Hôm qua là Ngày Nhớ Ơn Cha (Father’s Day) tại Úc. Theo thống kê, người dân Úc mua quà cho mẹ nhiều hơn mua quà cho cha. Có phải chăng mẹ thương con nhiều hơn là cha thương con, nên con cái tặng quà cho mẹ nhiều hơn tặng cho cha ?

 

Sau bao nhiêu năm dài chờ đợi mỏi mòn, Áp-ra-ham có được Y-sác, nhưng Đức Chúa Trời phán rằng “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu, là Y-sác, và đi đến xứ Mô-ri-a, nơi đó dâng đứa con làm của lễ thiêu ở trên hòn núi kia mà Ta sẽ chỉ cho” (c. 2). Tại sao Đức Chúa Trời không phán với Áp-ra-ham “gọn gàng” hơn như “Hãy bắt đứa con một ngươi…”, chừng đó cũng đủ cho ông “chới với” rồi, mà Ngài lại phán: “Hãy bắt đứa con một ngươi yêu dấu…” ? Kinh Thánh không diễn tả tâm trạng của Áp-ra-ham sau khi nghe lời phán của Đức Chúa Trời; nhưng chúng ta có thể đọc được phần nào tâm trạng ngỗn ngang của ông khi suốt ba ngày đường, từ nhà đến gần địa điểm, dầu ông dường như hoàn toàn im lặng. Có lẽ câu hỏi của Y-sác đem Áp-ra-ham trở lại với thực trạng: “Hỡi cha !... Củi đây, lửa đây, nhưng chiên con đâu đặng làm của lễ thiêu?” Áp-ra-ham đáp: “Con ơi ! chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của lễ thiêu”; rồi Áp-ra-ham tiếp tục im lặng lên đường.

 

Có người hỏi rằng Đức  Chúa Trời ở đâu khi Con Ngài là Chúa Cứu Thế Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự? Nếu chúng ta hiểu được tâm trạng của Áp-ra-ham trong Sáng-thế ký đoạn 22, chúng ta có thể trả lời được phần nào câu hỏi trên, và cũng hiểu được lòng người cha đối với con.

 

 

Mục sư Đoàn Trung Chánh