BỨC TƯỜNG THAN KHÓC

download

 

 

 

Vào buổi chiều ngày thứ ba 09.10.2012 nhóm du khách người Việt đang tham quan Đất Thánh được dẫn đến nghĩa trang xưa nhất và lớn nhất của người Do Thái. Nghĩa trang nằm gần thung lũng Giêhôsaphát, là một phần của thung lũng Kít-rôn và kéo dài đến tận sườn núi Ôlive. Nhiều người Do Thái từ mọi nơi trở về để được chôn tại Yerushalayim.

Nói đến thành Jerusalem thì phải nói đến đền thờ Jerusalem vì cả hai được xem như một. Vua Đavít muốn xây đền thờ cho Chúa nhưng Ngài không muốn, vì vua là một chiến sĩ với bàn tay đẫm máu. Công tác ấy được để lại cho con là Hoàng Đế Solomon, người được vinh dự dành ra bảy năm xây đền thờ nguy nga, tráng lệ đầu tiên cho Chúa. Người Do Thái yêu mến đền thờ Jerusalem như yêu chính thân họ. Nhưng quan trọng hơn, Chúa yêu mến đền thờ này. Chúa đã phán cùng Solomon rằng Ngài đã biệt riêng ra thánh đền thờ này, Danh Ngài sẽ ngự tại đó đời đời, mắt và lòng Ngài sẽ ở đó mãi mãi. Chúa Giê-xu cũng đã nói rằng “Nhà Cha ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện.” Người Do Thái vẫn hướng về thành Jerusalem và đền thờ Jerusalem để cầu nguyện. Nền của đền thờ là những tảng đá khối lớn và nặng, được đặt sâu dưới mặt đất. Những tảng đá màu trắng được dùng để xây đền thờ rất lớn và rất đẹp, theo sử gia Josephus, có những tảng đá dài hơn 10 m, cao 4 m và dầy 6 m. Các môn đồ khi cùng Chúa bước vào đền thờ Jerusalem đã trầm trồ, khen ngợi sự vĩ đại của đền thờ.

Vì ai mà quân đội vua Nê-bu-cát-nết-sa đã tàn phá thành Jerusalem vào năm 586 trước Chúa? II Các Vua đoạn 25 ghi lại hình ảnh đau thương, kinh hoàng, sau hai năm dài bị bao vây, dân và quân đói đến độ các bà mẹ phải đổi con cho nhau để ăn thịt. Vua Ê-xê-chia bỏ chạy, bị bắt và phải chứng kiến cảnh các con trai của mình bị giết. Vua bị móc mắt và bị dẫn về Ba-by-lôn. Đền thờ, cung điện hoàng gia và tất cả cửa trong thành Jerusalem đều bị hủy phá. Vàng bạc, trang cụ quý giá trong đền thờ đều bị chở đi Ba-by-lôn. Jerusalem tan nát, đền thờ sụp đổ, con dân bị lưu đày… Trong những năm bị lưu đày, nước mắt của người Do Thái không ngưng chảy và một số tác phẩm có giá trị về lịch sử, thơ và văn ra đời, đánh đấu trang sử đau buồn của tuyển dân của Chúa. Nhưng 70 năm sau, Si-ru, vua Phe-rơ-sơ được Chúa truyền xây lại Jerusalem thứ nhì. Ê-xơ-ra và Nê-hê-mi lãnh đạo công tác xây dựng đền thờ và tường thành Jesusalem. Nhưng rồi nhiều trăm năm sau, đền thờ bị hư hại nặng nề. Hê-rốt Đại Đế xây dựng lại đền thờ lần thứ ba vào năm thứ 19 trước Chúa trên cùng nền cũ. Đây là đền thờ mà Chúa cùng các môn đệ đến thăm viếng thường xuyên.

Trên đường Chúa đến nơi gọi là Gô-gô-tha, nhiều phụ nữ đi theo đoàn hành quyết, có người kêu khóc, có người vừa đấm ngực vừa kêu khóc. Chúa đã dừng lại, bảo họ đừng than khóc vì Ngài, “nhưng hãy khóc cho các con và con cháu của các con.” Bốn mươi năm sau lời Chúa tuyên bố, hoàng đế La Mã Titus mang quân đội đến hủy thành Jerusalem và đền thờ. Họ đốt Jerusalem cùng với đền thờ, vạch các tảng đá để lấy vàng của đền thờ đã chảy ra nằm trong kẹt các tảng đá. Đúng như lời Chúa đã nói, đền thờ Jerusalem không còn một tảng đá nào nằm chồng trên nhau cả.

Đền thờ Jerusalem hôm nay chỉ còn lại một bức tường, dài 488 m, chiều cao từ 3 m đến 8m, được gọi là “Bức tường than khóc.”

Thế giới đã nhìn thấy “Bức tường than khóc” (The wailing wall hay cũng được gọi là the western wall) qua báo chí, qua Tivi, qua phim tài liệu, qua những hình chụp của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp bán tại các chợ lộ thiên Do Thái; nhưng người viết bài này được Chúa cho đứng đối diện với bức tường. Ngày thứ ba 09.10.2012 chỉ là một ngày thường, không có lễ đặc biệt, nên số người đứng cầu nguyện trước bức tường than khóc cũng không đông lắm, nghĩa là còn có thể chen vào để cầu nguyện được. Đa số người cầu nguyện đứng sát vào tường, hai tay vịn tường, lòng hướng về Đấng Thánh của người Do Thái, cũng là Đấng Thánh của cả nhân loại. Nhiều người lớn tuổi mang theo chiếc ghế xếp nhỏ, ngồi trước bức tường rất lâu. Có những nhóm người, thuộc đoàn thể tôn giáo nào đó, đang đứng chung nhau học Kinh Thánh và cầu nguyện. Một nhóm người khác đang hát thánh ca. Trong cơ hội ngàn vàng, chỉ có một lần trong đời, người viết bài này cũng cố chen vào giữa đám đông, vịn tay trên bức tường, cầu nguyện với Chúa của các từng trời rằng: Xin cho con sống đời đẹp lòng Chúa. Chúng tôi được người hướng dẫn lưu ý hai điểm. Thứ nhất, bức tường này là phần còn lại duy nhất của đền thờ Jerusalem và theo vị trí địa lý của đền thờ, bên sau bức tường này, trước đây, là Nơi Chí Thánh của đền thờ, nơi có sự hiện diện của Chúa, nên người Do Thái đến đây cầu nguyện. Bức tường than khóc này là đất thánh của người Do Thái. Thứ hai, dù bức tường rất cao nhưng chỉ có phần thấp nhất của bức tường, từ chân tường cho đến 2 m cao, bị đổi màu rất rõ. Phần bên trên thật trắng, phần bên dưới đổi màu dơ vì hàng triệu người đã đến đây, đã chống tay vào bức tường này, than khóc với Chúa. Từ thế kỷ thứ 7 trở đi, người ta cố gắng gìn giữ bức tường vì đây là lịch sử của người Do Thái, và cũng là lịch sử của thế giới; nhưng tường cũng có nhiều kẻ nứt nhỏ, và đã có hàng ngàn người viết những tâm thư nhét vào kẻ nứt này gởi đến Chúa. Chúng tôi hỏi người hướng dẫn rằng quý vị đã về quê hương, sao không xây lại đền thờ Yerushalayim của quý vị. Người hướng dẫn buồn bã trả lời rằng đặt một viên gạch để xây lại Yerushalayim thì sẽ có thánh chiến xảy ra lập tức, vì người Hồi Giáo tuyên bố rằng Yerushalayim là đất thánh của họ.

Dù bức tường chỉ dài 488m, nhưng theo đúng tinh thần của người Do Thái, họ đã chia tường thành hai phần, phần dài hơn là nơi cầu nguyện của đàn ông, phần ngắn hơn dành cho phụ nữ. Nhưng du khách không bị bắt buộc phải theo sự sắp đặt này, và vì phần tường dành cho đàn ông cầu nguyện rất dài nên đa số du khách cầu nguyện tại đây. Người viết bài này được vinh dự vịn tay vào tường đ̣ể cầu nguyện nơi người Do Thái dành cho đàn ông. Một đoạn rất ngắn của bức tường, chỉ 8m, thuộc Hồi Giáo. Vùng đất nơi các du khách được vào tự do để cầu nguyện trước bức tường thuộc về người Do Thái. Phía bên kia bức tường là vùng đất của Hồi Giáo. Ngôi đền thờ Hồi Giáo với nóc vàng rực rỡ, huy hoàng, nổi bật trên khung trời xanh, nằm phía bên kia của bức tường than khóc.

Lịch sử của bức tường dài 488m này cũng đau thương và đẩm máu như lịch sử của dân tộc Do Thái. Đầu thế kỷ thứ 20, khi phong trào ái quốc của người Do Thái bừng dậy, sự căng thẳng và xung đột giữa cộng đồng Do Thái và cộng đồng Hồi Giáo trở nên dữ dội vì Hồi Giáo lo sợ người Do Thái sẽ dùng bức tường than khóc để tiến đến việc chiếm trọn Jerusalem. Những trận chiến, những cuộc bạo động đẩm máu xảy ra nơi chân tường hầu như hàng ngày đến nỗi một Ủy Ban Quốc Tế được thành lập vào năm 1930 để quyết định chủ quyền của Do Thái và Hồi Giáo trên bức tường than khóc. Và Ủy Ban đã quyết định phần nào của tường thuộc người Do Thái, phần nào của Hồi Giáo. Sau trận chiến năm 1948 giữa Ả-rập và Do Thái, bức tường than khóc nằm dưới sự kiểm soát của người Jordan, và người Do Thái bị cấm không được đến bức tường này. Người Do Thái phải cầu nguyện và than khóc với Chúa ở một nơi khác trong 19 năm, cho đến năm 1967, khi người Do Thái chiếm lại thành Jerusalem, và được trở lại với bức tường than khóc.

Thành Jerusalem bé nhỏ hiện nay được chia làm 4 phần, thuộc 4 nhóm: nhóm của người Armenian (Họ đã có mặt ở vùng đất thánh này từ thế kỷ thứ ba, sau Chúa), nhóm của Cơ đốc Giáo, nhóm của Do Thái Giáo và nhóm của Hồi Giáo. Cuộc chiến giữa người Do Thái và người Palestine là cuộc chiến không phai tàn, hai bên sẽ chỉ còn một, và người còn lại sẽ là chủ nhân duy nhất của vùng đất thánh. Một Thủ Tướng của Do Thái đã tuyên bố rằng đây là vùng đất mà không ngày nào không có tiếng mẹ khóc con. Mọi nỗ lực của thế giới để giúp vùng đất thánh có được hoà bình đã không có kết quả. Chiến tranh sẽ tiếp tục tại đây cho đến ngày Chúa yêu dấu trở lại. Trong khoảng thời gian chờ đợi, những con trai, con gái của Áp-ra-ham vẫn phải tiếp tục mang súng, mỗi ngày sống trong tinh thần đề cao, cảnh giác và sẵn sàng đổ máu để bảo vệ quê hương.

Người viết bài này không thể nói hết lời tạ ơn Chúa đã cho cơ hội được đứng tại Jerusalem và được vịn tay nơi bức tường than khóc. Jerusalem trước đây chỉ biết qua Kinh Thánh, giờ được đối diện nhau, trong hình hài, xương thịt. Những bài học trong Thánh Kinh bây giờ như những đoạn phim quay trước mắt. Trong những ngày cuối cùng trên đất, Chúa đã ở tại Jerusalem và các làng lân cận. Chúa đã cầu nguyện trên núi Ôlive. Ngài đã dạy dỗ mỗi ngày trong đền thờ. Bàn chân Ngài đã bước trên những tảng đá lớn và đẹp Hê-rốt Đại Đế dùng xây đền thờ. Chúa đã đứng giữa Jerusalem rực rỡ, huy hoàng.

Đối diện với mỹ nhân Jerusalem, người với nhan sắc bên trên toàn thiên hạ, ta dễ quên mỹ nhân này có vài nan đề trầm trọng. Vào thời Chúa Giê-xu, một trũng rất sâu nằm phía nam của thành Jerusalem, được gọi là thung lũng Hinnom, là nơi trong thời của hai vua gian ác A-háp và Ma-na-se, được dùng để thiêu sống người làm sinh tế cho thần Molech của họ. Sau khi vua Giô-si-a dẹp trừ tội lỗi này, thung lũng vẫn được tiếp tục dùng làm nơi đổ và đốt rác cho toàn thành phố Jerusalem. Mùi hôi thối và lửa cháy đêm ngày nơi đây khiến thung lũng được ví sánh với hình ảnh địa ngục, địa ngục trần gian nhân tạo. Một địa ngục trần gian khác cũng do Jerusalem tự tạo khiến Chúa gọi tuyển dân Ngài là người vợ lăng loàn, một đầy tớ gian ác, một cây nho chỉ sinh trái nho hoang. Jerusalem đã giết nhiều tiên tri Chúa sai đến bằng nhiều hình thức: đâm, chém, cưa, cắt, chặt, ném đá… và bây giờ, Con Thừa Tự của Chủ Vườn Nho được sai đến, và Ngài biết trước sẽ bị đối xử như thế nào. Lu-ca đoạn 19 đã tường thuật rằng khi đến gần, thấy thành Jerusalem, Chúa khóc. Đấng Tạo Hóa khóc cho tuyển dân Ngài, Cha khóc cho thân phận của con trai hoang đàng, Chồng khóc cho người vợ phản bội, Chủ khóc cho đầy tớ gian ác và Chủ vườn nho khóc cho những trái nho hoang. Vì yêu, Chúa đã khóc. Lòng Chúa yêu Jerusalem đã được bày tỏ rõ ràng trong Xa-cha-ri 8:3: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Ta đã xây lại cùng Si-ôn, và ta sẽ ở giữa Jerusalem; Jerusalem sẽ được gọi là thành chân thật; núi của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ được gọi là núi thánh,” Ngài cũng đã hứa rằng “Ta là tường bằng lửa chung quanh nó, và là sự vinh hiển ở giữa nó” (2:5).

Vào lúc 4 giờ 30 phút chiều cùng ngày, phái đoàn hành hương rời Jerusalem để trở về khách sạn. Lòng đầy bồi hồi, thương cảm, xúc động, nửa muốn khóc và nửa muốn cười khi từ giã Jerusalem, nửa thương, nửa giận khi nhìn lại thành phố của Chúa xa dần theo bánh xe lăn, tự hỏi không biết bao giờ được gặp lại.

 

Đoàn Thu Cúc