Chúng ta con cái Chúa có cuốn Kinh Thánh. Cuốn sách này là ngọn đèn soi lối cho chúng ta trong trần thế tối tăm, trấn an chúng ta trong thế giới đầy bất an, bệnh tật, tội lỗi, cho chúng ta lấy lại sức sống trong cuộc sống khô cằn thiếu mục đích cao thượng, gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội trong một xã hội đầy dẫy cám dỗ.

Chữ viết là một phát minh trọng đại nhất của con người. Nhờ nó mà chúng ta có thể chuyển đến nhau lời nói, ý nghĩ chân tình. Nó sẽ “nói” với quý vị và tôi điều chúng ta muốn nói với nhau, chỉ cần vài ba chữ ghép lại với một ít khoảng cách ở giữa. Nó giúp chúng ta gọi tên một vật, ghi lại một tư tưởng, nó giúp ta nhận biết một sự kiện, thấu triệt một vấn đề.

Cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là việc ra đời của sách báo, và internet ngày nay chuyển đến người tìm đọc với vận tốc vài giây, dù sách báo được cho lên website ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Chúng ta cứ thử tưởng tượng một ngày nào đó bỗng nhiên sách báo biến mất hết, trong các tiệm sách báo, cũng như trên các website, thì đó là một sự kiện khủng khiếp, làm sao chúng ta có thể học hỏi, biết tin tức của thế giới chúng ta đang sống.

Với một cuốn sách địa lý trong tay, ta biết được non sông gấm vóc, ta thâu trọn bầu trời bao la trong cuốn thiên văn học, ta trở về không thời gian xa xưa với cuốn lịch sử, ta thả hồn theo từng trang của cuốn tiểu thuyết, ta đăm chiêu suy luận trước một tập luận đề. Sách là cái gì tượng trưng cho tất cả cái gì hiện có, đã qua và dự đoán tương lai.

Người xưa viết sách “văn dĩ tải đạo” - dụng văn chương chở đạo lý, nên người đọc sách, coi sách là chữ của Thánh Hiền. Đọc sách để sửa mình, để tu tỉnh, nên sách Lễ Ký, do học giả thời nhà Nguyên Trần Hạo biên soạn, mới có câu “Thư thị tùy thân bản” có nghĩa là “sách là cái gốc của mình cần phải mang theo luôn.

Ngày nay sách báo đầy dẫy. Mọi vấn đề đều được sách báo đề cập. Mọi địa hạt đều được sách báo trưng ra. Thường thì người đọc sách để trau dồi kiến thức.

Xưa cũng như nay, dầu sách báo được dùng trên bình diện đạo đức hay tri thức, sách báo không phải luôn luôn là phản ảnh trung thực, đứng đắn của những sự việc. Biết bao nhiêu hiền triết có ý tưởng tốt đẹp, nhưng vẫn lầm lẫn, lạc lối trong ý tưởng mình, trong tư duy mình. Có biết bao văn nhân, biết bao tác giả lầm lẫn nhưng không hề biết. Họ bị lừa ngay trong niềm tin tốt đẹp của họ. Tệ hại hơn nữa, có biết bao tác giả vì tư lợi, ganh tị, hoặc có ý định bất chính đã viết ra những sách mà chính họ biết là sai lạc, giả dối. Lắm lúc họ cố gắng bênh vực những lý thuyết mà thực ra chỉ là giả thuyết, bởi vỉ đã chót đeo đuổi.

Người ta thích đọc tiểu thuyết, vì tiểu thuyết đem người đọc vào thế giới giả tạo, mà tác giả dựng nên. Người đọc những tác phẩm được gọi là nổi tiếng cảm thấy được thoát ra khỏi những khung cảnh chật hẹp mình đang sống, thả tâm tư trong một thế giới khác, mà những ước muốn, những khát vọng thầm kín nhất được thể hiện. Tác giả nào bắt mạch đúng thị hiếu quần chúng, tiểu thuyết họ bán chạy hàng đầu “best seller”.

Một số người thích đọc những triết thuyết để tìm một hướng đi cho cuộc sống hay để bào chữa cho cách sống hiện tại, và cho mình một vị trí như tôi sống theo thuyết của Khổng, của Lão, của Phật, của Mô-ha-mét, của Cac-mác, của Mao, của Sạc v.v. Triết thuyết nào cũng cho con người cảm thấy mình có một lý tưởng cao cả, một chiều hướng thăng tiến. Chỉ có một điều đáng lo ngại trong các triết thuyết là : Tất cả những vị nhận định và đưa ra một triết thuyết đều mang một mầm mống hư hỏng như tất cả mọi người, đó là tội lỗi.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Những người ham đọc sách tâm linh thường ao ước có một cuốn sách nào đó do một tác giả hoàn toàn thánh thiện, không bao giờ phạm tội, không bao giờ lầm lẫn viết nên, và cuốn sách này vạch cho ta biết rõ nguồn gốc, bản tính và vận mệnh của ta, cho ta biết địa vị thật sự của ta trong thế kỷ và trong xã hội ta đang sống. Cuốn sách đó phải chứa đựng những bằng chứng xác thực, cho ta thấy một số điều mới mẻ sau bức màn che kín tương lai, cuốn sách đó đem ta vào sự hiểu biết linh giới, cảm thông được với Đấng Tạo Hóa, biết được ý định của Trời, hiểu thấu được thiên luân.

Chúng ta con cái Chúa có cuốn Kinh Thánh. Cuốn sách này là ngọn đèn soi lối cho chúng ta trong trần thế tối tăm, trấn an chúng ta trong thế giới đầy bất an, bệnh tật, tội lỗi, cho chúng ta lấy lại sức sống trong cuộc sống khô cằn thiếu mục đích cao thượng, gìn giữ chúng ta khỏi phạm tội trong một xã hội đầy dẫy cám dỗ, đó cũng là cuốn sách mà Đức Chúa Trời đã phán bảo lãnh tụ Giô-suê : “Quyển sách luật pháp này chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước. (Giô-suê 1:8), đó là cuốn sách mà sứ đồ Phao-lô đã ân cần nhắc nhở Ti-mô-thê : “Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ. Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.” (II Ti-mô-thê 3:15-17). Tôi tin rằng cuốn sách Kinh Thánh này đã đem lại niềm tin, lòng hy vọng và niềm tự hào của nhiều quốc gia và nhiều cá nhân trên thế giới. Xin phép được biên lại một số trường hợp sau đây.

Trong quá khứ, đã có nhiều danh nhân đọc, suy gẫm rồi ca tụng Kinh Thánh, coi Kinh Thánh như khuôn vàng, thước ngọc. Đó là George Washington, Abraham Lincoln, Napoléon, Queen Victoria, Daniel Webster, Sir Issac Newton, Goeothe, Ông Mahatma Gandhi v.v. đã đươc Henry H. Halley trưng dẫn trong cuốn Bible Handbook trang 22 và 23.

Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, Georges Washington đã tuyên bố : Không có Đức Chúa Trời và Kinh Thánh thì không thể nào điều khiển thế giới cách đứng đắn được. John R. Green, tác giả cuốn Short History of The English People (Lịch sử dân tộc Anh) đã ghi trong trang 460 : Không có cuộc thay đổi quốc gia nào vĩ đại hơn cuộc thay đổi ở Anh Quốc khoảng giữa triều đại Nữ Hoàng Elizabeth, và lúc Nghị Viện nhóm họp. Anh Quốc đã trở thành nước của một quyển sách và quyển ấy là Kinh Thánh.
William Ẹ Gladstone, một chính khách lỗi lạc của người Anh đã nói : Kinh Thánh có mang dấu tich khởi nguyên đặc biệt, và Kinh Thánh cách xa các sách đối đầu một trời một vực.
Tiểu thuyết gia Charles Dickens của nước Anh đã phải công nhận về câu chuyện người cha nhân ái với cậu con trai hoang đàng mà Chúa Jêsus đã nói, được ghi lại trong Luca 15, là câu chuyện cảm động hơn hết.
Chánh khách Hoa Kỳ Daniel Webster tuyên bố đoạn sách nói về pháp lý hay nhất là bài giảng trên núi của Chúa Jêsus ghi trong Mathiơ 5-7.
Nhà cách mạng Mahatma Gandhi của xứ Ấn Độ đã chịu ảnh hưởng về bài giảng trên núi của Chúa Jêsus và đoạn Kinh Thánh nói về tình yêu thương ghi trong thư I Cô-rinh-tô 13. Ông Gandhi đã tâm sự rằng mỗi lần tinh thần căng thẳng trong cuộc đấu tranh, ông thường đọc I Cô-rinh-tô13.
 

Thưa quý vị đang đi tìm niềm tin,

Một cuốn sách như vậy làm sao quý vị có thể thiếu trong tủ sách gia đình, và quyết tâm học hỏi “để được may mắn, và được phước.”. Trên đường bước đi theo Chúa, tôi đã được đọc một số sách bồi linh của Mục Sư Phan Thanh Bình song song với cuốn Kinh Thánh, cùng các bài giảng tại Hội Thánh Kingsgrove, các bài giảng trên Website www.vietchristian.com để học hỏi Kinh Thánh, hầu tìm hiểu cuốn Kinh Thánh, nơi đây tôi xin chia sẻ kinh nghiệm học hỏi cùng quý vị.

Ước mong quý vị trọn đời may mắn và được phước.