“Bấy giờ, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó. Nhưng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là một môn đồ về sau phản Ngài, nói rằng: Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê đặng bố thí cho kẻ nghèo?... Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta. Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn.” (Giăng 12:3-5, 7-8).

 

 

Chúa Cứu Thế Jesus và mười hai môn đệ đến làng Bê-tha-ni, nơi La-xa-rơ là người Ngài đã gọi từ kẻ chết sống lại, và ăn bữa tại đó. “Bê-tha-ni” có nghĩa là “Nhà của những người nghèo”. Đang bữa ăn, Ma-ri, em gái của La-xa-rơ “lấy một cân dầu cam tùng hương thật, rất quí giá, xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau; cả nhà thơm nức mùi dầu đó.” gây ra phản ứng từ các môn đệ của Ngài, đặc biệt là Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Họ có ngân quỹ chung và rất cần sự dâng tiền rời rộng của nhiều người, nên nếu muốn ủng hộ chức vụ của Chúa Cứu Thế Jesus, Ma-ri có thể bán dầu thơm đó dâng vào ngân quỹ chung thay vì đổ dầu thơm đắc tiền đó chỉ để xức chân.

 

Chúa Cứu Thế Jesus nghe xong, đáp: “Hãy để mặc người, người đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn xác ta. Vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở với mình, còn ta, các ngươi không có ta luôn luôn.” Hành động “hy sinh” lọ dầu thơm đắc tiền để xức chân Chúa Cứu Thế Jesus của Ma-ri đến từ động cơ kính yêu và tận hiến của nàng đối với Ngài, mà động cơ này phản ảnh sự hy sinh cao cả và tận hiến của Chúa Cứu Thế Jesus đối với nhân loại trên cây thập tự.

 

Vì thế, lòng kính yêu và tận hiến đối với Chúa Cứu Thế Jesus không “rẻ”, và chúng ta bày tỏ gì cho thế giới về lòng kính yêu và tận hiến này ?

 

 

Mục sư Đoàn Trung Chánh