Thập tự giá là biểu hiệu bầy tỏ sự yêu thương, và Chúa Jêsus chính là tình thương. Nhờ Chúa Jêsus, tin cậy Chúa Jêsus, chúng ta được phép giao hòa với Đức Chúa Trời. Tin cậy Chúa Jêsus và nhờ Chúa Jêsus chúng ta có năng lực của Ngài để giao hòa với nhau, nghĩ tới nhau, thương yêu nhau. Nơi Ngài chúng ta tìm thấy một nền luân lý đúng.

Nếu có một người lạc vào một hoang đảo và sống mãi tại đó, nhất định không có luân lý tại đây. Không thể nào có luân lý, luật lệ với một người. Luân lý là cái gì tương quan, ràng buộc giữa hai người trở lên. Con người có xã hội tính, sống hợp quần thành đoàn thể, có gia đình, có làng xóm, có quốc gia, có xã hội. Người người giao dịch với nhau, liên hệ với nhau, nương cậy nơi nhau, nên loài người ý thức được về bổn phận, về trách nhiệm với nhau. Đó là manh nha của luân lý.

Trong xã hội, chúng ta hiểu biết thế nào là danh dự, là công lý, là trách nhiệm. Chúng ta biết một số quy tắc về thật thà, về sự tôn trọng sinh mạng con người, biết thế nào là bổn phận đối với gia đình, đối với nghề nghiệp, bổn phận làm công dân một nước, làm một người trong xã hội. Chúng ta chấp nhận tuân theo một số tập tục trong hôn nhân, trong tang chế, chúng ta cũng vui lòng chấp nhận một số khế ước bất thành văn : “Có đi có lại mới toại lòng nhau” “Hòn đá quăng đi hòn chì quăng lại” v.v… Nên khi khế ước, quy tắc, trách nhiệm, bổn phận bị vi phạm hoặc khiếm khuyết, người ta tụ tập tại một nơi nào đó như là một cuộc hẹn hò có quy ước để bàn tán, để bất bình với con người vừa phạm vào việc TRÁI với luân lý, nếu việc trái này nghiêm trọng, người ta trách phiền trong phẫn nộ, còn thông thường người ta bàn tán trong hằn học, một thứ phẫn nộ, hằn học không thuộc riêng ai cả, mà là của quần chúng, của thiên hạ, với chính nghĩa bảo tồn luân lý.

Như vậy, luân lý không phải là sự phát kiến của các triết gia. Nó là một sinh hoạt thực sự trong tâm lý quần chúng ở ngoài xã hội. Nó là cái ý thức kết hợp tâm lý quần chúng mà mỗi ý thức cá nhân của chúng ta đều có dự phần. Vì cớ đó, luân lý luôn luôn bị thay đổi “theo thời”, theo ý thức đa số thành viên trong xã hội.

Hồi xa xưa, luân lý Á Đông coi những kẻ bỏ làng mạc, bỏ nơi chôn nhau cắt rún ra đi là kẻ đốn mạt. Sau đó luân lý thay đổi, chấp nhận “cái mộng hải hồ” – Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Rồi đến bây giờ, biết bao người Việt bỏ nước ra đi lại được nhiều người cho là may mắn, phước hạnh.

Đã có một thời luân lý “Trẻ cậy cha, già cậy con” được coi như cỗi rễ của liên hệ trong gia đình. Ngày nay luân lý này đã coi như bị đào thải bởi luân lý hiện đại “Đời cua, cua máy.. Đời cáy, cáy đào”. Luân lý thời Khổng Tử “Quân thần, phụ tử” (Vua tôi, cha con), đến thời Mạnh Tử luân lý “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân quí nhất, quốc gia thứ nhì, còn vua hạng nhẹ). Chỉ có hai đời thôi mà “Thế thái luân thường đảo ngược”.

Luân lý đòi hỏi một sự tiến hóa ngày một mới và tốt hơn để đem xã hôi đi dần đến sự hòa hợp ngày một hoàn hảo hơn giữa người và người, tùy thế mà thay đổi để con người có thể tìm được thế quân bình trong những sinh hoạt của xã hội. Tiếc thay, luân lý đã không tiến hóa ngày một tốt hơn, mà lại thoái hóa ngày một tệ đi.

Hoàn cảnh xã hội thực tế ngày nay đã thay đổi, nên đời sống luân lý cũng đã bị ảnh hưởng mà đổi thay. Sinh kế càng khó khăn, cạnh tranh ngày càng vất vả hơn. Cái luân lý ngày nay là cái luân lý hỗn tạp. Nó được nhào trộn với chủ nghĩa nhân bản (Humanism), lấy con người làm cứu cánh, với chủ nghĩa vật chất (Materialism) được thịnh hành từ thế kỷ 18, rồi trải qua hơn 2 thế kỷ đầy chiến tranh, khiến hướng đi của luân lý đã thay đổi khiến nhiều người ngơ ngẩn, lạc lõng. Đời sống bấp bênh, tâm thần bấn loạn, lúc nào cũng phải nghĩ tới rồi lo tranh đấu cho “tự do” ,cho “bình đẳng”, cho “nhân quyền”. Tất cả đã tạo nên một thứ luân lý vị kỷ, chủ nghĩa cá nhân phát triển. Con người càng ngày càng ý thức cái giá trị riêng biệt của mình. Cha có phần cha, con có phần con. Chung quanh ta tất cả hình như bị chữ “tự” chi phối, tự mình, tự lập, tự do, rồi đến khi có chút thành công thì tự mãn, tự cao, tự đại, đến khi thất bại thì tự trách, rồi có thể tự tử. Vợ có phần vợ, chồng có phần chồng, đôi khi đành khuyến khích nhau “enjoy yourself” vì không đi chung được.

Người Việt sống ở các quốc gia có trình độ kỹ thuật cao, có kỹ nghệ tân tiến, ngày nay chẳng còn ai mơ tưởng lúc hưu hạ được “điền viên vui tuế nguyệt” với con cháu, mà chỉ còn  thấy nhập nhòa bóng dáng nursing home.

Kinh Thánh đã mô tả tâm của con người thường như sau : “Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.” (Rô-ma 1:29-31). Còn những phần thiện có thể có trong tâm như : “Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22) thì đã bị cá nhân chủ nghĩa, cạnh tranh chủ nghĩa, vật chất chủ nghĩa bóp nghẹt, nên trong cuộc sống, thông thường thời gian thiện tâm làm việc quá ngắn ngủi so với thời gian tà tâm hiện hữu trong con người. Thử hỏi với cái tâm như vậy, thì nó phải phát sinh ra luân lý nào ? 

Là một người Việt Nam gần 73 tuổi, giờ đây tôi vẫn còn thích luân lý cổ truyền xa xưa của nước Việt ta, một nền luân lý lấy tổ chức gia tộc làm  gốc, trong đó tình cha con, mẹ con làm phương thức giao hòa ở mọi tầng lớp trong xã hội. Học trò coi thầy như cha mẹ. Quan cai trị là cha mẹ của dân, vua là cha của thần dân, và trên hết Trời là Thiên Phụ của mọi người. Chúng ta thử đọc những câu thơ sau :

Cha là bóng mát giữa trời                     Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Cha là điểm tựa bên đời của con           Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con

Ngọt ngào thay. Những vần thơ trên vẫn là tâm tình của những bậc cha mẹ thuộc thế hệ thứ nhất ở hải ngoại đối với con cái. Nhưng thế hệ này hầu hết cũng đã nhận thức được rằng con cái bị vật chất chủ nghĩa, cạnh tranh chủ nghĩa, cá nhân chủ nghĩa đè nặng. Nên chúng nó phải lo cho sức khỏe, công ăn việc làm của mình, lo cho con cái của mình không có sự tiếp tay nào của người giúp việc trong nhà. Và chúng nó có thể còn được bao nhiêu thì giờ để nghĩ tới bố mẹ, lo cho bố mẹ. Sau khi biết như vậy, thế hệ này đã chấp nhận, con rất khó có thể lo cho mình, và mình phải tự tìm ra những giải pháp cho cuộc sống về già theo cách thức của xã hội mình đang sống “Đi nước Lào, ăn mắm nghóe”.

Cái vuông tròn là cái quy củ cho nhân quần xã hội. Phải tìm cho ra cái tất nhiên và đương nhiên cùng tột của nó.

Thật vậy, cái luân lý có chiều thoái hóa của con người với con người chỉ là hậu quả tất nhiên của sự thụt lùi luân lý giữa Đức Chúa Trời với con người, mà nền tảng là sự yêu thương : “Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.” (I Cô-rinh-tô 13:4-7). Giữa trần thế mà tình yêu thương chân thật đã phai nhạt thì làm gì có luân lý cao đẹp.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong niềm tin Cơ-đốc, chúng ta biết được rằng Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian làm Cứu Chúa cho nhân loại. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá đền tội cho loài người. Thập tự giá là hai khúc gỗ ghép lại, dựng lên có chiều thẳng đứng và chiều ngang. Chiều thẳng đứng biểu hiệu sự giao hòa giữa con người với Đức Chúa Trời, chiều ngang biểu hiệu sự giao hòa giữa con người với con người. Thập tự giá là biểu hiệu bầy tỏ sự yêu thương, và Chúa Jêsus chính là tình thương. Nhờ Chúa Jêsus, tin cậy Chúa Jêsus, chúng ta được phép giao hòa với Đức Chúa Trời. Tin cậy Chúa Jêsus và nhờ Chúa Jêsus chúng ta có năng lực của Ngài để giao hòa với nhau, nghĩ tới nhau, thương yêu nhau. Nơi Ngài chúng ta tìm thấy một nền luân lý đúng.

Vài lời tâm tình

Trong những đêm dài khắc khoải với hiện tại, nhiều lúc nghĩ đến mấy ông bạn già không niềm tin, lòng tôi thấy nao nao thương cảm. Già ở thời đại này, đến lúc không giúp đỡ gì được cho con cái nữa thì cái cô đơn luôn luôn ám ảnh, vì dịp gặp con cháu hầu như rất ít. Tuổi già nhìn về phía trước buồn bã với hình ảnh của bệnh tật, của bất lực và của nursing home cùng sự hoang mang lúc nhắm mắt vĩnh viễn. Ước mong con cái Chúa già chúng ta cảm nhận được tình thương yêu của Chúa và có được sự gần gũi nào đó với con cháu mình trong những ngày tháng cuối đời. Cho phép tôi tin rằng những anh chị trẻ tuổi trong HT Chúa đã còn giữ được tập quán lo cho các bậc sinh thành già yếu. Ước mong quý anh chị có thể thỉnh thoảng điện thoại thăm hỏi, vấn an những người cao niên trong HT sống tại Sydney và vùng phụ cận, nhưng con cái ở xa.