ĐÔI BẠN

 

 

Có phải nơi nào có người da trắng định cư, nơi đó có quán rượu? Và có phải nơi nào có quán rượu, nơi đó có đánh nhau? Điều may mắn là trong những năm đầu tiên lập quốc của nước Mỹ, nếu có đánh nhau thì có chết người vì người Mỹ sớm xử dụng vũ khí, trong khi vào những năm đầu lập quốc của Úc Châu, người trong quán rượu vẫn còn đánh nhau bằng tay chân.

Người làm nghề hớt lông cừu hôm nay lâm vào cảnh thông thường xảy ra tại quán rượu. Sau giờ làm việc, anh đến quán để giải khát và giải sầu , và trong cơn say, khi không còn có thể nhịn những người say khác trong quán, anh cùng họ ấu đả. Một thân, một bóng mà phải chiến đấu với ba người say, anh bị thương tích nặng. Thật ra, nếu nói anh một thân, một bóng cũng không đúng. Đi đâu, anh cũng dẫn theo một con chó nhỏ, tên nó là “Baby.” Trong khi chủ lâm nạn, Baby của anh cũng lăn xả vào, không kể tấm thân bé nhỏ của nó. Nó sủa, nó la, nó nhảy tưng, nó chạy quanh nhóm người đang đánh nhau; nó cào, nó cắn những người đánh chủ nó. Và nó cũng phải chịu cảnh bị đòn tả tơi như chủ. Người thợ hớt lông cừu bị gãy ba xương sườn, nhiều cục u  to trên đầu vì bị đập và nhiều bầm dập khắp nơi trong cơ thể. Còn Baby bị gãy một chân. Cả chủ và chó đều bị đau đớn lắm.

Y viện cách quán rượu mười sáu cây số và trong những năm đầu lập quốc, Úc Châu chưa có xe cứu thương. Nên chủ và Baby phải cùng nhau đi bộ đến y viện, chủ lê những bước tàn trên đất còn Baby cà nhắc trên ba chân. Vậy mà cả hai cũng đến được y viện. Tất cả nhân viên trong y viện đều sững sờ, không biết làm sao họ có thể vượt được quãng đường xa, rất xa kể cả cho người đang khỏe mạnh. Khi họ hỏi anh làm sao anh đi được đến đây, anh cũng không có câu trả lời, vì chính anh không biết làm sao mình đã vượt được quãng đường này.

Những vị bác sĩ khám nghiệm thương tích trên người anh cũng ngạc nhiên trước sự chịu đựng của bệnh nhân, họ nhìn nhau trong ngạc nhiên mặc dù các bác sĩ ít khi nào ngạc nhiên trước thương tích của bệnh nhân, và họ cũng không để lộ ngạc nhiên cho người khác thấy. Dĩ nhiên họ sẽ nhận anh vào nằm bệnh, nhưng Baby của anh không được nhận. Y viện này chỉ dành cho người. Súc vật bị cấm vào trong vùng đất của y viện.

-       Anh phải mang con chó đó ra khỏi đây - họ nói với anh khi anh đang ngồi trên giường.

Anh không một tiếng trả lời.

-       Chúng tôi không thể cho phép chó vào nơi này.

Vị bác sĩ nói lớn tiếng vì e rằng bệnh nhân điếc, không nghe được câu nói đầu tiên.

-       Mấy anh cột nó trước sân được không?

-       Không. Chó không được phép đặt chân trên đất của y viện. Nó phải đi ra khỏi đây.

Người thợ hớt lông cừu cố gắng đứng lên, hai hàm răng cắn chặt để chịu đựng cơn đau, cố gắng gài nút áo để che bộ ngực lông lá của anh, với tay cầm chiếc áo khoác và nhìn về hướng góc phòng nơi người ta đặt chiếc túi xách của anh.

-       Anh làm gì đây? Nhân viên y tế hỏi.

-       Mấy anh không cho chó tôi vào phải không?

-       Không. Luật không cho phép. Súc vật không được vào vùng đất của y viện.

Anh cúi xuống, cố gắng để nhặt chiếc túi xách nhưng vì quá đau, phải dừng lại và dựa lưng vào tường.

-       Coi kìa. Anh có điên không vậy? Vị bác sĩ nói. Anh không đi đâu được. Để y tá giúp anh thay quần áo ra.

-       Không. Nếu các anh không nhận con chó của tôi, các anh không nhận tôi. Nó bị gảy chân và cần được điều trị cũng như tôi. Nếu các anh thấy tôi cần được chữa trị, thì con chó của tôi cũng cần được chữa trị.

Anh dừng nói để thở, những hơi thở ngắn đầy đau đớn:

-       Con chó già này đã theo tôi suốt mười hai năm, mười hai năm dài và đói khổ. Nó đã già rồi các anh biết không? Nó còn sống được bao nhiêu năm nữa? Và nó là nhân vật duy nhất trong đời tôi hiện nay, quan tâm đến việc tôi sống hay chết, tôi vui hay buồn, tôi đói hay no.

Anh dừng nói để lấy hơi một lần nữa:

-       Tôi tình cờ thấy mẹ con nó bên cạnh đường xe lửa. Mẹ nó mới vừa sanh nó, dùng miệng ủi nó nhè nhẹ trên đất. Trông con chó nhỏ quá dễ thương nên tôi nhặt, bế nó trên tay. Mẹ nó chạy theo tôi. Thế là trong một ngày, tôi bỗng dưng có hai con chó, một mẹ, một con. Hai mẹ con cứ theo tôi, cứ tôi tìm được việc làm ở đâu thì hai mẹ con cũng theo đó. Mẹ nó theo tôi không biết bao năm, cho đến khi nó mù, quá già, không còn đủ sức để đi theo tôi được nữa. Khi mẹ nó không còn đủ sức để bò trên đất, tôi phải kết thúc mạng sống của nó. Phải. Tôi đã giết chó mẹ, vì lúc ấy không việc làm, tôi phải dời đi nơi khác và nó không còn đủ sức để đứng. Xin đừng hỏi tôi đã giết nó bằng cách nào.

Anh dừng lại để thở một lần nữa:

-       Bây giờ con chó bé nhỏ mà tôi đã đặt tên là “Baby” đã già. Nó đã theo tôi mười hai năm, qua mọi chặng đường của cuộc đời tôi, qua những mùa khô hạn, qua những cơn lụt, qua những năm tháng khó khăn, đói khổ của cuộc đời. Vì phải dời chỗ ở liên tục để theo việc làm nên tôi không có bạn, các anh có biết cuộc đời cô độc của một người không có gia đình, không có bạn...? Nhờ nó mà tôi không điên. Có những lúc tôi ngồi than thở với nó, không biết nó hiểu được bao nhiêu, nhưng nó nhìn tôi đầy thương mến. Trong cuộc đời cô độc này, tôi chỉ có hai người bạn – rượu và con chó nhỏ này. Người bạn rượu hại tôi rất nhiều, biết vậy mà tôi vẫn đến, còn người bạn bé nhỏ này sát bên cạnh tôi, nằm bên cạnh trông chừng trong những ngày tôi say sưa bất tĩnh. Lúc tôi có tiền thì hai chúng tôi ăn uống đầy đủ, lúc không tiền thì phải đói thôi. Vậy mà nó không bỏ tôi đi. Tôi cũng chẳng đếm xem mình đã bao lần lâm vào những trận ấu đả, nhưng lần nào cũng vậy, chỉ có nó xông vào, chạy quanh, sủa, cắn, quàu những người đang đánh tôi trong khi đám đông chung quanh reo hò thưởng thức. Các anh biết không, từ đó đến nay nó đã để lại kỷ niệm những trận đánh nhau – những vết chó quàu - trên gương mặt của rất nhiều người.

Một lần nữa, anh dừng lại để thở. Rồi anh hít một hơi thật mạnh, cắn chặt hàm răng, vác bị trên vai, bước ra đứng trước cửa phòng, nhìn những nhân viên y tế như nhìn lần cuối. Con chó nhỏ cũng cà nhắc trên ba chân, ra khỏi góc phòng, nhìn anh như dò hỏi anh sẽ làm gì.

-       Các anh ơi, con chó nhỏ này khá hơn tôi là một con người rất nhiều. Nó là người bạn chung thủy của tôi hơn bao người tôi quen biết trong đời. Nó đã trông chừng tôi, bảo vệ tôi, giúp tôi qua khỏi bị trộm rất nhiều lần. Nó lâm chiến với tôi dù bị người ta đánh tàn nhẫn. Nó cứu mạng tôi nhiều lần... Các anh biết tôi đã làm gì để trả ơn nó không? Trong cơn say, tôi đá nó, mắng chưởi nó, nguyền rủa nó như lòng tôi muốn nguyền rủa cuộc đời mình. Vậy mà nó vẫn im lặng, vẫn chạy theo tôi. Có người đàn bà nào mà trong cơn say các anh đá tung ra khỏi chỗ ngủ để rồi sáng hôm sau, thấy người đàn bà đó nằm dưới chân anh, rúc vào người anh âu yếm? Không có, phải không? Bao năm qua con chó này đã chịu đựng tôi như vậy. Nó là người bạn chung thủy, chân thật, thẳng thắng, đầy ân tình, đầy sự tha thứ. Người da trắng sang đất nước nầy mang theo đạo Chúa phải không? Đạo Chúa dạy gì? Tình thương và sự tha thứ đứng hàng đầu phải không? Nếu nói về sống đạo, tôi là người theo đạo trong tâm, có ai trong quán rượu biết tôi là người có đạo không? Con chó nhỏ này của tôi bày tỏ đạo hơn tôi nhiều trong tình thương và sự tha thứ của nó. Bây giờ nó gãy chân vì cố gắng bảo vệ tôi. Các anh bảo tôi đuổi nó ra khỏi đây với cái chân gãy à? Tôi không bao giờ bỏ nó đâu các anh ơi.

Anh dừng nói, rên lên vì đau đớn rồi ngã quỵ xuống. Các nhân viên y tế xúm lại đỡ anh lên giường. Anh không còn biết gì nữa.

Nửa giờ đồng hồ sau, anh tỉnh lại và thấy mình đã được băng bó đầy đủ. Anh lập tức hỏi ngay:

-       Con chó tôi đâu?

-       Con chó anh đã xong rồi. Họ trả lời.

-       Anh nói con chó tôi đã xong rồi là sao?

-       Nghĩa là con chó anh đã được giải quyết xong rồi.

-       Con chó tôi đã được giải quyết xong rồi là nghĩa làm sao?

-       Anh thắc mắc, bận tâm chuyện gì vậy? Con chó anh đã được giải quyết xong rồi. Bác sĩ mang nó ra tận xa, khỏi khu đất của y viện và băng bó chân cho nó rồi. @

 

Đoàn Thu Cúc