Lại Một Mùa Giáng Sinh        

 

Vừa bước chân ra khỏi bưu điện Marrickville, cái nắng ban trưa vào tháng mười hai hắt vô mặt làm tôi khó chịu đến độ phải nhăn cả mặt lại để cố chống chỏi với ánh nắng thiên nhiên hiện giờ.

 

Xứ Úc này là như vậy đó, một năm vẫn có đủ bốn mùa nhưng không một mùa nào có cùng mùa với phần đông quốc gia khác trên thế giới tuy thời gian giống nhau.  Như giờ này, các xứ ở Mỹ Châu, Âu Châu, tuyết đang bắt đầu rơi... Những bạn bè thân quen và các em tôi ở nơi đó thường viết thư qua kể thời gian bắt đầu có tuyết, ban đêm họ thường mở cửa sổ phòng nhìn ra ngoài bầu trời thấy cả màu đen sâu thẳm và trước mắt họ là tuyết trải nhiều lớp trên sân nhà, trên cỏ cây và lối đi… Hai màu sắc thật tương phản nhau!

 

Ngược lại, ngay lúc này tôi cảm thấy cổ mình khô cứng, trời nắng cháy như muốn đốt vào da thịt; những ngọn gió nóng hừng hực từ đâu thổi tới liên tục làm tôi nghe thèm khát một ngụm nước mát nào đó.  Hơn lúc nào hết, tôi ước gì đây là xứ sở mình để không phải đi tìm nơi nào cho xa xôi cả, tôi sẽ tấp vào chiếc xe bán nước rau má, đậu nành, nước mía hay quán nước dừa nào đó ở bên vệ đường, uống vô là hết khát ngay!  Ôi, chỉ mới tưởng tượng thôi mà tôi đã thấy mát cả cổ họng đang khô cứng với những ngụm nước mát chứa đầy tình quê hương.

 

Mặt tôi bây giờ nóng ran, lưỡi bắt đầu khô lại, tôi chợt nhớ ra lúc ban nãy ở trong bưu điện tôi đã thè lưỡi dán gần mười lăm con tem lên ngoài bì thư của những tấm thiệp mà tôi muốn gởi đến những người thân quen đang ở các quốc gia nhân dịp mừng Lễ Giáng Sinh sắp đến.  Đó là lý do đã làm tăng thêm sự khát nước đến với tôi.  Không còn bao nhiêu ngày nữa là đến ngày lễ kỷ niệm Chúa xuống thế làm người và để chết thay tội lỗi cho chúng ta trên thập giá khổ hình.  Tuy là buổi trưa, trời đang nắng gắt nhưng lớp người đi mua sắm chuẩn bị cho ngày Lễ Giáng Sinh gần kề ở hai bên đường thật ồn ào, tấp nập.  Họ đi có vẻ vội vàng, đi thật nhanh như chen bước lẫn nhau, như mong mua được những món hàng rẻ, đẹp hay mong kịp trở về nhà sớm để lo được những công việc khác và dường như ngày Giáng sinh càng kề cận bao nhiêu thì công việc làm lại trở nên bận rộn và bề bộn hơn bấy nhiêu.

 

Từ bưu điện, hòa theo lớp người mua sắm đồ tôi đi ngược về hướng ngã tư Marrickville Road & Illawarra Road, vừa đi tôi vừa đưa mắt tìm một nơi có bán nước ngọt, cố mua một lon nước để giải khát.  Vô tình, chân tôi vấp phải vào chân một ông già, cũng may là cái vấp nhẹ nên tôi chỉ nhào thêm về phía một …bước  …rưỡi nữa chứ không đến nỗi để màn “chụp ếch” diễn ra trrước đám đông, rồi tôi kềm chân mình đứng vững lại và quay về phía ông ta nói tiếng “xin lỗi”.  Khi tôi vừa dứt tiếng, đôi mắt ông già chỉ thoáng nhìn lên tôi rồi từ từ cúi đầu xuống.  Tôi vừa dợm bước đi vừa cố xoay người lại nhìn vào ánh mắt ông ta với cặp mắt ngại ngùng của mình ngầm mong đợi sự tha thứ hay chấp nhận sự giận dữ biểu lô từ nơi ông ấy.  Nhưng không, ông không hề nhìn vào tôi lấy nửa cái nhìn khiến tôi hơi “quê”.  Sau khi mua được một lon nước cam tôi tiếp tục bước đi đến trước ngã tư đứng chờ đèn báo hiệu “dành cho người đi bộ”.

 

Ở các ngã tư, thường những người đi bộ phải chờ hơi lâu mỗi khi muốn băng qua con lộ.  Đứng chờ đèn báo hiệu, chẳng hiểu vì sao lòng tôi mãi nghĩ đến người đàn ông kia với những thắc mắc và cảm nghĩ của mình.  Đèn xanh bật lên chữ ‘walk”, tôi theo đoàn người băng qua bên kia đuờng rồi đi dọc xuống về hướng nhà tôi.

 

Vừa đi, tôi vừa nhìn qua con đường nơi có ông già ngồi.  Lúc này, tôi có dịp nhìn kỹ về con người của ông hơn và dường như khi biết đã có người va vào chân mình ông ấy ngồi co rụt hai chân lại, hai tay vòng bó gối và đầu ông vẫn cúi xuống nhìn vào một khoảng không.  Nhìn ông, tôi cứ thắc mắc và muốn biết ông ấy đang nghĩ gì hay chẳng nghĩ gì cả (?).  Ông không cảm thấy rộn lòng trước cảnh vật chung quanh khi mọi người đều nô nức mua sắm đón chờ một mùa Giáng sinh mà cả thế giới đều biết.  Ông không cảm thấy nóng nực trước ánh nắng ban trưa của mùa hè chiếu xuống mặt đường và rọi thẳng vào người ông sao?

 

Tôi đang bực mình vì sức nóng mặt trời hắt vào người tôi mặc dầu phía bên đường tôi đi không có một ánh nắng nào nhưng cổ tôi, lưng áo tôi băt đầu nghe ươn ướt của các tuyến mồ hôi khi nhìn qua đầu tóc lờm xờm và chòm râu dài của ông trông thật dơ dáy, nóng nực.  Đã thế, khi nhìn xuống đến chiếc áo ka-ki xanh của ông đang mặc trên người và chiếc quần ka-ki đen bạc màu đã rách ở hai đầu gối, tôi nghe hai vành tai của mình nóng ran lên.  Có lẽ đây là bộ đồ tứ mùa của một nguời vô gia cư, vô nghề nghiệp như ông.  Lòng tôi đang muốn biết ông nghĩ gì về mỗi lần mùa Giáng Sinh đến.  Ông có đang chờ đón ngày ấy cũng như chính tôi đang rộn lòng mong đợi không?  Tôi tin chắc rằng dù không tin Chúa Jesus đi chăng nữa, ông ta cũng biết Chúa Jesus là Người từ đâu đến và đã ban cho nhân loại những gì chứ.  Riêng tôi, Giáng Sinh chỉ có ý nghĩa đối với người đã tin nhận Chúa Jesus.  Trước đây, là một người chưa tin Chúa Jesus, cứ vào mùa Giáng Sinh, tôi thấy mọi người đều hân hoan đón chờ vui vẻ nơi các Thánh đường, tôi không hiểu vì sao họ lại vui, lại mong đợi mau chóng đến ngày Lễ ấy.  Tôi cũng vui lây với họ nhưng lòng không có sự mong đợi hay đón chờ nào cả.

 

Hình ảnh nghèo khó của ông già ngồi bên đường làm tôi nhớ lại năm nào khi tôi còn ở quê nhà, cứ vào đêm 24-12 (rạng ngày 25-12) là nhà tôi tổ chức buổi “Réveillon” mặc dù gia đinh lúc đó chưa một ai tin Chúa Jesus.  Vào buổi chiều 24-12, sau khi cơm nước xong, bố me tôi và các chị em tôi lăng xăng chuẩn bị bữa ăn cho đêm “Réveillon”, chợt nhìn ra cửa thấy một em bé trai độ tám, chín tuổi, trên lưng lại đèo thêm một đứa em trai khoảng bốn-năm tuổi đứng ngay trước hàng ba nhà tôi song ca: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em, tại Trời xui khiến nên chúng mình đi xin”.  Tiếng hát vừa dứt, cả nhà tôi ai cũng phì cười với câu hát trên vì biết điệu nhạc trên do một ca sĩ nào đó của ngày xưa thường hát trên đài phát thanh mà giờ hai em bé này đã hát đúng theo điệu nhạc nhưng lời bị sửa đổi đi để cho đúng với hoàn cảnh của mình.  Không chờ hai em bé trên ngỏ lời xin, bố me tôi hiểu ý liền vô nhà trong lấy tiền và xúc gạo cho hai em.  Sau tiếng “cảm ơn”, vẫn câu hát đó hai em lại tiếp tục rảo bước qua các con đường khác trong chiều tối.

 

Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh của hai em bé xin ăn với thân xác gầy còm đó.  Nhất là mùa Giáng Sinh năm nay, ông già ngồi bên lề đường đã kéo trí nhớ tôi về lại với Giáng Sinh năm nào, với câu hát của hai em bé kia làm tôi nghĩ đến ngày Chúa đã xuống trần, hiện thân làm người để cứu chuộc tội lỗi cho chúng ta, đã đem tình thương đến với nhân loại; nhưng lòng người thường cứng rắn, chai đá, không tin nhận Ngài nên đã không được sự thăm viếng của Ngài.  Hai em bé ăn xin chưa biết đến Đấng yêu thương, chăm sóc.  Tôi còn nhớ một câu Kinh Thánh trong Thi Thiên của Vua Đa-vít viết: “Trước tôi trẻ, rày đã già nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ hay dòng dõi người đi ăn mày”.  Đọc lại câu Kinh Thánh này tôi ước ao Mùa Giáng Sinh năm nay có ý nghĩa với tất cả mọi người, khi tình yêu thương của Đấng yêu thương chan hòa trong đời sống của mỗi một người.

 

Tường Vi - 1984