HAI TRUYỆN TÌNH

 

 

Dù Tin Lành đến Việt Nam năm 1911 trước nhất tại Đà Nẵng, nhưng mãi nhiều năm sau, Tin Lành mới đến tận miền tây, trong đó có Cần Thơ sông lành, nước ngọt. Những giáo sĩ Tây phương da trắng, mắt xanh của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp cầm chứng đạo đơn trên tay, đi khắp thôn làng giảng Tin Lành bằng tiếng Việt Nam là hình ảnh người Việt Nam chưa bao giờ chứng kiến. Những người ngoại quốc trước đây đến Việt Nam- Tàu, Pháp, Nhật - chỉ mang hung tin. Đây là lần đầu người Việt thấy tận mắt những người đáp tiếng gọi tình yêu của Chúa, mang Tin Lành đến một dân tộc xa xôi, chia sẻ tình thương không vụ lợi. Người Việt chưa bao giờ nghe đến một người tên Giê-xu nhưng đây là lần đầu họ thấy những giáo sĩ Tây phương yêu người mang tên Giê-xu.

Ông đã trở nên trái đầu mùa của giòng họ qua bàn tay nhiệm mầu của Chúa Giê-xu. Ông không theo một tôn giáo nào, chỉ thờ kính ông bà và cố gắng ăn ở cho trọn đạo làm người. Các giáo sĩ mắt xanh da trắng này cũng đến nhà ông, vì lịch sự ông im lặng nghe họ nói, để cuối cùng, ông cười khẩy, trả lời rằng: “Đạo làm người còn chưa xong, bây giờ nói đến đạo với trời.” Họ ra về. Một lần giảng Tin Lành không kết quả.

Những người sống trong ngành y tế hiểu rõ một định luật bất di bất dịch: quyền sinh và tử nằm trong tay Đấng Chí Cao. Là một đông y sĩ lừng danh tại Cần Thơ, ông đã kinh nghiệm những lần định mệnh cai nghiệt đùa giỡn với những thầy thuốc giỏi. Người vợ đầu tiên của ông do cha mẹ sắp đặt và cưới hỏi đã qua đời sau một cơn bạo bệnh lúc hai vợ chồng còn rất trẻ. Trong cô đơn và uất ức, ông tiếp tục hành nghề. Cho đến một ngày kia, người ta rước ông đến tận nhà để thăm bệnh cho một nữ bệnh nhân. Bệnh nhân này đã có một đời chồng và điểm đặc biệt là cô bỏ chồng. Việt Nam vào năm 1900, số đàn bà Việt Nam bỏ chồng hiếm như răng gà, nên đây là một người đàn bà độc đáo. Ngoài ra, cô còn có những điểm độc đáo khác. Nhan sắc cô vượt mức trung bình rất xa, nếu ta gọi cô là “chim sa cá lặn” sẽ không quá đáng. Không biết từ đâu mà cô lại có gương mặt thon dài, gò má cao với đôi mắt to và sâu như của người Tây phương. Dáng cao và gầy tạo cho cô nét sang trọng, đôi bàn tay búp măng với những ngón thon dài phô bày cuộc đời nhàn hạ. Dù tiếng Việt Nam gọi là “tiếng sét ái tình” hay Anh ngữ gọi “love at first sight,” cả hai cách diễn tả này áp dụng cho những trường hợp như ông. Ông đã biết yêu, và từ đó ông chỉ biết người ông đặt cho mỹ danh “Hoa hậu Cần Thơ.”  Ông cưới mỹ nhân này dù cha mẹ phản đối. Kể từ đó, căn nhà lớn và sang trọng của một đông y sĩ đại tài trở thành tổ uyên ương, những ngày làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối không còn nhọc nhằn nữa, vì sự có mặt của mỹ nhân.

Dù mơ ước có con nhưng nhiều năm trôi qua, mỹ nhân cũng không thụ thai. Ông bắt mạch, hốt thuốc cho vợ và sau cùng, tin vui đến. Em bé ra đời là một bé gái, đẹp như mẹ và trở thành trung tâm điểm của gia đình, là niềm vui, hạnh phúc của cha mẹ, đặc biệt là của cha em. Dù gia đình có rất nhiều người ăn, kẻ ở, nào là đầu bếp, vú em, người giúp việc trong nhà… ban đêm khi bé khóc, ông vác con trên vai, đi vòng vòng trong nhà, dỗ bé ngủ. Khi ông có mặt tại nhà sau giờ làm việc, ông tự tay chăm sóc con.

Đến năm bé khoảng hai tuổi, một lần nữa, định mệnh cai nghiệt trêu chọc ông. Bé lâm trọng bệnh và càng ngày bệnh càng nặng hơn dù cha em đã cố gắng hết sức. Bé trút hơi thở cuối cùng tại nhà, trong vòng tay của cha, người bé duỗi thẳng ra, thở một hơi dài và thân thể cứng lại. Trong điên cuồng, ông rú lên, tiếng kêu thương của người tuyệt vọng nơi cuối con đường. Không hiểu sao ông bỗng nhớ đến người tên là Giê-xu mà các giáo sĩ ngoại quốc đã trình bày. Ôm bé chạy lên sân thượng, với em bé trên tay, ông quỳ xuống, kêu lớn tiếng: “Ông Giê-xu ơi, nếu thật sự có ông, xin cứu con tôi, tôi thề sẽ theo ông.”

Sau khi đã theo Chúa nhiều năm ông mới biết rằng con người không được phép thách thức Đức Chúa Trời mình. Trong cơn tuyệt vọng và trong sự thiếu hiểu biết, ông đã làm điều mình không được phép làm. Vậy mà Đức Chúa Trời đã tỏ lòng thương xót ông. Em bé trong tay ông bắt đầu thở lại. Người quân tử Việt Nam đã giữ đúng lời thề nguyện, cho người đi mời các giáo sĩ mắt xanh da trắng đến. Ông cầu nguyện tin nhận Chúa, chịu báp têm tại một giòng sông và bắt đầu mối tình thứ hai trong đời, mối tình giữa ông với Chúa.

Dù chỉ Đức Chúa Trời mới đọc được tư tưởng và thấy được lòng người, nhưng tha nhân có thể hiểu được mực độ yêu Chúa của một người qua cách biểu lộ của người đó. Thánh Linh của Chúa là vị thần vô hình ngự trong tâm của người yêu Chúa, nhưng tha nhân có thể nhìn thấy bông trái của Thánh Linh trong một con người. Chúa Nhật ông dành cho Chúa, nghỉ ngơi thân xác và tâm linh. Đi nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật, ông chưa vắng một lần nào và luôn luôn trong chiếc áo dài đen thật trịnh trọng. Ông yêu kính những vị hầu việc Chúa, họ đến khám bệnh với ông không những không phải trả tiền, còn được hốt thuốc miễn phí, có quà cầm về cho gia đình và ông gọi xe xích lô cho họ về, tiền xe ông trả trước. Mỗi sáng sớm, ông đọc Kinh Thánh và cầu nguyện dài, dài đến độ người nhà tránh cầu nguyện với ông vì chịu không nổi. Ông rất ít cầu nguyện cho mình, thường chỉ cầu nguyện cho người. Ông xin thì ít nhưng tạ ơn Chúa thì nhiều. Và ông hát thánh ca. Có thể nói nếu đời ông có điểm bất toàn nào thì đó là giọng hát của ông. Ông hát lớn tiếng, không ngại ngùng, không hổ thẹn. Bất cứ bài thánh ca nào ông cũng hát, chẳng cần nhịp, chẳng cần đàn, chẳng cần đúng, chẳng cần giống ai. Với giọng trầm bổng lớn tiếng, ông hát theo lối nửa tân nhạc, nửa cải lương, nửa ngâm thơ, nửa Hồ Quảng. Ông hát trong say mê, thả hồn theo tiếng nhạc và khi chấm dứt bài, ông luôn luôn nói: “Cảm ơn Chúa.”

Ông yêu nghề và yêu người, nhưng từ khi biết yêu Chúa, ông yêu người nhiều hơn và biết dùng khả năng nghề nghiệp để phục vụ Chúa qua người. Hình ảnh của một lương y như từ mẫu trong bộ đồ trắng mỗi ngày, sạch sẽ, tươm tất, cẩn thận, chu đáo, bàn tay ngón dài cầm cánh tay bệnh nhân bắt mạch, hốt thuốc, với những lời căn dặn ân cần, nhân hậu. Bệnh nhân quá nghèo ông không nhận tiền công và cho họ tiền thuốc. Những phụ nữ muốn phá thai mà lại đến với ông, sau khi nghe họ khóc kể hoàn cảnh, ông tặng họ một số tiền và hốt thuốc bổ thai cho họ. Nếu ở vào thế kỷ 21 này, giúp người phá thai kiểu như ông chắc phải ngồi tù hoặc bồi thường cho nạn nhân đến tán gia bại sản. Với những người mang bệnh trầm trọng, ông tần ngần, băn khoăn, nhiều suy nghĩ và sau cùng nói với họ “Tôi sẽ hốt thuốc cho ông, nhưng tôi xin Chúa chữa bệnh này. Lần này ông hết bệnh, ấy là nhờ Chúa, không phải nhờ tôi.” Và họ được hết bệnh. Đóa hoa lòng trong tâm của người yêu Chúa bừng sáng qua ánh vinh quang của Chúa Giê-xu, Người Chăn Hiền Lành, vì chiên mình phó sự sống mình. Người quân tử Việt Nam trước khi biết Chúa đã là một người quân tử, sau khi biết Chúa, ông trở thành một hiền nhân, lòng yêu Chúa và yêu người rực sáng, rạng lòa theo gương Chúa.

Mỹ nhân của ông là người rất khó thụ thai nên khi mỹ nhân mang thai lần thứ nhì, đây là tin vui rất lớn. Và khi em bé ra đời là một bé trai, ai cũng chúc mừng ông, cho rằng niềm vui của ông được trọn vẹn. Dần dần, người ta nhận ra rằng em bé này chỉ giống cha ở điểm là một em bé Á Châu có hai mắt, mũi và miệng. Không ai muốn đề cập đến, nhưng ai cũng phải công nhận rằng em bé này giống người tình xưa của mỹ nhân như khuôn đúc. Trường hợp vì còn thương nhớ người xưa nên sinh con giống người ấy là một ảo tưởng. Và Việt Nam vào năm 1930 làm gì có chuyện thử DNA.

Dù bao năm trôi qua, người quân tử Việt Nam nghĩ gì về em bé này, không ai biết. Ông chẳng để lộ những suy nghĩ của lòng. Người quan sát em bé thì ít nhưng quan sát cha em thì nhiều. Bí mật của sự suy nghĩ trong lòng ông về em bé này trở thành bí mật nhiều người muốn khám phá nhưng không thành công. Theo thời gian, nhiều bí mật trở thành bật mí, nhưng bí mật của ông vẫn là bí mật. Em bé lớn dần và bắt đầu biết cười lớn tiếng. Sự độc đáo của giọng cười của em, những âm thanh “ướt ướt, khặc khặc” như tiếng gà lôi bị vặn cổ, cả tỉnh Cần Thơ chỉ có một người có giọng cười giống vậy, là người tình cũ của mỹ nhân. Về sau, trong những buổi hội họp của gia đình, mỗi lần thanh niên này cất tiếng cười trong khoái trá, người ta muốn yêu cầu anh im lặng, nhưng không biết phải làm sao. Theo thời gian, thanh niên này lớn lên và mang lại cho cha bao nỗi sầu. Anh theo băng đảng, xưng mình là “Bàn tay sắt”, anh mê gái, cha mẹ nhiều người đến tận cửa nhà chưởi ông và ông phải ân cần mời họ vào nói chuyện để giải quyết vấn đề. Cuộc đời “Bàn tay sắt” dĩ nhiên đưa anh vào tù. Việc giải cứu con trai ra khỏi những vấn nạn khiến cha anh gần tán gia bại sản. Và thêm một lần nữa, người ta thấy anh không giống tánh cha một chút nào. Anh cao ngạo, lớn lối, lười biếng, nói nhiều làm ít… vì những tính này mà mỹ nhân đã phải bỏ chồng.

Trong Cơ Đốc Giáo, chữ “yêu” bị lợi dụng nhiều nhất và ít ai hiểu thấu được chiều sâu của chữ “tha thứ.” Nói thì dễ, cũng dễ như nói dối vậy thôi. Đa số những việc gọi là “tha thứ” xảy ra trong gia đình hay nhà thờ hay xã hội thật ra là nhường nhịn nhau cho yên việc. Tha thứ đòi hỏi trăm lần hơn. Không ai thật sự biết ông tha thứ cho mỹ nhân hay chỉ là chịu đựng.  Nhưng điều không chối cãi được là mối chân tình giữa ông và Chúa đã giúp ông chịu đựng được mối tình đầu. Vào năm 80 tuổi, ông trở về nhà Cha Thiên Thượng, mang theo với ông bí mật nhiều người muốn biết. Tại nhà Cha, ông thực sự được giải phóng. Thánh ca ông thường hát “Đừng sợ chi, hãy tin Ngài. Đừng suy nghĩ đến thế gian ô dơ này. Quyết chí nhìn xem Chúa, chăm nhìn hoài. Ngài sẽ đưa vào nơi trường sinh” ông đã đạt được. Nơi trường sinh là nơi ông thật sự được hạnh phúc vì là nơi ông sống mãi trong mối tình thứ hai, mối chân tình giữa Chúa và ông.

 

Đoàn Thu Cúc