JERUSALEM

 

Xe bus đang chy bon bon trên xa lộ dài thẳng tắp của Do Thái tân kỳ vào thế kỷ thứ 21 và nhóm du khách người Việt đang ngủ gà gật trên xe sau buổi ăn trưa thịnh sọan, tiếng tour guide bỗng cất lên: “Xin chú ý, Jerusalem đang nằm bên trái quý vị.” Mọi người tỉnh ngủ hẳn, tán loạn lên, người cầm máy chụp hình, người cầm mobile phone, người cầm máy quay phim, tất cả đều trong tư thế sẵn sàng để gặp người trong mộng.

Và người trong mộng hiện ra trước mắt. Người yêu của những trang Kinh Thánh năm nào đang xuất hiện trong hình hài, xác thịt.

Không một thành phố nào trên thế giới có thể so sánh với em, vì không một mỹ nhân nào trên thế giới đã trên 3000 tuổi mà vẫn mang đầy đủ nét tuyệt mỹ, yêu kiều, sang trọng, đài cát quyến rũ, hấp dẫn như em. Em rất nhỏ bé, chỉ 121.1 km vuông với 800.000 dân số, so với Sydney 12.368 km vuông với 5 triệu 250 ngàn người, và Sàigòn 2096 km vuông và 8 triệu 224 ngàn người, em thật quá bé. Giòng sông Giô-đanh dài 120 km, chạy từ hồ Huleh cho đến Biển Chết là suối tóc của em, nguồn nước ngọt cho quốc gia nhỏ bé. Về phương diện địa lý, em được xem là trung tâm của quả địa cầu vì em nằm giữa Âu Châu, Á Châu và Phi Châu. Về các phương diện khác, em được xem là chiếc nôi của nền văn minh nhân loại. Bao nhiêu đế quốc bạo tàn, bao nhiêu sức mạnh kinh hoàng trên thế giới đã cố gắng đè bẹp em, xóa em trên bản đồ thế giới, nhưng em vẫn tồn tại và em sẽ mãi mãi tồn tại, vì em có một điều mọi dân tộc khác không có: Đức Chúa Trời của cả nhân loại đã nhận em là tuyển dân của Ngài.

Dù Sàigòn có hoa lệ đến đâu cũng không phải là hình ảnh tiêu biểu của Việt Nam cũng như dù Sydney có lớn và quan trọng đến đâu cũng không phải là đại diện cho cả Australia. Nhưng gọi tên Jerusalem không chỉ là gọi tên của một thành phố nhưng là gọi tên của toàn thể dân tộc Do Thái, gọi đến một lịch sử oai hùng, đẩm máu, với những trang sử vinh quang, những ngày  trên đỉnh chiến thắng rạng ngời và những lần tuột dốc thê thảm. Dù hôm nay, em là người tình muôn thuở của ba tôn giáo độc thần: Cơ đốc giáo, Do thái giáo và Hồi giáo, nhưng trên trang Kinh Thánh, Chúa của cả muôn loài đã dùng hình ảnh hôn nhân để ví sánh tình yêu của Ngài đối với em.

Jerusalem trước mắt nhóm du khách người Việt vào tháng 10 năm 2012 là một thành phố mới đã được người Do Thái góp tay, chung sức xây dựng lại từ sau Thế Giới Đại Chiến thứ hai. Jerusalem mang nét tân kỳ của thời đại mới với những xa lộ và một số cao ốc, nhưng vẫn giử được nét độc đáo của một quốc gia Trung Đông, nhà cửa không san sát nhau, rất ít chung cư và người tham quan không có cảm giác ngộp thở. Jerusalem mang một nét trật tự, ngăn nắp, gọn gàng, được sắp đặt một cách khéo léo của một căn nhà có chủ. Hai bên xa lộ là những nông trại trồng chuối, mọi loại hoa quả để thỏa đáp được nhu cầu của dân chúng, nhưng nổi bật hơn hết của vùng đất thánh vẫn là trái olive, lựu, chà là. Do Thái không phải là xứ đồng bằng như Việt Nam nên Jerusalem không nằm trên vùng đất bằng phẳng, người đi bộ phải vượt qua nhiều chỗ cao thấp, gồ ghề, khó đi. Du khách tràn ngập khắp mọi nơi và mang lại lợi tức lớn lao cho nền kinh tế Do Thái. Khách sạn mọc như nấm và nhà thờ cũng mọc như nấm. Bất cứ nơi nào mang di tích quan trọng của thời Chúa Giê-xu như vườn Ghết-sê-ma-nê, nơi ngôi mộ trống, nơi Chúa giảng trên núi, Cana nơi Ngài hóa nước thành rượu… đều có nhà thờ mọc lên, có khi của nhiều giáo phái khác nhau. Jerusalem nằm cách Địa Trung Hải chỉ 50 km nên bầu không khí trong lành với bầu trời xanh thanh khiết. Người đi lại trong thành phố thật tấp nập, tưng bừng, nhưng nhìn kỹ, sẽ thấy Jerusalem sống trong bầu không khí đề cao cảnh giác. Kẻ thù của em ở khắp mọi nơi. Người canh gác khách sạn mang súng. Quân nhân trên đường mang súng, đặc biệt là nhiều nữ quân nhân trên đường cũng mang súng. Nói đến Jerusalem mà không nhắc đến những người con gái Do Thái với nhan sắc đổ nước, nghiêng thành sẽ là một thiếu sót lớn. Nét đẹp lý tưởng của người con gái Trung Đông với làn da không quá trắng cũng không ngâm, chiều cao trung bình, dáng người thanh nhả, sang trọng, sóng mũi dọc dừa, đôi mắt to mơ mộng, trữ tình với đôi môi quyến rũ. Jerusalem đã rất quyến rũ và những mỹ nhân của Jerusalem càng làm cho Jerusalem quyến rũ hơn.

 

Có những du khách trong đoàn đã đi dạo Jerusalem vào ban đêm. Jerusalem không rực rỡ muôn màu như New York về đêm, nhưng vẫn có sức sống. Nhiều nhà hàng sang trọng mở cửa ban đêm và bên cạnh bờ sông có những show chiếu đèn màu thật hấp dẫn. Có người trong đoàn du lịch đã trở lại Dolorosa, con đường thương khó của Chúa, dù ban ngày tấp nập du khách, vì ai đã đến Jerusalem đều muốn được vinh dự bước lần theo Dolorosa của Chúa, nhưng Dolorosa về đêm vắng vẻ, đìu hiu, lạnh lùng, không ai bước đến. Dolorosa là bài học của đời em, nhắc nhở em muôn đời tội lỗi của em. Thánh Kinh đã nêu rõ là Chồng của em gọi em là người vợ lăng loàn, Chủ của em gọi em là đầy tớ gian ác, Chủ vườn nho gọi em là vườn nho hoang, không ích lợi cho Chủ. Nhưng bên trên mọi tội lỗi này, Dolorosa là cực điểm của tội lỗi em, nơi Đấng Tạo Hóa của muôn loài, cũng là Chồng và Chủ của em phải chịu thương khó vì em. Cho đến khi em biết tội mình và ăn năn, Jerusalem, em vẫn còn dưới sự rủa sả của Đấng ấy. Nhiều người tin rằng cuộc chiến cuối cùng sẽ hủy diệt thế giới sẽ bùng nổ tại Jerusalem.  

 

Tên gọi của em là Jerusalem, tiếng Do Thái là Jerushalayim, đã gây khó khăn cho các học giả muốn định nghĩa tên em và sau cùng họ đồng ý tên em mang ý nghĩa “nền của hoà bình”. Nhưng oái ăm thay, trong hơn ba ngàn năm hiện hữu, em ít khi tìm được hoà bình. Khi vua Đavít đã đánh chiếm được em từ tay người Giê-bu-sít, vị vua đại tài về quân sự và chính trị này đã biến em thành thủ đô của vùng đất thánh. Em đã bị kẻ thù san bằng nhiều lần trong hàng ngàn năm qua, nhưng em luôn luôn sống. Và hôm nay, dù em nhỏ bé vô cùng, sau Thế Giới Đại Chiến thứ hai, vào năm 1948 khi quốc gia Israel được tuyên bố có mặt trên bản đồ thế giới, em đã trở thành quốc gia bé nhỏ nhất với đầy máu lửa. Hiện nay, em đã bị chia ra làm bốn khu vực: của người Armenian, người Do Thái, người Hồi Giáo và Cơ đốc Giáo. Bốn nhóm người này với niềm tin khác nhau, phong tục tập quán khác nhau, hoàn cảnh chính trị khác nhau với người Do Thái và người Ả Rập là kẻ thù của nhau, nhưng bây giờ phải tập sống bên nhau trên một mảnh đất bé nhỏ được gọi là “Thành phố hòa bình.” Họ sống bên nhau như một đôi vợ chồng không còn chút tình yêu, chỉ cay đắng hận thù, không lối thoát.  Trên những con đường nhỏ, dốc và dài, ngoằn ngèo trên khắp thành phố Jerusalem, đoàn du khách thấy những người Do Thái mang đầy đủ nét đặc sắc của dân tộc: nón Do Thái, mái tóc của người rabi Do Thái, chiếc áo đen Do Thái, cùng chung với những người Ả Rập choàng khăn và ăn mặc theo Á Rập cùng với hàng ngàn du khách khắp mọi nơi trên thế giới, tạo nên một hình ảnh độc đáo, có một không hai của quốc gia nhỏ bé này. Rất nhiều người Do Thái khắp nơi trên thế giới đã trở về để cùng góp tay, góp sức xây dựng lại Jerusalem và đi giữa rừng người tại thủ đô, nhóm du khách người Việt biết rằng mình đang đi giữa rừng người đầy can đảm, hiên ngang, oai hùng, sẳn sàng hy sinh cho lý tưởng của quê hương, đổ máu để bảo vệ vùng đất thánh ông cha đã để lại. Từ bốn phương trời, họ đã trở về nơi quê cha đất tổ, nơi họ mãi mãi gọi là quê hương, nơi họ sẽ được sống trong ý nghĩa của yêu thương, của hòa bình, của tình anh em với những thách thức hàng ngày để chứng minh lòng hy sinh cho quốc gia, dân tộc.

Để gìn giử Jerusalem, em đã trả một giá rất đắc và Jerusalem vẫn còn trên bản đồ thế giới nhờ giòng giống kiêu hùng, thông minh, ngôn ngoan nhất thế giới. Từ xưa đến nay, dù lúc nào kẻ thù cũng vây chặc xung quanh, nhưng em vẫn tồn tại, vì từ em xuất hiện những anh hùng về mọi mặt: quân sự, kinh tế, tài chánh, khoa học, nghệ thuật… kể cả một số mỹ nhân lừng danh trên quả địa cầu cũng là người Do Thái.

Jerusalem hàng năm thu hút hàng triệu du khách, một phần nhỏ nhờ vào lịch sử oai hùng có một không hai, nhưng phần lớn là vì bàn chân của một Người đã đặt trên Đất Thánh. Khi Giáo Hoàng Paul II được đến viếng Do Thái lần đầu trong đời, từ phi cơ bước xuống, Giáo Hoàng đã quỳ và hôn đất thánh. Jerusalem, em có biết không, bụi đất của quê hương em không hơn gì bụi đất ở Sydney hay ở những thành phố khác đâu, nhưng hàng triệu con tim, hàng triệu tấm lòng hướng về em vì hơn 2000 năm trước đây, Chúa Giêxu đã được sinh ra đời mang hình hài của một người Do Thái. Đức Chúa Trời của cả nhân loại đã đến thăm thế giới Ngài sáng tạo. Bàn chân của Đấng Tạo Hóa đã đặt trên vùng đất hứa và từ đó, người ta gọi em là “Vùng Đất Thánh”.

Em không chỉ khiến cho người kính nể em đến phải quỳ trên đất của em nhưng còn là nguồn cảm hứng cho thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, là hồn của bao bài thơ, bài nhạc trên toàn thế giới. Được đặt bàn chân trên mảnh đất em là một vinh dự, vui mừng lời không thể diễn tả được, vì có những xúc cảm trong tâm ngôn ngữ con người không trình bày được, chỉ linh hồn người ấy cảm nhận được sức mạnh của tên em. Được đến gần em, con người thoát được những gì tầm thường trong cuộc sống mình và tâm hồn hướng đến những gì cao quý, những đặc ân Chúa ban cho con người, miễn là con người phải hiểu và phải giơ tay nhận lấy. Có thể trong hoàn cảnh đặc biệt hôm nay, em không thay đổi được tình trạng của em, nhưng người đến gần em sẽ thay đổi. Người đó sẽ thay đổi trong tâm, sẽ yêu Chúa và yêu người nhiều hơn, yêu em nhiều hơn và xem cuộc đời trên trần thế nhẹ hơn trước. Trên thế giới tạm bợ này, không có gì trường sinh bất tử, nhưng Jerusalem, em có biết không, tên của em gần nhất với ý niệm trường sinh bất tử, vì Đấng Tạo Hóa muôn loài đã hứa phục hồi em, và khi Chúa Giê-xu trở lại thế giới này, Ngài sẽ giáng lâm tại Jerusalem. Cho nên em biết không, dù muốn dù không, chúng ta sẽ gặp lại.

Jerushalayim, hẹn gặp em khi tiếng kèn thiên sứ trổi lên.