Tự vấn là tự hỏi mình khi suy nghĩ về mình. Trước ngày tìm đến niềm tin Cơ Đốc giáo, có đôi lần tôi đã tự vấn mình những câu :

         Tại sao tôi có ở trên đời ?

         Tôi có trên đời để làm gì ?

         Tôi qua đời, tôi sẽ đi về đâu ?

Và tại thời điểm đó, một vài ý nghĩ sau nhưng không phải là câu trả lời thỏa đáng :

Qua cha mẹ, tôi vào đời. Sự hiện diện của tôi trên đời đâu phải để sống truyền nối dòng giống như thực vật hay thú vật. Có lẽ bởi “tự vấn” này mà bao nhà tư tưởng, triết học và tôn giáo cố tìm ra “căn nguyên” cái tôi có ở trên đời. Phật giáo có thuyết “luân hồi chuyển kiếp”. Được “làm người” là do “tích đức” trong nhiều kiếp từ “súc vật” hay từ “người” thấp kém lên “người” cao thượng. Làm “người” đã cao quý thế mà thi hào Nguyễn Công Trứ lại mong chuyển kiếp :

Kiếp sau xin chớ làm người     Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

Phật Giáo dạy con người cách “tu” sao cho thoát khỏi vòng “luân hồi” để được siêu thoát không còn hình hài con “người”, mà chỉ còn “tâm” cực lạc.

Có tôn giáo (Hồi Giáo) lại đưa ra lời dạy “cõi cực lạc” thỏa mãn “dục tính” con người, nếu chịu “hành đạo” theo quy ước các giáo chủ sáng lập tôn giáo đưa ra. Bởi đó mà có một số tín đồ bằng lòng “khủng bố” không theo đạo mình dưới danh nghĩa “tử vì đạo”, để sớm hưởng trọn “cực lạc”.

Tôi có trên đời để làm gì ? Triết gia Jean Paul Sartre suy gẫm “trên đời” chỉ thấy toàn là bi đát và tuyệt vọng. Con người sống trong xao xuyến, liệt nhược ; sống trong ngờ vực, mất hướng. Con người chẳng hiểu được mình, cũng chẳng hiểu được người. Con người mong tiến bộ, nhưng biết tiến về đâu. Với tôi, thôi thì cứ sống, hiện tại có gì làm được để sinh tồn là làm, có gì phục vụ cho tiền, tài, danh vọng, hạnh phúc thì tiến tới.

Tôi qua đời, tôi sẽ đi về đâu ? Chỉ con người mới cảm nhận về cái “chết” và đa số nghĩ “chết không phải là hết”, chỉ trừ những người vô thần thì mạnh miệng nói “chết là hết”, nhưng tâm họ có thật như thế hay không, thì chẳng ai hay. Người theo một tôn giáo tin rằng sự “chết” chỉ là ranh giới của con người “qua đời” này để bước vào đời sau. Tôn giáo cho người ta hy vọng “đời sau” tốt đẹp bởi “hành đạo” đời này. Một số tôn giáo “thu nhập” khá nhờ cầu hồn, cầu siêu cho người “qua đời”.

Chúng ta “tự vấn” ba điều trên và không tìm được câu trả lời chính xác, nhiều người đã tìm đến tôn giáo mà gia đình hay họ hàng đã theo đề tự giải đáp phần nào.

Nhà cách mạng Trần Quý Cáp “tự vấn” và nghĩ ra con người “tam hiệp” với Trời, Đất.

Ta cùng Trời, Đất ba ngôi sánh   Trời, Đất in ta một chữ đồng

Trời che Đất chở ta thong thả      Trời, Đất, Ta đầy đủ hóa công

Người Việt mình có tư tưởng hơi cao vì sánh Người với Trời. Ông Trời là “Thiên Thượng” - Trời trên cao. Người là “thiên hạ” - Trời dưới thất.

Từ khi theo Chúa đến nay, cả ba câu tự vấn đã được trả lời thỏa đáng.

Tại sao tôi có trên đời ? Con người trên đất đã luôn có “nguyên tri”, con người phát xuất từ Đấng Tối Thượng, Đấng Tạo Hóa, Ông Trời. Người Cơ Đốc tôn xưng là Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh cho chúng ta biết nguồn gốc “con người” như sau “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất” (Sáng-thế ký 1:26) “Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh” (Sáng-thế ký 2:7). Nên con người có tâm hồn và tâm linh, là “loài sanh linh” liên kết với Đức Chúa Trời.

Sau khi tổ phụ loài người là A-đam và Ê-va nghe lời cám dỗ của ma quỷ, trái lời dạy bảo của Đức Chúa Trời, “phạm tội”. Đức Chúa Trời là Đấng Công Chính, Ngài không chấp nhận “tội” nơi con người, và Ngài ra án phạt “tội” nơi con người bằng sự “chết” như lời tuyên phán của Ngài : “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng-thế ký 2:16-17).

Sau khi loài người phạm tội, Đức Chúa Trời vẫn không từ bỏ loài người, Ngài lập chương trình “cứu” người ra khỏi “tội” bởi lòng yêu thương và hiệp với công chính của Ngài.

Kinh Thánh ghi lại Chúa Jêsus Ngôi Hai Đức Chúa Trời đã thành nhân qua lòng trinh nữ Ma-ri. Trong đêm “Chúa vào đời”, thiên sứ đến báo tin cho bọn chăn chiên ngoài đồng “sự vui mừng lớn cho muôn dân” như sau : “Nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa” (Lu-ca 2:10-11).

Kinh Thánh ghi lại tiến trình “Đấng Cứu Thế” như sau : “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8), “Khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8).

Mỗi lần khi Mùa Giáng Sinh của Chúa Jêsus đến, xin quý vị chưa phải là Cơ Đốc nhân hiểu rõ Lời Kinh Thánh khẳng định : “Đức Chúa Jêsus Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội, ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” (Ti-mô-thê 1:15), và ước mong quý vị biết mình là “kẻ có tội”, biết Chúa Jêsus là “Đấng Cứu Thế” và quyết định “đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy” để “Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài” (Giăng 1:12).

Và tôi, con cái Chúa, đã dễ dàng trả lời ba câu “tự vấn”.

Tại sao tôi có trên đời ?   

Tôi có trên đời vì được “sanh bởi Đức Chúa Trời” (I Giăng 3:9), “Là người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12). Vì cớ đó, Cơ Đốc nhân không cần “tu”, nhưng “phải ăn ở một cách xứng đáng với chức phận (“người thánh”) mà Chúa đã gọi anh em” (Ê-phê-sô 4:1). Sự hiện diện của Cơ Đốc nhân trong đời này phải như Lời Chúa Jêsus phán : “Các ngươi là sự sáng của thế gian…Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:14,16).

Tôi có trên đời để làm gì?

Lời Kinh Thánh dạy Cơ Đốc nhân “được cứu để làm” những công việc Chúa muốn như sau : “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình; vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo” (Ê-phê-sô 2:8-10).

Cơ Đốc nhân “làm việc lành” là việc làm theo “ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Rô-ma12:2), mà trong đó có thể có việc “từ thiện”.

Chúa Jêsus “muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật” (I Ti-mô-thê 2:4). “Việc lành” của Cơ Đốc nhân là “làm chứng về ta (Chúa Cứu Thế Jêsus)” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8) như Lời Ngài phán trước khi Ngài trở về Trời.

Cơ Đốc nhân chân chính còn phải “làm việc Chúa” như Lời Chú Jêsus phán : “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người” (Giăng 12:16). Người “hầu việc” Chúa không vì danh, vì lợi nhưng “vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 10:31). Cơ Đốc nhân chân chính “hầu việc” Chúa không cậy vào sức lực, tài năng mình có, nhưng cậy vào “ơn Chúa”. Thánh Phao-lô chia sẻ kinh nghệm mình có khi “hầu việc” Chúa như sau :  “Nhưng tôi nay là người thể nào, là nhờ ơn Đức Chúa Trời, và ơn Ngài ban cho tôi cũng không phải là uổng vậy. Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ơn Đức Chúa Trời đã ở cùng tôi” (I Cô-rinh-tô 15:10). Người “hầu việc” Chúa còn mong “đem ơn phước dồi dào của Đấng Christ” (Rô-ma 15:29) đến mọi người. Người “hầu việc” Chúa cũng không ngại “việc lớn và khó” (Giê-rê-mi 33:3) vì biết chắc : “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

Người “hầu việc” Chúa chân chính đừng mong “thanh nhàn”, song phải chấp nhận “chiụ khổ” (II Ti-mô-thê 2:3), đừng “cầu vinh” song biết “chịu nhục” (Công-vụ các Sứ-đồ 5:41), chẳng mong “giầu sang” nhưng chắc “nghèo hèn” (Phi-líp 4:12), không chắc được “tôn trọng”, nhưng chắc bị “khinh dễ” (Lu-ca 23:11), và nhiều khi còn bị “mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:11), nhưng nhận phần thưởng cao quý nơi Chúa “các ngươi sẽ được phước. Hãy vui vẻ, và nức lòng mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm” (Ma-thi-ơ 5:11-12).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Người đang chia sẻ niềm tin với quý anh chị, mỗi ngày, trước khi ngủ, “tự vấn” : “Hôm nay mình đã làm được gì với ân tứ Chúa ban chưa?”. Khi cảm nhận được niềm vui vì tôi vẫn đang tiếp tục viết những bài chia sẻ niềm tin với tấm lòng thưa với Chúa, con luôn : “tôn vinh Cha trên đất, làm … công việc Cha giao cho làm” (Giăng 17:4). Thế là vui thỏa, an giấc khoảng bẩy tiếng trong đêm trường, để ngày mai viết tiếp.

Tôi qua đời, tôi sẽ đi về đâu?

Cơ Đốc nhân chân chính biết chắc khi qua đời là “đi ở với Đấng Christ” (Phi-líp 1:23). Lời Kinh Thánh khẳng định : “Phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau” (Khải-huyền 14:13). Vì vậy chỉ còn vài tháng nữa tới tuổi 80, nhưng quyết tâm chỉ “ngừng viết” khi “qua đời”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Cơ Đốc nhân chân chính “tự vấn” với chủ đích là “biết mình” thế nào để “hoàn chỉnh” và “vững lòng bền chí” (Thi-thiên 27:14) “nhắm mục đích mà chạy” (Phi-líp 3:14), tránh được chạy bá vơ, để trung tín “hầu việc Chúa” không vì danh cho mình, vì lợi vật chất cho người thân, họ hàng, hoặc cho bản thân mình, thì một ngày nào đó trong đời chúng ta sẽ cảm nhận nghe được tiếng Chúa phán “Được lắm” (Ma-thi-ơ 25:21).