Người khôn ngoan có tài được linh hồn người ta” (Châm-ngôn 11:30), “Làm niềm tin của anh chị em trong Chúa ngày một vững mạnh hơn, đưa người ngoại về được với Chúa” đó là tiêu chuẩn để chúng ta nhận biết được rằng chúng ta đã khôn ngoan theo ý Cha Thiên Thượng hay chưa. Cho phép tôi tin rằng chúng ta đã và đang cố gắng học hỏi và hành xử theo sự khôn ngoan mà Kinh Thánh đã dạy.

Nhà thơTrần Tế Xương nói về hai chữ dại khôn như sau :

Thế sự đua nhau nói dại khôn,      Biết ai là dại, biết ai khôn ?

Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,     Dại chốn văn chương ấy dại khôn.

Mấy kẻ nên khôn đều có dại,         Làm người có dại mới nên khôn.

Cái khôn ai cũng khôn là thế,       Mới biết trần gian kẻ dại khôn.

Thật sự khó nhận biết, khó khen chê “Biết ai là dại, biết ai khôn”. Khôn ngoan như Lão Tử vẫn bị học giả Lâm Ngữ Đường chê là dại. Vị học giả này viết trong cuốn “Importance de la vie” có câu “Lao Tsen est un sacré idiot” (Lão Tử là người hiền ngu). Ông cho Lão Tử ngu dại vì không biết hưởng thụ cuộc đời. Không biết có sách nào nói về cái ngu của vị học giả họ Lâm khi chê Lão Tử ngu không ?

Chúng ta đôi khi bị người khác sỉ vả là ngu là dại. Trong một vài trường hợp chúng ta âm thầm tự thấy mình ngu, mình dại thật. Nhưng thường chúng ta cho mình là khôn, và hài lòng hoặc thêm một bước nữa là hãnh diện với cái khôn của mình, dầu là thứ khôn vặt. Nhà thông thái J. Michel vẫn dè dặt về cái khôn của mình. Ông nói : “Khôn ngoan chính là biết  nghi ngờ sự khôn ngoan của mình”. Kinh Thánh nhắc nhở con cái Chúa chúng ta : “Chớ cho mình là khôn ngoan” (Rô-ma 12:16).

Lúc nhỏ vào trường để học hầu khôn lên – Có học mới nên khôn. Lúc lớn lên đi đó đây để học khôn – Đi cho biết đó biết đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn – Đi một ngày đàng, Học một sàng khôn. Con người ta học để hiểu biết thêm, nhờ đó mà khôn ngoan (theo thế thường) lên. Có những cái khôn mà theo đúng quy luật của Đấng Tạo Hóa, nghĩ tới và đáp ứng nhu cầu cần thiết của mình và tha nhân trên mọi khía cạnh, như khôn ngoan trong việc sản xuất lương thực, đồ ăn cần cho mọi người, con người đã dùng sự nghiên cứu của mình, khôn ngoan của mình chế ra chất DDT để giết côn trùng, chất 2-4-D để giết cỏ dại, chất 1080 thuốc giết chuột hầu bảo vệ mùa màng, phân bón hóa học thích ứng cho từng loại nông phẩm để sản xuất lương thực rồi rào nuôi sống con người, nhờ đó loài người sống còn. Nhưng có những trường hợp học cho lắm, nghiên cứu cho lắm để khám phá ra mình là con cháu loài hầu loài khỉ, để làm gì đây, giúp ích cho ai đây ? Hoặc nghiên cứu cho lắm mà quên tìm hiểu trước hậu quả của cái mình khám phá ra, thì kết quả sau cùng thật khó lường, như nhà bác học Einstein nghiên cứu và tìm ra công thức E=MC2 của nguyên tử Uranium. Kết quả con người đã dùng nó để chế ra bom nguyên tử, để tiêu diệt lẫn nhau, nếu cần. Nghĩ mà ngán ngẩm.

Thật ra khôn ngoan theo quy luật của Đấng Tạo Hóa của con người rất ít, và ta thường dùng câu “túi khôn của nhân loại” để hàm ý đó. Cái khôn ít như vậy tất cái dại phải nhiều vô kể.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta biết cái dại khởi đầu cho những cái dại là cái dại mà Vua Đa-vít đã nói trong Thi-thiên rằng “Kẻ ngu dại nói trong lòng rằng: chẳng có Đức Chúa Trời. Chúng nó đều bại hoại, đã làm những việc gớm ghiếc” (Thi-thiên 14:1). Cái dại lớn nhất của con người là chối bỏ Thượng Đế, là nguồn của sự khôn ngoan, nên con người “cứ lầm lạc trong lý tưởng hư không” (Rô-ma 1:21) để rồi sống với hết cái dại này đến cái dại khác.

Cái khôn ngoan của những con người không biết đến Đấng Tạo Hóa, bỏ qua tất cả quy luật của Ngài chắc chắn không phải là sự khôn ngoan hay thông sáng chúng ta mong đợi.

Kinh Thánh có nói đến mấy loại khôn ngoan. Thánh Gia-cơ dạy rằng : “Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra. Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình” (Gia-cơ 3:13-17).

Trong đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy có hai loại khôn ngoan :

1.Khôn ngoan thuộc về đất, về xác thịt, về ma quỷ :

-       Khôn ngoan về đất là khôn ngoan tìm lợi cho mình mà thôi, không kể đến lợi hại của người khác. Kinh Thánh dạy rằng : “Mỗi người trong anh em chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa” (Phi-líp 2:4).

-       Khôn ngoan về xác thịt là khôn ngoan tìm sự thỏa mãn dục vọng mình, là người “lấy bụng mình làm chúa mình, và lấy sự xấu hổ của mình làm vinh hiển, chỉ tư tưởng về các việc thế gian mà thôi” (Phi-líp 3:19).

-       Khôn ngoan về ma quỷ là “gièm chê, chẳng tin kính, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, khôn khéo về sự làm dữ, không vâng lời cha mẹ” (Rô-ma 1:30). Người khôn ngoan về ma quỷ thường tự phụ với những gì mình làm với đầu óc “siêu” hơn người. Kết quả của khôn ngoan này là “có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh … có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác” (Gia-cơ 3:14,16). Thế giới ngày nay đang lộn lạo và đầy dẫy tội ác chỉ vì quá nhiều người khôn ngoan không theo quy luật của Đấng Tạo Hóa, khôn ngoan thuộc về đất, về xác thịt, về ma quỷ.

 2.Khôn ngoan thuộc về Thiên Thượng “Khôn ngoan từ trên mà xuống”. Sự khôn ngoan này trước hết mang tính thanh sạch. Đó là sự thanh sạch trong can bản bởi sự in nhận Đức Chúa Jêsus Christ làm Cứu Chúa của mình, để được Đức Chúa Trời tha mọi tội lỗi, để được Đức Chúa Trời “chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên Thánh không chỗ trách được trước mặt Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 1:4), rồi biết được “Ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22). Vì vậy người khôn ngoan phải biết tránh xa tội lỗi và “Bất cứ việc gì tựa như điều ác, thì phải tránh đi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:22).

Sau đó là sự hòa thuận giữa người và người “ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy.” (Ê-phê-sô 4:32). Chỉ có nhân từ và tha thứ là phương cách xử sự của người khôn ngoan.

Tiết độ là tự kiềm chế sao cho có chừng mực trong phạm vi không gây ra những hậu quả xấu, như không để cho dục vọng sai khiến, chi phối. Người khôn ngoan ý chí vững vàng “chẳng để sự gì bắt phục được tôi” (I Cô-rinh-tô 6:12).

Nhu mì là đức tính đáng kính trọng của người khôn ngoan. Khôn ngoan là gấm, nhu mì là hoa. Gấm thêu hoa là “khôn ngoan nhu mì”. Chúa Jêsus là Đấng Khôn Ngoan, là Đấng Mưu Luận như Kinh Thánh ghi “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.” (Ê-sai 9:5). Ngài phán rằng : “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường” (Ma-thi-ơ 11:29).

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Chúng ta đã tin nhận Chúa, nên sự khôn ngoan của chúng ta trước hết phải có sự thanh sạch. Điều đó có nghĩa là :

1.   Trước hết chúng ta phải tránh xa tội lỗi như : “gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy” (Ga-la-ti 5:19-21), và ngay cả bất cứ việc gì tựa như điều ác, việc mặc dầu được phép làm nhưng có thể khiến những anh chị em yếu đuối trong Chúa vấp phạm, như chuyện cùng ăn đồ cúng ông bà cha mẹ (tôi tin rằng không phải là các thần khác như Kinh Thánh đề cập) đã khuất, cùng uống chút rượu nho với những anh chị em đó.

2.   Trước khi hành xử, nói năng ở bất cứ chỗ nào, chúng ta hãy nhớ đến “Lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ (Ga-la-ti 5:22) mà làm.

Khi chúng ta muốn nói về Chúa với những người chưa phải là Cơ-đốc nhân, nếu họ thấy được hình ảnh Niềm Tin của chúng ta thanh sạch, chúng ta có lòng yêu thương tha nhân, thì lúc đó chúng ta mới có thể hy vọng đem những người này về được với Chúa. “Người khôn ngoan có tài được linh hồn người ta” (Châm-ngôn 11:30), “Làm niềm tin của anh chị em trong Chúa ngày một vững mạnh hơn, đưa người ngoại về được với Chúa” đó là tiêu chuẩn để chúng ta nhận biết được rằng chúng ta đã khôn ngoan theo ý Cha Thiên Thượng hay chưa. Cho phép tôi tin rằng chúng ta đã và đang cố gắng học hỏi và hành xử theo sự khôn ngoan mà Kinh Thánh đã dạy.