Mỗi ngày chúng ta đều sử dụng quyền lựa chọn. Mở tủ áo, chúng ta mất vài phút lựa quần áo để mặc cho hợp với thời tiết. Trong lúc ăn sáng, chúng ta lựa chương trình TV cho biết thời tiết trong ngày, cùng những tin cần biết rồi ăn uống nhanh để còn kịp đi làm, hay bắt tay vào chuỗi công việc hàng ngày.

Phần nhiều sự lựa chọn trong sinh hoạt đời sống bình thường hàng ngày không khiến chúng ta bận tâm nhiều.

Bước vào một tiệm ăn lạ mà trong túi chỉ có tờ giấy hai chục, cầm tờ thực đơn, chúng ta bắt đầu đọc từ trên xuống dưới, cứ món nào trên hai chục là chúng ta không chọn dầu là món chúng ta rất ưa thích. Món nào dưới hai chục là chúng liếc qua hai ba món, rồi chọn một. Chọn cho hợp với túi tiền chúng ta có. Sự lựa chọn một việc làm cho thích hợp với khả năng, với sức lực, với tài trí cũng làm chúng ta mất thì giờ cân nhắc và cũng phải được chủ nhân chấp thuận nên khó đó mà dễ đó. Sau đây là một câu chuyện vô thưởng vô phạt về việc lựa chọn.

Có một chàng bước vào văn phòng giới thiệu hôn nhân. Nhân viên văn phòng hỏi chàng muốn chọn một người vợ thế nào ? Chàng bèn nói những điều ước muốn về người vợ trong tương lai.

- Tôi muốn kiếm một người vợ có vẻ đẹp thùy mị, tính nết đoan trang, sức học trung bình, nghề nghiệp vững chắc, biết chiều chồng, biết thương con, ham thích công việc nhà và hơi khùng.

Nhân viên văn phòng ngạc nhiên ở điểm chót mà chàng này đã chọn.

- Các tiêu chuẩn trên kể như quá tốt, chọn như vậy là phải. Nhưng sao anh lại chọn một người hơi khùng là điều không tốt ? Chàng đáp :

- Một thiếu nữ đủ các tính tốt kia, nếu không khùng thì làm sao chịu lấy tôi.

Nhiều lúc chúng ta đành chọn một điều xấu để được nhiều điều tốt. Nhưng chúng ta khó có thể chọn nhiều điều xấu chỉ vì trong đó có một điều tốt.

Theo lý trí và sự khôn ngoan chúng ta quyết định lựa chọn điều tốt và từ chối điều xấu. Trong trường hợp không có điều tốt mà chỉ có điều xấu, chúng ta đành chọn điều ít xấu nhất vậy.

Nhưng lạ quá, trên thực tế giữa điều tốt và điều xấu, người đời thường từ chối điều tốt để chọn điều xấu nếu điều xấu làm lợi cho mình về vật chất hay tinh thần mà không bị phiền hà gì bởi luật pháp hay bởi tha nhân, và điều tốt chẳng đem lại cái lợi trước mắt nào. Xã hội càng văn minh, luật pháp lại càng phải tinh vi để chặn những người làm điều xấu loại này. Điều đáng buồn hơn hết là khi thân tình với nhau rồi, người ta thường nhận ra ngay những điều xấu nơi tha nhân nhiều hơn điều tốt. Còn bản thân mình thế nào ? Thường mình cũng biết vậy, và cố gắng che một số, “lấy thúng úp voi” và mọi người đều nhận ra cái xấu của mình, cũng như mình nhận ra cái xấu của người.

Điều mà ý tưởng tội lỗi trong con người cố hướng ta là nó giúp ta không coi điều xấu của mình là xấu mà chỉ lên án điều xấu nơi người. Nếu có ai đó nói điều xấu mình có, lập tức chúng ta có ác cảm với người đó ngay và thấy ngay người đó xấu với mình. Thế là con người cùng xấu, nhưng không có tâm trạng “đồng bệnh tương liên”.

Chúng ta biết nguyên tắc : Muốn giỏi, trước hết chúng ta phải biết mình chưa giỏi, mình dở đã. Người hiếu học chỉ vì thấy điều mình biết ít quá và người muốn tốt thì phải biết mình không tốt. Không tốt là nhận ra điều xấu mình có.

Nếu con người nhận ra điều xấu mình có đi chăng nữa, thì những ý tưởng tội lỗi vẫn hướng con người tự lừa dối mình. Những ý tưởng này cho con người nhiều lý do để bào chữa điều xấu mình có. Phương pháp hữu hiệu nhất giúp con người an tâm với điều xấu mình có là “đổ thừa”, đổ thừa hoàn cảnh gây nên, đổ thừa xã hội tạo ra hay ai cũng làm mà chẳng sao, đổ thừa cho người này người kia, đổ thừa “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, đổ thừa nghiệp chướng v.v. Và con người cứ thản nhiên an tâm làm điều xấu.

Điều xấu, điều tội lỗi chúng ta có, chắc chắn chúng ta phải gánh chịu hậu quả của nó.

Luật pháp đời này chỉ có thể lên án, trừng phạt một số điều xấu, điều tội lỗi con người có. Không bị luật pháp đời này lên án, người trần thế được coi là “lương thiện”, mặc dầu họ có thể làm những điều không công bình, độc ác, tham lam, dối trá mà theo Kinh Thánh thì đó là : “Họ đầy dẫy mọi sự không công bình, độc ác, tham lam, hung dữ; chan chứa những điều ghen ghét, giết người, cãi lẫy, dối trá, giận dữ; hay mách, gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ; dại dột, trái lời giao ước, không có tình nghĩa tự nhiên, không có lòng thương xót.” (Rô-ma 1: 29-31).

Người trần thế “đầy dẫy” điều xấu và hậu quả tất có là bị hình phạt. Nhưng những ý tưởng tội lỗi vẫn hướng dẫn sai lạc con người trong nhận biết này. Nó cho ta phương cách “tu thân” để bớt điều xấu, dầu chúng ta kinh nghiệm “Cả đời làm lành, điều lành không đủ, một ngày làm ác, điều ác có dư”.

Vì sự bất năng của loài người, Đức Chúa Trời đã lập ra phương cách cứu rỗi loài người thoát khỏi tội lỗi mình có. Chúa Jêsus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã giáng thế, trở nên một người như chúng ta, song không hề phạm tội, trong Ngài chẳng có một điều nào xấu. Ngài đã bằng lòng nhận hết tội lỗi của cả nhân loại, chịu chết trên thập tự giá đền tội cho cả nhân loại. Lời Thánh Kinh dậy rằng : “Ai tin Con (tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình), thì được sự sống đời đời (được cứu rỗi); ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu (không được cứu rỗi), nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó (bị sự đoán phạt của Đức Chúa Trời)” (Giăng 3:36).

Thưa quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân,

Trong lãnh vực tâm linh, lựa chọn điều tốt hay tìm đến một đức tin tuyệt đối cho mình là điều quan trọng độc nhất.

Tại sao chúng ta không chọn điều tốt cho mình, mà đó là sự cứu rỗi ? Quý vị không tốn tiền bạc, chẳng tốn công lao. Chỉ “tin” thôi và sau đó theo lời Chúa dậy, làm điều tốt hay làm lành vứt bỏ điều xấu hay tội lỗi cùng đem Tin Lành đến cho người chưa biết Chúa. Tại sao chúng ta lại chọn điều xấu cho mình, không “tin” Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình để bị đoán phạt ? Chúng tôi con cái Chúa ước mong, cầu khẩn quý vị bằng lòng “tin Con (tin nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình)” để nhận “được sự sống đời đời (được cứu rỗi)” như tất cả con cái Chúa chúng tôi.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trên bước đường theo Chúa, chúng ta lựa chọn điều tốt hay việc lành không cốt tỏ ra mình đạo đức, nhưng tỏ ra mình là “con cái Chúa”, “được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo”( Ê-phê-sô 2:10).

Chúa Jêsus đã ví điều tốt hay “việc lành” của con cái Chúa là sự sáng của thế gian tăm tối, tội lỗi này. “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những VIÊC LÀNH (điều tốt) của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

Cho phép tôi tin rằng con cái Chúa chúng ta sẽ luôn luôn nhớ lời Chúa dạy, chọn điều tốt (“lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22)) và lánh xa điều xấu (“gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy” (Ga-la-ti 5:19-21)) cùng đem Tin Lành đến cho người chưa biết Chúa (điều này chúng ta cần học hỏi từ quý Mục Sư về những gì chúng ta cần nói với đối tượng mà mình định rao giảng Tin Lành) để Danh Chúa được tỏa sáng trong thế gian.

Giới thiệu Thánh Ca

Những buổi sáng, khi bình minh vừa đến, nghe tiếng chim hót trong vườn, nhìn hoa nở qua khung cửa sổ, chúng ta càng thấy cái đẹp trong sáng lộng lẫy của thiên nhiên mà Đấng Tạo Hóa đã dựng nên. Những giây phút đó tôi tin rằng chúng ta cảm nhận được sự bình an và thật phước hạnh trong đời. Cảm tạ Chúa. Trong tâm tình này, tôi xin giới thiệu cùng quý vị độc giả và quý anh chị con cái Chúa bài Thánh Ca “Morning has broken” hay “Fresh from the Word” như lời cáo lỗi của người cho lên mạng (?). Xin bấm vào link sau đây để nghe :

https://www.youtube.com/watch?v=3Rifby1tVE8