Tự nhiên là bản chất tự có, không do con người thêm bớt. Bè bạn tới chơi, mời ăn :

- Cứ “tự nhiên” thoải mái nhé, hàm ý không cần “giữ ý, giữ tứ”, nói theo tiếng thời nay ở nước Việt ta là “vô tư”, không cần suy nghĩ đắn đo.

Bạn thân hồi xa xưa tới chơi ở lại vài ngày. Giúp bạn vui vẻ, an tâm chỉ cần nói :

- Cậu cứ “tự nhiên” coi như nhà của cậu. Nghĩa là sống sao ở nhà, thì đây sống vậy, chứ đừng quá bận tâm đã “nhập gia phải tùy tục”.

Hai bạn trẻ yêu nhau hẹn hò với nhau nhiều lần, đến thời kỳ chị nói với anh :

- Ngồi với em, anh cứ “tự nhiên”, đừng e ngại gì anh. Quý vị có thể đoán được anh đã “tự nhiên” thế nào.

Tiếng Việt mình hay, “tự nhiên” là hợp với bản tính nên có “an nhiên”. Nhà thơ thủa xưa Nguyễn Công Trứ muốn “tự nhiên”, nên ước mong : “Kiếp sau xin chớ làm người Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Ngày nay “tự nhiên” là phù hợp với lẽ thường ở đời, được mọi người chấp nhận. “Có đi có lại mới toại lòng nhau” là “tự nhiên”. Một số người muốn “tự nhiên” sống với “thiên nhiên” nên đã rủ nhau đến nơi vắng vẻ, “sông nước hữu tình” với thân thể “tự nhiên” chẳng “quần áo” và cảm thấy “an nhiên tự tại” không vướng bận “văn minh”.

Trong một buổi họp bạn vui vẻ, “tự nhiên” có người bỏ ra về. Về sau, người “tự nhiên” ra về cho biết : “Không hiểu sao “tự nhiên” buồn, nên về, mà “tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn”.

Tâm lý học cho ta biết cái “tự nhiên” này bởi “cảm xúc” chủ động, do biết bao điều không hợp “tự nhiên” chất chứa trong lòng.

Nhà thơ Vũ Thắm, muốn sống an bình với “tự nhiên” nên quyết định :  Buông

Buông vai trút gánh nhẹ nhàng

Buông lơi ánh mắt mơ màng nhớ nhung

Buông đàn lỗi nhịp sai cung

Buông tình rời khỏi tận cùng khổ đau.

Buông cho lòng hết nỗi sầu

Buông rơi mảnh áo qua cầu lả lơi

Buông bao cay đắng nghẹn lời

Buông cho số phận duyên đời dở dang.

Buông điều sầu khổ đa mang

Buông bao mơ ước trái ngang cuộc đời

Buông tay thôi nắm người ơi

Buông đi giả dối bởi lời ngọt ngon.

Buông bao đau rát tim son

Buông đi thề hẹn mỏi mòn đợi trông

Buông rời xa giấc mơ hồng

Buông đi tất cả thấy lòng an nhiên.

Buông” này là “an nhiên” sống một mình, một cõi, và lâm vào tình trạng “tự nhiên” cô đơn.

Cái “tự nhiên” bầy tỏ tâm tính của mỗi người qua hành động phản kháng. Có bà được một ông tới hỏi thăm, bà quay đi “bất lịch sự” một cách “tự nhiên”, làm ngạc nhiên bè bạn. Hỏi về thái độ của bà, bà cho biết ông này có ý định “”, nên thấy ông sớ rớ tới là “tự nhiên” lánh. Bất cứ ông nào tới bà cũng “tự nhiên” lánh, vì nghĩ mình “có giá” nên “làm cao”.

Trong các buổi họp cộng đồng ở hải Bắc Mỹ, Âu Châu, và Úc Châu, hễ trong lời nói phát biểu mà dùng từ ngữ nước Việt thời nay như “vô tư”, “hồ hởi”, “động viên tinh thần” v.v. là một vài người “tự nhiên” phản đối khó chịu, hành động này theo tâm lý học là “dị ứng”. Trong giao tế mà biết được “dị ứng” của mỗi người, chúng ta dễ chấp nhận sự phản kháng. Nhưng có cái “tự nhiên” mà ai cũng mong, đó là “bất chiến tự nhiên thành”.

Người ngoại quốc muốn thành công dân Mỹ phải tìm cách vào nước Mỹ, đinh cư cách hợp pháp. Sau một thời gian định cư, phải học và qua cuộc thi, nếu “đậu” là được tuyên thệ và thành “công dân” Mỹ. Nhưng luật Mỹ cho phép các bà mang thai đến Mỹ trong diện du lịch, mà sinh con trên đất Mỹ, thì đứa bé “tự nhiên” thành “người Mỹ” - “bất chiến tự nhiên thành”.

Thời nay, người 18 tuổi trở lên “tự nhiên” được  “thành nhân” - là thành người lớn. Theo luật đạo đức “bào thai” cũng được kể là “người”. Phá thai là giết “người”.

Theo thuyết luân hồi, “người” là thành quả của nhiều “kiếp” tu hành, tích đức. Câu hỏi là “kiếp” đầu tiên của “người” “tự nhiên” có chăng ?

Theo Cơ Đốc giáo, con người tội lỗi “tự nhiên” thành “con Trời” bởi sự tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Lời Kinh Thánh khẳng định : “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài (tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của đời mình), thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Người tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa không cần giấy “khai sinh” chứng nhận mình là “con cái Đức Chúa Trời”, song “tự nhiên” cảm nhận mình là “con cái Đức Chúa Trời” vì  “Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:16). Bởi đó, Cơ Đốc nhân “tự nhiên” gọi Đức Chúa Trời là “Cha” (Ga-la-ti 4:6).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cơ Đốc nhân chân chính luôn coi tất cả người cùng niềm tin vào Cứu Chúa Jêsus khác chủng tộc, khác giáo phái không những là tín hữu mà hơn thế nữa là những người có cùng một Cha, như trong câu mở đầu của bài cầu nguyện chung “Lạy Cha chúng tôi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 6:9), nên “tự nhiên” “yêu mến lẫn nhau” (I Giăng 4:7). “Con cái Đức Chúa Trời” mà không “yêu mến lẫn nhau” là không “tự nhiên” phải lẽ.

Kinh Thánh - Giăng 4:3-42 ghi lại câu chuyện người đàn bà xấu nết ra giếng múc nước vào buổi trưa và gặp Chúa Jêsus . Sau cuộc đàm thoại ngắn ngủi, bà nhận ra Chúa Jêsus là “Đấng Mê-si-a” - Đấng Cứu Thế và tin nhận Ngài. Thế là bà “tự nhiên” “bỏ cái vò của mình lại và vào thành, nói với người tại đó rằng: Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều (xấu) tôi đã làm; ấy chẳng phải là Đấng Christ sao? Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Đức Chúa Jêsus” (Giăng 4:28-30).

Trước kia, bà biết mình là người đàn bà xấu nết, có đến “năm đời chồng” và người đàn ông đang sống cũng “chẳng phải là chồng” : “ Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đi, gọi chồng ngươi, rồi trở lại đây. Người đàn bà thưa rằng: Tôi không có chồng. Đức Chúa Jêsus lại phán: Ngươi nói rằng: Tôi không có chồng, là phải lắm; vì ngươi đã có năm đời chồng, còn người mà ngươi hiện có, chẳng phải là chồng ngươi; điều đó ngươi đã nói thật vậy” (Giăng 4: 16-18). Bà tránh gặp mọi người. Nhưng khi nhận biết Chúa Jêsus là “Đấng Christ”, bà không còn “né tránh” mọi người, mà “tự nhiên” muốn gặp mọi người, để nói về Chúa Jêsus là“Đấng Christ”, mà cả dân Y-sơ-ra-ên đang trông chờ.

Bà giới thiệu Chúa Jêsus là “Đấng Christ” rất ngắn gọn “Hãy đến xem một người đã bảo tôi mọi điều (xấu) tôi đã làm; ấy chẳng phải là Đấng Christ sao?”. Trước kia bà cố giấu “mọi điều đã làm”. Nay không ai hỏi lại khai ra. Cái điều mà người ta lưu tâm chính là sự “tự nhiên” thay đổi nơi người đàn bà xấu nết. Trước kia “xấu che”, nay sao lại “xấu khoe”. Sự thay đổi của bà đủ chứng minh Chúa Jêsus là “Đấng Christ”. Thế là “Chúng bèn từ trong thành ra và đến cùng Đức Chúa Jêsus” (Giăng 4:30).

Thế rồi “Có nhiều người Sa-ma-ri ở thành đó tin Ngài, vì cớ lời đàn bà đã làm chứng về Ngài mà rằng: Ngài đã bảo tôi mọi điều tôi đã làm. Vậy, các người Sa-ma-ri đã đến cùng Ngài, xin Ngài vào trọ nơi mình; Ngài bèn ở lại đó hai ngày. Khi đã nghe lời Ngài rồi, người tin Ngài càng đông hơn nữa. Họ nói với người đàn bà rằng: Ấy không còn phải vì điều ngươi đã nói với chúng ta mà chúng ta tin đâu; vì chính chúng ta đã nghe Ngài, và biết rằng chính Ngài thật là Cứu Chúa của thế gian” (Giăng 4:39-42).

Người đàn bà “tự nhiên” hãnh diện vì lời chứng của mình, mà nhiều người đến cùng Ngài và tin Ngài. Cái hãnh diện như tỏ ra công trạng, làm cho nhiều người “tự nhiên” khó chịu, “tự nhiên” nói thẳng cho bà biết : Họ tin Chúa không phải do bà nói, mà bởi “nghe Ngài”. Rất hay bà “tự nhiên” chấp nhận, không một lời phân bua, đính chính.

Hầu hết Cơ Đốc nhân chân chính “tự nhiên” nói về Chúa Jesus cho những người quen biết mình gặp, vì biết họ cần được cứu rỗi qua sự tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình. Ai thiếu tính năng động “tự nhiên” thúc đẩy nói về Chúa Jêsus, hãy nhớ lại lời Chúa Jêsus truyền : “Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép, và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8).

Tự nhiên” nói về Chúa Jêsus cho mọi người, và khiến nhiều người tin nhận Ngài cũng là lẽ “tự nhiên”. Nhưng cũng có khi chúng ta nói về Chúa Jêsus, họ không chịu tin mà còn chống đối, và ghét chúng ta nữa. Đó cũng là lẽ “tự nhiên” nữa. Chúa Jêsus phán : “Ví bằng người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi” (Giăng 15:18).

Thánh Phao-lô, người hầu việc Chúa, trung tín giãi bày Chúa Jêsus là “đường đi, lẽ thật (chân lý), và sự sống” (Giăng 14:6), ông đã nói lời này với con cái Chúa ở Ga-la-ti khi có sự thay lòng của họ, từ chỗ sốt sắng sang ý hướng xa lìa phái đoàn của ông : “Tôi lấy lẽ thật bảo anh em, lại trở nên thù nghịch của anh em sao ?” (Ga-la-ti 4:16). Thời nay, mục sư nào giảng dạy “chân lý” nói về “tội lỗi” thường có một số con cái Chúa “tự nhiên” bỏ qua không muốn nghe. Kinh thánh cho chúng ta biết : “Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư (mục sư) xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn” (II Ti-mô-thê 4:3-4). Biết vậy, các mục sư chân chính vẫn “tự nhiên” giảng “chân lý”.

Là Tự Nhiên … Tất cả

Chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời” Truyền Đạo 1:9

Tôi gặp chuyện xẩy ra…ngoài ý muốn

Nhiều khi buồn, than vãn một mình thôi

Sao…chuyện này lại xảy đến với tôi ?

Trời bỗng tối, nặng nề, lòng trùng xuống !

         Đâu biết được ? Hôm nay đi đến sở

         Đang vui vui, sếp gọi, sếp cằn nhằn

         Nhìn anh ta, khuôn mặt khó đăm đăm

         Chắc giận ai, anh tìm tôi…gây sự !

Đâu biết được ? Sau một ngày vất vả

Ra xe về, thấy xe lệch một bên

Coi bánh xe, một bánh xẹp…vô duyên

Bánh “sơ cua” không ngờ còn xẹp…ác !

         Đâu biết được ? Thằng bạn thân …”nối khố”

         Khố rách rồi, không nối nữa…quay đi

         Nếu quay đi, tôi chẳng nói làm gì

         Nhưng bêu xấu… những điều tôi…giấu kín!

Đâu biết được ? Bệnh sơ sơ … mà nặng

Nằm liệt giường không một tiếng …hỏi han

Chờ người thăm, không một “mống” đến thăm

Thiên hạ “lỉnh” khi thấy mình …hoạn nan !

         “Đâu biết được” là tự nhiên tất cả

         Không có gì mới lạ dưới mặt trời

         Hãy bình tâm, đừng đánh mất niềm vui

         Tạ ơn Chúa về mọi điều …xảy đến !

                                             Tác giả : Thi sĩ Tường Lưu

                                             Một con cái Chúa ở Hoa Kỳ