Quan tòa Phi-Lát hỏi Chúa Jêsus: “Lẽ thật (chân lý)  là cái gì?” (Giăng 18:38).

Chân lý là cái gì mà bao nhà hiền triết, nhà đạo đức đã và đang cố gắng tìm ra cho bằng được. Có người đã tìm ra kết quả, ra hiệu năng của chân lý mà cứ ngỡ là nguồn cội chân lý. Có người đã tìm ra được cái hữu lý lại đinh ninh là chân lý.

Vùng trời Á Châu đã có biết bao vị đi tìm chân lý, và mỗi chúng ta ít ai không biết tới hai vị danh tiếng nhất là Đức Phật Thích Ca và Đức Khổng Phu Tử.

Chân lý mà Đức Phật Thích Ca đã tìm được là Tứ Thánh Đế hay Tứ Diệu Đế gồm có : Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

1.Khổ đế - Trong đời người, sinh-lão-bệnh-tử là khổ, mọi sự không như ý là khổ, ước vọng không thành là khổ, và hàng trăm thứ khác tạo thành bể khổ mà con người đang ngụp lặn trong đó. Đức Phật đã nói : Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển.

    2.Tập Đế. Đó là kết hợp, nguồn gốc của khổ, phát xuất từ “ái dục” trong con người. Ái dục làm cho ta ham sống, sợ chết, phải lẩn quẩn trong kiếp luân hồi. Tập Đế gồm thập nhị nhân duyên : 1) Vô-minh (mê muội),  2) Hành (làm), 3) Thức (biết), 4) Danh Sắc ( tên và sắc thái của mọi vật), 5) Lục xứ hay Lục nhập (6 giác quan tiếp xúc với ngoại vật là tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý), 6) Xúc (tiếp xúc với âm thanh, hình sắc ngoại vật), 7) Thụ (chịu ảnh hưởng ngoại vật), 8) Ái (yêu), 9) Thủ (nắm giữ), 10) Hữu (có), 11) Sinh (sinh ra), 12) Lão Tử (già rồi chết). Mười hai nhân duyên này trói buộc chúng ta bào bể khổ, Tập Đế.

    3.Diệt Đế. Là dứt bỏ, đoạn tuyệt. Phải diệt bỏ cái Ái Dục. Phải gỡ nút tất cả mười hai nhân duyên ra khỏi cuộc đời.

    Đạo Đế. Là con đường phải theo để gỡ nút mười hai nhân duyên, Đạo Đế gồm có Bát Chính Đạo : 1) Chánh kiến (nhận định đúng), 2) Chánh tư duy(suy nghĩ đúng), 3) Chánh ngữ (lời nói đúng), 4) Chánh nghiệp (làm đúng), 5) Chánh mệnh (sống đúng), 6) Chánh tinh tấn (cố gắng đúng), 7) Chánh niệm (ý niệm đúng), 8) Chánh Định (Thiền định đúng). Nhưng Đức Phật không dạy thế nào là “đúng” trong cả Bát Chính Đạo.

Bất cứ ai nhận biết được Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế rõ ràng, và theo đúng được Bát Chính Đạo của Đạo Đế, tức là qua được Tứ Thánh Đế, sẽ tới Niết Bàn, là trạng thái sắc sắc không không trong tâm thức. Và đó là con đường giải thoát, đường tu trọn vẹn.

Chân lý của Đức Khổng Tử dựa trên căn cơ với hiện hữu của Trời, Đấng hướng dẫn cho ý nghĩ và hành động của con người, và chân lý của Đức Khổng Tử là học hỏi và suy tư. Học để rút kinh nghiệm của tiền nhân. Suy tư để tìm ra đường lối mới. Trước kia Đức Khổng Tử chỉ lo suy tư, nhưng sau Ngài nói : “Trước đây ta mảng trầm tư mặc tưởng mà trọn ngảy quên ăn, trọn ngày quên ngủ. Xét ra sự ấy không mấy ích cho ta bằng học” (Sách Luận Ngữ). Cũng như Đức Phật trên con đường đi tìm chân lý, Ngài cũng đã lầm khi dùng phương pháp khổ hạnh. Ngài bỏ đường lối khổ hạnh và trở về với lẽ phải thông thường, Ngài xuống sông tắm gội cho thân thể sạch sẽ nhẹ nhàng, uống bát sữa hòa mật ong của nàng Sujata bố thí, Ngài đến gốc cây bồ đề ngồi suy tư thiền định và đạt được Tối Chính Giác.

Đức Khổng Tử đả để tâm trí vảo việc học từ hồi 15 tuổi. Lúc về già, Ngài tâm sự rằng “Đến 30 tuổi, ta vững chí mà tiến lên trên đường đạo đức. Đến 40 tuổi, tâm tư ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái, đạt được sự lý, chẳng còn nghi hoặc. Qua 50 tuổi, ta biết mạng Trời, là căn cốt và định mệnh con người. Đến 60 tuổi, lời chi, tiếng chi lọt vào tai ta, thì ta đã hiểu ngay, chẳng còn suy nghĩ lâu dài. Đến 70 tuổi, trong tâm ta dầu có muốn sự chi cũng chẳng hề trái phép” (Sách Luận Ngữ).

Những điều Đức Khổng Tử tìm ra được và Ngài cho là chân lý cần biết gồm :

1.Biết rằng trong thâm tâm mình có Trời là căn cơ chủ chốt (Thiên mệnh vi chi tính).

2.Biết rằng con người sinh ra là cốt để thực hiện một định mệnh sáng cả, làsống một cuộc đời toàn thiện, thuận theo thiên lý, sống phối kết với Trời (Xuất tính chi vi đạo).

3.Chủ trương rằng con người phải làm bừng sáng ngọn lửa chân thiện mỹ, vốn đã tiềm ẩn, đã âm ỉ nơi đáy lòng: Phải tiến mãi trên đường tu đức, tu đạo cho đến chỗ chí thành, chí thiện (Đại Học).

Chân lý của Đức Phật lập căn cơ vào người. Chân lý của Đức Khổng Tử lập căn cơ vào Trời. Vậy chân lý là gì ?

Chân lý không phải là cái lẽ phải theo luân lý. Chân lý không phải là cái hữu lý đã được chứng minh. Ngay cả những định luật bất di bất dịch trong vũ trụ cũng không phải là chân lý. Làm sao chúng ta có thể gọi cái đèn điện, cái quạt điện, cái nút điện, sợi dây điện là điện được. Nó có điện chạy vào, nó chứa điện, nó hành động bởi điện, nhưng chắc chắn nó không phải là điện.

Chúng ta tìm được những định luật bất di bất dịch trong vũ trụ là vũ trụ đã chứa đựng chân lý. Chúng ta có lẽ phải, có cái hữu lý là chúng ta đã được chân lý chi phối. Vậy chân lý phải là Đấng đầu tiên, duy nhất đã dựng nên vũ trụ và vạn vật.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Đấng mà ngay câu đầu Kinh Thánh đã ghi : “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế-ký 1:1) là Đức Chúa Trời, là Đấng tự chứng rằng : “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” (Xuất Ê-díp-tô ký 3:14), là “Đức Chúa Trời, Đấng Hiện Có, Đã Có, Và Còn Đến, là Đấng Toàn năng, phán rằng: Ta là An-pha và Ô-mê-ga…. là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng” (Khải-huyền 1:8, 17). Đức Chúa Trời là Chân-lý, dầu “chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời” (Giăng 1:18).

Đức Chúa Trời là Chân-lý, là Đấng trước đây hơn hai ngàn năm “đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật (chân lý)” (Giăng 1:14), là Đấng tự chứng rằng : “Ta là đường đi, lẽ thật (chân lý), và sự sống” (Giăng 14:6). Đức Chúa Jêsus là chân lý. Nhân loại đã thấy Ngài. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận sự hiện hữu của Ngài tại thế. Nhân loại đã có Ngài không có nghĩa là nhân loại có chân lý. Chúng ta chỉ có được chân lý khi chúng ta tìm biết Ngài là Đấng Cứu Thế, chúng ta chỉ có được chân lý khi chúng ta tin nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình, và chúng ta chỉ hưởng được quyền lực của chân lý khi Chúa Jêsus sống trong chúng ta.

Đức Chúa Trời là chân lý. Đức Chúa Jêsus là chân lý. Ngài đã về trời trong thân xác con người, sau khi đã chịu chết trên thập tự giá đền tội cho loài người, Ngài bị trôn và đến ngày thứ ba Ngài sống lại. Sau khi Ngài sống lại để hoàn thành công cuộc cứu chuộc và xưng nghĩa cho loài người. Ngài về trời và sai Thánh Linh Ngài là Thần Chân Lý đến với loài người. Chúa Jêsus phán : “Ta sẽ sai Ngài đến…Thần lẽ thật (Thần chân lý) sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật (chân lý)” (Giăng 16:7, 13).

Ba Ngôi Đức Chúa Trời là Chân Lý. Mọi ý niệm của Ngài là chân lý, mọi lời nói của Ngài là chân lý, “Lời Cha tức là lẽ thật (chân lý)” (Giăng 17:17), “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Kinh Thánh là chân lý. Thế mà ngày nay biết bao người vẫn “bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:4).

Sự cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời là chân lý. Phương cách cứu rỗi của Ngài là chân lý. Nên “đạo chân thật (chân lý), là đạo Tin Lành về sự cứu rỗi anh em (Ê-phê-sô 1:13). Thế mà tội thay, biết bao người cố gắng “không chịu nghe đạo lành” (II Ti-mô-thê 4:3) là “” (Cô-lô-se 1:5), trong khi lại lần mò đi tìm chân lý (?) phù hợp với mong ước của mình, có những điều mình muốn.

Có điểm diệu kỳ về chân lý đích thực này. Chúng ta không cần nỗ lực tối đa để làm theo chân lý, mà chỉ cần biết đến chân lý, thừa nhận chân lý, rồi chân lý hành động, hành động trong chúng ta bởi chính năng lực của chân lý, để đem chúng ta đến chân lý. Công dụng của chân lý đích thực gồmtóm trong lời Chúa Jêsus phán : “Các ngươi sẽ biết lẽ thật (chân lý), và lẽ thật (chân lý) sẽ buông tha các ngươi” (Giăng 8:32).

Mục đích chân lý hành động trong chúng ta là để giải thoát, buông tha chúng ta ra khỏi mọi năng lực cầm giữ, hầu chúng ta đạt đến hai phương diện của chân lý, đó là sự thánh khiết trọn vẹn như “Đức Chúa Trời là Thánh” (I Phi-e-rơ 1:16), và sự yêu thương chân thật như “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” (I Giăng 4:5). Thánh khiết là chân lý. Yêu thương là chân lý.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa là chi thể của Đấng Christ, “tức là Hội thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật (chân lý)” (I Ti-mô-thê 3:15). Niềm tin của chúng ta đã lập trên một nền đã lập là “Đức Chúa Jêsus Christ” (I Cô-rinh-tô 3:15). Thánh Phao-lô đã cho biết Hội Thánh là trụ của chân lý. Phao-lô đã liên tưởng tới các trụ của đền thờ Đi-anh tại thành Ê-phê-sô, một trong bẩy kỳ quan của thế giới. Đền có 127 cột trụ đá cẩm thạch, vàng, bạc, kim cương sáng chói do 127 vua trên thế giới gởi tặng. Con cái Chúa chúng ta phải làm sao cho mọi người thấy được chân lý nơi Hội Thánh Đức Chúa Trời, nơi chúng ta. Đó là bổn phận và trách nhiệm của Hội Thánh Chúa nói chung, và của mỗi con cái Chúa nói riêng.

Thưa quý vị độc giả và quý anh chị bè bạn xa gần chưa phải là tín đồ Cơ-đốc,

Trong Kinh Thánh, lời vua Sa-lô-môn khôn ngoan khuyên rằng “Hãy mua chân lý” (Châm-ngôn 23:23). Và cái giá phải trả chẳng phải là tiền bạc, nhưng là tâm muốn đi tìm chân lý đích thực cho đời mình, nhất là những vị tuổi ngoài năm chục. cần điểm tựa cho những năm tháng về già. Người đang chia sẻ niềm tin Cơ-đốc với quý vị ước mong quý vị có thể bỏ chút ít thì giờ mỗi ngày, đọc loạt bài Niềm Tin tại mạng này và để tâm suy nghĩ. Và cũng ước mong những bài Chia Sẻ Niềm Tin tại đây sẽ giúp quý vị biết rõ chân lý đích thực một phần nào đó, và sau cùng ước mong quý vị đặt niềm tin đúng chỗ. Cám ơn quý vị và quý anh chị.