiền này trước khi quá trễ. Chuyến đi đầy gian nan, trắc trở, hao tốn thật nhiều. Nhưng khi đến được Ngân Khố Quốc Gia, ngân hàng đã ngưng hoạt động, không phân phát tiền cho bất cứ chủ trương mục nào với lý do đơn giản là Thống Đốc Ngân Khố Quốc Gia đã rời Việt Nam, ngân hàng phải ngưng hoạt động. Mẹ trở về với hai bàn tay trắng. Số tiền tử của ba, mẹ dành dụm cho tương lai của hai con đã tan trong mây khói cùng một lúc với giấc mơ được sống trong thanh bình của người dân miền nam nước Việt.

 

Và miền Nam nước Việt bị đổi chế độ, từ Cộng Hòa sang Cộng Sản. Tân chính quyền bắt đầu chương trình lập tờ khai lý lịch. Vì số tiền tử hàng tháng của ba chấm dứt trước tháng 4.75, mẹ phải bước ra tìm phương kế sinh nhai.  Nhà ngọai cách đó 12 cây số nên mỗi ba, bốn ngày, mẹ gánh hai con về thăm ngoại. Cộng Sản vào thì tiền ra cửa, gia đình chúng ta không còn gì, xe đạp là một xa xỉ phẩm chỉ nhà giàu mới có, dép, guốc... biến mất tự lúc nào, ba mẹ con chúng ta đi chân đất. May sao mẹ còn một cặp thúng và nó trở thành phương tiện chuyên chở của chúng ta. Để hai con ngồi vào hai chiếc thúng, mẹ bảo các con nắm chặt dây thúng cho khỏi té. Mẹ may cho hai con hai chiếc gối nhỏ để vào thúng cho hai con ngủ vì mẹ ra đi từ 5 giờ sáng, lúc hai con còn ngủ. Nhớ có những lúc đi đến giữa trưa, trời nắng, ba mẹ con khát nước, phải dừng chân tại một nhà xa lạ để xin nước uống.  Một lần kia, một bà già cho nước, bước ra nhìn hai con trong thúng và nói với hai con rằng: “Bây giờ mẹ gánh bây, lớn lên bây phải gánh mẹ, nghe chưa?” Cuộc sống lúc bấy giờ rất vất vả, nhưng chưa đến chỗ chết.

 

Cho đến lúc nhà cầm quyền Cộng Sản đuổi ba mẹ con chúng ta ra khỏi lô đất ấy. Hồ sơ lý lịch đã xong, vì ba là cựu sĩ quan Cộng Hòa, gia đình chúng ta bị xem là “ngụy” nên bị đuổi đi kinh tế mới. Họ tịch thu lô đất của chúng ta và biến thành trường mẫu giáo. Thay vì đi kinh tế mới vào rừng Gia Lai như họ chỉ định, mẹ gánh hai con trốn về quê ngoại. Họ không tha, theo tìm ba mẹ con mình, đến làm khó dễ ông bà ngoại, cả gia đình phải sống trong lo sợ, kinh hoàng. Và con ơi! Làm sao mẹ có thể trốn mãi được, một mẹ hai con trong căn nhà nhỏ bé, trống trước, trống sau của ông bà ngoại. Nên sau cùng, mẹ đành phải đi kinh tế mới. Ngày mẹ từ giã ông bà ngoại ra đi, bà ngoại khóc thảm thiết, vì ai có thể đo được chiều sâu nỗi sầu khổ của người mẹ không bảo vệ được con, cháu mình trước bàn tay của kẻ ác.

 

Khi mẹ con chúng ta đến đường cùng, mẹ bắt đầu thấy Chúa một cách khác hơn. Ngày mẹ có của ăn, của để, mẹ có nhớ đến Chúa, nhưng ít thôi. Chúa trong cuộc đời mẹ lúc bấy giờ chỉ là Đấng để ban phước tinh thần, cho mẹ tuy có cơm ăn nhưng ăn được ngon, tuy có giấc ngủ nhưng được ngủ ngon, tuy có con nhưng xin Chúa ban cho hai con lành lặn, không tật nguyền, được khỏe mạnh, là được rồi.  Chúa có mặt trong đời mẹ để cho bức tranh hạnh phúc, bình an được hoàn toàn. Người đứng lập danh sách người đi kinh tế mới tại rừng Gia Lai là một người quen cũ, đã khíck lệ mẹ cứ ra đi, người ấy sẽ tìm cách giúp cho đỡ phần cơ cực. Và khi ba mẹ con chúng ta ra đến rừng Gia Lai, mẹ gặp lại một người học trò cũ của ông ngoại, người ấy cho mẹ con ta tạm trú với anh để ba mẹ con không phải ở trong rừng. Mẹ bắt đầu nhận ra được bàn tay của Chúa.

 

Mỗi ngày, vào lúc 3 giờ sáng, mẹ gánh đôi thúng ra đi sau khi đã nhét một ít tiền vào lưng quần của đứa lớn, chỉ mới 5 tuổi và căn dặn rằng “Mua xôi hai anh em ăn, chờ mẹ về. Nhớ coi chừng em.” Mỗi ngày, mẹ gánh đôi thúng ấy trên chân mình từ 3 giờ sáng đến 3 giờ chiều, trước nhất đến những nơi bán đường thẻ, đường vàng, đường cục và những nơi bán bột, mua cho đầy đôi thúng, rồi gánh vào những nơi xa xôi, hẻo lánh, rất xa chợ, người sống nơi ấy không đi chợ thường xuyên được, mẹ bán số đường và bột này để kiếm lời. Trên đường về, số tiền lời được mẹ dùng để mua khoai mì cho mẹ và gạo đủ nấu hai chén cơm cho hai con. Sau 3 giờ chiều mẹ về, thấy hai con đang đứng ngóng mẹ trước cửa, nhẩy tưng lên khi thấy mẹ. Buổi tối, bên chiếc nồi cơm thật bé chỉ đủ cho hai chén cơm và vài củ khoai mì cho mẹ, gia đình chúng ta quây quần bên nhau trong buổi cơm chiều đạm bạc, trong một niềm hạnh phúc thật đơn sơ nhưng đầy đủ ý nghĩa, vì ba mẹ con chúng ta vẫn sống còn và vẫn bên nhau.

 

Đêm nay, cũng ba giờ sáng như mọi đêm, tại vùng quê không có đèn đường, mẹ gánh đôi thúng đi trong bóng tối. Mẹ bỗng nhớ câu chuyện các nhà thông thái thuở xưa nhờ ánh sao lạ đưa đường nên đã tìm được Hài Nhi Jesus, là Chân Chúa. Ánh Sao lạ ấy chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử nhân loại. Nhưng bây giờ, nhờ ánh trăng và ánh sao thông thường hằng đêm soi đường, mẹ không bị lạc lối. Trước khi rời nhà, mẹ nhìn hai con đang say ngủ. Hai con giống cha như đúc, nhìn hai con, mẹ nhớ đến người yêu thuở ban đầu và thấy ấm lòng. Ba đã đi rồi và đã để lại món quà vô giá. Trong đêm tối, ánh trăng và ánh sao là bạn của mẹ. Thỉnh thoảng mẹ ngẩng lên nhìn trời. Dù không có trình độ văn hóa cao như ba con, mẹ cũng biết rằng trăng, sao cách xa quả địa cầu của chúng ta nhiều lắm, mẹ con ta có đi máy bay cũng không biết bao giờ mới đến được. Nhưng Chúa treo các vì sáng ấy trên bầu trời của Ngài chắc hẳn phải có một mục đích. Những mục đích cao quý nào đó của Ngài, mẹ không hiểu thấu, nhưng những đêm gánh thúng đi tìm miếng cơm manh áo, mẹ biết nhờ các vì sáng này, mẹ được soi đường. Bàn tay mẹ chăm sóc hai con, bàn tay mẹ nâng niu hai con nằm bên cạnh mẹ trong giấc ngủ hàng đêm, dù hai con còn quá nhỏ để hiểu, nhưng ngày nào mẹ còn đôi tay này, mẹ còn chăm sóc các con. Đêm nay, mẹ thấy được điều mẹ không biết phải đặt tên là gì, linh tính của một người đàn bà? Cảm xúc của một người mẹ? Hay tiếng kêu cầu đau thương của người đang ở cuối đường và biết rằng Cha Nhân Từ Tối Cao đã lắng nghe? Mẹ thấy được bàn tay của Đấng Cầm Quyền trên cả càn khôn, vũ trụ, bàn tay Ngài sắp đặt thứ tự, luật lệ cho muôn loài, cũng là bàn tay chăm sóc ba mẹ con chúng ta. Hai con ơi, mẹ con chúng ta sẽ sống, vì ngày mai của chúng ta nằm trong bàn tay của Đấng ấy.

 

 

Đoàn Thu Cúc