Thái độ khinh người khiến ta ở thế chủ động, khiến người bị khinh thường lúng túng, ta cảm thấy mình không làm điều đáng khinh. Tự ái dâng cao với hào nhoáng tưởng tượng. Người khinh ta đưa ta vào thế thụ động, cúi đầu thầm lặng hay uất hận chờ dịp trả đũa.

Tùy theo tri thức, đạo đức, chúng ta có thể tự chế, không cho phép mình khinh người. Nhưng không ai có thể bắt người khác không được phép khinh mình. Phải làm sao đây khi bị người coi thường ? Chúng ta đừng lo người ta coi thường mình, mà nên lo mình có điều đáng khinh hay không.

Thường có những người sợ bị khinh, đôi khi sợ ngay cả “con nít nó cười cho”. Phải chăng đó là sự yếu đuối, một nhược điểm của những người này. Một số trong họ, nếu có tài, có uy quyền, thì họ phô trương ngay để mình không bị khinh.

Trong thời Tam Quốc, Trương Phi đem quân đến đánh Tây Xuyên bắt được tướng Nghiêm Nhan. Nghiêm Nhan bị điệu đến trước mặt Trương Phi. Nghiêm Nhan không quỳ, sắc mặt cũng không thay đổi trước vẻ oai phong lẫm liệt của vị tướng chiến thắng Trương Phi. Trương Phi cảm thấy mình bị coi thường (khinh), đùng đùng nổi giận, hô quân chém gấp. Nghiêm Nhan nạt :

- Thằng thất phu, chém thì chém, việc gì mà giận dữ vậy ?

Tướng thắng trận Trương Phi không thể khinh thường bại tướng Nghiêm Nhan. Trương Phi bước tới mở trói cho Nghiêm Nhan và thưa:

-Tướng quân quả là tay hào khiệt trong thiên hạ.

Thế mới biết, trong con người có điều đáng khinh thì không có cái gì bên ngoài làm cho con người này trở nên đáng trọng, trở nên có giá trị. Quyền uy trong tay kẻ đáng khinh, chỉ là thứ bạo quyền. Giầu có của cải, tiền bạc, trong tay kẻ đáng khinh chỉ là thứ trọc phú. Tri thức ở nơi người đáng khinh sẽ trở thành trí thức vô bổ ích cho trần thế. Trương Phi oai quyền giữa ba quân, nhưng làm chuyện thiếu suy nghĩ, ăn nói thiếu sáng suốt, nên đã bị mắng là “thằng thất phu”.

Thế mới biết, trong con người có điều đáng kính, thì không có gì bên ngoài làm cho con người trở nên mất giá, có thể khinh được. Với tinh thần vững mạnh, biết tự trọng, tự chế, tự quản, bại tướng Nghiêm Trang vẫn là tay “hào kiệt” trước mắt Trương Phi.

Bị khinh là bị nhục. Người không biết nhục khi mình có điều đáng khinh thì hết chỗ khinh. Nhưng người biết nhục mà không cảm thấy nhục thì hẳn là có chuyện khác thường.

Hàn Tín luồn trôn thằng bán thịt giữa chợ vẫn không cảm thấy nhục, chỉ vì đang nuôi một chí lớn. Nguyễn Công Trứ phải khoác áo lính trấn thủ vẫn không lấy làm nhục vì “Khi là tướng không lấy làm vinh, thì khi làm lính không coi là nhục ”. Trên đời mấy ai hiểu được vinh nhục nơi mình.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Là con cái Chúa đem hết lòng tin của mình đi nói về Tin Lành, đôi lúc chúng ta kinh nghiệm bị khinh rẻ, vì người đời gắn cho chúng ta nào mù quáng, nào ngu dốt. Nhưng chắc chắn chúng ta không cảm thấy gì là nhục. Tưởng rằng nhục mà kỳ thật là vinh. Tưởng là tủi nhục mà là phước hạnh. Lời Chúa Jêsus dạy rằng : “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy. (Ma-thi-ơ 5:11-12). Nên khi các môn đồ của Chúa Jêsus bị người ta chê cười, khinh bỉ, bạc đãi, thì “đều hớn hở về mình đã được kể là xứng đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus.” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:41). Thánh Phao-lô còn khoe được bị khinh, được bị nhục. Thánh Phao-lô đã tâm sự “chúng tôi…... giống như tù phải tội chết, làm trò cho thế gian, thiên sứ, loài người cùng xem vậy. Chúng tôi là kẻ ngu dại vì cớ Đấng Christ…… chúng tôi yếu đuối ……  chúng tôi khinh hèn…… bị người ta vả trên mặt…… bị bắt bớ…… bị vu oan…… chúng tôi giống như rác rến của thế gian, cặn bả của loài người…” (I Cô-rinh-tô 4:9-13).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đã chịu nhục, bị khinh rẻ vì danh Chúa lần nào chưa ? Tại các quốc gia tự do, trong đó có Úc Đại Lợi, tôi tin rằng nếu có, cũng ở thứ nguyên rất thấp. Trong một buổi họp mặt với họ hàng, bè bạn, khi tôi vừa nói đến tại sao tôi đã tìm đến niềm tin Cơ-Đốc, thì một vài người thở dài hơi to, chứng tỏ sự bực mình, vài người nói thẳng buổi họp mặt để bè bạn tâm sự không thích hợp cho những mẩu chuyện tôn giáo. Và sau vài lần như vậy, tôi không còn được mời đến dự những buổi họp mặt với bè bạn nữa. Người trần thế thời nay có thiết gì đến tôn giáo đâu. Chúng ta cũng chẳng phải là nhà truyền giáo đã được huấn luyện nói gì về Tin Lành để người có không có tôn giáo hay người có tôn giáo khác chịu ngồi nghe. Mời bè bạn, họ hàng đến nhà thờ của Hội Thánh, một vài người đến, nhưng đúng một hai lần, rồi sau đó họ cũng từ chối khéo. Tiếp tục mời, thư mời không được trả lời. Gọi điện thoại, nếu gặp, bị từ chối khéo, đang bận, kèm thêm một vài chữ “Xin đừng phí thì giờ của nhau” . Tôi hơi ngượng ngùng, vì bị khinh, không được tiếp chuyện. Đó là sự khinh mà tôi gặp phải. Quá nhẹ.

Nhưng tại các quốc gia mà quốc giáo là Đạo Hồi, hoặc tại một vài nước còn theo chế độ Cộng Sản, một số con cái Chúa đã bị bách hại trắng trợn bị tử hình, bị hành hạ, bị khinh khi, chịu nhục nhã. Khi bảo chối Chúa thì được tha chết, được phục hồi nhân quyền, những con cái Chúa này nhất định không. Họ đã noi gương Chúa Jêsus, “như chiên câm” (Ê-sai 7:) “khinh điều sỉ nhục” (Hê-bơ-rơ 12:2). Những con cái Chúa này đã được hầu hết con cái Chúa trên thế giới hỗ trợ, qua Hội Đồng Nhân Quyền Thế Giới, cả hai phía vật chất, tinh thần.

 

Đối với việc “bị khinh, bị nhục” vì cớ Danh Chúa thì chỉ có thể hóa giải bằng cách “khinh điều sỉ nhục”. Nguyện xin Chúa ban ơn phước cho những con cái Ngài đang bị bách hại, khinh khi, nhục nhã vì cớ Danh Ngài.