Tiếng Việt mình rất phong phú, “trang” là làm đẹp, làm đẹp cho phái nữ gồm : “trang điểm” phấn son lên khuôn mặt, “trang phục” với quần áo tăng vẻ đẹp thân hình, “trang sức” đủ thứ mỹ phẩm từ bông tai, dây truyền, nhẫn đeo và cả vài thứ cài lên mái tóc. Trang điểm đẹp trông sao vừa trang nhã, lại sang trọng. Để đạt tới tiêu chuẩn ĐẸP này phải biết trang bị đủ mọi thứ cần thiết để TRANG hay làm ĐẸP.

Đời sống Cơ Đốc nhân chân chính luôn đẹp vì được chính Đức Chúa Trời “trang bị”. Đức Chúa Trời đã “trang bị” địa vị cao đẹp cho Cơ Đốc nhân gồm : 1. Người mới, 2. Người công chính, 3. Người vinh hiển.

1. Người mới. Theo tâm lý học, hễ cái gì mới là dễ đẹp. Người hiểu biết thường cố tránh sự tự mãn. Tự mãn là mầm mống của suy vi, là chất liệu làm băng hoại khả năng canh tân, đổi mới của con người.

Với nền khoa học điện toán cực thịnh, mọi dữ kiện phải đi đến tổng hợp cách chính xác. Guồng máy xã hội đã được điện toán hóa. Xã hội phải chạy đều như một cái máy đã được điều hợp và điều chỉnh một cách khéo léo. Muốn vậy, con người chỉ còn một phương pháp là làm theo sự chỉ dẫn của cái máy đó, và phải bỏ đi những cái “muốn”, “không muốn”, hay “phải như thế này, thế nọ”. Cá nhân hầu như đã bị coi là lỗi thời, bây giờ là thời đại tập thể.

Nhưng câu nói của R Tagore thủa xa xưa : “Người là người, máy là máy, và cả hai không bao giờ có thể hợp nhất được” vẫn đúng. Tập thể có hình thức “đồng phục” nhưng chẳng bao giờ “đồng thể”. Con người, cá nhân, cá thể vẫn có giá trị hàng hàng đầu của cơ cấu xã hội. Muốn canh tân xã hội , phải canh tân con người trước hết.

Khi nào con người cần đổi mới - canh tân ? Hễ cảm thấy bất mãn là đúng lúc cần phải đổi mới. Nhiều lúc chúng ta cảm thấy như Persall Smith : “What a bore it is, waking up in the morning always the same person”. Có người đã chuyển ý thành hai câu thơ :

Chán chường thay, chán chường thay

Sáng nào cũng thứ người này mãi sao!

Với trí khôn hiếu động, con người luôn canh tân, thì cái trí khôn ấy được đặt tên bằng danh từ kép “sáng tạo tính”.

Phần lớn những sự canh tân đều thuộc phạm vi kỹ thuật. Chúng ta biết về những vĩ nhân đã làm thay đổi nếp sống của quần chúng, ở tiền bán thế kỷ 20, bởi những phát minh canh tân đầu tiên như Alexander Garham với máy điện thoại, Edison với máy hát, anh em Wright với phi cơ và với Plank, Einstein, Rutherford đã đưa nhân loại qua một kỷ nguyên Mới.

Một phần không nhỏ là sự canh tân thuộc phạm vi tư tưởng và cũng đã thay đổi suy tư của nhân loại. Những vĩ nhân trong địa hạt này là Socrate, Augustin, Lão tử, Khổng tử, Darwin, Nietzche, Marx, Freud v.v. đã thay đổi cả tiến trình của nhân loại. Tại Việt Nam hiện nay đã có lúc, đề tài “đổi mới tư duy” được đặt thành vấn đề, đủ nói lên cái “bất mãn” của quần chúng.

Hầu hết các tôn giáo đều dùng phương thức “tu hành” để đổi mới con người. Đạo Phật đổi mới con người bằng cách cạo đầu “xuất gia”, ra khỏi nếp sống gia đình bình thường trong xã hội, bề ngoài đổi mới bằng y phục tôn giáo, nội tâm đổi mới bằng cách dùng ý chí “diệt dục”.

Cái nhà đã cũ, dầu có được cô lập, sơn phết bề ngoài, chỉnh trang bên trong thì vẫn không thể là ngôi nhà mới. Tu là sửa. Ngày nay với nền khoa học tân tiến, phương pháp chỉnh hình, phẫu thuật thẩm mỹ có thể làm cho thân xác con người trong khác với con người vốn có. Lắm khi thay đổi đến người quen cũng không nhận ra. Dầu vậy, thì cũng đến trong như một người khác, chứ không thể là một người mới. Thay đổi họ bằng một “pháp danh” thì cũng Vũ Như Cẩn - vẫn như cũ.

Cơ Đốc giáo chân chính, không có “tu” vì người đã được Đức Chúa Trời “dựng nên mới” như lời Kinh Thánh xác chứng : “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17), và được Đức Chúa Trời trang bị bằng địa vị “Con cái Đức Chúa Trời” (Giăng 1:12).

Các vị vua người Việt xa xưa tự trang sức cho mình bằng danh hiệu địa vị “Thiên Tử” - Con Trời. Nhưng Cơ Đốc nhân chân chính mới thực sự là “con cái Đức Chúa Trời” nên ý thức gọi Đức Chúa Trời là “Cha chúng tôi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:9).

2. Người Công Chính. Cơ Đốc nhân có địa vị “con cái Đức Chúa Trời” mà còn là “Người công bình (công chính)” (Hê-bơ-rơ 10:38), là “người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12).

Công chính” là “thánh”, là bản tính của Đức Chúa Trời. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời ban 10 điều răn cho dân sự Ngài để sống “công chính”. Trong thời Tân Ước, Chúa ban cho Cơ Đốc nhân 2 điều răn để sống “công chính”, đó là : “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma-thi-ơ 22:37-39). Như vậy “yêu thương” là “công chính”, vì “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (I Giăng 4:8).

Trong thời Cựu Ước, Vua Đa-vít nhận thức : “Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là trong sạch (thánh), hằng còn đến đời đời; Các mạng lịnh của Đức Giê-hô-va là chân thật, thảy đều công bình (công chính) cả” (Thi-thiên 19:9).

Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jêsus là “Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời … Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật (chân lý)” (Giăng 1:1, 14). Cơ Đốc nhân có “Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Đấng công bình (công chính)” (I Giăng 2:1). Ngài phán : “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6). Chúa Jêsus là “đường” - đạo “công chính”.

Mạng lệnh của Chúa Jêsus, “Đấng công chính”, truyền cho Cơ Đốc nhân là : “Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Ai tin và chịu phép báp-tem, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt” (Mác 16:15-16). Cơ Đốc nhân chân chính là người “công chính”, có “sự yêu thương của Đức Chúa Trời (công chính) rải khắp trong lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5), nên luôn phải “làm chứng” về Chúa Jêsus như Lời Ngài phán cùng các môn đồ : “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8), hay “giảng Tin Lành” cho “người lân cận”, được kể là người “tôi cũng sẵn lòng rao Tin Lành” (Rô-ma 1:15).

Người “công chính” “giảng Tin Lành” phải đúng “chân lý”. Cơ Đốc nhân có Kinh Thánh - Lời Đức Chúa Trời “có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình (công chính), hầu cho người (công chính) thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16). “Việc lành” là việc “công chính”. Rất tiếc, ngày nay nhiều người “bịt tai không nghe lẽ thật (chân lý), mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:4), nên có một số không ít mục sư “công chính” giả dạng quay qua giảng “chuyện huyễn” để thu hút người nghe.

Người “công chính” phải giảng “chân lý” bởi sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh là “Thần lẽ thật (Thần Chân Lý)” (Giăng 14:17). Cơ Đốc nhân “biết lẽ thật (chân lý), và lẽ thật (chân lý) sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32) khỏi những điều bất chính để có “sự sống” như Chúa Jêsus, Đấng “Công Chính”.

3. Người Vinh Hiển. Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người “như hình ta và theo tượng ta” (Sáng-thế ký 1:26) thì con người có sự vinh hiển như Ngài. Nhưng sau khi loài người phạm tội, thì sự vinh hiển không còn. A-đam và Ê-va cảm thấy thân thể mình “lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân” (Sáng-thế ký 3:7) và không dám gặp mặt Đức Chúa Trời vinh hiển. Đức Chúa Trời đã giết con thú, lấy da làm áo mặc cho A-đam và Ê-va : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho” (Sáng-thế ký 3:21). Từ đó, con người dùng quần áo, trang phục để tạo vinh hiển, danh giá cho thân xác.

Đức Chúa Trời tạo nên muôn loài, vạn vật, Ngài không đặt tên cho chúng, nhưng khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người thì Ngài đặt tên người nam là A-đam và người nữ là Ê-va. Vợ chồng A-đam và Ê-va sinh con và đặt tên con của mình. Cha mẹ đặt tên con với ước vọng nào đó nơi con.

Những người tài danh, ngoài tên mình còn có biệt danh. Thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu có biệt danh là Tản Đà. Thi sĩ lấy ten núi Tản, sông Đà để mọi người biết mình ở Sơn Tây. Nhà cách mạng Phan Bội Châu có biệt danh là Phan Sào Nam, trích hai chữ Sào Nam nơi câu “Hồ mã tế bắc phong, Việt điểu sào nam chi” - Ngựa Hồ hí gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Ca sĩ Chế Linh không biết tên thật là gì, người ta cho biết ca sĩ này đến tuổi động viên mà không được vào lính, bị lính chê nên lấy biệt danh là Chế Linh.

Tên mình được “vinh danh” là mình được vinh hiển. Người vinh hiển nơi trần thế khi tên được “Bảng Vàng Đề Danh Hiệu”. Ngày nay danh - tên được ghi nơi đường phố như : Đường Trần Hưng Đạo, Đường Lê Lai.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cơ Đốc nhân chân chính được “biên tên trong sách sự sống của Chiên Con” (Khải-huyền 21:27) là quá vinh hiển. Cơ Đốc nhân không vinh hiển bằng danh, song được vinh hiển bằng chính con người mình. Cơ Đốc nhân chân chính có Cha là Đức Chúa Trời vinh hiển. Sự vinh hiển của Ngài được vua Đa-Vít ca tụng : “Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm” (Thi-thiên 19:1).

Cơ Đốc nhân chính là “công việc tay Ngài làm”, nên Cơ Đốc nhân là người Vinh Hiển. Cơ Đốc nhân có Cứu Chúa Jêsus vinh hiển, nên người Vinh Hiển luôn “ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha” (Giăng 1:14), “Chúng ta ai nấy đều để mặt trần mà nhìn xem vinh hiển Chúa như trong gương, thì hóa nên cũng một ảnh tượng Ngài, từ vinh hiển qua vinh hiển, như bởi Chúa, là Thánh Linh” (II Cô-rinh-tô 3:18). Bởi vinh hiển như Chúa Jêsus, nên người đời gọi người tin Chúa là Cơ Đốc nhân - Christian “Ấy là ở thành An-ti-ốt, người ta bắt đầu xưng môn đồ là Cơ-rê-tiên (Bản Anh ngữ New America Standard Bible - Christians)” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:26). Cơ Đốc nhân là người Vinh Hiển nên chẳng bao giờ tạo vinh hiển cho mình, nhưng sinh động hằng ngày “hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31). Cơ Đốc nhân chân chính luôn “làm việc lành” để người đời “thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Địa vị của Cơ Đốc nhân đẹp tuyệt vời vì Đức Chúa Trời đã “trang bị” trong mỗi con cái Ngài ba yếu tố người mới, người công chính và người vinh hiển. Hãy sống xứng đáng với địa mình được Chúa “trang bị”.

Vài lời tâm tình

Mỗi lần được nghe bản Thánh Ca 111 CHÚA SỐNG tại HT Kingsgrove, lòng tôi, một con cái Chúa cao tuổi, hết sức xúc động, nhất là khi nghe câu cuối : Nếu hỏi Chúa sống đâu nào? Rằng, Chúa sống trong lòng này. Mời quý vị và quý anh chị nghe bản Thánh Ca 111 Chúa Sống, trong kênh youtube :

https://www.youtube.com/watch?v=qYxqH2yBLTo&ab_channel=VietGraceChurch