“Đức Giê-hô-va ôi! Ngài sẽ hằng quên con cho đến chừng nào? Ngài ẩn mặt cùng con cho đến bao giờ? Con phải lo lắng nơi linh hồn con, hằng ngày buồn thảm nơi lòng con cho đến bao giờ? Kẻ thù nghịch con sẽ trổi hơn con cho đến chừng nào?... Nhưng con đã tin cậy nơi sự nhân từ Chúa; lòng con khoái lạc về sự cứu rỗi của Chúa. Con sẽ hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã làm ơn cho con.” (Kinh thánh, Thi-thiên 13:1-2, 5-6).

 

 

 

Lời cầu nguyện của tác giả cùng Đức Chúa Trời nêu lên bốn câu hỏi “cho đến chừng nào ?” hay “cho đến bao giờ ?” bày tỏ nỗi khổ đau và căng thẳng của mình hơn là xin có câu trả lời. Tác giả đang lún sâu vào nan đề - nan đề với người khác, nan đề với chính mình, và nan đề với Đức Chúa Trời. “Kẻ thù nghích” đang thắng thế, tâm trí của tác giả đang tranh chiến, và tệ hơn nữa, Đức Chúa Trời dường như quay mặt đi nơi khác. Biến cố 30 tháng 04 năm 1975 hay một biến cố nào đó trong cuộc đời có gây cho chúng ta lâm vào tâm trạng giống như tác giả này trong Kinh Thanh không ?

 

Tuy nhiên, giữa những khủng hoảng đó, tác giả không chạy khỏi Đức Chúa Trời, cũng như trong nỗi nghi ngờ đó, tác giả vẫn bám víu lấy Ngài, vì ngoài Ngài tác giả không có nơi nương dựa nào cả. Tác giả cho biết mình đã tin cậy nơi “sự nhân từ Chúa” hay đúng ra là tình yêu thương không dời đổi của Chúa, nên tin chắc rằng Ngài sẽ không quên mình trong nghịch cảnh. Tác giả còn cho biết thêm rằng lòng mình sẽ vui mừng “về sự cứu rỗi của Chúa”, tức là sự giải cứu của Ngài ra khỏi nghịch cảnh. Vì Đức Chúa Trời đã đối xử quá tuyệt vời như vậy nên thay vì than vãn, tác giả chỉ có tiếng “hát ngợi khen” Ngài.

 

Cầu xin Đức Chúa Trời giúp con tăng trưởng đức tin trong nghịch cảnh như tác giả Thi-thiên 13. A-men.

 

 

Mục sư Đoàn Trung Chánh