Trong đêm trường tối tăm giữa trần thế này, trong hiểm họa của cuộc đời, chúng ta hãy lấy đức tin mà nắm lấy Chúa, Đấng chăn chiên hiền lành, rồi cầu nguyện xin Đức Thánh Linh soi đường cho chúng ta. Chỉ vậy thôi, không cần làm gì hơn nữa. Chúng ta sẽ cảm nhận được lời Chúa Jêsus phán : “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giăng 14:27).

Trong tuổi thơ mà đời thường gọi là “tuổi thiên thần”, anh em tôi đã phải chứng kiến, trong nạn đói xẩy ra tại miền Bắc Việt, nhiều em bé và các cậu thiếu niên đã bị “mẹ mìn” bắt cóc, sau đó được biết các em này bị giết chết rồi thịt xương được bán cho các quán ăn, nơi đó bao người đã ăn thịt đồng bào, họ hàng mà không biết. Sau khi câu chuyện đổ bể, bố mẹ tôi luôn dặn con cái, không được ra sân chơi, nếu không có người lớn, và trong thời gian đó chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi.

Kế đến là ngày tản cư về một làng ở Ninh Bình, một ngày, khi ánh bình minh vừa ló dạng, cả làng đựợc tin quân viễn chinh Pháp đã đổ bộ lên bờ sông Viến, cách làng khoảng ba cây số, ông cán bộ trưởng làng ra lệnh cho mọi người đi trốn vào các đường hầm dọc theo khoảng trống giữa lũy tre thứ hai và thứ ba kể từ mặt đường mòn chung quanh làng. Tiếng súng nổ nghe thật rõ từ xa vọng lại, chúng tôi người già, người trẻ, con nít vội vã chui vào hầm, sau đó nắp hầm được đậy lại, và được phủ kín bằng lớp lá tre ướt trước và khô ở trên. Rồi sau đó, tiếng giầy quân đội viễn chinh Pháp, nghe rõ mồn một, sự sống và sự chết chỉ cách nhau “một tiếng ho lớn” hoặc “tiếng khóc” của các em bé. Người lớn sợ toát mồ hôi, trẻ con được người lớn bịt miệng bằng những bàn tay to lớn, thật kỹ. Tôi còn nhớ mồm ngâm một lát chanh mỏng cho đỡ khát, mà vị chua của chanh tôi không còn cảm thấy được nữa, và tôi thấy quần tôi ướt sũng vì quá sợ hãi. Những sự sợ hãi loại này, đã hằn xâu trong đầu những người theo phong trào “toàn dân kháng chiến chống Pháp”.

Thường đứng trước nghịch cảnh ta cảm thấy lòng nao núng, rúng động, nhìn cảnh núi non hùng vĩ, ngó xuống vực thẳm hun hút, chân ta tuy vẫn đứng trên tảng đá khổng lồ, vững chắc mà lòng ta vẫn thấy rờn rợn. Ở giữa thành phố đã từng bị khủng bố trong quá khứ, một tiếng nổ lớn cũng đủ làm ta nghĩ đến cái chết rình rập đâu đây. Bị công an cảnh sát đằng đằng sát khí hỏi cung, mặc dầu ta không làm gì phạm pháp đi nữa, chân tay thường bủn rủn, cặp mắt không còn linh động, thất thần, lời nói lắp bắp. Lúc vượt biên trong đêm tĩnh mịch, một tiếng động nhẹ đủ làm ta lạnh xương sống, nổi da gà. Tại sao có hiện tượng ấy? Chỉ vì lúc đó, ý nghĩ nguy nan ám ảnh làm ta bất an, khiến tim ta đập mạnh và nhanh, mồ hôi toát ra, tinh thần rối loạn và trí phán đoán của ta bị rối loạn, lệch lạc. Và thế là sợ.

Còn đối với con cái Chúa chưa có đức tin vững mạnh, có những biến cố bên ngoài xã hội, trong gia đình, và nhất là những lời nói, việc làm của người lãnh đạo tinh thần, mà họ không thể hiểu nổi, khiến có quyết định vì đó họ phải sống với những giờ phút chơi vơi, sợ hãi: “Xa Hội Thánh hiện tại, kiếm Hội Thánh mới mà không ra”.  Tôi đã chứng kiến một trường hợp, mà tôi chỉ biết cầu nguyện xin Chúa Thánh Linh dẫn dắt anh. 

Ngược dòng thời gian, A-đam và Ê-va, tổ phụ loài người đã trái mạng lệnh Đức Chúa Trời, ăn trái cây mà Đức Chúa Trời cấm không được ăn. Sau khi phạm tội, sự sợ hãi bắt đầu xuất hiện nơi con người. Kinh Thánh ghi : “Giê-hô-va Đức Chúa Trời kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lõa lồ, nên đi ẩn mình.” (Sáng-thế-ký 3:9-10).

Trẻ sơ sinh chào đời bằng tiếng khóc. Theo các bác sĩ y khoa, trẻ sơ sinh vừa thoát ra khỏi chỗ an toàn duy nhất, bụng mẹ, nên sợ hãi mà khóc. Thế là con người đã biết sợ ngay khi mới chào đời.

Sợ có nhiều đẳng cấp và nhiều mặt. Tên cướp trở thanh kẻ sát nhân vì quá sợ khi bị vây bắt, nên đã hoảng hốt giết người mong tẩu thoát. Các vụ tàn sát tập thể dân sự trong  Đệ Nhị Thế Chiến do Đức Quốc Xã chủ mưu, cũng như trong chiến tranh Việt Nam, do phe mang chính nghĩa giải phóng dân tộc, và phe quân đội Hoa Kỳ mang danh bảo vệ thành trì của thế giới tự do thi hành, quả đã là những cơn ác mộng, sự kính sợ của người trần thế. Trong quá khứ xa xưa, vụ tàn sát lớn lao trong lịch sử Pháp, được gọi là Massacre de Septembre năm 1792, há chẳng phải do sự khiếp sợ của dân Pháp trước nạn ngoại xâm. Sự tàn sát thảm khốc của Tần Thủy Hoàng, phải chăng là do sự quá sợ của một bạo chúa độc tài. Cuộc tắm máu ở xứ Chùa Tháp, các trại cải tạo mọc lên như nấm trên đất Việt Nam sau năm 1975, đủ nói lên sự lo sợ của chính quyền thiếu lực tạo sự hiểu biết về chính nghĩa của họ, nói cách khác thiếu năng lực tạo sự ủng hộ của toàn dân. Các cường quốc đua nhau khai thác tiềm lực võ trang, vũ khí,  chung quy cũng tại sợ nhau hoặc tham tiền bán được mà ra cả.

Ngoại trừ những kẻ “điếc không sợ súng”, chúng ta ai cũng sợ cả. Nhưng phải ráng nhận thức cái đáng sợ, chứ đừng “trượt vỏ dưa thấy vỏ dừa cũng sợ”. Nội những cái sợ chính đáng đủ hành hạ con người rồi, huống chi thêm một số “sợ bóng, sợ gió” nữa thì cuộc đời đã bất hạnh chắc còn thêm bất hạnh. Không biết quý vị đã tìm ra hoặc học được cách để trấn áp cơn sợ hãi, lấy lại được bình tĩnh, có đựợc sự bình an trong một hoàn cảnh đáng sợ chưa ?

Là con cái Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ nhớ ngay lời nói của Vua Đa-vít ” Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi; Cây trượng và cây gậy của Chúa an ủi tôi.” (Thi-thiên 23:4), và vì Chúa đã phán cùng chúng ta rằng “Đừng sợ chi, ta là Đấng trước hết và là Đấng sau cùng, là Đấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời” (Khải Huyền 1:17-18), thì chúng ta còn sợ chi.

Sợ chết ư ?

Thánh Phao-lô đã từng muốn bước qua cửa của sự chết để “ở với Đấng Christ là điều rất tốt hơn”.

Ê-tiên đã bình thản cầu nguyện giữa trận mưa đá của những kẻ chống đối “Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh hồn tôi. Đoạn, người quì xuống, kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy cho họ! Người vừa nói lời đó rồi thì ngủ.” (Công vụ các sứ đồ 7:59-60).

Lời cầu nguyện cuối cùng của Thánh Augustin trên giường bệnh là “Hãy cho con chết, hỡi Chúa, hầu cho con được sống”.

Sợ không đủ nhu cầu thân xác ư ?

Lời Chúa phán : “đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí trọng hơn nhiều con chim sẻ” (Ma-thi-ơ 10:31) “nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). 

Sợ sóng gió cuộc đời ư ?

Lời Chúa phán :” Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?” (Ma-thi-ơ 14:31), sự nhờ cậy Chúa và cảm nhận rõ quyền năng của Chúa sẽ khiến ta “nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin” (Hê-bơ-rơ 12:2), và mạnh miệng nói “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào” (Thi-thiên 23:4).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Trong đêm trường tối tăm giữa trần thế này, trong hiểm họa của cuộc đời, chúng ta hãy lấy đức tin mà nắm lấy Chúa, Đấng chăn chiên hiền lành, rồi cầu nguyện xin Đức Thánh Linh soi đường cho chúng ta. Chỉ vậy thôi, không cần làm gì hơn nữa. Chúng ta sẽ cảm nhận được lời Chúa Jêsus phán : “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giăng 14:27).