LỐI VỀ                                  

 

 

 

 

 

Bên kia đường là một ngôi nhà thờ nhỏ. Trên hai mươi năm sống tại Sydney, thành phố này trở nên thật quen thuộc, là quê hương thứ hai của em. Sydney lộng lẫy, huy hoàng với Opera House và cây cầu Harbour lừng danh thế giới, với những công viên hữu tình, đầy bóng mát, những xa lộ thênh thang, dài như không dứt, những bãi biển quyến rũ với làn nước xanh thu hút du khách ngoại quốc rất nhiều. Sydney của em có nhà thờ khắp mọi nơi, lớn cũng như nhỏ, nguy nga, đồ sộ cũng như bé nhỏ, đơn sơ; nhưng có điểm độc đáo em chỉ chú ý trong vài năm nay thôi, là có vài nhà thờ nhỏ nằm đối diện với những quán cà phê nhỏ.

Từ quán cà phê này, nhìn sang bên đường, ngôi nhà thờ ấy đúng là nhỏ, chiều ngang nhỏ, chiều cao nhỏ và sân trước cũng nhỏ. Em nghe có tiếng hát vọng ra từ bên trong nhà thờ, có lẽ họ đang hát cho một buổi thờ phượng nào đó, lại có vài người vội vã, hối hả bước nhanh qua sân để tiến vào bên trong. Nhìn dáng người to lớn với làn da sậm của họ, em chỉ đoán họ là người Samoa hoặc người Maori. Không phải dáng người của họ gây sự chú ý cho em nhưng là căn nhà thờ nho nhỏ của họ. Em nhìn sửng vào ngôi nhà thờ này như bị nam châm hút, thèm được bước vào một cách tự nhiên như vài người đi trễ, nhưng rồi biết rằng mình không vào được vì bất đồng ngôn ngữ, và cũng vì một lý do khác.

Đã hơn năm năm rồi, em không bước chân vào nhà thờ nào cả. Bức màn ngăn cách tuy vô hình nhưng dầy đặc, em không thể vượt qua. Có người đã nói rằng sau một biến cố đầy đổ vỡ, nếu không ai nhận lỗi, ta nên đổ lỗi cho thời tiết. Càng suy nghĩ về biến cố này, em lại càng biết mình không đổ lỗi cho thời tiết được, dù biến cố bắt đầu vào một ngày xuân tươi đẹp.

Vợ chồng em vừa mua một căn nhà rất to, rất rộng, với nhiều phòng. Sân trước nhà đã to, sân sau nhà càng to hơn nữa. Căn nhà quá rộng cho một gia đình chỉ hai vợ chồng với một con nên chúng em cho người thuê một phòng trống để có thêm tiền trả nợ ngân hàng. Những năm ấy kỹ nghệ may quần áo tại nhà không khai thuế rất thịnh, một số đông phụ nữ người Việt không đi làm, nhờ kỹ nghệ này kiếm thêm lợi tức cho gia đình. Việc làm dễ, chỉ cần đổ thì giờ vào thôi. Một ngày ngồi may 12 đến 15 giờ đồng hồ là chuyện thường. Nhờ căn phòng cho thuê và nghề may không khai thuế, vợ chồng em tăng thêm lợi tức cho gia đình. Chồng đi làm, con đi học, người thanh niên ở trọ cũng đi làm, những giờ ngồi may trở thành những giờ dài lê thê, nhàm chán, cô đơn, buồn bực, tù túng, mệt mỏi, không vui hay chỉ vui vào ngày nhận tiền công mà thôi.

Cho đến ngày đầu xuân năm đó, khi người ấy bước vào nhà em để tìm người bạn đang ở trọ với chúng em. Thoạt đầu em không chú ý, chỉ ngạc nhiên về mùi cologne ngọt ngào người ấy dùng và giọng nói cũng ngọt ngào như mùi hương trên cơ thể. Nhưng dần dần, sau khi người ấy đến nhiều lần, em cảm thấy nhớ mùi cologne vào những ngày người ấy không đến. Lần đầu tiên người ấy gọi điện thoại để xin nói chuyện với người bạn vào giờ người bạn đi làm, hai chúng em được cơ hội nói chuyện thật lâu trên điện thoại. Và những lần nói chuyện lâu trên điện thoại càng lúc càng thường xuyên hơn, kéo dài cho đến thật khuya, cho đến khi chồng em phải chú ý.

Dù miền Nam yêu dấu của em chỉ có hai mùa mưa nắng, Sydney có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân trong gia đình em qua đã lâu rồi và biến cố ấy đã đưa gia đình em vào một mùa đông thăm thẳm. Mối tình lãng mạn giữa em và người ấy không dừng ở những lần điện thoại đêm khuya, hai chúng em đã hẹn hò và đưa dẫn nhau đến một bến bờ khác, nơi có trăng sao, sông nước diễm tình, nơi dục vọng cai trị được lý trí của con người. Cùng một biến cố nhưng hầu như phản ứng của người đàn ông và đàn bà rất khác nhau. Bao năm trong đời, em đã từng hoặc chứng kiến hoặc nghe nói về phản ứng của người đàn bà trong cơn ghen, những phản ứng mà từ thôn quê cho đến thị thành đều biết. Nhưng phản ứng của người đàn ông khác và có những phản ứng khó lường. Chồng em là người hiền lành, ít nói nên em tin rằng chuyện máu đổ thịt rơi sẽ không xảy ra, nhưng anh ấy sẽ phản ứng thế nào thì em không dám tiên đoán. Cho đến một đêm khuya, chồng em mời người ấy đối diện với vợ chồng em. Vì cả ba người chúng em cùng đi chung một nhà thờ nên buổi nói chuyện tay ba diễn ra dù trong bầu không khí khó thở nhưng không có mùi máu. Sự bình tĩnh và ôn hòa của chồng em khiến em thêm can đảm để trả lời thành thật, nhưng câu trả lời thành thật em phải trả giá đắt. Trong suốt buổi đối thoại, nhà em luôn luôn là người chủ động. Nhà em muốn biết giữa hai người đàn ông này, em yêu ai và chọn ai. Câu trả lời là em yêu hết cả hai và chọn cả hai. Nhà em trả lời rằng không có việc đó vì trong ngày cưới, em đã hứa yêu ai và sống với ai cho đến chết? Quay sang người ấy, chồng em hỏi người ấy có nhận chung sống với em trọn đời không và nhận cả con chúng em là con người ấy, nuôi nấng, dạy dỗ cháu cho đến lớn khôn? Sau đôi phút tần ngần, người ấy nhận chung sống với em trọn đời nhưng không nhận con em.

Có mấy cuộc chia tay trên đời không gây vương vấn, không chút ngậm ngùi, không để lại trong lòng người một mất mác nào. Cuộc chia tay của vợ chồng em diễn ra trong ôn hòa, một phần rất lớn nhờ tâm tính của chồng em, một Cơ Đốc Nhân trưởng thành, hiền lành và ít nói. Ngàn nỗi đau thương nào anh có trong tâm, anh đã ôm ấp trong im lặng, trong chịu đựng âm thầm. Còn em! Mọi cánh cửa trong em đã đóng lại, cánh cửa lương tâm, cánh cửa của tình người, ít nhất là của tình gia đình, cánh cửa của một người mẹ biết đặt con mình bên trên dục vọng cá nhân, cánh cửa của sự hiểu biết Chúa và ý muốn của Ngài trên mỗi cuộc đời con dân Chúa, cánh cửa biết phải biết quấy, cánh cửa biết xấu hổ khi phạm tội, cánh cửa biết dừng đúng lúc, cánh cửa biết ăn năn… Chỉ còn cánh cửa của dục vọng, của ái tình lãng mạng, của con người thiếu lý trí, của con người chối từ tiếng kêu gọi của Chúa, cánh cửa của con người chỉ biết mình và sống cho mình, cánh cửa ấy đang mở toang và em bước vào bên trong cửa với lòng hân hoan, sung sướng.

Sau khi đã bán nhà, chồng em cùng con dời sang một tiểu bang khác. Còn người ấy và em chung sống trong một apartment nhỏ, cùng ngụp lặn trong hạnh phúc của lúc ban đầu. Rồi những lấn cấn bắt đầu xuất hiện mà em phải đối diện hàng ngày. Chúng em phải chấm dứt việc đi nhà thờ, không những không dám trở lại nhà thờ cũ mà cũng chẳng dám đến một nhà thờ Việt Nam nào cả. Vào nhà thờ của người Úc thì Anh ngữ chưa đủ. Thế là mỗi Chúa Nhật phải ngồi nhà. Đã thế, những nơi chợ búa, những nơi có đông người Việt, chúng em phải tránh, vì chắc chắn phải gặp người quen. Ngày còn vụng trộm thì đã nghĩ rằng khi chung sống với nhau, lửa tình sẽ chẳng bao giờ tắt. Chúng em đã lầm. Lửa nào cũng tắt cả, trừ lửa địa ngục. Dần dần, theo với thời gian, và khoảng thời gian ấy khá ngắn, người ấy cố tình để cho em thấy lòng chán nãn và ý muốn rút lui.

Chưa ai định nghĩa thời gian cho em được rõ và chính em cũng không biết làm sao định nghĩa được thời gian. Em chỉ biết rằng trong cùng khoảng thời gian năm năm ấy, cuộc đời của gia đình em như những giòng nước chảy qua nhiều khúc sông, lúc quanh, lúc quẹo, lúc cong, lúc thẳng, không biết có lúc nào em có thể gọi là sông nước thanh bình. Thời gian dạy em bài học của người từ chối gia đình, từ chối tiếng gọi của lương tâm đang khi em sống cuộc đời không chồng, không con, không người tình, không nhà thờ, trong một căn phòng thật nhỏ khi tháng ngày trôi qua lê thê như không bao giờ dứt. Ngay chính gia đình em ở Việt Nam, sau khi biết việc, cũng không còn muốn liên lạc với em. Công việc làm ở hãng xưởng tuy vô cùng vất vả nhưng chỉ đủ để nuôi thân, vậy mà sự vất vả ấy không mang lại cho em giấc ngủ an lành. Đêm đêm nằm co rúm trên giường, em lắng nghe tiếng thời gian trôi theo nhịp của chiếc đồng hồ treo trên vách. Em nhớ chồng, nhớ con, nhớ những ngày hạnh phúc êm đềm mà em đã gọi là nhàm chán. Em biết trân quý gia đình bé nhỏ của em trong cảnh muộn màng khi em thật sự là một người đàn bà vô gia đình. Theo với thời gian, em cũng già như những người đàn bà khác, nhưng em biết mình già rất nhanh, già theo một tốc độ khủng khiếp khi nhìn chính mình trong gương. Người đàn bà già nua, héo úa trong gương nhìn lại em và em thấy trên mặt bà ta nổi lên nhiều mụt sần sùi, làn da trắng mịn của bà ta đã biến mất tự ngày nào, bây giờ chỉ đầy những chấm đỏ nho nhỏ. Đôi mắt trữ tình ngày trước giờ đây sưng húp vì khóc quá nhiều. Nơi đám đông, em tránh né mọi người và tại hãng, em không cho ai biết gia cảnh.

Chúa của em đã dạy chưa từng có ai lên trời, trừ ra Đấng từ trời xuống, là chính Ngài. Cũng chưa từng có ai xuống địa ngục rồi trở lại dương thế kể cho mọi người biết nơi hỏa ngục có gì. Chúa Giê-xu là Đấng duy nhất trong Kinh Thánh dạy cho con người biết sự hiện hữu của hỏa ngục và tình trạng của người trong địa ngục. Nhưng người đang sống nơi địa ngục trần gian hiểu rõ địa ngục là gì và thấm thía lời dạy bảo của Chúa về địa ngục. Địa ngục trần gian trong thế giới cô đơn, nhỏ bé của em, nơi chỉ có tiếng khóc, không một tiếng cười, nơi em uống trọn hậu quả của tội lỗi do chính em gây ra. Sự cô đơn, đau đớn của cả thể xác lẫn tâm hồn là điều em phải đối diện khi em từ chối ánh sáng của Đức Chúa Trời cho đời mình, em phải sống trong bóng tối dầy đặc của khổ đau. Địa ngục là nơi không có sự hiện diện của Đức Chúa Trời khi chính ta mời Ngài ra khỏi thế giới của mình. Đêm đêm, em mơ ước như điên cuồng được một lần nữa, nếm tình yêu và sự thương xót của Chúa, vì trong địa ngục này, khi con người làm chủ, bên ngoài sự hiện diện của Đức Chúa Trời, không có tình yêu và thương xót.

Nên em quyết định trở về.

Em muốn bắt chước người con trai hoang đàng trong câu chuyện do chính Chúa của em kể, khi anh biết mình đã phạm tội với Trời và với cha, thì quyết định đứng lên và trở về. Nhà cha vẫn còn đó, và anh được đón tiếp và được phục hồi lại địa vị làm con. Trời đã tha tội cho anh khi anh ý thức được tội lỗi mình. Cha đã tha tội cho anh khi anh trở về. Riêng em thì cảnh cũ người xưa luống đoạn trường. Chồng em đã lập gia đình khác và con em được kế mẫu chăm sóc đàng hoàng, không phải chịu cảnh mẹ ghẻ, con chồng. Người con trai hoang đàng có hai lối để trở về, trở về với Trời và trở về với cha, em phải chấp nhận rằng mình chỉ còn một lối. Và em quyết định trở về trên con đường duy nhất đó.

Đường về nhà Cha không khó, dễ hơn sự tưởng tượng của mọi người. Những đêm tâm hồn trở về bên ngôi thương xót của Cha từ ái, em cảm nhận được sự tha thứ khoan hồng của Đấng Chí Cao, khi em không còn cố biện hộ cho hành động tội lỗi của mình, khi em không đỗ lỗi cho ai, cho hoàn cảnh, cho thời tiết. Nước mắt trong những đêm dài sâu thẳm được cạn dần. Đôi mắt em bớt sưng húp và gương mặt tìm lại được một phần nét bình tĩnh, dịu dàng. Em trở lại với những ngày đọc Kinh Thánh, cầu nguyện cùng Cha. Ánh sáng tình yêu của Đấng yêu thương em đã trở lại trong cuộc đời, linh hồn em được ngụp lặn trong ánh sáng nhiệm mầu cùng với sự thương xót vô biên. Em biết mình đã trở về với Cha từ ái và Ngài đã sẵn sàng, vui lòng nhận lại con chiên đã lạc bầy đang quay đầu trở lại.

Ly cà phê đã cạn lâu rồi nhưng mắt em vẫn không rời ngôi nhà thờ nhỏ bên đường. Trong ngậm ngùi, em biết rằng mình đã trở về bên Cha yêu dấu, trở lại trong vòng tay yêu thương, tha thứ của Ngài, được phục hồi lại địa vị làm con Đức Chúa Trời, nhưng con đường trở về gia đình của Đức Chúa Trời, tức là Hội Thánh Ngài trên đất vẫn là một quãng đường xa. Các nhà thờ Việt Nam không có cổng rào nhưng sao em không bước vào được. Đã hơn năm năm rồi, em chưa được một lần nào hát ngợi khen Chúa chung với một hội chúng. Em phải đọc Kinh Thánh và cầu nguyện một mình. Em thèm khát bầu không khí của một gia đình có Chúa, điều em đã đánh mất và không biết có bao giờ tìm lại được. Lối về lòng Cha em đã tìm lại được, nhưng lối về nhà Cha trên đất vẫn còn là một trở ngại. Nhưng một ngày, sẽ có một ngày em sẽ trở về nhà Cha trên đất, ngày ấy chắc sẽ không xa, là ngày em sẽ tìm được lối về nhà Cha theo như lòng Cha muốn, theo thời điểm của Cha, trong hạnh phúc trọn vẹn Cha đã dành sẵn cho những người con yêu dấu.

 

Đoàn Thu Cúc