Chúa Jêsus truyền dạy người thuộc về Ngài : “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi… Ngươi phải yêu kẻ lân cận như mình. Chẳng có điều răn nào lớn hơn hai điều đó” (Mác 12:30-31). Chúa đòi hỏi kính mến Chúa với bốn “hết”. “Hết lòng” và “hết linh hồn” đã được đề cập trong bài trước, nay đến “hết trí khôn”. 

Các sinh vật đều có bộ óc, óc của động vật chỉ giúp chúng hành động theo bản năng, một số loài vật cũng có suy xét để lựa chọn theo cảm quan chớ không bằng lý trí.

Riêng bộ óc con người quả là kỳ diệu. Với nền khoa học tiến bộ ngày nay, “óc” các nhà khoa học mới chỉ khám phá được một phần sự kỳ diệu của khối óc. Bác sĩ nổi danh David Servan Schreiber chuyên về khoa tâm thần và não bộ ở đại học Carmegic Mellon khẳng định “càng tiến xâu vào não bộ con người, tôi càng hiểu rằng nó chứa đựng những gì thật rắc rối, phức tạp, chứa đựng cả một kho tàng hóa chất”. Cái “kho tàng hóa chất” này tạo nên người khó tính “suy nghĩ” khác người dễ tính. “kho tàng hóa chất” này làm nẩy sinh ý tưởng, phát huy ý tưởng, thâu nhập ý tưởng và lưu trữ ý tưởng. Ý tưởng càng phong phú làm cho đời sống càng phong phú, song cũng là mối nguy hại cho con người không nhỏ.

Một trong tính sinh động của con người là suy nghĩ, nghiền ngẫm, quy tụ ý thức nẩy sinh tư tưởng. Con người cũng phân loại tư tưởng : Tư tưởng phóng khoáng hay tư tưởng hạn hẹp, tư tưởng sáng sủa hay tư tưởng đen tối.

Theo tâm lý học, con người thường nghĩ vài trăm vấn đề trong một ngày. Có những vấn đề nghĩ vài giây, có những vấn đề nghĩ lâu hơn, có những vấn đề trằn trọc cả đêm vì nghĩ hoài vẫn không ra.

Đôi khi “thấy người mà nghĩ đến ta”. Lắm lúc nghe lời người nói , chúng ta nghĩ : Lời này có nghĩa gì ? Nhìn “tình đời thay trắng đổi đen” cũng làm cho ta nghĩ không ít. Đôi lúc chúng ta cũng sợ người khác “nghĩ” về mình, hay mong người khác “nghĩ” về mình.

Ca dao của người Việt mình chẳng những hay mà còn uyên thâm. Chỉ tám câu ngắn ngủi mà mà nói rõ được sự “nghĩ” với suy sét.

Làm người suy chín xét xa            Cho từng gốc ngọn, cho ra vắn dài.

Làm người phải đắn phải đo       Phải cân nặng nhẹ phải dò nông sâu

Làm người mà chẳng biết suy     Đến khi nghĩ lại còn gì là thân

Làm người ăn tối nói mai             Việc mình hồ dễ để ai đo lường.

Bởi suy nghĩ mà chúng ta nhận ra :

Ơn cha như núi Thái Sơn  Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra

Khi chúng ta “hết lòng, hết linh hồn” mà không “hết trí khôn” thường đưa chúng ta vào “kính mến” theo kiểu “mê tín” hay “say mê”. Nhiều người ước mong “say mê Ngài”. Khi hết “say” hết “” là hết “kính mến Ngài”. Nhưng “kính mến Chúa” với hết trí khôn” sẽ buộc chúng ta phải suy nghĩ.

Thường chúng ta chỉ suy nghĩ khi chúng ta được “hỏi” hay tự “hỏi” một điều gì đó. Hỏi trong tiếng Anh bắt đầu bằng chữ W : What - cái gì ? Why - tại sao ? Who - ai vậy ? When - khi nào ? Trừ chữ hoW - thể nào thì W ở phía sau.

Nhìn hai người đối chất nhau, một người bực tức to tiếng hỏi : What - cái gì vậy. Người kia đáp trả : “cái gì” mặc tôi, không liên quan gì tới anh. Người đứng nhìn lui ra chỗ khác và tự hỏi : Không liên quan gì tới mình, nhưng mình muốn biết “cái gì” mà họ to tiếng với nhau như vậy.

Với trí khôn hiện có, phạm vi suy nghĩ của mỗi người rộng hay hẹp tùy theo nhận thức và kiến thức. Tục ngữ ta có câu “Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng”. Suy nghĩ về mình, chúng ta thường dùng “tại sao” - why, hơn là dùng “cái gì” - what.

- Tại sao mình ra nông nỗi này ? - Tại sao mình lại sống như vầy ? - Tại sao mình làm không nên chuyện ? - Tại sao mình làm chuyện xấu xa không tốt là điều mình không muốn ? - Tại sao và tại sao ?

Bà Ê-va thèm muốn trí khôn được mở mang thêm : “Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa” (Sáng-thế ký 3:6), nên đã phạm tội bất tuân lời phán dạy của Đức Chúa Trời : “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng-thế ký 2:16-17) thay vì dùng trí khôn của mình sống theo Lời Chúa dạy.

Bác sĩ Châu Ngọc Hiệp đã được trưởng dưỡng trong tam giáo : Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo. Ông được thân mẫu dẫn đi chùa, có người cậu là hòa thượng ở một chùa tại Tân Vạn, Biên Hòa. Tư tưởng thoát tục, yếm thế làm bác sĩ “suy nghĩ” không ít, vì hình như nó chỉ thích hợp ở tuổi già của đời mình.

Sau năm 1975, ông bị quay cuồng trong con lốc đời, song hành với những biến cố tang thương của dân tộc, ông “suy gẫm” nhiều về kiếp người, về cuộc đời. Ông bị hụt hẫng, không còn niềm tin vào đâu nữa. Ông thấy tương lai mình, tương lai con cái mình thật đen tối.

Năm 1979, bác sĩ và gia đình vượt biên đến Nam Dương, có dịp nghe về Tin Lành và bè bạn cảnh cáo chớ để người tin đạo Chúa “dụ” vào Tin Lành.

Năm 1980, gia đình bác sĩ  tới Hoa Kỳ và định cư tại Falls Church, tiểu bang Virginia. Gia đình bác sĩ tham gia lớp Kinh Thánh ở nhà thờ Fairfax Circle Baptist Church, cốt học thêm tiếng Anh. Nào ngờ, qua một năm rưỡi học Kinh Thánh và được con cái Chúa cắt nghĩa về tình yêu của Đức Chúa Trời trong chương trình cứu rỗi nhân loại qua sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus. Bác sĩ hiểu được sự cứu rỗi trọn vẹn qua sự tin nhận Cứu Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình.

Từ khi bác sĩ Hiệp trở nên “con cái” Chúa, mọi người trong gia đình “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời”. Riêng bác sĩ, ông vận dụng “hết trí khôn… kính mến Chúa” cho ra tờ Nếp Sống Mới để giãi bày ơn Cứu Rỗi của Chúa đến mọi người, và cuốn sách nhỏ Thuyền Hồn Neo Bến, xuất bản trên 30,000 cuốn bày tỏ kinh nghiệm của bác sĩ đã được giải phóng khỏi những sợ hãi, những hủ tục, mê tín, dị đoan, và đang sống trong niềm tin vững chắc và đầy hi vọng vào tương lai tốt đẹp. Cuốn sách nào giúp người đọc “bến” nào, sự cứu rỗi nào sẽ vững chắc cho “thuyền hồn neo” vững chắc cho niềm tin.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Con cái Chúa biết “hết trí khôn… kính mến Chúa” khi biết tận dụng “trí” học biết về Chúa Jêsus là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6). Chúng ta hãy theo gương thánh Phao-lô. Phao-lô là người học thức, có địa vị quyền thế, song quyết định từ bỏ chỉ để “trí khôn” vào sự hiểu biết Chúa như sau : “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự (Phao-lô có) như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ và được ở trong Ngài, được sự công bình, không phải công bình của tôi bởi luật pháp mà đến, bèn là bởi tin đến Đấng Christ mà được, tức là công bình đến bởi Đức Chúa Trời và đã lập lên trên đức tin; cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài, mong cho tôi được đến sự sống lại từ trong kẻ chết” (Phi-líp 3:8-11).

Vì “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa” nên nhiều mục sư biết “hết lòng” “chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật” (II Ti-mô-thê 2:15). Tôi tin rằng quý mục sư luôn tận dụng “hết trí khôn” suy gẫm lời Kinh Thánh để “biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2), và “giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi” (II Ti-mô-thê 4:2).

Người thuộc về Chúa đã tận dụng “hết trí khôn” còn được Ngài “mở trí” để “hiểu Kinh Thánh” (Lu-ca 24:45). Cao điểm của “trí” là “trí khôn”, “Ngài đã ban trí khôn cho chúng ta đặng chúng ta biết Đấng chân thật, và chúng ta ở trong Đấng chân thật, là ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân thật và là sự sống đời đời” (I Giăng 5:20).

Kinh Thánh ghi lại những người hầu việc Chúa đã tận dụng “hết trí khôn” sẽ được ơn phước như “mưa” từ Trời xuống : “Đạo của tôi rải ra như mưa; Lời tôi sa xuống khác nào sương móc, Tợ mưa tro trên cây cỏ, Tỉ như mưa tầm tã trên đồng xanh” (Phục-truyền Luật-lệ ký 32:2). Phao-lô có đồng tâm trạng này, ông đi đến đâu cũng chỉ mong “đem ơn phước dồi dào của Đấng Christ cùng đến” (Rô-ma 15:29).

Nào, con cái Chúa chúng ta cùng nhau “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa” mỗi ngày.