Con người có một số điều nguyên tri tự khắc biết, nhưng muốn biết thêm thì phải học, phải nghiên cứu. Học là phương tiện dễ dàng nhất để biết. Nhưng chẳng ai đạt đến toàn tri, cái gì cũng biết. Điều ta biết có giới hạn. Cái gì ta cần biết thì tìm tòi học hỏi. Cái gì ta không cần biết thì chẳng cần lưu tâm làm chi cho mệt trí.

Có câu chuyện vui vô thưởng vô phạt về cái “biết” của nhà thông thái và anh lái đò, đó là cái “biết” nào cần trong một trạng huống đặc thù. Một nhà thông thái thuê một chiếc đò dạo trên hồ để ngắm trăng. Nhà thông thái nhìn trời và chỉ các vì sao, cắt nghĩa một số sao cho anh lái đò biết. Lời nhà thông thái chẳng làm cho anh lái đò lưu ý chút nào. Nhà thông thái than :

- Anh không biết chút gì về thiên văn, thế là coi như mất một phần ba cuộc đời.

Nhà thông thái lại quay qua văn chương thi phú, một vài bài thơ ngâm lên. Nhưng anh lái đò “nghe như vịt nghe sấm”.

Thình lình một cơn gió lốc ập tới, sóng nổi lên, chiếc thuyền chòng chành rồi lật úp. Anh lái đò hét lên trong gió hỏi nhà thông thái :

- Ông có biết bơi không ? Nhà thông thái vừa trồi lên sụp xuống đáp gọn một lời :

- Không. Anh lái đò đành thốt một câu :

- Thế là mất cả cuộc đời.

Một hài nhi sinh ra đã biết được một số điều, song nó chưa nói được nên ta không biết điều nó biết là gì. Khi nó có thể dùng lời nói thì cái biết của nó có cơ phát triển và nó muốn biết nhiều hơn.Muốn biết, nó chỉ biết hỏi. Cái này là cái gì ? Cái kia sao to vậy ? Tại sao lại thế này ? Sao lại không phải ? v.v. Hễ hỏi mà không được trả lời thỏa đáng là không mãn nguyện. Khi tới trường, nhà trường chỉ dậy những điều sách giáo khoa chỉ định “phải học, phải biết” hoặc “nên biết”. Hầu hết học trò hình như chỉ học để làm tròn bổn phận không cần biết đến mãn nguyện hay không, nhưng rất vui vẻ, sung sướng biết điều “không nên biết” ngoài lớp học, không do thầy dạy, song được chỉ dẫn bởi một số bè bạn “biết trước”.

Hai cô bé bạn học ngồi thì thầm với nhau :

- Tao “biết” thế nào để mang thai sanh em bé rồi.

- Tao “biết” cái đó từ lâu rồi. Bây giờ tao lại “biết” làm sao để khỏi mang thai nữa cơ.

Con người ở mọi lứa tuổi, ở mọi hoàn cảnh đều gắng sức cho “được biết”, hết sức tìm tòi cho biết rõ, biết tường tận. Đây là lãnh vực mà những ý tưởng Sa-tan ma quỷ lừa dối mạnh nhất.

Sự lừa dối của ý tưởng Sa-tan ma quỷ trong lãnh vực này là cho con người không biết điều đáng biết, nhưng lại muốn biết điều không nên biết và biết sai.

Khi Sa-tan đến cám dỗ tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va, nó lừa dối ngay trong lãnh vực này. Nó khuyến dụ A-đam và Ê-va ăn trái cây “biết điều thiện và điều ác” mà Đức Chúa Trời cấm không được phép ăn. Nó dùng lời dụ dỗ như sau : “Nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác.” (Sáng-thế-ký 3:5).

Từ khi loài người “biết điều thiện và điều ác” thì cũng từ đó nhân loại có tâm trạng : “tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn” (Rô-ma 7:18-19).

Con người không có năng lực “làm điều lành mình muốn” nên cái “biết điều thiện” trở nên vô dụng với mình, song lại đắc dụng để ta lên án người khác. Con người có năng lực “làm điều dữ mình không muốn”, nên cái “biết điều ác” trở nên đắc dụng với mình và là phương tiện để gây đau khổ cho người khác. Bởi cái thiên lương trong con người mà ta cảm nhận “điều lành mình muốn” và “điều dữ mình không muốn”. Những ý tưởng Sa-tan ma quỷ đã lừa dối thiên lương khiến chúng ta có nhiều lý do chính đáng để không làm điều lành mình muốn” và vui thích hài lòng “làm điều dữ mình không muốn”.

Bởi cái muốn làm điều dữ mình không muốn” cho phải lẽ, người ta học biết “khôn khéo về sự làm dữ” (Rô-ma 1:30). Biết bao người bị người làm dữ cho mình mà cứ nghĩ mình đang được làm ơn. “Khôn khéo”quá. Làm sao chúng ta có đủ sáng suốt để nhận ra đó là sự dữ chứ không điều lành khi phải trực diện với nó ? Phải chăng lâu rồi cũng sẽ “biết”? Có thể, nhưng “biết” thì sự đã muộn rồi.

Chính Sa-tan ma quỷ đã chuyền cái sự “khôn khéo” này cho chúng ta, một loại “khôn độc hại”. Khi tổ phụ loài người nghe theo lời Sa-tan ăn trái cấm thì “mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ” (Sáng-thế ký 3:7). Chưa “biết điều thiện”, điều tốt, thì đã “biết điều ác”, điều xấu ngay. Chúng ta có kinh nghiệm khi nhận ra hậu quả tai hại của việc làm, chúng ta chép miệng than : Biết vậy đâu có làm! Chúa Jêsus hiểu và tội nghiệp cho sự “biết” của đám người đóng đinh Ngài. Ngài cầu nguyện : “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34).

Thường điều người đời muốn biết về hàng xóm láng giềng, những người mình không ưa, hay những người quá nổi bật, nhất định là điều xấu về người đó. Các sách viết chuyện xấu xa của những nhân vật nổi tiếng bán rất chạy. Thời nào cũng vậy, khi chuyện “thâm cung bí sử” được khui ra, lại “nói thật, nói hết, phóng đại đúng cách chút đỉnh khôn khéo” thì sức hấp dẫn đến rợn người. Người mua sách chỉ tò mò muốn biết chuyện xấu thật rõ ràng, thật tường tận. Ngay cả người chúng ta không quen biết nhưng bắt gặp ai nói xấu về người đó là chúng ta dễ rơi vào trường hợp lắng nghe ngay. Lời Chúa Jêsus dạy mấy ai chịu nghe, chịu tìm hiểu, chịu tin. Nhưng những sách “tưởng tượng” về Chúa Jêsus với ái tình lăng nhăng thì mau chóng trở thành “best seller”.

Tại sao bản tính Sa-tan ma quỷ lừa dối đã ăn sâu vào sự biết của người đời ? Chỉ vì mục đích của Sa-tan ma quỷ là muốn chúng ta biết điều xấu, điều ác để hành sử theo sự hiểu biết sai của mình, làm ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta hãy nhắn nhủ nhau giữ Lời Chúa trong tâm, để tránh sự hiểu biết sai mà ý tưởng Sa-tan ma quỷ đã ăn xâu vào con người chúng ta, hầu chúng ta luôn luôn hành sử theo ý chỉ của Đức Chúa Trời, và hướng đến sự cứu rỗi của Ngài.

Chúng ta cũng đừng quên đại gia đình, bè bạn, những người có thể biết nhiều vấn đề liên quan tới cuộc sống, liên quan tới đời này. Nhưng có những trường hợp họ thản nhiên làm nhiều điều tội lỗi, thì chắc chắn họ đã quên đi sự cứu rỗi, hoặc họ chưa biết rõ về sự cứu rỗi và đời sau. Hãy ân cần nhắc nhở họ rằng ý tưởng Sa-tan đang lừa dối họ về cái “biết” của mình.

Giới thiệu một bài thơ của thi sĩ Tường Lưu,một con cái Chúa ở Hoa Kỳ

Tôi Đích Thật

Chúa biết tôi là môn đồ của Chúa

Đã từng nhân danh Chúa nói tiên tri

Đã từng đem sứ điệp Chúa truyền đi

Tôi đích thật là môn đồ của Chúa !

Chúa biết tôi là môn đồ của Chúa

Đã từng nhân danh Chúa đuổi Sa-tan

Đã từng làm bao quỷ dữ kinh hoàng

Tôi đích thật là môn đồ của Chúa !

Chúa biết tôi là môn đồ của Chúa

Đã từng nhân danh Chúa tỏ quyền năng

Đã từng làm nhiều phép lạ siêu nhiên

Tôi đích thật là môn đồ của Chúa !

Nghe cho rõ! Những kẻ làm gian ác

Các ngươi ư ta chẳng biết bao giờ

Hãy lui ra, lui ra khỏi mặt ta

Đi vào chốn …lửa đời đời thiêu nuốt.      Tường Lưu

Theo Ma-thi-ơ 7:22-23

Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!