Ước mong con cái Chúa chúng ta sẵn sàng chia sẻ món ăn cho thân xác cũng như lời Chúa, món ăn cho tâm linh, đến đồng loại của chúng ta, để làm sáng danh Ngài, và để những người chưa có niềm tin đầu phục Ngài.

Trong thập niên 1940, theo tiếng gọi của phong trào “Toàn dân Việt chống phát xít Nhật, và thực dân Pháp”, bố tôi và sau đó ít lâu, cả gia đình chúng tôi như bao gia đình khác đi về những vùng kháng chiến, đã trải qua sự cùng cực của nạn đói do phát xít Nhật gây ra, nạn thiếu lương thực trong các vùng kháng chiến kiểm soát. “Đói Khát” là hai chữ hầu như hàng ngày bao người Việt Nam tại miền Bắc phải trực diện.

Đã có chuyện sau đây về “đói” trong thời phát xít Nhật đến xâm lăng Việt Nam. Một toán lính Nhật bước ra khỏi tiệm ăn, và sau khi loạng choạng vì say, họ nôn mửa thốc tháo ra vỉa hè. Ngay khi đó, một số người da bọc xương, mắt lơ láo lết tới, vốc bỏ vào mồm, không kể mùi hôi tanh, gớm ghiếc. Đó là thảm cảnh của trận đói năm Ất Dậu.

Trong thời gian ở vùng kháng chiến, gia đình chúng tôi cũng đã trải qua rất nhiều ngày mẹ tôi chỉ biết khóc khi bầy con 6 đứa còn bé không được ăn đủ no, hoặc bị đói trước khi ngủ. Tôi chỉ còn nhớ mang máng là mẹ tôi cầu xin hằng đêm “Xin Trời phù hộ độ trì cho chúng con được đủ ăn, tai qua nạn khỏi” Và cuối cùng, mẹ tôi vì không thể nhìn con cái quá cực khổ, đã để bố tôi ở lại vùng kháng chiến (Liên Khu 3) để trở về Hà Nội, nơi mà gia đình tôi có đủ đồ ăn và nhà.

Cũng trong thời kỳ chiến tranh, tại Âu Châu, có nhiều cô gái đã phải bán trinh tiết chỉ để lấy một mẩu bánh mì ăn cho đỡ đói.

Ăn để sống. Đó là nhu cầu cần nhất để duy trì sự sống của thân xác.

Đức Chúa Trời đã tạo dựng loài người. Đức Chúa Trời nhân từ, đầy lòng yêu thương. Ngài luôn nghĩ đến và lo cho nhu cầu thân xác con người. Thật vậy sao? Hãy thử đọc phần đầu của bài Cầu Nguyện Chung “Lạy Cha chúng con ở trên trời; Danh Cha được nên thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày”(Ma-thi-ơ 6:9-11), con cái Chúa chúng ta nghĩ thế nào đây qua lời cầu xin “Xin cho chúng con đồ ăn đủ ngày”?

Đói kém vẫn xẩy ra nhiều nơi trên thế giới, sự khan hiếm thực phẩm nước uống, trong thời kỳ “toàn cầu đang bị hâm nóng từ từ này”, vẫn là mối đe dọa cho toàn thể nhân loại. Sau đây là câu trả lời, theo sự suy nghĩ của tôi, dựa vào Kinh Thánh và những sách tham khảo.

Người Việt chúng ta thường hay tin “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”. Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người có trí óc thông minh, tài năng tuyệt xảo, để quản trị các thứ loài người dùng trong việc ăn uống. Thay vì dùng sức Chúa lo “làm ăn” trong tình yêu thương giữa người và người, chia xẻ và gìn giữ tài nguyên Chúa đã ban cho để sản xuất, hầu cho không người nào bị thiếu ăn, thì phần đông con người đã phạm tội ích kỷ, tham lam, họ sản xuất ra súng đạn để giết lẫn nhau, sản xuất ra những tiện nghi riêng cho họ để rồi những nơi con người dùng để trồng trọt, và nuôi xúc vật từ từ thành những miếng đất khô cằn. Thay vì tình đồng loại, đồng bào nhường cơm sẻ áo cho nhau, lấy tình yêu thương “thấy ai đói rách thì thương”, thường con người nhắm mắt làm ngơ. Cũng vì thế mới có cảnh: “Có một người giàu mặc áo tía và áo bằng vải gai mịn, hằng ngày ăn ở rất là sung sướng. Lại có một người nghèo, tên là La-xa-rơ, nằm ngoài cửa người giàu đó, mình đầy những ghẻ. Người ước ao được ăn những đồ ở trên bàn người giàu rớt xuống; cũng có chó đến liếm ghẻ người.” (Luca 16:19-21). Chung qui chỉ vì tội lỗi.

Sau khi tổ phụ loài người trái mạng lệnh Đức Chúa Trời qua hành động “ăn” (Sáng-thế-ký 3:6) để rồi lãnh án quyết của Đức Chúa Trời “ngươi sẽ làm đổ mồ hôi trán mới có mà ăn” (Sáng-thế-ký 3:19). Thay vì con người làm đổ mồ hôi trán để mình được no và chia sẻ đồ ăn với tinh thần yêu thương đến người khác thiếu thốn, thì con người không làm như vậy. Ngày nay người ta còn dùng sức mạnh kinh tế để bao vây người khác, quốc gia khác, để bóp dạ dày và buộc ý chí đối phương đầu phục. Tội lỗi đã đầy đọa con người, loài người.

Là một con cái Chúa, ước mơ sao con người nhận biết tội lỗi mình, đến với Chúa, tin nhận Ngài, để tình yêu của Chúa “sống” trong chúng ta. Rồi mơ một ngày nào đó, mọi người biết làm đúng theo lời Kinh Thánh dạy “Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người.” (Rô-ma 12:20). Tình yêu của Chúa sẽ tạo cho tình người ngọt ngào hơn, cao thượng hơn.

Ăn no là một nhu cầu, ăn ngon là một ơn phước, như Vua Sô-lô-môn nhận định :” Chẳng gì tốt cho người hơn là ăn, uống, khiến linh hồn mình hưởng phước của lao khổ mình.” (Truyền-đạo 2:24) hay Vua Đa-vít viết : “Ngài cho miệng ngươi được thỏa các vật ngon, Tuổi đang thì của ngươi trở lại như của chim phụng-hoàng.” (Thi-thiên 103:5). Đối với người Việt, chẳng cần nem công trả phượng, cũng chẳng cần sơn hào hải vị. Chỉ cần một tô bún riêu, bún ốc với một đĩa rau sống có rau kinh giới, chỉ cần một đĩa chả giò, bún với rau tía tô trong tấm lòng thanh thản, cảm tạ, hòa thuận cùng yêu thương, là quá ngon rồi.

Kỳ diệu thay. Qua hàm răng và cái lưỡi trong mồm, con người ăn được và ăn ngon. Quả là một ơn phước Đức Chúa Trời ban cho. Đây là lý do tại sao con cái Chúa cúi đầu cảm tạ Đức Chúa Trời trước khi ăn, như lời Kinh Thánh dạy: “Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được” (I Ti-mô-thê 4:4).

Ăn uống là nhu cầu cho sự sống của thể xác, nhưng không phải là nhu cầu trọn vẹn cho cuộc sống con người. Đức Chúa Jesus đã xác định: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 4:4). Đây là một phước hạnh mà chúng ta nhận được từ Đức Chúa Trời. Lời Chúa là món ăn tâm linh, mà Vua Đa-vít đã thưởng thức và tán tụng : “Lời Chúa ngọt họng tôi dường bao! Thật ngọt hơn mật ong trong miệng tôi!”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Ước mong con cái Chúa chúng ta sẵn sàng chia sẻ món ăn cho thân xác cũng như lời Chúa, món ăn cho tâm linh, đến đồng loại của chúng ta, để làm sáng danh Ngài, và để những người chưa có niềm tin đầu phục Ngài.