Description: images               GẶP GỠ

 

 

Bác sĩ bước ra phòng đợi, hướng về những bệnh nhân đang ngồi rất đông, gọi to:

-       Mrs. Nguyen.

Người đàn bà Việt Nam đứng lên, bước chầm chậm đến phòng bác sĩ. Dù cô có chiều cao trung bình, nhưng vì cô quá gầy nên trông lỏng khỏng. Những bước chậm cùng với gương mặt xanh xao bày tỏ được tình trạng sức khỏe của cô. Mái tóc cô được che bằng một khăn trắng quấn ngang, chỉ để lộ gương mặt tuy xanh xao nhưng điềm đạm.

Sau khi xem kỹ hồ sơ đang để trước mặt, vị bác sĩ chuyên khoa về bệnh phụ nữ nhẹ nhàng nói với cô:

-       Theo kết quả của cuộc thử máu và các cuộc thử nghiệm, tôi xin xác nhận rằng cô đang bị ung thư tử cung, cần phải được giải phẩu. Chúng tôi sẽ báo cho cô ngày giải phẩu để cô chuẩn bị nhập viện.

Người đàn bà nhẹ nhàng hỏi người thông ngôn:

-       Xin hỏi giùm tôi ung thư của tôi thuộc dạng nào, tôi là người chưa từng lập gia đình sao lại bị ung thư tử cung? Có phải vì biến cố đã xảy ra cho tôi mà tôi bị ung thư không?

Bác sĩ hỏi:

-       Biến cố gì?

Người đàn bà trình bày ngắn gọn, không ngập ngừng:

-       Tôi là một nữ tu Công Giáo. Sau biến cố 1975, nhà cầm quyền đóng cửa các tu viện, đuổi chúng tôi ra ngoài. Gia đình tìm cách cho tôi vượt biên. Trên đường vượt biên, tôi đã bị hải tặc. Nhiều người lắm bác sĩ ạ! Có phải vì vậy mà tôi bị ung thư tử cung không?

Giọng nói của bác sĩ nhẹ nhàng hơn:

-       Không! Ung thư của cô thuộc dạng của những phụ nữ không lập gia đình. Không phải vì biến cố đó đâu.

Sau giờ làm việc, trên chuyến xe lửa về nhà, thường người thông ngôn đọc sách hoặc báo để giết thì giờ, vì đường về rất xa, nhưng buổi chiều hôm ấy, cầm tờ báo trên tay nhưng không đọc được.

Một thời gian sau, không nhớ rõ là bao lâu, có thể sáu tháng hoặc một năm, vào một buổi trưa tại bệnh viện, người thông ngôn gặp lại bệnh nhân này. Cô đang ngồi trên giường, chờ xuất viện. Bác sĩ đến bên cạnh giường, cũng là vị bác sĩ chuyên khoa phụ nữ cô đã gặp. Tương đối đã quen với cách làm việc của các bác sĩ Úc, người thông ngôn biết rằng họ phải giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp, ít để các xúc cảm của họ lộ ra. Họ phải báo tin vui cũng như tin buồn trong bình tĩnh.

-       Chúng tôi xin cô hiểu rằng chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng không thể giúp cô hơn được nữa. Bệnh của cô đã đến giai đoạn cuối cùng. Cô về nhà, vui với gia đình.

Cô nhẹ nhàng, dịu dàng nói với người thông ngôn:

-       Hỏi dùm tôi xem tôi còn được bao lâu nữa?

Lần này, bác sĩ để lộ xúc cảm. Ông trả lời câu hỏi bằng một vẻ trân trọng, yêu thương, đúng như tinh thần lương y như từ mẫu:

-       Tối đa là sáu tháng.

Cô im lặng, trầm ngâm, không hỏi nữa. Thông thường sau những trường hợp đặc biệt, người thông ngôn ngồi lại trò chuyện với bệnh nhân nếu thì giờ cho phép. Hôm ấy, vì bận một việc ngay sau đó nên người thông ngôn không thể ngồi lại được.

Một lần nữa, trong đời làm việc, trên quãng đường xa về nhà, cầm tờ báo trên tay nhưng người thông ngôn không đọc được. Nhiều cuộc gặp gỡ đã xảy ra trong đời, mỗi cuộc gặp gỡ để lại trong lòng người thông ngôn những xúc cảm khác nhau. Người thông ngôn vẫn còn giữ được nguyên tắc riêng của chính mình, không khóc không cười trong giờ làm việc, dù buổi trưa hôm nay, phải quay mặt nơi khác để đừng khóc trước mặt bệnh nhân. Dù đã bao lần tránh né câu hỏi phải đặt ra, trong những giờ phút riêng tư với Chúa hay trước một đám đông, chiều hôm nay, người thông ngôn phải đối diện với câu hỏi: Sao Chúa lại để điều ác xảy ra? Chúa có cùng đi với con dân Ngài khi người đó đối diện tử thần không?

Nhiều năm đã trôi qua sau lần gặp gỡ ấy và bây giờ người thông ngôn đã hiểu rất rõ vì sao trong bao cuộc gặp gỡ tại bệnh viện, người thông ngôn lại nhớ người đàn bà này nhiều nhất. Thái độ trầm tĩnh của cô, gương mặt dịu dàng của một nữ tu, trước bao nguy biến, hung tin của cuộc đời, cô vẫn giữ được nét nhu mì, hiền lành của một tâm hồn trong trắng, bụi đời không biến cô thành một nhánh gai, cô mãi mãi là người con gái yêu thương của Chúa. Cô yên lặng đón hung tin từ bác sĩ và đã yên lặng chuẩn bị ngày về cùng Cha sau những năm trong cuộc đời Cha đã ban cho, cũng giống như người thông ngôn, sau một ngày dài mệt mỏi trong bệnh viện, trở về cùng với gia đình trên một chuyến xe lửa.