Những người tự trọng luôn cẩn thận tránh cái sai trong tư tưởng, trong lời nói, trong hành động. Dầu vậy, đôi khi vì hiểu chưa tường, suy xét chưa kỹ, hành động vội vã, nên vẫn không tránh khỏi sai. Được bè bạn chỉ cho chỗ sai để sủa lại thì không gì quý bằng.

Sửa sai người khác không khéo là nói đến cái thiếu hiểu biết, cái thiếu tinh tường, cái quan điểm lệch lạc của người đó. Có khi gây nên thù oán, mang họa vào người. Trong văn học Trung Hoa, có chuyện Tô Đông Pha sửa thơ Vương An Thạch. Hai câu thơ của Vương An Thạch như sau :

                   Minh nguyệt sơn đầu khiếu, Huỳnh khuyển ngọa hoa tâm

Nghĩa là     Trăng sáng nơi đầu núi kêu, Chó vàng nằm trong hoa

Tô Đông Pha cho là sai, làm sao trăng sáng lại có thể “kêu” và chó vàng làm sao có thể nằm “trong” hoa. Tô Đông Pha sửa :

                   Minh nguyệt sơn đầu chiếu, Huỳnh khuyển ngọa hoa âm

Nghĩa là     Trăng sáng chiếu nơi đầu núi, Chó vàng nằm dưới hoa

Vương An Thạch sau đó làm quan lớn, đã đổi Tô Đông Pha đến một miền sơn cước. Tại đây Tô Đông Pha nghe được tiếng của một loài chim lạ, ông bèn hỏi dân địa phuơng chim đó là chim gì. Dân địa cho biết là chim có tên “minh nguyệt”. Tại nơi này, Tô Đông Pha cũng thấy một loài sâu nằm trong hoa mà sâu đó dân địa phương gọi là “hoàng khuyển”. Bấy giờ Tô Đông Pha mới biết mình cho thơ của Vương An Thạch sai là vì thiếu hiểu biết. Và Vương An Thạch đã giúp Tô Đông Pha biết cái sai của mình bằng cách đổi Tô Đông Pha đến tận chỗ để học biết chim “minh nguyệt” và sâu “hoàng khuyển”. Tô Đông Pha may đã không bị Vương An Thạch trả đũa tới mang họa vào thân, nhưng cũng nếm mùi nơi hẻo lánh, rừng thiêng may mà nước không độc vì sửa sai nhầm.

Trong văn học Việt Nam thì có chuyện Cao Bá Quát đọc hai câu đối khắc nơi điện vua Thiệu Trị và lắc đầu có ý chê. Hai câu đối như sau :

                   Tử năng thừa phụ nghiệp, Thần khả báo quân ân

Nghĩa là     Làm con nên nối nghiệp cha, Làm tôi phải báo ơn vua

 Một hôm vua Thiệu Trị hỏi Cao Bá Quát về hai câu đối đó có hay không. Cao Bá Quát đáp : Tối hảo, tối hảo, cương thường điên đảo ( Rất hay, rất hay, cương thường đảo ngược). Vua Thiệu Trị mỉm cười : Nếu khanh đã chê sai, thì phải chữa lại cho đúng. Cao Bá Quát đã chữa lại, cũng chừng đó chữ nhưng đúng “cương thường”.

                   Quân ân, thần khả báo,    Phụ nghiệp, tử năng thừa

Cao Bá Quát sửa sai đúng theo ý trọng vua nên không hề gì sau đó.

Trong quá khứ tại một vài quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản, khi nhà nước nhận có sự sai lầm và phát động phong trào sửa sai, thì hoặc chẳng một ai trong nhà nước hề hấn gì, hoặc một vài “con cá bé” bị đưa ra làm vật tế thần.

Tại các quốc gia tự do tây phương, chuyện “sửa sai” có nghĩa là “ai làm người đó chịu”, và người chỉ huy kẻ làm sai cũng phải nhận trách nhiệm trong việc sửa sai.

Trong tôn giáo, cái sai lại càng khó nhận biết để sửa lại. Trong Phật Giáo có hai khuynh hướng, Thiền và Tịnh,trái ngược nhau. Thiền Tông chủ  trương tự lực, lấy trí tuệ của mình để giải thoát, chỉ coi Phật là vị thầy. Tịnh Tông chủ trương tha lực nhờ Đức Phật đưa đến Tịnh Độ. Chẳng thấy tín đồ Phật Giáo bàn về vấn đề này. Đúng sai không cần biết thì làm gì có sửa sai.

Trong Đạo Chúa, người ta tin “sai” về Chúa Jêsus cũng nhiều lắm. Một số tin Ngài là một Người, một vĩ nhân, một đấng Tiên Tri, Người của Đức Chúa Trời v. v. Trong những ngày yên lặng suy tư về Lời Chúa trong Kinh Thánh, tôi cảm thấy người trần thế thật bất hạnh. Muốn đi tìm một niềm tin “đúng” không phải dễ. Gặp một mục sư giả là coi như lạc đường, như đang phải trực diện với những khó khăn ngoài tầm kiểm soát.

Kinh Thánh giúp chúng ta tin “đúng” về Ngài. Ngài là một trong ba Ngôi Đức Chúa Trời. “Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời” (Giăng 1:1). Ngài là Đức Chúa Trời trở nên Người. “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.”  (Giăng 1:14). Ngài đến thế gian với mục đích duy nhất : Cứu loài người ra khỏi tội. “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15). Đức Chúa Jêsus đã đưa ra một phương cách duy nhất để được Ngài cứu, đó là “Các ngươi hãy ăn năn và tin Tin Lành (Gospel).” (Mác 1:15).

Muốn được Ngài cứu vớt, thì ta phải biết mình là “người có tội”, phải “ăn năn tội”, và quyết định từ bỏ tội lỗi với thái độ cương quyết không chấp nhận tội lỗi, như một người sắp uống thuốc trị bệnh cương quyết khử bệnh tật, không chấp nhận nó, để nó tồn tại trong thân thể.

Biết mình là “người có tội” quả thật hết sức khó khăn cho người trần thế, vì quan niệm thế nào là tội, cũng như sự hiểu biết rằng nếu có tội thì đã bị luật pháp kết án, bị lương tâm cáo trách. Khi không bị luật pháp kết án hay bị lương tâm cáo trách thì sao lại nhận mình là “người có tội”. Trong niềm tin Cơ Đốc, tôi biết những tội mà đa số chúng ta có thể phạm phải gồm hai loại mà luật pháp hầu như không can thiệp, lương tâm cũng chẳng cáo trách :

- Tội quên Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng vũ trụ và các sinh vật trên trái đất trong đó có loài người chúng ta, suy nghĩ, phát biểu và hành động nghịch lại cùng Ngài.

- Một hay một vài tội trong “các việc làm của xác thịt …. gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống (tham lam)” (Ga-la-ti 5:19-21) và ăn ở tàn nhẫn, thiếu lòng nhân từ, không lòng thương xót, gian sảo, lươn lẹo, nghiện rượu chè, cờ bạc, xì ke, làm hại người chung quanh v.v.

Biết mình là người có tội, thành tâm ăn năn tội rồi, cuối cùng là “tin Tin Lành” . Điều này không có nghĩa là gia nhập vào giáo phái Tin Lành, mà là :

- Tin Chúa Jesus là Đức Chúa Trời thành nhân, đã đến thế gian làm Cứu Chúa cho cả nhân loại trong chương trình cứu rỗi loài người của Đức Chúa Trời.

- Tin Chúa Jesus đã chịu chết trên thập tự giá để nhận lấy tội của chúng ta, chịu sự hình phạt của Đức Chúa Trời thế cho chúng ta, như bản án Đức Chúa Trời đã định cho mỗi chúng ta “ linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.” (Ê-xê-chi-ên 18:4). Do đó, người tin Ngài làm Cứu Chúa của đời mình được trở nên con cái Đức Chúa Trời như lời Kinh Thánh xác định : “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12). Cũng qua Kinh Thánh tin một nhân vật nào khác ngoài Chúa Jêsus để hy vọng được cứu rỗi là điều sai “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.” (Công-vụ các sứ-đồ 4:12).

Nếu có vị nào trong hoàn cảnh cùng khổ đã cầu xin Chúa như một Đấng thiêng liêng có quyền phép cứu khổ, phù hộ và được thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn, rồi quyết định tin Chúa. Tin Chúa như vậy là sai, nếu sau đó không chịu học, đọc, suy gẫm về ý nghĩa của Đức Tin Tin Lành, và hành động theo lời dạy của Kinh Thánh.

Nếu có vị nào bị bệnh, vái Chúa chữa lành thì xin tin Chúa. Và bệnh tật đột nhiên hết. Chúa quả là Thần Y. Tin Ngài như vậy là sai, nếu sau đó không chịu học, đọc, suy gẫm về ý nghĩa của Đức Tin Tin Lành, và làm theo lời dạy của Kinh Thánh.

Nếu có vị nào được quyến dụ tin Ngài để được Ngài ban phước, làm ăn phát tài, gia đình thịnh vượng. Tin Ngài như vị thần tài. Tin Ngài như vậy là sai, nếu sau đó không chịu học, đọc, suy gẫm về ý nghĩa của Đức Tin Tin Lành và làm theo lời dạy của Kinh Thánh, bỏ ý tưởng Chúa như một ông Thần Tài.

Sửa sai để tin Chúa đúng phải có tâm tình : Biết mình là người có tội, ăn năn, xin Chúa tha tội, xin Chúa làm Đấng cứu rỗi linh hồn mình, học, đọc, suy gẫm và làm theo Lời Chúa trong Kinh Thánh để “Ý Chúa Được Nên” cũng như “Danh Chúa Được Tỏa Sáng” nơi trần thế. Đó là sự tin Chúa đích thực. Chúa Jêsus phán “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.” (Ma-thi-ơ 7:12).  Cảm ơn Chúa về Lời Ngài.