Ngày nay con người tự hào về sự hiểu biết rộng của mình. Muốn biết vấn đề gì, thần học, tôn giáo, y khoa, dược khoa, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, âm nhạc, hay nghệ thuật v.v., dùng PC, Labtop Internet Google, chỉ trong một hai phút, điều mình muốn biết hiện ra ngay trên màn ảnh nhỏ.

Có nhiều điều ta biết, ngẫm nghĩ lại, biết làm gì nhỉ ? Chẳng lẽ chỉ để thỏa cái tự ái rằng mình biết rộng, hiểu nhiều ? Hay biết để thiên hạ “nể” , cái gì mình cũng biết chăng ?

Trong một bữa ăn với bè bạn thủa xa xưa, mọi người đều hăng say nói, người nọ ngắt lời người kia, tôi cảm thấy sao họ biết lắm thế. Bất cứ vấn đề gì, nhất là cuộc chiến Việt Nam, cũng được mọi người góp ý nhỏ - ý kiến hay góp ý lớn - ý voi. Chợt một người hỏi tôi :

- Sao ngồi ăn mà không nói chi vậy ? Tôi thành thật trả lời :

- Những điều tôi biết chẳng bao nhiêu, nên coi như không biết gì, biết chi đâu để góp ý.

Ngẫm nghĩ, chẳng lẽ để tỏ ra mình cũng biết như mọi người bằng cách nói vuốt đuôi hay nói hùa theo.

Cái muốn biết của con người thật bao la, ngoại trừ muốn “biết mình”, cái “biết” cần thiết như lời bình của Đức Khổng Tử sau đây.

Đức Khổng Tử hỏi thầy Tử Lộ :

- Thế nào là người trí ? Thầy Tử Lộ thưa :

- Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình. Thầy Tử Lộ là người vụ ngoại, chỉ cần cho người ta biết mình, hiểu mình. Đức Khổng Tử khen :

- Nhà ngươi nói vậy cũng khá gọi là người có học vấn.

Đức Khổng Tử đem câu hỏi đó hỏi thầy Tử Cống. Thầy Tử Cống thưa :

- Người trí là người hiểu người. Thầy Tử Cống là người quên mình mà chỉ nghĩ tới người. Đức Khổng Tử khen :

- Nhà ngươi nói như vậy cũng khá gọi là người có học vấn.

Đức Khổng Tử đem câu hỏi đó hỏi thầy Nhan Hồi. Thầy Nhan Hồi thưa:

- Người trí là người biết mình. Thầy Nhan Hồi không phải là người tư kỷ hẹp hòi mà là người biết nhận định sâu xa. Có biết mình mới tu tỉnh, mới lo cải hóa để trở nên người hay, người giỏi. Đức Khổng Tử khen :

- Nhà ngươi nói như vậy, đáng gọi là bậc Sĩ Quân Tử, là bậc thượng lưu trong xã hội, có đức hạnh, có học vấn.

Cái biết của Nhan Hồi thế gian không thiếu. Muốn giỏi trước hết hãy biết mình chưa giỏi đã. Đó là cái biết để thăng tiến.

Nhưng cái “biết mình” ra từ đâu, bản chất con người mình thế nào, và qua đời mình sẽ ra sao, thì nhất định bản tính Sa-tan lừa dối trong con người muốn chúng ta quên đi,  không muốn chúng ta “biết” tới, hoặc có “biết” cũng biết cách sai lầm.

Chúng ta đều biết mình ra từ cha mẹ, chứ chẳng ai từ lỗ nẻ rúc lên. Rồi cứ lần lên, cha mẹ từ ông bà nội ngoại, ông bà nội ngoại từ ông bà cố,rồi lên mãi, không biết ai sinh, nói mơ hồ theo cảm nhận : “Thiên sinh vạn vật, duy nhân tối linh” - Trời sinh ra muôn loài vạn vật, duy loài người là linh hơn cả. Nhưng bản tính Sa-tan lừa dối trong con người đã khiến nhân loại quên đi cảm nghĩ lương tri, và hướng về những huyền thoại, giả sử, tà giáo và khoa nhân chủng học. Dân Việt mình tự hào phát xuất từ Rồng với Tiên trong cái bọc trăm trứng của bà Âu Cơ với Lạc Long Quân. Dân Nhật rất hãnh diện về xuất xứ từ Thái Dương Thần Nữ. Dầu vậy, huyền thoại hay thần thoại cho chúng ta cảm nghĩ con người sinh ra từ linh giới, và những câu chuyện huyền thoại chỉ mang tính chất lịch sử dân tộc.

Còn khoa học, đặc biệt với thuyết tiến hóa của Charles Robert Darwin vào đầu thế kỷ thứ 18, con người được cho là con vật siêu đẳng, được biến hóa từ con vật thượng đẳng, một người “anh em” thuộc hàng kém hơn, giống vượn, giống hầu. Theo thuyết này, con người chẳng qua là một thứ khỉ tiến bộ, đã được biến hóa từ vượn lên người. Không biết ông Darwin đã khảo sát DNA của những bộ xương vượn tìm được bởi những nhà khảo cổ và so sánh với DNA của con người thời tiền sử chưa. Rất tiếc tôi chưa thấy một tài liệu nào của ông, cũng như của những người đồng ý sau đó cho đến ngày nay, đề cập tới vấn đề này. Đó là một thực trạng khiến chúng ta biết rằng, thuyết tiến hóa chỉ là một giả thuyết, không hơn không kém. Một điều khôi hài là nếu những vị đồng tình với thuyết tiến hóa bị nói là đồ khỉ thì chắc bực bội, giận liền. Lương tri không cho phép chấp nhận “tổ tiên” mình hay bản thân mình là đồ khỉ.

Phật giáo tin vào thuyết luân hồi, chẳng biết mình xuất thân từ giống gì, từ thú vật nào, hay kiếp trước vốn cũng là người, nay đầu thai làm người tiếp. Mình hoàn lại mình tuy có khác giống, khác người, ngẫm đi nghĩ lại phải chăng trên đời làm gì có bà con, một bố mẹ với tình mẫu tử tình phụ tử từ kiếp này qua kiếp kia. “Ơn nghĩa sinh thành” mất đi ý nghĩa, và chỉ còn “báo đáp ơn dưỡng dục” của phận làm con. Đâu còn cảm xúc sâu xa “vì ai mà có ta”. Làm sao chúng ta có thể tự nhiên chấp nhận như vậy.

Tôi tin rằng chính những ý tưởng Sa-tan trong chúng ta đã đánh lạc hướng cái “biết mình” của chúng ta như vậy để chúng ta không còn “tưởng nhớ Đấng Tạo hóa ngươi (chúng ta)” (Truyền-đạo 12:1).

Khi con người đã quên nguồn gốc, trở thành thân phận mồ côi, lúc đó họ chẳng dám nghĩ hay biết tới nơi nào “quay đầu về”, lang thang trong dòng đời bất định. Họ sẽ có những lúc chợt nghĩ không biết mình từ đâu đến, sống làm gì đây, và lúc chết sẽ ra sao, đi về nơi nao. Đành rằng “sanh ký, tử quy” - Sống gửi thác về, nhưng biết về đâu ? Phải chăng mơ ước một nơi cực lạc, nhưng biết mình khó đạt tới, thôi đành xin được “đầu thai” làm người vậy? May mắn được làm người là lại bước vào vòng khổ lụy một lần nữa. Hoặc chán chường với kiếp làm người, ước mong : “Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” hay “Làm con chim én lượn bay giữa trời”. Thế mà bằng lòng, mà tin được sao.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Không, chúng ta cậy ơn Chúa không để cho ý tưởng Sa-tan lừa dối, chúng ta “biết mình” do Đức Chúa Trời dựng nên, luôn luôn “tưởng nhớ (đến) Đấng Tạo hóa” (Truyền-đạo 12:1) và đích của chúng ta nhắm tới là “ơn cứu rỗi” và “cõi đời đời”.

Vài lời tâm tình

Ngày Nhớ Ơn Mẹ đã qua. Tôi hơi buồn vì không đến được Lễ Thờ Phượng Chúa ngày hôm đó. Cứ mỗi lần Ngày Nhớ Ơn Mẹ tôi lại nghĩ đến quý chị cao niên, những bà mẹ Việt Nam trong Hội Thánh Kingsgrove, và tôi đều muốn gửi đến quý chị là lời chúc mừng. Tôi chúc mừng vì tôi thấy quý chị đã được đầy ơn phước Chúa ban lúc tuổi già. Chị nào cũng được các con, chồng hoặc người quen săn sóc, lo lắng về sức khỏe và tinh thần để có thể đến thờ phượng Chúa đều đặn. Một tấm gương đẹp nhất mà tôi thấy là một chị cao niên đã trên chín chục tuổi vẫn được con trai, con dâu và cháu đưa đến thờ phượng Chúa hàng tuần, nét mặt chị thật bình an vui thỏa. Cảm ơn Chúa và cũng chân thành cảm ơn cậu con trai của chị, cùng gia đình đã cho những người con của thời đại này một tấm gương của lòng hiếu thảo đối với cha mẹ già.