Trong mùa bầu cử, các ứng cử viên thường ra sức phê bình lẫn nhau để hạ đối thủ và chẳng bao giờ tự phê bình mình cả. Tại Hoa Kỳ, năm 2020, khi ông Joe Biden, ứng cử viên được đảng Dân Chủ chấp thuận để ra tranh cử Tổng Thống đã phê bình đương kim Tổng Thống Donald Trump :

- Donald Trump đã che dấu nước Mỹ trong bóng tối quá lâu.

Donal Trump, ứng cử viên cho đảng Cộng Hòa nói với người hướng dẫn chương trình Hugh Hewitt của Fox News về Joe Biden như sau :

- Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ nếu Donald Trump thua trong cuộc bầu cử này. Nếu tôi không đắc thắng, Trung Quốc sẽ sở hữu nước Mỹ. Người Mỹ sẽ phải đi học tiếng Trung Quốc.

Đến nay, sau gần bốn năm, thực hư ra sao, hẳn đã rõ. Nước Mỹ cũng chẳng đi qua bóng tối vì chính sách kinh tế của Hoa Kỳ đang đi vào ngõ cụt, và Trung Quốc cũng chẳng sở hữu nước Mỹ. Trên thế giới người ta chỉ thấy người Mỹ quá chia rẽ.

Trong sinh hoạt xã hội, người đời cũng thường phê bình lẫn nhau theo nhận thức của mình. Theo cách phê bình, chúng ta có thể đánh giá trình độ của người phê bình và người bị phê bình.

Trong một buổi diễn kịch, tác giả vở kịch được giới thiệu trước buổi trình diễn. Tan buổi trình diễn, một ông tới nói với tác giả :

- Vở kịch ông soạn, theo sự nhận xét của tôi chẳng mấy hay. Tác giả mỉm cười trả lời :

- Tôi có thể đồng ý với ông, vở kịch chẳng hay mấy. Nhưng làm sao so sánh được cả trăm người thấy hay và vỗ tay.

Trong các chế độ độc tài, chuyên chế, người ta ít nói tới phê bình, nhưng cấp cao thường bắt nạn nhân “tự phê bình”, tự chê mình, tiếng thời đại là “tự kiểm thảo”. Và khi nạn nhân chê mình ít, thì bị gán tội thiếu trung thực. Nhiều nạn nhân đã phải tự chê mình theo đúng tiêu chuẩn cấp cao đặt ra để khỏi phải tiếp tục bị mời “làm việc”.

Phê bình người dễ mất lòng vì tự ái họ bị chạm. Phương pháp lãnh đạo cho ta biết cách phê bình, mà người bị phê bình không buồn, còn chấp nhận điều sai lầm của mình một cách dễ dàng để chỉnh đốn. Đó là trước khi phê bình, phải tìm ra một vài ưu điểm để khen, làm đối tượng vui và cảm thấy mình có giá. Sau đó mới phê bình một điểm, vì đang vui nên sẵn sàng nghe và biết người phê bình quan tâm đến mình. Sau khi phê bình, phải kết thúc bằng một câu khen thêm ưu điểm. Chính cái ưu điểm kết thúc sẽ đem người đó trở về “thủa ban đầu”. Người bị phê bình không thấy mình mất giá, mà lại nhận ra điều được phê bình là quan trọng, để mình có trọn ưu điểm.

Thường chúng ta không muốn ai phê bình mình, nên chính mình lại “tự phê” hay chê mình là điều không thể được. Thường chúng ta lo che đậy, giấu diếm cái bất toàn của mình để người ta không thấy mà phê bình và chính chúng ta cũng chẳng muốn thấy.

Mục sư Phan Thanh Bình đã chia sẻ những kinh nghiệm về “tự phê” và “phê bình” của ông vào thời kỳ học tiến sĩ thần học tại Hoa Kỳ như sau : “Trong chương trình Tiến Sĩ Lãnh Đạo, tôi phải lấy đến 7 lớp Giảng Luận. Sau mỗi lớp học, các sinh viên phải thực hành điều mình học bằng cách lên thuyết trình một đề tài tự mình chọn. Sinh viên lên thuyết trình có máy video thu hình và thu âm thanh. Sau khi thuyết trình, máy chiếu lại để toàn lớp nhận xét phê bình. Người phê bình đầu tiên là chính diễn giả.Diễn giả “tự phê” với vẻ mặt vui tươi như khám phá điều bất ngờ nơi mình. Kế đó, các bạn cùng lớp “phê bình” làm cho diễn giả thêm vui, vì được bạn thấy điều thiếu sót mà mình không thấy.”.

Con người trong xã hội luôn là “kịch sĩ”, sống vậy mà không phải vậy. Tục ngữ ta có câu : Cái áo không làm nên thầy tu. Miệng Nam mô, bụng một bồ dao găm. Ca dao nước ta có câu :

Miệng ngoài thơn thớt nói cười,

Mà trong nham hiểm giết người không dao.

Cơ Đốc nhân chân chính mà là “kịch sĩ” thì Kinh Thánh gọi đó là “kẻ giả hình”. Chúa Jêsus đã nói với những người trong hàng giáo phẩm lúc bấy giờ như sau : “Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy” (Ma-thi-ơ 23:27). Thời nay, Kinh Thánh cũng “phê bình” giới lãnh đạo tôn giáo làm cho người theo họ “bị lầm lạc bởi sự giả hình của giáo sư (mục sư) dối, là kẻ có lương tâm đã lì” (I Ti-mô-thê 4:2).

Chúng ta có thể bỏ qua sự “phê bình” sai của người đời, áp dụng phương cách : “chó sủa mặc chó, đàn lạc đà cứ đi”. Chúng ta cũng có thể tự trấn an trước lời phê bình đúng vì “con người là bất toàn”.

Cơ Đốc nhân cân chính luôn “tự phê bình” khi thấy tư tưởng, lời nói, hành động không đúng như lời Kinh Thánh dạy. Vua Đa-vít “tự phê bình” nhưng sợ thiếu sót vì chưa có sự Kinh Thánh chỉ dẫn nên cầu xin : “Đức Chúa Trời ơi, xin hãy tra xét tôi, và biết lòng tôi; Hãy thử thách tôi, và biết tư tưởng tôi” (Thi-thiên 139:23).

Có người lái xe, không ngừng lại nơi bảng “STOP”, xe cảnh sát đuổi  theo bắt dừng lại và hỏi :

- Anh có thấy bảng “STOP” không ? Người đáp :

- Tôi thấy chứ. Cảnh sát hỏi :

- Tại sao anh không dừng lại ? Người đáp :

- Vì tôi không thấy cảnh sát.

Cơ Đốc nhân không có lời Chúa trong tâm phạm tội, đôi khi an tâm vì chẳng ai biết, ngay cả Chúa cũng không biết. Nhưng Cơ Đốc nhân chân chính phạm tội, người ta không biết, nhưng biết rằng Chúa biết, vì Ngài phán rằng : “Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế” (Ma-thi-ơ 28:20).

Chúa Jêsus đã nói về người con trai hoang đàng, đã biết “tự phê” rằng mình “không đáng gọi là con của cha nữa” (Lu-ca 15:19). Biết bao Cơ Đốc nhân nhận thức mình là “người thánh và rất yêu dấu của Ngài” (Cô-lô-se 3:12), thì từ tư tưởng đến hành động luôn “xét điều chi vừa lòng Chúa” (Ê-phê-sô 5:10). Chính “tự phê” mới giúp ta “xét” được “đôi khi vừa lòng mình” mà không “vừa lòng Chúa” là ta “bỏ”.

Một vị Mục Sư ở Hoa Kỳ đã có lời tâm tình như sau.

Tôi là Mục Sư nói hơi nhiều để giảng dạy Lời Chúa hầu “dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16). Mỗi lần làm song phận sự đều “tự phê”, “xét” và thấy đôi khi thiếu “ân hậu” như Lời Kinh Thánh dạy : “Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô-lô-se 4:6). Đôi khi thiếu “nêm thêm muối” nên chẳng vừa miệng người nghe và không được chấp nhận.

Đôi khi “tự phê” về thời điểm “đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô 4:29). Đôi khi “tự phê” về thời điểm “đáng nói” lại không dám nói như Lời Kinh Thánh dạy : “Đừng sợ chi; song hãy nói và chớ làm thinh” (Công-vụ các Sứ-đồ 18:9).

Sau khi “tự phê” tôi đã dùng lời cầu nguyện của Vua Đa-vít cho mình : “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy giữ miệng tôi, Và canh cửa môi tôi” (Thi-thiên 141:3).

Bởi “tự phê” tôi xin Chúa cho tôi biết : “có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra” (Truyền-đạo 3:7) vì “Lời nói phải thì, Khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc” (Châm-ngôn 25:11).

Bởi “tự phê”, khi tôi nói yêu thương với tha nhân, thiếu việc làm, rồi sực tỉnh lúc nhớ lại Lời Kinh Thánh dạy : “chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật” (I Giăng 3:18) và hối tiếc là tôi “tự phê”, và phải yêu mến “bằng việc làm và lẽ thật”, chính sự yêu mến này “là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra” (I Ti-mô-thê 1:5).

Những người không “tự phê” vì luôn ngó xuống “Ngó lên mình chẳng bằng ai, Ngó xuống thì thật khó ai bằng mình”.

Thưa quý anh chị con cái Chúa,

Người luôn “tự phê” vì biết : Muốn giỏi phải biết mình dở chỗ nào. Chúng ta không cần “tự phê” trước công chúng hay người thân quen vì chẳng ích gì. Một mình, mình biết, một mình, mình hay là đủ. Khỏi nhận thêm lời “phê bình” trong thiên hạ. Con cái Chúa chân chính “tự phê” theo tiêu chuẩn chân lý trong Kinh Thánh và “nhìn xem Đức Chúa Jêsus” (Hê-bơ-rơ 12:2), là trình lên Chúa “tự phê” của mình. Chính Chúa sẽ giúp chúng ta “được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:12).