DANH NGÀI LÀ CHI ?

 

 

Với ly cà phê của Mc Donald trên tay, chàng lần bước đến Hyde Park. Nằm tại trung tâm khu thương mãi của Sydney, Hyde Park chẳng bao giờ vắng người, nhất là vào giờ trưa hôm nay. Sinh ra và lớn lên trong thế giới Tây phương, nơi người ta thường xét phương diện tâm lý của nan đề, chàng không biết các nhà tâm lý nơi đây nghĩ gì về việc chàng muốn ngồi giữa Hyde Park, giữa chốn đông người trong khi chàng thật sự muốn tìm nơi vắng vẻ. Và trong khi chàng muốn tâm trí tạm quên đi nan đề trước mắt, ly cà phê trên tay khiến chàng càng tỉnh trí hơn. Một lá thư có thể gây cho thế giới của một người phải sụp đổ? Phải nói đúng hơn là nội dung của lá thư đã gây cho thế giới của chàng sụp đổ. Không phải đâu. Xin đừng vội nghĩ là chàng bị tình phụ, bạn gái viết thư báo tin nàng đi lấy chồng. Đám trẻ ngày nay muốn gởi lời từ giã thì chỉ cần “text message” mà thôi, làm gì phải viết thư.

Hôm nay trời nắng, mây cao nhưng lại có gió. Sydney khí hậu rất ôn hòa, thỉnh thoảng mới có một lần khí hậu bất thường. Như hôm nay. Tiếng gió rít bên tai, như gào, như thét, như xé tâm hồn của một người đang đối diện với sự sụp đổ. Trong lúc không ngờ, chàng đã nhận được lá thư của Đại Học New South Wales, báo tin rằng vì chàng đã thi rớt môn “Thống Kê Học” trong ba học kỳ liên tiếp, chàng phải gặp Academy Board để trình bày lý do nào Đại Học nên cho chàng được tiếp tục học. Điều lá thư không nói lại là điều rõ ràng nhất. Nếu lý do chàng trình bày không thể chấp nhận được thì có nghĩa là chàng bị đuổi học.

Nếu bị đuổi học, chàng biết mình không phải là người duy nhất bị đuổi. Nhưng thường sinh viên bị đuổi vì lý do kỷ luật. Thành phần học kém như chàng không biết chiếm bao nhiêu phần trăm. Lẽ ra học môn “Thống Kê” chàng phải biết. Chàng sắp sửa trở thành một con số thống kê của Đại Học New South Wales. Vâng! Nếu phải từ giã Đại Học thì đành chịu. Chắc phải học một nghề nào đó. Chàng giỏi về mộc và thích nghề mộc. Trở thành một người thợ mộc có sao đâu. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Ngày xưa, Chúa của chàng cũng là một người thợ mộc. Vấn đề là làm sao chàng đủ can đảm báo tin này cho gia đình.

Chúa đã ban cho chàng một mái gia đình, và cho đến hôm nay, đó là tặng phẩm lớn nhất trong đời. Chàng dám nói rằng cha mẹ chàng là công dân gương mẫu của Úc Châu, đến Sydney với hai bàn tay trắng của đôi vợ chồng tị nạn Cộng Sản. Và từ đó, cha mẹ chàng làm lụng vất vả để nuôi hai con trai, được sinh ra và lớn lên trên đất Úc. Cha mẹ chàng không nhận trợ cấp xã hội, nuôi sống gia đình bằng việc làm chân chính, lương thiện, dạy hai con theo con đường của Chúa, theo đạo đức của gia đình, của ông cha để lại. Và kết quả là…

Có phải người ta nói gia đình nào cũng có một con chiên ghẻ, một con lạc bầy, một con là “trouble maker”? Anh chàng là con chiên ghẻ ấy và cả gia đình phải chịu chung với nhau. Dù người chịu trách nhiệm và hậu quả nặng nề nhất vẫn là cha mẹ, nhưng trong những năm giông bão của gia đình, có ai hiểu cho những điều chàng phải chịu. Mọi nỗ lực, mọi cố gắng đều đổ dồn vào anh chàng để cứu người thanh niên này ra khỏi con đường nghiện ngập. Chàng phải tự lo lấy thân. Những buổi cơm chiều diễn ra trong im lặng ngộp thở, không ai nói một lời, vì còn biết phải nói gì. Không ai trong gia đình cười cợt, đùa giởn cả. Vì thế, chàng cũng không cười. Tuổi thanh niên lớn lên trong một gia đình không một tiếng cười. Chàng sống như một bóng ma trong nghĩa địa của gia đình. Anh chàng rất ít khi có mặt ở nhà, và nếu anh ấy có mặt thì những trận chiến giữa anh và mẹ xảy ra liên tục. Đêm khuya, trong những lần uất ức, anh chàng đạp vào vách phòng ngủ. Những tiếng rầm rầm vang lên trong bầu không khí yên lặng tiếp tục giúp gia đình sống không tiếng cười. Chàng vẫn cắp sách đến trường, từ trung học lên đến đại học. Không ai trong gia đình phải lo lắng bận tâm chàng học hành ra sao, vì chàng là người kỷ luật, không trốn học, sau giờ học thì về nhà, không bao giờ lêu lổng ngoài đường.

Và bây giờ đến lá thư này. Làm sao chàng báo tin cho cha mẹ, biết rằng họ là hai ngọn đèn gần tàn, chỉ chờ ngày tắt hẳn. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thôi, hai ngọn đèn này sẽ tắt, kéo theo ngọn đèn của anh, và nếu ba ngọn đèn trong gia đình sẽ tắt, ngọn đèn của chàng sẽ ra sao?

Hyde Park hầu như lúc nào cũng đông người, hình ảnh của một Sydney đầy sức sống. Có lẽ ngoài những người homeless, Hyde Park đầy những người ăn mặc sang trọng, chỉnh tề, những gương mặt yêu đời, đầy tự tin, đầy năng lực, bước chân nhanh nhẹn, cười nói rộn ràng. Trong giây phút này, dù không thích hợp với đám đông, chàng muốn hòa mình với họ, nhờ sức sống của họ mong rằng mình nhận được một ít niềm vui, dù chỉ một ít thôi. Ly cà phê đã cạn từ lâu. Chàng đứng lên ra về. Ga xe lửa của trung tâm Sydney nằm trong đường hầm, nên khi xe lửa đến, chàng thấy ánh sáng đèn xe nơi cuối đường hầm. Trong lá thư viện Đại Học gởi cho chàng, nơi cuối thư họ có cho chàng một chút ánh sáng nơi cuối đường hầm. Họ đề nghị chàng nhờ một counsellor của viện Đại Học giúp đỡ.

Dù chưa bao giờ phải nhờ đến dịch vụ của counsellor, chàng hiểu đại khái rằng đây là những người tư vấn, giúp đỡ ý kiến, chỉ dẫn cho sinh viên biết suy nghĩ, phân tích, lựa chọn con đường, phương cách đúng nhất, hay nhất và hậu quả của quyết định. Họ không bảo mình phải làm gì, chỉ giúp mình phân tách và tự lựa chọn. Sự lựa chọn là của mình, trách nhiệm là của mình, hậu quả là của mình, counsellor chỉ là người hướng dẫn.

Đến ngày hẹn với the Academy Board, hai người cùng đến trước phòng họp. Chàng như đi trên mây, đầu lâng lâng, mắt nhìn thẳng nhưng không thấy gì. Counsellor của chàng là một người đàn ông gần bốn mươi tuổi, một người xa lạ chàng gặp lần đầu trong đời, nhưng đã trút đổ tâm sự, nỗi lòng, hoàn cảnh gia đình, nỗi run sợ cho tương lai và những điều chàng phải đối diện nếu buổi họp hôm nay không kết quả. Những giờ trút đổ tâm sự với counsellor chỉ giúp chàng được nhẹ nhàng đôi chút, vì ít nhất bây giờ trên đời cũng có một người hiểu hoàn cảnh của chàng. Trước khi mở cửa bước vào, counsellor quay sang nhìn chàng và căn dặn rằng dù bất cứ điều gì xảy ra, dù tình hình như thế nào, chàng phải giữ, không nói một lời. Counsellor sẽ thay chàng để nói chuyện với the Academy Board.

Căn phòng không lớn lắm nhưng bầu không khí thật ngộp thở, ít nhất là đối với chàng. Chiều ngang của căn phòng lớn hơn chiều dài và ở cuối phòng, một chiếc bàn dài nằm theo chiều ngang với mười chiếc ghế trên đó có mười người ngồi với gương mặt thật nghiêm trọng. The Academy Board của viện Đại Học New South Wales gồm mười vị lớn tuổi, giáo sư đại học với nhiều kinh nghiệm, mái tóc phong sương, gương mặt trầm trọng vì công tác trầm trọng của họ. Có lẽ không ai yêu thích công tác đuổi học người khác, nhưng đây là công việc của họ: thẩm định từng trường hợp sinh viên đại học gởi đến họ. Đại đa số các vị này là nam, chỉ có hai nữ. Chàng thầm mong rằng với thái độ thật của mình, không chút giả dối của một thanh niên đang chờ đem chôn, tiu nghỉu, đầu cúi xuống, hai tay nắm chặt nhau, ít nhất họ cũng có chút lòng thương hại. Chàng và counsellor ngồi vào hai chiếc ghế đặt ở cuối phòng, trước hai chiếc bàn nho nhỏ, đối diện với mười vị của Academy Board.

Cuộc đối thoại bắt đầu. Trong bầu không khí căng thẳng, những câu hỏi được đưa ra tới tấp, hết câu này đến câu khác. Mười người hỏi và chỉ có một người trả lời. Dù cúi đầu im lặng nhưng chàng vẫn nghe thật rõ tiếng người counsellor bên cạnh. Điều khiến chàng xúc động tận tâm can là dù tiếng của người counsellor, nhưng tâm sự, hoàn cảnh, nỗi lòng… là của chàng. Counsellor đã thay thế chàng, đã đại diện chàng, đã biện hộ cho chàng, bênh vực chàng, bảo vệ chàng, tha thiết trình bày, nài xin cho chàng, tin tưởng nơi chàng… Chàng không biết có một người nào trên thế giới này, trong giây phút ấy, có thể hiểu và bênh vực chàng hơn được thế này không. Chỉ một đôi lần, chàng bị bắt buộc phải trả lời những câu hỏi trực tiếp về tương lai, chàng dự định sẽ làm gì để cải thiện, để chuộc lại lỗi lầm…Sau một cuộc tra vấn, thường người ta thở phào nhẹ nhỏm, nhưng hôm nay, buổi họp chấm dứt rồi mà chàng vẫn chưa thở được. Dù buổi họp hôm nay sẽ mang lại kết quả gì, kết quả này là cuối cùng, sẽ không có một buổi họp thứ hai. Sẽ không có lời biện minh thứ hai. Sẽ không có sự bênh vực thứ hai. Một lần này sẽ đủ cả. Bên ngoài cửa, chàng bắt tay counsellor, tha thiết cám ơn, và hai người từ giả nhau.

Vì công việc, chàng phải nhiều lần đến Trung Tâm Thương Mãi của Sydney trong năm nhưng rất ít khi nào chàng dừng lại ở Hyde Park. Nhưng hôm nay, trong công tác bận rộn của ngày, chàng quyết định dừng bước nơi đây. Hyde Park hôm nay cũng đông như Hyde Park năm nào. Có khác chăng là ly cà phê của Mac Donald không có trên tay. Giữa rừng người đ̣ầy sức sống, đầy niềm vui, đầy tự tin, đầy yêu đời, chàng tự hỏi không biết có bao nhiêu người là Cơ Đốc Nhân, và trong số Cơ Đốc Nhân này, không biết có bao nhiêu người nhớ đến La-xa-rơ, người chết đã được Chúa gọi sống lại. Và trong số những người biết câu chuyện này, có bao nhiêu người hiểu rằng một La-xa-rơ của thế kỷ thứ 21 đang đứng giữa họ.

Chàng đã trở thành một số thống kê của Viện Đại Học, không phải con số của những sinh viên bị đuổi học, nhưng là con số được cho cơ hội cuối cùng. Dù nhiều năm đã trôi qua, chàng vẫn chưa gặp lại Counsellor, người Chúa đã sai đến giúp chàng trong giờ nguy ngập. Chàng vẫn nhớ Counsellor, nhưng chàng nhớ Người đã sai Counsellor đến nhiều hơn. Kinh nghiệm theo Chúa của chàng càng lúc càng sâu đậm hơn, hình ảnh của Chúa trong cuộc đời càng lúc càng rõ ràng hơn, đôi mắt của Đấng thương yêu, bảo vệ, chăn dắt vẫn tiếp tục theo những bước chân của chàng trên mọi nẻo đường đời. Chàng không biết sau khi được sống lại, La-xa-rơ đã gọi Chúa là gì – Đức Chúa Trời tôi? Đấng Tạo Hóa tôi? Đấng cải tử hoàn sinh? Cứu Chúa tôi?... Những người không có kinh nghiệm như La-xa-rơ cũng đã gọi Chúa bằng những danh xưng ấy, người có kinh nghiệm như chàng chắc phải gọi Ngài bằng một Danh đặc biệt. Chàng nhớ rằng trước khi Chúa giáng sinh, Ngài đã được gọi là Cố Vấn Diệu Kỳ, Đức Chúa Trời Quyền Năng, Cha Đời Đời, Hoàng Tử Hòa Bình. Không ai trong nhân loại từ cổ chí kim mang danh này. Nhưng hôm nay, tại Hyde Park, giữa lòng thành phố Sydney, giữa rừng người đang vui sống, chàng nhớ đến Chúa và nhớ đến ơn cải tử hoàn sinh của Ngài, chàng không biết phải gọi Ngài là gì. Chàng ngẩng mặt lên, bầu trời đầy mây xanh của một ngày nắng đẹp. Hôm nay, chàng hiểu xâu xa rằng ngôn ngữ loài người thật giới hạn, nhất là trong việc diễn tả xúc cảm. Nếu muốn tạ ơn Chúa qua ngôn ngữ, chàng phải làm sao? Đức Chúa Trời Quyền Năng của con ơi, con tạ ơn Ngài. Không đủ. Cố Vấn Diệu Kỳ của con ơi, con cảm ơn Ngài. Không đủ. Cha Đời Đời ơi, con tạ ơn Ngài. Không đủ. Hoàng Tử Hoà Bình ơi, con cám ơn Ngài. Không đủ. Chàng muốn la lớn tiếng giữa Hyde Park nhưng lại không muốn mọi người chú ý đến mình. Nên chàng đã làm điều chàng có thể làm được dù đang trong phòng riêng hay giữa chốn đông người. Chàng lẩm bẩm trong miệng lời đến từ tận đáy tim: Con tạ ơn Ngài, Chúa của con, DANH TRÊN HẾT MỌI DANH. 

 

Đoàn Thu Cúc